“Công tác cán bộ” thời Trần

Nhà Trần (1225-1400) là một triều đại thịnh trị của nước Đại Việt ở thế kỷ 13-14. Trải qua gần 200 năm tồn tại, nhà Trần, cả về mặt nội trị lẫn chống ngoại xâm, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đã để lại cho muôn đời con cháu mai sau những bài học kinh nghiệm quý giá với lòng tự hào sâu sắc.

Đặc biệt là chiến công ba lần đánh thắng giặc Mông–Nguyên, đội quân xâm lược hùng hậu nhất thế giới đương thời (vào những năm 1258, 1285 và 1288).

Xét về mặt tương quan lực lượng, nước Đại Việt lúc bấy giờ chỉ là một quốc gia nhỏ bé so với đế quốc Mông Cổ sừng sỏ, với một đội kỵ binh thiện chiến, mà vó ngựa sải đến đâu, một cọng cỏ ở nơi đó cũng không thể nào mọc lên nổi (!). Tuy nhiên, tổ tiên ta đã làm nên điều “thần kỳ” mà nước lớn Đại Tống ở phương Bắc không thể nào làm nổi!

Những thành tựu to lớn và tương đối toàn diện nói trên của nhà Trần bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất, theo tôi, do nhà Trần đã thực hiện rất tốt “công tác cán bộ” (theo cách nói hiện nay). Đó là việc trọng dụng đúng mức nhân tài, không phân biệt thành phần, nguồn gốc xuất thân, không “cánh hẩu”, đề bạt người thân thích của mình giữ các chức vụ quan trọng theo kiểu “một người làm quan, cả họ được nhờ” mà các chế độ phong kiến vẫn thường áp dụng. Điều đáng nói là việc thưởng, phạt rất nghiêm minh, khiến cho từ trên xuống dưới đều “tâm phục, khẩu phục”, không ai phải so đo, dị nghị!

pic

Đầu tiên là một số cách xử sự “không giống ai” nhưng cực kỳ tiến bộ của Thái sư Trần Thủ Độ (1194-1264), một vị “kiến trúc sư” quyết đoán, đã xây dựng nên vương triều Trần cường thịnh, mà không một thế lực nào có thể “bắt nạt” được. Chính sử còn ghi chép một số mẩu chuyện về ông như sau:

- Chuyện thứ nhất (tóm tắt): Linh Từ quốc mẫu (tức Thiên Cực công chúa) Trần Thị Dung – vợ Trần Thủ Độ – có lần đề nghị ông phong chức “Câu đương” (một chức quan nhỏ ở địa phương) cho người quen của mình. Trần Thủ Độ cho gọi người ấy đến, bảo: “Ngươi vì có Công chúa xin cho làm Câu đương nên không thể so với người khác được. Vậy cần chặt bớt một ngón chân để phân biệt!”. Người ấy sợ quá, xin mãi mới được tha. Từ đấy không ai dám đến nhà riêng để xin xỏ nữa.

- Chuyện thứ hai: Linh Từ quốc mẫu có lần ngồi kiệu đi ngang qua cung cấm, bị một người lính (bảo vệ) chặn lại. Bà tức mình, về dinh, khóc lóc với chồng: “Mụ này làm vợ ông, mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế!”.

Trần Thủ Độ nổi giận, sai gọi người lính “không biết tôn trọng phu nhân cấp trên” ấy lên để tra hỏi. Người ấy nghĩ rằng mình chắc chết, nên không chối, mà thành thực trình bày (đại ý): Phận “lính tráng”, chỉ biết làm theo nội quy, quy định của cấp trên thôi, chứ không có ý gì khác! Nghe xong, ông đổi giận làm vui, nói: “Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa!”. Bèn ban thưởng người ấy, rồi cho về.

- Chuyện thứ ba: Có lần vua Trần Thái Tông muốn ban cho người anh của Trần Thủ Độ là An Quốc chức Tể tướng. Thủ Độ tâu: “An Quốc là anh của thần. Nếu bệ hạ cho anh ấy giỏi hơn thần, thì thần xin trí sĩ. Còn nếu cho thần giỏi hơn thì không nên cử An Quốc. Nếu anh em đều làm Tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra sao?”. Vua bèn thôi, bỏ qua việc ấy.

- Chuyện thứ tư: Lại có người thấy Trần Thủ Độ quyền uy tột đỉnh, lấn át cả vua Trần Thái Tông, nên vào triều gặp riêng vua, vừa khóc vừa nói: “Bệ hạ còn nhỏ tuổi, mà Thủ Độ quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?”. Thái Tông lập tức ngồi xe đến dinh Thủ Độ, dẫn cả người dám “nói xấu Thái sư” theo, thuật hết những lời người ấy nói cho ông nghe.

Trần Thủ Độ trả lời vua: “Đúng như những lời hắn nói”, rồi lấy tiền, lụa thưởng cho người ấy, chứ không bắt tội…

Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (1232–1300) cũng vậy, luôn “chí công vô tư” trong việc dùng người, không phân biệt thành phần xã hội cũng như nguồn gốc xuất thân. Danh tướng Phạm Ngũ Lão (1255–1320) vốn là một anh nông dân nghèo có chí, được Hưng Đạo Vương phát hiện, đào tạo, và gả con gái (Quận chúa Anh Nguyên) cho.

Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Địa Lô… xuất thân từ tầng lớp gia nô, được ông tin dùng, lập nhiều chiến công hiển hách. Ngoài ra, một số danh sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ như Trương Hán Siêu, Trần Thì Kiến… cũng được ông tiến cử cho triều đình để trọng dụng.

Riêng Hưng Đạo Vương, do có nhiều công lao, được vua Trần Nhân Tông ban “đặc quyền” phong tước cho người khác từ “Minh tự” trở xuống (trừ tước “Hầu” được phong trước rồi tâu lên vua “chuẩn y” sau), nhưng ông chưa bao giờ sử dụng “đặc quyền” này (Đại Việt sử ký toàn thư - Tập II. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1993).

Chính nhờ làm tốt “công tác cán bộ”, nhất là cấp trên luôn nêu gương cho cấp dưới, nên nhà Trần – vào giai đoạn đầu của triều đại – đã tập hợp được sức mạnh của nhân dân cả nước, trên dưới một lòng, viết nên những trang vàng chói lọi của lịch sử dân tộc. Phải chăng, đây luôn là bài học quý báu cho hôm nay và cả mai sau?

Phan Trọng Hiền