Hỏi:
Công nguyên là gì? Công nguyên có phải là kỷ nguyên Công giáo không? Thế nào là trước Công nguyên và sau Công nguyên? Có người cho rằng dùng sau Công nguyên là sai? Xin Tạp chí cho biết ý kiến.
Chữ “t” trong địa danh thành phố Hồ Chí Minh có viết hoa không? Tại sao địa danh này đã có tên mới từ lâu là thành phố Hồ Chí Minh nhưng nhiều người vẫn gọi là Sài Gòn theo tên cũ. Xin hỏi, gọi như vậy có hợp lý không?
Nguyễn Thị Mỹ Dung (TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp)
- Học giả nguyễn Quảng Tuân trả lời:
1. Công nguyên là kỷ nguyên lấy năm (theo truyền thuyết) Chúa Jésus ra đời làm năm đầu tiên để tính thời gian. Nếu là trước năm đó thì gọi là Trước Công nguyên, nếu là sau năm đó thì gọi là Sau Công nguyên. Do đó, trong nhiều ngôn ngữ Châu Âu, tiếng Pháp gọi là Ère chrétienne, tiếng Anh gọi là Christian Era nhưng tính từ Chrétien (ne) hoặc Christian chỉ diễn ý “có liên quan đến năm sinh của Chúa Jésus” chứ không có liên quan đến Kitô giáo vì thực ra đến giữa thế kỷ thứ I tôn giáo này mới chính thức ra đời nên Công nguyên không thể hiểu là “kỷ nguyên Công giáo” được. Chính vì lẽ đó mà người Pháp thường viết là Av.J.C (Trước Thiên chúa) và Apr.J.C (Sau Thiên chúa). Hiện nay, người Trung Quốc gọi lịch đang thông dụng là Công lịch (công = chung).
Vậy ý kiến cho rằng dùng “Sau Công nguyên là sai” là có lý. Tiếc rằng quyển Từ điển Bách khoa Việt Nam và Từ điển Tiếng Việt (do Hoàng Phê chủ biên) đều giảng sai khái niệm đó khi cho rằng: “Công nguyên là năm gốc của hệ tính thời gian đang thông dụng trên thế giới”.
2. Chữ “t” trong tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh phải viết hoa mới đúng vì đây là tên gọi chung cả một địa danh. Tên gọi ấy đã được đặt ra từ năm 1975, đã lâu rồi và mọi người dân kể cả người nước ngoài đều đã quen dùng như trong câu chuyện thường ngày cũng có người nói là “Sài Gòn” vì nó ngắn gọn. Đó cũng chỉ là do thói quen thôi, cũng như khi ta nói: Hà Nội – Huế - Sài Gòn nhưng tên chính thức của Sài Gòn vẫn là Thành phố Hồ Chí Minh.