Công tử Bạc Liêu bị lạc quyên

Sau cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, chung quanh Sài Gòn thành lập nhiều cánh quân đội, có hai cánh trội nhứt là bộ đội Bà Quẹo của Mười Trí và bộ đội Phú Thọ của Bảy Viễn. Nhưng nhiều chiến sĩ bên bộ đội Bà Quẹo thường đùa cợt chỉ huy trưởng bộ đội Phú Thọ là: “Bảy Viễn đánh giặc như con c..., ăn vặt như con heo”.

Đúng vậy, vào đêm 6 tháng 1 năm 1946, tổng hành dinh của Bảy Viễn ở Phú Thọ Hòa bị Tây tập kích, cả quân lẫn chỉ huy bỏ chạy tan tác tựa bầy gà con bị chồn vồ. Bảy Viễn nhờ chui xuống ống cống mà thoát nạn. Chỉ có vị chánh trị viên chống cự đến cuối cùng, anh này tên Tư Carê. Anh bị bắt và bị Tây xử bắn vào ngày hôm sau.

Đó là tài đánh giặc, còn tài ăn vặt thì... giỏi khỏi phải nói. Với danh nghĩa là chỉ huy trưởng một đơn vị bộ đội, Bảy Viễn không cần phải tổ chức “đi hát” như trước, mà chỉ đi “lạc quyên” như xung công tiệm này, bắt bớ thương gia nọ buộc họ lạc quyên vào quỹ nuôi quân. Làm nhiều vụ nhỏ cũng chán, Bảy Viễn chĩa mục tiêu vào ông chủ một biệt thự ở đường Nguyễn Du (bây giờ) có tên là Trần Trinh Huy (Ba Huy), biệt danh Công tử Bạc Liêu.

pic

"Công tử Bạc Liêu" Trần Trinh Huy

Để “mời” Ba Huy đến tổng hành dinh, phải chọn ai? Bảy Viễn còn đang suy tính. Một hôm tài xế Tư Sạch giới thiệu một thanh niên tuổi trạc 30, có thân hình vạm vỡ như một võ sĩ, tên Tám Tâm. Bảy Viễn bảo Tám Tâm trình bày kế hoạch “mời” Ba Huy... Sau đó thấy kế hoạch rất hoàn mỹ, Bảy Viễn đồng ý, cấp cho Tám Tâm một tài xế và một chiếc xe Huê Kỳ sang trọng, may cho ba bộ đồ “lớn” và đưa theo 2.000 đồng bạc.

Suốt một tuần, Tám Tâm đóng vai khách làng chơi, tới nhà Tuyết Lan “mèo ruột” của Ba Huy ở đường Chasseloup Laubat (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), là bà chủ sòng bạc loại sang. Thua hay đặng gì, Tám Tâm cũng ăn tiêu rộng rãi, rất mực hào hoa.

Đến ngày thứ ba, Tám Tâm ngỏ lời với bà chủ sòng bạc Tuyết Lan muốn đến chơi tại nhà của Ba Huy cho “xứng đào xứng kép”. Tuyết Lan thấy Tám Tâm là khách xộp vui vẻ giới thiệu và hẹn ngày giờ.

Đúng vào ngày đã định, Tám Tâm ngồi xe Huê Kỳ tới. Tài xế Tư Sạch nhấn kèn theo ám hiệu đã quy định. Tức thì cảnh cửa sắt mở toang cho xe vô. Đám bảo vệ chỉ thấy mình Tám Tâm trên xe, ăn mặc sang trọng nên yên tâm, đưa vào tận thềm.

Bước vào đại sảnh, Tám Tâm thấy Ba Huy ngồi dựa ngửa ở bàn giữa, đưa tay mời ngồi.

- Chào khách quý!

Tám Tâm ung dung trình giấy mời của Bảy Viễn:

- Ngài Ủy viên quân sự gởi công văn cho ông.

Vừa thấy chữ ký của Bảy Viễn, Ba Huy tái mặt toan chụp điện thoại báo động. Tám Tâm lẹ làng chặn lại, rút khẩu súng lục ra:

- Nếu báo động là ông sẽ chết ngay tức khắc! Đây, ông xem hình tấm lịch treo trên đó.

Dứt lời, Tám Tâm vẩy một phát. Cô gái trong tấm lịch thủng con mắt phải. Hất khẩu súng văng lên cao, Tám Tâm bắt lấy bằng tay trái và tiếp tục vẩy thêm một phát nữa. Hình người đẹp trong tấm lịch trở thành cô gái mù. Mặt Ba Huy xanh mét không còn hột máu, mặc dù bấy giờ Ba Huy mới vào tuổi 45, tướng tá còn vạm vỡ, mặt mày hồng hào.

Ba Huy run rẩy:

- Vậy ông muốn gì?

- Ông mau thay đồ theo tôi gặp ngài Ủy viên quân sự.

Ba Huy quay lại sau mở cửa tủ sắt hốt bạc đầy hai tay để lên bàn:

- Tôi sợ lắm! Tiền bạc ở đây ông muốn lấy bao nhiêu thì tùy tiện.

Tám Tâm khoát tay:

- Tôi không phải là ăn cướp, chỉ lãnh nhiệm vụ mời ông gặp ngài Bảy Viễn bàn việc lạc quyên nuôi quân thôi. Tôi xin hứa là bảo đảm an toàn cho ông.

Ba Huy riu ríu thay đồ theo Tám Tâm ra xe. Bị kè súng, Ba Huy không dám làm ám hiệu với đám bảo vệ.

Tại biệt thự Sơn Tùng ở Phú Thọ Hòa, Bảy Viễn ra giá cho Ba Huy đóng vào quỹ nuôi quân 1 triệu đồng. Ba Huy thương lượng với điều kiện là khỏi phải đến “lạc quyên” lần thứ hai, ông ta đóng góp lần này 2 triệu đồng. Thời giá 2 triệu đồng bấy giờ tương đương 5 ký lô vàng. Sau đó Ba Huy được đưa về nhà tử tế, và tài xế Tư Sạch chở về 2 triệu bạc nộp cho Bảy Viễn...

Nguyên Hùng là người cung cấp câu chuyện này, tôi hỏi anh:

- Tám Tâm là nhân vật thế nào vậy?

Nguyên Hùng cười:

- Là người của Trung tướng Nguyễn Bình đưa vào để tiếp tục nhiệm vụ của đồng chí Tư Carê.

Anh Động sưu tầm