LTS: Học giả An Chi trong số báo trước, bằng vốn kiến thức ngữ học uyên bác của mình, đã bàn về “gia gia - quốc quốc”. Nhưng đây không phải là chuyện ngữ âm học lịch sử thuần tuý, mà là thơ, lại là thơ luật Đường… nên Học giả Nguyễn Quảng Tuân đưa ra một cách tiếp cận khác. Xin giới thiệu với bạn đọc.
Hỏi: Trong Tạp chí Hồn Việt số 17 (Tháng 11/2008) học giả An Chi đã căn cứ vào ngữ âm học lịch sử mà trả lời ông Huỳnh Văn Gấm rằng hai câu luận trong bài Qua đèo Ngang tức cảnh của Bà Huyện Thanh Quan phải viết là:
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà mỏi miệng cái đa đa.
mới đúng và nếu chép là “cái gia gia” thì “thật là đại phi lý”.
Ông cho rằng: chép “cái gia gia” là theo cái quán tính chung đã thành hình từ lâu của nhiều người mà làm như thế, đặc biệt là trong những người đó, có không ít người có uy tín”.
Trong Tạp chí Hồn Việt số 18 (Tháng 12/2008) Tiến sĩ Nguyễn Thị Chân Quỳnh đã không đồng ý với cách giải thích của học giả An Chi đã giảng theo ngữ âm học, cho rằng Bà Huyện Thanh Quan “thành thạo làm thơ thất ngôn bát cú có đối chọi nên có thể đã “chơi chữ” với cách phát âm tên hai loài chim, “quốc” hay “cuốc”, “da” hay “gia”.
Xin Học giả Nguyễn Quảng Tuân cho biết ý kiến về vấn đề trên.
(Lê Văn Tâm - Cần Thơ)
Học giả Nguyễn Quảng Tuân trả lời: Có thể nói, bài thơ Qua đèo Ngang tức cảnh của Bà Huyện Thanh Quan đã rất phổ biến và các nhà nghiên cứu văn học cũng như các nhà giáo biên soạn sách giáo khoa có uy tín từ trước đến nay đều chép hai câu luận là:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Nguyễn Văn Ngọc trong Nam thi hợp tuyển đã giảng như sau: “Cuốc: giống chim có ích, mỏ dẹt và hơi quắp, sắc lông như sắc gio, ngực trắng, ăn loài sâu bọ, ở bờ ao, bờ ruộng, không làm tổ, hay trú dưới các bụi tre, bụi cây, tiếng kêu nghe thê thảm. Quốc quốc: Đáng nhẽ viết cuốc cuốc nhưng vì đây tuy mượn đến con cuốc mà thực ý lại nói đến quốc nghĩa là nước; Gia gia: đáng nhẽ cũng viết là đa đa hay da da – chỉ một giống chim thuộc về loài gà, loài công, lông đỏ, trắng, sám hay đen ở những nơi quang đãng, không đậu trên cành cây và người ta hay săn bắn mới đúng nhưng cũng vì đây tuy mượn đến con da da mà thực ý lại nói đến gia, ăn với chữ quốc ở trên và nghĩa là nhà.

Cổng Đèo Ngang xưa
Ông cũng có bình luận về ý và văn như sau:
“Hai câu luận nói ở trên đèo, nghe văng vẳng thấy tiếng cuốc và da da kêu: dùng tên hai con chim mà chuyển xuống cái ý quốc, gia, lại lấy những chữ đau lòng, mỏi miệng để khiến tiếng kêu ấy thật là có ý nhị”.
Lý Văn Hùng, trong quyển Việt Nam văn chương trích diễm in ở Sài Gòn năm 1961, đã dịch bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan sang chữ Hán.
Chúng tôi xin trích lại hai câu luận như sau:

Ưu quốc thương hoài hô quốc quốc,
Ái gia quyện khẩu khiếu gia gia.
Ông đã chú thích:

Lê mạt (1789) Chiêu Thống đế lưu vong nhập Trung Quốc, cô thần Trần Danh Án văn đỗ quyên thanh, cảm nhi tác thi vân: “Giá cô minh gia gia, đỗ quyên đề quốc quốc, quốc vi cầm thượng hữu quốc gia thanh, cô thần đối thử tình khả cực”. (Thời Lê mạt (1789), Lê Chiêu Thống lưu vong sang Trung Quốc, cô thần Trần Danh Án nghe tiếng chim đỗ quyên kêu, cảm động viết ra mấy câu thơ như sau: “Giá cô kêu gia gia, đỗ quyên kêu quốc quốc, chim cuốc là một giống chim nhỏ có tiếng kêu như “quốc”, kẻ cô thần nghe thấy thực đau lòng”.

Cổng Đèo Ngang ngày nay
Chúng tôi nhận thấy, như mọi người từ trước đến nay, kể cả các vị có uy tín, đều cho rằng “quốc quốc” và “gia gia” chỉ là một cách chơi chữ thôi nên hai câu luận trong bài Qua đèo Ngang tức cảnh của Bà Huyện Thanh Quan nên chép là:
Nhớ nước đau lòng con “quốc quốc”,
Thương nhà mỏi miệng cái “gia gia”.
cho thích hợp với ý văn và phép đối trong câu thơ thất ngôn bát cú.