* Bà thường viết những truyện rất dài, dài đến hàng mấy trăm trang. Nhưng lần này với truyện Home bà lại viết rất ngắn. Bà có thể cho biết tại sao bà chọn viết như thế?
- Đây không phải là một quyết định có trù tính trước, nhưng thật tình thì tôi muốn viết ngắn hơn, với thật ít chữ để câu chuyện được cô đặc. Viết như thế có lẽ cũng thú vị hơn, say mê hơn. Và nhất là tôi nghĩ rằng viết như thế tôi có thể dành cho trí tưởng tượng của người đọc nhiều khoảng rộng hơn để người đọc sẽ thay tôi lấp đầy những chỗ trống mà tôi để lại.
* Nhưng tại sao tên truyện lại là Home? Có lẽ bà cho rằng quê nhà hay tổ ấm là một nơi rất quan trọng đối với mọi người, một nơi mà bất cứ ai trong chúng ta cũng phải quay về để tìm lại mình, để gặp lại chính mình.
- Không. Ý nghĩa của tôi bao quát hơn nhiều. Tôi muốn gợi cho người đọc thấy rằng chữ Home có một ý nghĩa đặc biệt như thế nào đối với một công dân Mỹ (xin để riêng không nói đến những người Mỹ gốc da đỏ) có gốc là người tị nạn, là người nô lệ, là người bị xua đuổi đang sống trên nước Mỹ. Nếu chúng ta đi ngược thời gian, tìm lại gốc gác của tất cả những người Mỹ hiện nay thì thấy rằng vào một thời điểm nào đấy họ đã phải rời bỏ đất nước chính gốc của họ, thành thử trong lòng họ lúc nào cũng có một nỗi tiếc nhớ chập chờn như không như có về một cái gì mà họ gọi là Home. Ở Mỹ chữ Home mang một ý nghĩa tâm lý và tình cảm đặc thù không thấy có ở Âu châu hay ở bất kỳ một nước nào khác trên thế giới. Đối với người Mỹ thì đó là hiện thân của một nơi chốn an toàn, chẳng những lúc nào cũng mở rộng vòng tay chào đón mình mà còn là một nơi chốn mà mình biết là mình được “thuộc về” nữa.

|
Nữ văn sĩ Toni Morrison |
* Frank, nhân vật chính trong quyển tiểu thuyết, đã hỏi một cậu bé tàn tật nhưng học rất giỏi: “Sau này, khi bước vào đời, em thích học nghề gì?”. Và cậu bé đáp: “Em thích được là một người”. Theo bà “được là một người” chính xác có ý nghĩa như thế nào?
- Đó là một sự tìm kiếm. Tìm kiếm một cái gì khác hơn cái hình ảnh đầu tiên mà người đọc bắt gặp trong quyển tiểu thuyết, hình ảnh hai con ngựa đực hung hãn tranh nhau một con ngựa cái. Trí tưởng tượng bẩm sinh của những sinh vật giống đực đang có trong cậu bé nhất định có chứa đầy nào là bạo lực, nào là những thói vũ phu, nào là những ý chí thống trị và đàn áp. Nói tóm lại, tất cả những gì mà theo quan niệm chung của số đông phải có ở “một người”. Khi nghe cậu bé đáp “thích được là một người”, Frank cũng không đặc biệt chú ý gì cho lắm. Anh chỉ hỏi đùa cậu bé thôi. Nhưng nếu chúng ta không biết đối với cậu bé ba chữ “là một người” có một ý nghĩa như thế nào thì tôi vẫn hy vọng rằng chuyến đi của Frank có thể sẽ là một chuyến đi rèn luyện cho anh trở thành một người trưởng thành mà không cần giở đến bạo lực, ngay cả trong trường hợp không may mắn khiến anh suốt đời chỉ gặp toàn bạo lực. Anh sẽ đủ sức làm xong những việc cần làm bằng cách áp dụng một đường lối phi bạo lực. Đối với tôi, “là một người” phải là như thế.
* Trở lại với câu hỏi mà Frank đã đưa ra để hỏi cậu bé. Ngày còn bé nếu có ai hỏi bà: “Lớn lên em sẽ làm gì?” thì liệu bà có trả lời là: “Lớn lên em thích làm nhà văn” không?
- (Cười) Không, năm 39 tuổi tôi mới bắt đầu viết văn. Trước đấy tôi không hề nghĩ tôi sẽ trở thành nhà văn. Cuộc đời của tôi lúc nào cũng xoay quanh những quyển sách. Năm 12 tuổi tôi đã vào làm công ở một thư viện, tôi đọc sách suốt ngày và tán chuyện lung tung về sách y hệt một người lớn. Sau đấy tôi đi dạy học rồi làm việc cho một nhà xuất bản, rồi lại quay về với nghề dạy học. Cuối cùng tôi trở thành một biên tập viên xuất bản. Trong nửa đời còn lại tôi mới bắt đầu cầm bút viết văn.
* Bà chưa trả lời câu hỏi chính của tôi…
- Lúc còn bé tôi muốn trở thành vũ công múa ba lê (cười). Suốt mấy năm liền tôi theo học một lớp dạy múa, nhưng sự ham thích viết văn vẫn không ngớt lởn vởn đâu đấy trong đầu tôi. Tôi muốn bước lên nấc thang cao nhất mà tôi có thể bước vì trong gia đình tôi là đứa con đầu tiên được vào trường đại học. Gia đình tôi mong tôi tìm được một việc làm đứng đắn, một việc gì khác hơn việc múa ba lê nên tôi trở thành nhà giáo. Như thế cả gia đình tôi, cả tôi đều vui vẻ.
* Tại sao phải đợi đến 39 tuổi bà mới đột ngột viết văn?
- Ở Mỹ, trong giới viết văn có nhiều người Mỹ gốc Phi châu. Họ có khá nhiều tác phẩm, nhưng họ đều là đàn ông. Trong những tác phẩm của họ, họ tỏ ra hung hăng, thích gây sự với mọi người. Có lẽ họ cũng cần phải làm như thế thật. Tuy nhiên vẫn có một sự thiếu vắng lớn, thiếu vắng một phần tử yếu đuối nhất, dễ bị tổn thương nhất: một cây bút nữ gốc da đen và cây bút nữ này ngay từ những ngày thơ dại đã phải là một chứng nhân sống trong một xã hội đầy rẫy những bất công, những áp bức, những kỳ thị. Do vậy khi viết Con mắt xanh nhất tôi đã đưa một mẫu nhân vật như thế vào văn học và kể lại những hậu quả của sự kỳ thị chủng tộc, kể lại những đau khổ của những người cảm thấy mình không là gì cả vì ngay từ lúc mới ra đời đã mang cái tội không có được một màu da trắng.
* Trong quyển Home, hình ảnh về nước Mỹ những năm 1950 do bà đưa ra khác hẳn hình ảnh mà người đọc thường gặp thấy trong các quyển tiểu thuyết khác.
- Tôi tin là tôi đã biết tất cả hoặc gần như tất cả về những năm 1950, vì tôi đã sống qua những năm ấy và mãi về sau, khi lớn lên, tôi mới bắt đầu hiểu ra là những năm ấy thật sự đã là những năm như thế nào. Ở Mỹ có một huyền thoại của những năm 1950, của thời kỳ vàng son của cái mà người ta gọi là success story kiểu Mỹ. Người ta quên mất những gì đã xảy ra bên dưới lớp sơn choáng lộn ấy, thành thử đến các thập niên 1960 và 1970 mới có sự bộc phát của hiện tượng “những người vô vọng”. Những mầm mống đã nằm sẵn từ lâu trong đó. Rồi thì cuộc chiến tranh Triều Tiên, phong trào McCarthy, đường lối chống cộng và nạn kỳ thị chủng tộc là những tiền đề.
* Những năm 1950 bà đã sống như thế nào?
- Hồi ấy tôi còn ngây ngô lắm, tôi không ý thức được gì cả. Tôi cho là mọi người hồi ấy đều không muốn biết chuyện gì đã xảy ra, ai cũng đinh ninh rằng những năm ấy là những năm sung sướng. Riêng tôi thì cảm thấy được tiếp thêm nhiều sức mạnh: tôi được vào trường đại học, trong gia đình tôi là thành viên đầu tiên được hưởng vinh dự ấy. Thực tình là tôi đã không chịu nhìn để biết xung quanh tôi đã xảy ra những chuyện gì. Năm 1954, tức là sau khi tôi tốt nghiệp đại học được một năm, tôi mới phát hiện vụ bạo động khủng khiếp ở những tiểu bang miền Nam nước Mỹ và trẻ con ở những nơi ấy đã bị đối xử tàn ác như thế nào. Nhưng tôi vẫn chưa thấy được những chuyện ấy có liên hệ ra sao với tình hình chung, với những vụ sát hại những người Mỹ da đen mà phần lớn là đàn ông. Thế rồi tôi cũng bắt đầu quan tâm đến. Đúng như thế, dần dần những thực tế đã từ từ mở mắt ra cho tôi và điều này đối với tôi, một khi tôi trưởng thành đã trở nên quan trọng rất nhiều. Tôi chú tâm đến chứ không nhìn thấy rồi bỏ qua rồi quên hẳn như hồi tôi còn thơ dại…
* Theo bà thì hiện nay mọi thứ có đổi khác so với trước kia hay không?
- Có. Đã có nhiều thay đổi trong nhiều lĩnh vực. Trước tiên là nhờ có thế hệ những người Mỹ trẻ tuổi, họ nhìn vào sự việc bằng con mắt khác hơn, tiếp nhận những sự dị biệt một cách khác hơn. Ông có biết không, tôi đã từng trông thấy những đứa trẻ da trắng chỉ mới hai, ba tuổi mà đã biết khóc thét lên khi nhìn thấy một người da đen lần đầu tiên. Và nhiều bạn tôi cũng kể lại việc những đứa trẻ da đen lần đầu tiên nhác thấy một người da trắng đã bỏ chạy, nấp sau lưng mẹ chúng. Nhưng những phản xạ ấy không phải là những cử chỉ kỳ thị chủng tộc. Chỉ có kỳ thị chủng tộc khi người ta dựa theo những chỗ khác nhau giữa da đen và da trắng để đặt ra một hệ thống cấp bậc cao thấp. Theo nhận định của tôi thì hình như thế hệ những người Mỹ trẻ tuổi hiện nay, đặc biệt là thế hệ những sinh viên Mỹ ở Đại học Princeton, nơi tôi dạy học suốt 19 năm nay, đã có một thái độ khác hẳn thế hệ cha anh của họ đối với vấn đề chủng tộc. Từ năm này sang năm khác tôi nhận thấy có sự tiến triển ở họ. Họ không bận tâm vì vấn đề đó nữa. Trong dân chúng cũng đã có sự pha trộn và hòa nhập về mặt chủng tộc. Họ bị tác động bởi ảnh hưởng của văn hóa da đen, bởi âm nhạc, bởi những khuynh hướng, bởi những thành tích thể thao của người da đen. Họ đã quen nhìn thấy người da đen xuất hiện trên vô tuyến truyền hình, một chuyện mà trước kia những người thuộc thế hệ của tôi không hề nhìn thấy bao giờ, hoặc nếu họ có tình cờ nhìn thấy một nghệ sĩ da đen biểu diễn trên màn ảnh nhỏ thì họ rất sửng sốt ngạc nhiên, người này gọi người kia chỉ trỏ bàn tán… Chính vì thế mà tôi rất lạc quan, rất tin tưởng ở ngày mai.
* Tuy nhiên thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy một vài vết tích còn sót lại của chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc còn lởn vởn đâu đấy mỗi khi có những kẻ xì xầm phê phán Tổng thống Obama.
- Quả có đúng như ông nói. Đã có những lời lẽ thiếu lễ độ chĩa vào ông Obama. Những lời lẽ và những thái độ ngày một dữ dội hung hăng hơn của những người trong đảng Cộng hòa sẵn sàng “đốt rụi cả làng cả xóm” như họ đã từng nói trước kia, khi còn chiến tranh Việt Nam để làm suy yếu nước Mỹ và nhổ bỏ cái đinh Obama trong mắt họ. Tôi chắc chắn sở dĩ họ thù hằn ông Obama như thế không phải chỉ vì ông Obama là người da đen mà chính vì ông ấy thông minh hơn họ. Sự thông minh ấy mới càng làm cho họ sợ hơn.
* Bà có thuộc trong nhóm những người thất vọng vì ông Obama không?
- Thất vọng vì Obama?! Ồ không, ông ấy tài giỏi hơn như tôi đã tưởng nhiều. Ông ấy đã phải đối mặt một nhóm người chống đối dữ dội, cố tìm cách ngăn trở những việc mà ông ấy định làm. Hình như chính họ đã bỏ thăm chống lại một dự án luật nhằm giúp đỡ các cựu chiến binh. Tất cả những mưu mô của họ là để có thể rêu rao rằng ông Obama đã thất bại, đã không làm được gì ra trò. Nhưng khi nhìn vào bảng kết toán những việc mà ông Obama đã làm, thì tôi cho rằng có lẽ đã không có một người nào khác có thể làm được việc như ông.
* Như thế là trong cuộc tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai của ông Obama bà đã vận động ủng hộ ông ấy?
- Phải, tôi đã ủng hộ bằng mọi cách có thể. Trong lần tranh cử nhiệm kỳ một, ông Obama đã hỏi tôi có bằng lòng xuất hiện trước công chúng để ủng hộ ông không, thì câu trả lời của tôi hồi ấy là: “Không, tôi không làm những chuyện như thế”. Ông ấy không nhắc đến chuyện tranh cử nữa, mà bắt đầu nói cho tôi nghe về những quyển sách của tôi. Dĩ nhiên là tôi thích nghe hơn (cười). Thế rồi sau đấy ông ấy khẩn khoản xin tôi viết một bài đăng trên tờ The New York Times để ủng hộ ông. Tôi từ chối không viết một bài như thế, mà chỉ viết cho ông ấy một bức thư nói vè những lý do khiến tôi khâm phục ông ấy. Đây không phải là sự ủng hộ được thúc đẩy bởi động lực chủng tộc, nhưng tôi thấy đất nước đang ở trong một tình trạng rất tồi tệ và tôi muốn có một ông tổng thống sáng suốt khôn ngoan. Tôi gởi bức thư ấy cho Ban tham mưu chiến dịch tranh cử của ông. Ông điện thoại lập tức cho tôi, xin tôi một bản sao của bức thư để ông cất giữ riêng. Tôi đồng ý.
* Trong một cuộc nói chuyện bàn về cuộc tranh cử, bà đã bảo ứng cử viên Mitt Romney, theo như bà thấy, chỉ là một loại anh chàng Ken của búp bê thời thượng Barbie…
- Tôi không hề nói thế bao giờ (cười to). Tôi biết là người ta buộc tội tôi đã nói câu ấy nhưng sự thật không phải như vậy, ngay cả trong trường hợp… (bỏ lửng, cười to và tiếp) Romney là một nhân vật rỗng tuếch, chẳng có gì đặc biệt, lúc nào cũng tìm cách kiếm cho thật nhiều tiền như tất cả những người chỉ biết có đồng tiền. Về khoản này Obama khác hẳn Mitt Romney.
* Bà có bao giờ nghĩ đến chuyện ra làm chính trị và trở thành một nữ chính trị gia hay không?
- Tôi không giống số đông mọi người. Về mối tương quan giữa nghệ thuật và chính trị tôi có cái nhìn khác. Theo như tôi nghĩ, bất cứ loại hình nghệ thuật đích thực nào cũng mang màu sắc chính trị. Ngay đến cái chuyện làm một việc gì phi chính trị tự nó cũng vẫn là một hành động có tính cách chính trị. Trong các vở kịch của mình, Shakespeare đều có nói đến việc trị nước, đến chiến tranh, đến quyền lực. Tất cả những cái ấy, theo tôi, đều là chính trị. Trước đây để phản ứng lại những gì đã xảy ra ở Liên Xô, người ta đã từng quyết định là ở Mỹ nghệ thuật phải mang tính chất thẩm mỹ và chỉ có tính chất thẩm mỹ thôi. Thế là người ta bắt đầu làm cho từ chính trị hóa ra có nghĩa xấu, đánh đồng nó với hai chữ tuyên truyền, làm cho nó hóa ra dơ bẩn. Mục đích công việc viết văn của tôi là làm thế nào để nối lại sự tương quan giữa chính trị và văn chương theo nghĩa tốt đẹp nhất của mỗi danh từ.
* Nếu làm như thế ở Pháp, người ta sẽ gọi bà là nhà văn dấn thân đấy.
- Càng hay! Tôi bằng lòng cách gọi như thế.
* Hồi bà còn trẻ, có bao giờ bà tưởng tượng một ngày nào đấy sẽ có một nữ văn sĩ da đen chiếm được giải Nobel văn học hay không?
- Tôi không bao giờ dám tưởng tượng những chuyện như thế. Một nhà văn da đen đàn ông cũng còn chiếm không được nói chi đến một người đàn bà. Hồi ấy nữ văn sĩ Mỹ được giải Nobel là bà Pearl Buck. Lúc nghe tin mình được giải Nobel tôi đã bị bất ngờ đến choáng váng, nhưng cùng lúc tôi cũng cho là Hội đồng Nobel đã chọn đúng. Sách của tôi – xin nhấn mạnh sách của tôi chứ không phải chính tôi – rất đáng được giải thưởng.
--------------------
(*) Lính bộ binh trong quân đội Mỹ. GI là viết tắt hai chữ Government Issue