Câu chuyện chọn ngày

Sự việc rất thật trong “câu chuyện chọn ngày” này là của ông Ngô Văn Phương, sinh năm 1931 ở Cần Thơ trong một gia đình yêu nước, thân sinh của ông – cụ Ngô Văn Chất – là đảng viên Cộng sản năm 1947. Mười tám tuổi, ông Ngô Văn Phương tham gia chống Pháp ở chiến khu Đồng Tháp, Khu 9, Rừng U Minh và đến thời chống Mỹ lại tiếp tục chiến đấu ở Rạch Giá, Vĩnh Long, Sài Gòn.

Sau Giải phóng, ông tham gia nhiều công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh. Là ủy viên Mặt trận Tổ quốc, đại biểu Hội đồng Nhân dân, ông còn nắm những vị trí chủ chốt trong các tổ chức thể thao, khuyến học, nhưng quan trọng nhất là các vị trí lãnh đạo trong nhiều tổ chức kinh tế. Với những hoạt động quá mới, trong khi xã hội chưa có cơ chế phù hợp, vào năm 1983 ông bị giam giữ 370 ngày và rồi được tự do với kết luận là vô tội.

Ông luôn lạc quan, trung thành với lý tưởng Cách mạng, sống rất liêm chính và hoạt động tích cực trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông viết nhiều sách, nhiều loại, kể cả ẩm thực, quần vợt, hướng đạo, văn thơ… Tác phẩm Vì một nước Việt Nam phát triển của ông dày gần ngàn trang.

Chúng ta đều hiểu nói dối là điều xấu xa và nói dối với những bậc trưởng thượng của mình còn là bất kính. Nhưng nhận xét chung ấy có thể không còn thích đáng với những điều kiện riêng biệt của một trường hợp nào đó ở trong cuộc sống khá bộn bề này. Bởi tôi từng đã có lần nói dối, và dối với cấp trên mình về một vấn đề được xem như là thiêng liêng mà mãi năm năm sau đó tôi mới có thể thú nhận, nhưng tôi không hề hối hận về việc làm đó, nếu không nói rằng tôi có lý do để thấy tự hào.

Câu chuyện thật ra cũng rất giản dị, như nhiều chúng ta có thể gặp trong đời thường. Nguyên là từ khi đất nước chuyển vào giai đoạn đổi mới, tôi được chỉ định làm Tổng giám đốc điều hành hai công ty lớn. Nhờ trước Giải phóng, khi còn hoạt động trong vùng địch chiếm, là Sài Gòn này, tôi được phân công lo việc kinh-tài nên đã có dịp làm quen với nền kinh tế thị trường, hiểu rõ mặt mạnh, mặt yếu và những trở chứng thất thường của nó nên không có gì khiến tôi cảm thấy ngỡ ngàng.

Phải nói là những năm đầu, mới từ thời bao cấp chuyển sang, công việc làm ăn thật là ngổn ngang trăm mối và để điều hành vững mạnh cả hai công ty tôi phải làm việc mỗi ngày 15 giờ, theo một chương trình, kế hoạch đã được nghiên cứu hết sức chuẩn xác.

Giữa lúc đang bù đầu vào công việc thì tôi được tin cha tôi qua đời. Ở tuổi 76, ông được kể như đã không vội vã giã từ cuộc sống, song ai lại chẳng muốn cha mẹ mình còn mãi trên đời! Tôi càng thương cha vì mẹ chúng tôi mất sớm, ông đã ở vậy qua những năm dài vất vả trên những đám ruộng sình lầy nuôi dưỡng chúng tôi ăn học, và chớm trưởng thành tôi đã rời nhà để đi kháng chiến, rồi được phân công về Thành hoạt động, suốt 30 năm ít khi về được để thăm cha.

Đi từ Thành phố Hồ Chí Minh lúc 3 giờ chiều, đến 10 giờ đêm chúng tôi mới về đến nhà ở miền Tây. May mắn là ở quê nhà, ngoài vợ chồng em trai tôi còn một người bác ruột, 81 tuổi, lo lắng cho việc báo tang, tẩn liệm, dựng rạp, cáo phó…

Đêm ấy, tôi đã thức trắng ngồi canh bên quan tài cha, nghĩ ngợi về cuộc đời ông khổ nhọc nhiều bề và thấy xốn xang, ân hận đã không về được nhiều giờ ngồi cạnh bên ông, để nói với ông những lời kính yêu tha thiết khi ông còn ở trên đời. “Vì công việc chung, mong cha tha lỗi cho con”, tôi đã đứng lên, thắp thêm nén hương và khấn thầm thì như thế giữa canh khuya.

Mờ sáng, em trai tôi cho biết bác Hai đã đi nhờ thầy coi ngày tống táng và thầy cho biết là vào 9 giờ ngày mốt mới động quan được. Tôi thật hốt hoảng. 9 giờ mới cử hành lễ nghĩa là chôn cất xong rồi sớm nhất là 12 giờ, nếu về thành phố cũng mất trọn chiều hôm ấy. Phải mất thêm ba ngày nữa, thật sao?

Chiều mai tôi phải chủ trì cuộc họp tổng kết, cuộc họp hết sức quan trọng và các giấy mời đã được gởi trước một tuần. Nhưng vào ngày mốt còn tiếp mấy đoàn nước ngoài muốn cùng liên doanh và cuộc gặp gỡ này không thể nào trì hoãn được vì thời gian họ ở lại Việt Nam cũng có hạn định theo một chương trình cụ thể. Với vai trò chủ chốt, tôi không thể nào vắng mặt, và dầu có thể hoãn lại cuộc gặp vẫn không cách nào thông báo kịp thời…

Tôi thương và quý cha tôi, nhưng 30 năm bỏ nhà để đi kháng chiến, cha tôi nào phiền trách gì tôi đâu? Trái lại, ông còn lấy đó làm niềm tự hào. Nay cha mất rồi, con đã về đây chịu tang, chắc cha không muốn con phải bê trễ việc chung vì điều tang sự. Nhưng không đưa cha đến nơi an nghỉ cuối cùng, tôi chẳng đành lòng. Xin nói thêm rằng bác Hai của tôi là người trưởng lão trong tộc họ, ông là nhân vật khả kính mặc dầu ít học vẫn được mọi người nể trọng. Song như nhiều bậc cao niên sống nơi ruộng đồng, ông quá giữ gìn hủ tục nên xem bói quẻ, coi ngày là chuyện thiêng liêng.

Dĩ nhiên, tôi không thể trái lời ông trong ngày đại sự thế này, và phỏng như tôi nài ép được ông dời ngày sớm lại thì tôi sẽ phải gánh chịu, về sau, nhiều chuyện khôn lường. Bởi lẽ, tất cả rủi ro, nếu xảy đến cho người trong gia đình thì sẽ quy hết trách nhiệm cho tôi, là đã không biết… coi ngày.

Trời còn quá sớm nên bác Hai tôi chưa sang. Phải nghĩ ngay cách gỡ khó khăn này. Tôi bèn ra ngoài thị trấn gọi điện cho Nguyễn Văn Quý, một người thuộc lớp đàn em thân tín của tôi trước đây, nay mới được đưa về làm trạm trưởng cho một công ty có văn phòng ở tỉnh này.

- Quý ơi, em có biết bói toán không?

- Trời đất! Em chúa ghét ba thứ đó. Mà anh hỏi làm gì vậy?

Tôi trình bày vắn tắt sự việc và nhờ Quý giúp đóng vai một Quỷ Cốc tiên sinh để nhằm gỡ rối cho tôi.

- Em hãy đến thuê một phòng ở Kim Long, khách sạn khá nhất của thị trấn này. Rồi khoảng 10 giờ đến 10 giờ rưỡi, anh sẽ đưa ông bác anh đến gặp. Nhớ nói như anh đã bàn. Diễn xuất mà đạt thì anh sẽ có tặng thưởng…

Quý nói:

- Khỏi thuê khách sạn, anh Hai. Cứ đến ngay văn phòng em là tiện mà đỡ tốn kém. Em mới về đây, chưa ai biết đâu. Lại còn cải trang chút ít, khó mà nhận diện. Anh Hai yên tâm, em sẽ cố đạt yêu cầu.

Quý cho tôi biết địa chỉ văn phòng. Tôi cám ơn và quay về. Một lát, khi bác Hai tôi đến nhà, tôi mời bác ngồi uống nước rồi thưa:

- Cháu có nghe nói một thầy tướng số vào loại nổi danh cả nước, là ông Đại Cốc tiên sinh, vừa ghé xuống đây tìm mộ cho mấy người bạn. Cháu nghĩ, ngày giờ động quan, hạ huyệt cho cha của cháu là việc hết sức hệ trọng có ảnh hưởng đến tương lai, hậu vận cho cả gia đình. Nếu được ông ấy xem giúp thì là điều may. Cháu đã xin được địa chỉ khi về đến tỉnh.

Bác Hai nói liền:

- Cháu nói rất phải. Nhưng hôm qua khi cháu chưa về kịp thì bác đã nhờ ông thầy Tám Sanh xem giúp ngày giờ. Ổng bảo 9 giờ, trưa mốt…

- Bác Hai thật là chu đáo, cháu rất mang ơn. Nhưng ông Tám Sanh có giỏi không bác?

- Kể thì cũng được bà con tín nhiệm. Nhưng bì sao được với các ông đã nổi tiếng như cái ông… Cốc nào đó.

- Dạ, ông Đại Cốc. Hay là bác cháu mình đến hỏi xem, coi thử hai ông nói có trùng hợp hay không. Có sẵn xe đây, cháu đưa bác đi.

Bác tôi vui vẻ nhận lời, vì ông cho rằng việc coi ngày giờ tống táng rất là hệ trọng, có được một ông thầy giỏi để mà nhờ đến là điều may mắn cho cả gia đình.
Đến nơi, tôi bấm chuông. Người bảo vệ vừa ra, tôi hỏi:

- Chúng tôi muốn gặp Đại Cốc tiên sinh. Chẳng hay ông ấy có ở nhà không?

- Thưa có, xin mời vào trong.

Xem bói. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thầy Đại Cốc khéo cải trang nên tôi thoạt đầu không nhận ngay ra là Nguyễn Văn Quý. Ngoài bộ âu phục thẳng nếp, cà vạt mới toanh, đôi giày láng bóng và đầu chải mướt, còn bộ râu mép ngạnh trê khá là sắc sảo. Tôi giới thiệu bác Hai tôi với những lời lẽ trang trọng, rồi tự giới thiệu, sau mới nói đến lý do xin gặp.

- Dễ thôi.

Thầy nói ngắn gọn. Rồi thầy hỏi tiếp:

- Cụ nhà tuổi gì, qua đời ngày nào, giờ nào?

Bác tôi đáp lại rất là cặn kẽ. Thầy lẩm nhẩm tính, lấy ngón tay cái bấm trên mấy đốt ngón kia rồi nói:

- Kỷ Mẹo mà đi giờ Dần quả là tốt phúc. Đó chính là giờ Thanh Long, ngày mai. Kể hơi gấp đó.

Tôi hỏi:

- Thưa thầy, ngày mốt có tiện hơn không?

Thầy lẩm nhẩm rồi trợn mắt:

- Ngày mốt, bữa kia đều là tối kỵ. Toàn là ngũ quỷ, đằng xà!

Rồi thầy đọc một hơi dài, có lẽ chữ Hán, nên tôi không rõ, chỉ nhớ mấy tiếng “đại quỵ, lục xâm, thiên lý chí mạng v.v…”. Xong, thầy bảo:

- Chôn vào ngày mốt hay ngày kia thì sẽ tuyệt tự mà còn rước nhiều đại họa.

Với tôi, tuyệt tự có lẽ là một điều tốt vì giúp hạn chế sinh đẻ trong một đất nước đang lo xóa đói, giảm nghèo. Nhưng với bác Hai thì đó là một nỗi lo lớn nhất.

Tôi gặng hỏi thêm:

- Thưa thầy, chiều mai thì sao?

Thầy nói:

- Tiểu họa đa truyền, liên miên bất tận. Không có ổn đâu. Không đau bệnh nặng mà đau vặt hoài.

Thầy còn giảng giải thêm lẽ âm dương, khuyên nên ăn ở cho có đức độ, hãy làm điều thiện, tránh xa điều ác, cố gắng giúp đỡ mọi người. Tôi cám ơn thầy và khi đưa cái phong bì đựng tiền thì thầy nhăn mặt:

- Sao lại đưa tiền? Lấy tiền, nhân dịp người chết là chuyện man rợ đáng xuống địa ngục! Tôi không bao giờ nhận đâu. Chính tôi vừa khuyên là nên cố gắng giúp đỡ mọi người đấy mà.

Cám ơn thầy xong, chúng tôi ra về. Trên xe, bác Hai bảo tôi:

- Đúng là một ông thầy giỏi. Biết nhiều mà lại đức độ. May mình gặp được ông ta, không thì cứ tin ba lão thầy vườn mà khổ.

Sáng sau, vào lúc 6 giờ thì việc tống táng hoàn tất. Tôi thắp nén hương trên mộ mới đắp, cám ơn cha tôi vì tôi tin rằng ông rất thông cảm với tôi về chuyện Đại Cốc tiên sinh, xong tôi giã từ bà con, lên xe để về thành phố cho kịp giờ làm buổi chiều.

Sau đó, tôi có điện hỏi Văn Quý cái câu “đại quỵ, lục xâm” mà anh ta xổ cả tràng là lấy từ đâu và nguyên văn là thế nào, thì Quý cười khì rồi nói: “Em đâu có nhớ! Em nói huyên thiên, bá láp vậy thôi”.

Dĩ nhiên một người có chút học thức và đã có những năm dài tham gia hoạt động Cách mạng như tôi không bao giờ tin ở sự nhảm nhí là coi ngày, giờ tốt, xấu. Hàng ngàn, hàng vạn doanh nghiệp ở tại các nước phương Tây đâu có coi ngày theo kiểu mê tín để mà xây dựng trụ sở công ty mà họ vẫn cứ làm ăn phát triển. Và rõ rệt nhất là qua mấy thập niên dài chúng ta chiến đấu với những kẻ thù sừng sỏ, giao tranh với chúng có đến trên ngàn vạn lần và mỗi trận chiến là sự cận kề giữa sống và chết mà nếu mỗi lần xuất quân ta lại coi ngày theo kiểu bói quẻ thế này thì dễ gì mà chiến thắng quân thù.

Nhưng sau ngày dự tang lễ cha tôi, tôi phải im lặng suốt năm năm trời để xem có gì gây họa đến cho gia đình hay không. Bốn năm sau khi cha tôi khuất bóng thì bác Hai tôi qua đời, ở tuổi 85. Như thế, không thể nói ông là kém thọ được. Em tôi và các cháu tôi cũng như con cháu bác tôi nhờ sự đổi mới của đất nước nên đã làm ăn phát đạt, nếu không nói là giàu có. Phần tôi thì các công ty đều tiến triển tốt, con cái thảy đều chăm học, chăm làm và đó là niềm vui lớn của tôi. Bây giờ thì tôi có thể nói thực về cái mẹo vặt năm nào mà tôi đã dặn bảo Quý không được tiết lộ cho đến khi nào có thể tiết lộ.

Ngày giờ tôi tự chọn để chôn cất cha tôi đã giúp tôi khỏi bê trễ công việc và tôi vẫn nghĩ đó là ngày, giờ tốt nhất cho một tang lễ. Cha tôi, hẳn ông đồng ý với tôi. Người chết không được cản trở người sống.

Cứ mỗi Tết đến, tôi đều có gởi trà bánh biếu “thầy Đại Cốc”. Tôi bảo với “thầy” là ở trên đời đôi khi ta phải làm điều mà ta chúa ghét, và những câu nói ba láp sẽ không hoàn toàn ba láp, vì nếu vận dụng đúng với hoàn cảnh, yêu cầu thì vẫn có tác dụng tốt!

Vũ Hạnh