Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ 26/9 đến 6/10/2009 đã thu hút 19 đơn vị tham gia với 27 vở, trong đó có 8 đơn vị xã hội hóa tham gia 12 vở…
Sân khấu TP.HCM được tiếng là địa bàn hoạt động của các sân khấu xã hội hóa, thu hút được số lượng công chúng đông đảo… Xã hội hóa có nghĩa là dàn dựng vở không đụng đến đồng tiền ngân sách, do vậy bằng mọi cách khi đồng tiền bỏ ra từ túi tư nhân, nó phải được quay vòng vốn và có lãi. Vì thế trước nay, khi nhắc đến những vở được dàn dựng từ sân khấu tư nhân, người ta thường nghĩ ngay đến yếu tố thị trường, đến những vở diễn dễ dãi chỉ chú trọng doanh thu.

Mối tình Trọng Thủy - Mỵ Châu chỉ là cái cớ để lấy tình ban giao.
Dù luôn chịu áp lực bởi doanh thu và phải bằng lòng với những vở giải trí đơn thuần, nhưng, đơn vị nào cũng mơ ước được dàn dựng những vở nghệ thuật thực sự trên bảng hiệu của mình. Chính ngọn lửa đam mê nghề ấy đã giúp các sân khấu tư nhân dũng cảm dàn dựng những vở mà họ tâm huyết…
400 triệu mà công ty cổ phần Vân Tuấn bỏ ra (Sân khấu kịch Phú Nhuận) làm nên một Nỏ thần chính là từ tâm huyết này. Đạo diễn Đức Thịnh đã hội đủ tài và lực để bay theo khát vọng làm nghề của mình. Và anh đã thành công.
Nỏ thần của anh không hề sướt mướt bi thương khóc cho những hạt trân châu thấm đỏ máu nàng Mỵ Châu. Mối tình ấy chỉ là cái cớ để Nỏ thần khơi dậy trong mỗi người Việt Nam đương đại “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. “Chiến trường ai cũng nghĩ phải có giáo có gươm, ít ai ngờ chiến trường nằm trong vàng bạc, ngọc ngà, rượu ngon, gái đẹp…”, câu nói của Nhan Tấn đã khái quát hết những gì mà các tác giả muốn gửi gắm.
Sân khấu chỉ còn lại hai lực lượng đối kháng: Một bên là sự tự mãn, hưởng lạc, một bên là rắp lòng rửa mối hận không nguôi. Sự cả tin vào kẻ thù của An Dương Vương không phải chỉ là ngây thơ mà còn chính là căn bệnh kiêu căng của kẻ chiến thắng. Đó chính là tử huyệt để kẻ thù xốc mũi kiếm bọc bằng vật chất, phù hoa vào.
Trong chiến tranh, anh em cùng sức cùng lòng chống giặc, nhưng hòa bình chính là lúc mỗi người cảm thấy mình có quyền hưởng thụ. Và đó chính là lúc mà vật chất có sức mạnh khuynh đảo dữ dội nhất trong lương tri mỗi con người…
Đó cũng là nỗi trăn trở của Người thi hành án tử (Sân khấu kịch Thành phố). Trong chiến tranh, khi cận kề cái chết, kẻ hèn nhát và người anh hùng như hai đối cực nên quá dễ dàng phân định. Nhưng trong cuộc sống êm ái của nhung lụa, sự tha hóa của con người thực lòng khó nhận ra, bởi vết trượt đẩy người ta về phía địa ngục, chính bản thân họ còn không nhận biết. Và chính vết trượt êm ái ấy đã nhận chìm biết bao anh hùng thành những tên tội phạm.
Vở kịch đặt ra một tình huống khá gay gắt khi trung tá Nguyễn Mạnh (Khánh Hoàng), người chỉ huy của đội thi hành án gặp lại người anh hùng mà anh đã tôn vinh trong chiến tranh. Đại đội trưởng Trần Luân (NSND Thế Anh), người đã cứu sống anh, dạy cho anh bài học làm người bây giờ đang đối diện trước anh với bản án tử hình.
Đó là một sự thật mà cả đất nước này đang quằn nặng với nỗi đau nhức nhối. Bởi không phải một mình Luân gục ngã, mà lưỡi kiếm sắc của phù hoa vật chất đã và đang giết chết biết bao anh hùng như Luân.
Hai người gặp nhau trước giờ thi hành án. Đó là cuộc đối mặt của lương tri. Mạnh nói với người đứng trước mặt mình: “Em vẫn là người lính, vẫn sống xứng đáng là một người lính như anh đã từng dạy bảo”. Nhưng 30 năm, quãng thời gian đủ để những viên đạn bọc đường dìm chết lương tri của một anh hùng…!! Và những phát súng đã nổ trong tận cùng nỗi đau của người lính: “Đại đội trưởng Luân ơi, 30 năm trước anh đã giáo dục tôi thành một người tử tế. 30 năm sau, anh lại chửi rủa vì tôi là một người tử tế…”

Trung tá Mạnh không dám ôm vợ bàn bàn tay thi hành án tử.
Một của sân khấu tư nhân, một của sân khấu nhà nước, tuy hai đề tài kim cổ khác nhau, nhưng lại cùng có chung một nỗi ray rứt rất lớn của người đương đại.
Cái chiến trường mà Nỏ thần nhắc đến phải chăng đang lớn dần và đang khuynh đảo chính chúng ta hiện nay. Cái bóng tối mà Nhan Tấn tung ra, xâm chiếm từng anh hùng trong Thất hổ, những người đang gìn giữ báu vật giữ nước, có phải chăng chính là cái bóng tối đang làm phân tán lòng người hiện tại.
Phải, bởi đã có không ít người sinh ra, lớn lên từ mảnh đất này, từng tự hào với cuộc trường chinh giữ nước của dân tộc, nhưng đã và đang đứng về phía bên kia để đọc lời phán xét hàng triệu giọt máu đã nhỏ xuống vì độc lập dân tộc.
Và cũng đã không ít những anh hùng trong chiến tranh đang chết ngợp trong phù hoa vật chất, đã dùng chính quá khứ anh hùng của mình để làm bệ phóng cho dục vọng thấp hèn, vơ vét của công, tham ô sa đọa…
Không phải chỉ có một Trần Luân phải chịu án tử, đó chỉ là một điển hình cho bóng tối đang len lỏi trong từng ngõ ngách hiện nay. Bóng tối ấy phải được dẹp tan, và chừng nào những người như Cao Thục không phải thức một mình trong nỗi cô đơn thì khi ấy An Dương Vương mới mong giữ được nước Âu Lạc. Bài học của tổ tiên để lại vẫn còn vang vọng đến ngày nay…