Cầu đá cổ London sụp đổ trên sông Thames tái sinh trên đất… Mỹ!

ĐINH KỲ THANH

Hãy mở các trang quảng cáo du lịch Hoa Kỳ và đọc những dòng quảng cáo đầy hóm hỉnh này: “Chiếc cầu già London không bao giờ chết! Nó chỉ về hưu và đổi tên thành cầu London trên hồ Havasu mà thôi!”…

Một cây cầu đá cổ nổi tiếng tuyệt đẹp bắc qua dòng sông Thames của thủ đô London. Cây cầu này được xây dựng vào năm 1831 và đã trở thành một thắng cảnh cũng như một điểm du lịch rất thu hút du khách từ khắp năm châu tới chiêm ngưỡng. Tới năm 1962, cầu bỗng sụp đổ không rõ vì lý do gì. Dân chúng hết sức phẫn nộ, lên án Chính phủ Anh đã không hề ngó ngàng tới việc chăm sóc và tu bổ cây cầu lịch sử. Chính phủ bèn nghĩ kế rao bán nó để xoa dịu sự căm phẫn của dân chúng.


Cầu đá cổ London trên hồ Havasu

Nhiều người dân đã lên tiếng gièm pha: “Chỉ có người điên thì mới bỏ tiền mua thứ đồ bỏ này!”.

Vậy mà có một người “điên” đứng ra làm chuyện động trời đó.

Đó là một công dân Hoa Kỳ tên là Robert Mc Culloch. Ông đã mua lại cây cầu với giá 2.460.000 đô la Mỹ. Ông cho đánh dấu cẩn thận từng tảng đá và chỉ huy tháo dỡ nó chất lên tàu thủy, vượt hơn 16.000 km đường biển đem về Long Beach, California. Sau đó, các xe tải lại chở tất cả về tận vùng hồ Havasu hẻo lánh ở tiểu bang Arizona, miền tây nam Hoa Kỳ.

Ngày 23/9/1968, lễ đặt viên đá đầu tiên phục chế cầu đá London bắc qua hồ Havasu ở bang Arizona đã được tiến hành. Có mặt tại buổi lễ còn có Thị trưởng thành phố London đương nhiệm, được mời qua để chứng kiến sự tái sinh của cây cầu lịch sử.

Và điều kỳ diệu nằm ngoài sự tưởng tượng của dân chúng đã xảy ra, sau hơn ba năm làm việc cật lực, dưới cái nắng chói chang của sa mạc Arizona, trên làn nước xanh trong của hồ Havasu, ngày 10/10/1971, cây cầu đá London tuyệt đẹp từng soi bóng dòng sông Thames hàng thế kỷ, đã tái sinh nguyên vẹn với vẻ kiến trúc châu Âu oai nghiêm và hùng vĩ đến choáng ngợp của nó trên hồ Havasu!


Cầu đá cổ London trên hồ Havasu

Ngày khánh thành cầu cũng là một ngày lịch sử của thị trấn Havasu nghèo nàn và nhỏ bé được mở ra. Hàng ngàn du khách từ khắp nơi trên đất Mỹ đã kéo về đây để được tận mắt chứng kiến cây cầu đá cổ thành London từng sụp đổ trên sông Thames được nghỉ hưu vĩnh viễn ở vùng quê mới.

Tiếp theo đó là hàng ngàn du khách từ khắp nơi trên trái đất đổ về để chứng kiến cây cầu già cỗi của London không chỉ vì vẻ đẹp của nó mà cả vì lịch sử truân chuyên độc đáo tới bất ngờ!

Thế là tiền lại đẻ ra tiền. Tự nhiên thị trấn Havasu trở nên nổi tiếng và vùng hồ trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Những chiếc tàu du lịch sang trọng xuất hiện trên mặt hồ. Các nhà hàng, khách sạn, siêu thị... mọc lên như nấm khắp nơi. Dịch vụ vui chơi, thư giãn, mua sắm đồ kỷ niệm cũng ngày càng phát đạt...


Cầu đá bắt qua sông Thames năm 1800.

Bà Sue Barone, Chủ tịch Phòng Thương mại của thị trấn Havasu đã hết sức phấn khích khi xác nhận: “Tôi đã sống ở đây trong 18 năm và chứng kiến sự phát triển của cây cầu và thị trấn. Khi tôi tới đây, thị trấn chẳng có gì ngoài một cây cầu và vài cửa hiệu. Còn bây giờ, bạn hãy nhìn xem... Thành phố Havasu có hơn 1000 doanh nghiệp, một trường Đại học và có cả hai tờ nhật báo…!”.

Hãy mở ra các trang quảng cáo du lịch Hoa Kỳ và đọc những dòng quảng cáo đầy hóm hỉnh của họ, khi mời gọi du khách chọn tour thăm quan du lịch nghỉ dưỡng trên hồ Havasu: “Chiếc cầu già London không bao giờ chết! Nó chỉ về hưu và đổi tên thành cầu London trên hồ Havasu mà thôi!”

Rõ ràng nhà kinh doanh Robert Mc Culloch đã biết lợi dụng thời cơ và kinh doanh cả… lịch sử. Không chỉ hốt bạc cho mình, ông còn giúp cả thị trấn Havasu làm giàu nhờ tầm nhìn xuyên quốc gia và xuyên suốt… ba thế kỷ XIX, XX và XXI…