Mùa hè năm 1918: đại chiến thế giới thứ nhất vừa chấm dứt. Viên trung úy trẻ, 22 tuổi, Francis Scott Fitzgerald được chuyển về một căn cứ quân sự ở thành phố Montgomery thuộc miền Nam nước Mỹ. Đến đấy Scott Fitzgerald cảm thấy lạ nước lạ cái hoàn toàn. Anh là một Yankee chính hiệu của vùng Midwest. Gia đình anh sa sút do cha anh làm ăn thất bại. Đó là một bi kịch lúc nào cũng ám ảnh anh và lúc nào cũng xui giục anh mơ tưởng đến một cuộc sống rực rỡ huy hoàng. Hồi còn là một sinh viên ở Đại học Princeton, bạn đồng môn của anh đều là con cái của những nhà tỉ phú. Việc này khiến anh càng có ước muốn ngoi lên, vượt lên cao để chiếm một địa vị không thua kém ai trong xã hội. Anh có thiên phú về văn chương và có ý định nhờ vào văn chương để lập thân. Hoàn cảnh của anh lúc bấy giờ chưa cho phép anh làm việc đó. Tuy còn mặc võ phục nhưng con đường võ nghiệp kể như không rộng mở cho anh vì chiến tranh đã hết. Vô công rỗi nghề, không còn biết làm gì hơn, những người lính như anh đành la cà ở các câu lạc bộ vui chơi, giải trí trong thành phố và mượn rượu để giết thì giờ.
Một buổi tối tháng 7, trong một dạ vũ, Scott bỗng chú ý đến một thiếu nữ có cung cách khác hẳn các cô gái khác. Cô ta hút thuốc lá, có điệu bộ rất nhí nhảnh, rất “trêu ngươi” và về môn khiêu vũ thì cô ta rất tuyệt vời. Đó là Zelda Sayre, con gái rượu của ông Anthony Dickinson Sayre, một vị quan tòa rất được mọi người ở Montgomery kính trọng. Với cái tên Zelda, một tên gọi có hơi hướm “bôhêmiêng”, cô gái có lối sống phóng túng, tự do, bất chấp những dòm ngó, đàm tiếu của mọi người. Năm ấy, cô chưa đến 18 tuổi, rất đẹp và rất “thời đại mới” nên vừa trông thấy Scott đã bị cô ta hút mất hồn. Về phần cô ta thì cũng thấy “cảm” cái anh chàng sĩ quan đẹp trai, có đôi mắt xanh biếc như nước biển. Scott mời cô ta khiêu vũ. Cả hai nắm tay nhau, chạy ra sàn nhảy và ngay từ những bước đầu tiên của điệu valse, định mệnh đã buộc chặt hai con người trẻ tuổi ấy vào nhau.

Scott và Zelda FitzgeraldLúc hiệp ước đình chiến được ký kết, Scott xin ra khỏi quân đội và đến New York làm việc cho một công ty quảng cáo. Zelda vẫn ở lại Montgomery cách New York hơn 1.000km. Nhưng trước khi đi New York, Scott đã cầu hôn Zelda. Gia đình cô gái ngần ngừ, thấy chàng rể tương lai của họ chỉ là một anh chàng lông bông chưa có tài sản, chưa có địa vị gì vững chắc. Bởi thế Scott cố hết sức để kiếm ra tiền. Từ New York, Scott thường xuyên viết thư và đánh điện về, bảo Zelda cứ yên tâm: “Thế nào rồi anh cũng sẽ thành công, cũng sẽ kiếm được thật nhiều tiền để đảm bảo cho em một cuộc sống giàu sang đầy hạnh phúc”. Nhưng sự thành công không đến ngay như Scott mơ ước. Các bản thảo của anh, nhà xuất bản nào cũng từ chối, không chịu nhận. Nhiều tháng như thế trôi qua và Zelda bắt đầu nghĩ đến việc giao du với những chàng trai khác, con nhà giàu, mà Zelda biết là nếu đưa về nhà giới thiệu thì ông bố sẽ gật đầu ngay. Cô rất thất vọng về Scott, cho Scott biết là muốn hủy bỏ lời hứa hôn. Thế nhưng vận may đã đến đúng lúc. Cuốn truyện đầu tay của Francis Scott Fitzgerald, cuốn Mặt trái của thiên đường, vừa được một nhà xuất bản nhận mua. Rồi Scott tiếp tục viết thêm nhiều truyện ngắn cho các tuần báo và tạp chí. Với những đôla nhuận bút đầu tiên, Scott mua một cây quạt kết bằng lông chim quý gửi về Montgomery tặng người yêu. Rốt cục thì bây giờ anh chàng lông bông dạo nào đã nghiễm nhiên trở thành một nhà văn nổi tiếng, rất xứng đáng được chính thức ngỏ lời xin kết hôn với “người đẹp của tiểu bang Alabama”.
Ngày 3-4-1920, lễ cưới được cử hành tại Thánh đường Saint Patrick ở New York. Bạn bè của chàng rể và mấy người chị của cô dâu đều đến dự, chỉ có cha mẹ của cô dâu là không đến. Zelda lộng lẫy trong chiếc áo cưới truyền thống, trên tay ôm một bó hoa. Một thế giới mới, hiện đại và chói lọi mở ra trước mắt nàng và người mở cánh cửa để cho nàng bước vào cái thế giới ấy chính là Scott. Cùng lúc, con đường đi vào sự nghiệp văn chương của Scott Fitzgerald cũng ngày càng mở rộng ra. Scott Fitzgerald là một cây bút đầy hứa hẹn, đang đi lên để chiếm ngôi vị chủ súy đứng đầu một thế hệ những nhà văn mà nữ văn sĩ Gertrude Stein gọi là “thế hệ những nhà văn lạc lõng” (lost generation). Những truyện ngắn của Scott Fitzgerald bán rất chạy, độc giả náo nức tìm đọc, nhà xuất bản phải Cảnh phim 3D The Great Gatsby vừa phát hành tháng in đi in lại nhiều lần và hãng phim Metro Goldwyn Mayer pictures xin mua bản quyền để làm phim. Để ăn mừng sự kiện bất ngờ này, Scott mua tặng Zelda một chiếc đồng hồ đeo tay bằng bạch kim có nạm kim cương. Thật là đỉnh cao hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ đang hưởng tuần trăng mật ở khách sạn Biltmore, một nơi được coi là trung tâm của giới thượng lưu ở khu Manhattan - New York. Từ đấy đối với Zelda và Scott mỗi ngày trong đời đều là một lễ hội không dứt. Những cuộc vui kéo dài thâu đêm suốt sáng. Cùng các bạn bè, cả hai vợ chồng Scott uống rượu từ lúc chập tối hôm trước đến rạng đông của ngày hôm sau, kéo nhau vào các quán bar, các câu lạc bộ ăn chơi, ca hát, hò hét và “quậy” tưng bừng. Đến nỗi ở khách sạn Biltmore không còn ai chịu được và viên quản lý buộc lòng phải mời Scott và Zelda dọn đi nơi khác. Cũng như những ngôi sao nhạc rock bây giờ, Scott và Zelda là hai ngôi sao nổi tiếng của những năm 20 của thế kỷ trước. Tên tuổi của hai người được báo chí nhắc đến luôn. Họ là những người khởi xướng, cổ xúy những kiểu thời trang, những lối ăn chơi đập phá mới mà nhiều người hồi ấy đã nhất nhất nghe theo và bắt chước. Zelda cắt tóc lối con trai “à la garçonne” và mở đường cho điệu nhảy charleston. Scott Fitzgerald thì tỏ ra là một người đàn ông hào hoa phong nhã, làm mẫu cho nhiều chàng trai khác học đòi theo.
Năm 1921 Zelda hạ sinh một đứa con gái, đặt tên là Frances Scott, nhưng hai vợ chồng vẫn chứng nào tật nấy, vẫn ăn chơi, vẫn vui đùa, vẫn tiêu tiền như nước, không nghĩ gì đến đứa con, không nghĩ gì đến tương lai. Nhà hàng năm sao Le Plaza được họ chọn làm nơi đến ăn uống hằng ngày. Mùa hè, đi nghỉ mát, họ thuê những biệt thự cực kỳ sang trọng ở những khu dành riêng cho hạng người giàu sụ. Họ đi đây đi đó toàn bằng xe Rolls-Royce. Bao nhiêu tiền Scott Fitzgerald kiếm được vơi nhanh như tốc độ của những chiếc ô tô thể thao mui trần mà ông lái. Nợ nần chồng chất, Scott phải viết không ngừng để cứu vãn tình hình tài chính của gia đình. Nhưng con người ta không phải lúc nào cũng mãi gặp được vận may. Vở kịch A big bag của Scott khi đưa ra trình diễn ở khu kịch nghệ Broadway chỉ có lơ thơ vài khán giả. Cho là thành phố New York không còn yêu chuộng mình nữa, Scott và Zelda quyết định sang Âu châu và kể từ đấy họ cứ đi đi về về giữa Tân thế giới và Cựu thế giới. Họ không bao giờ trụ mình ở yên một chỗ, cứ lao mãi về phía trước trong một cuộc trốn chạy cuống cuồng và họ tưởng là mỗi một lần ra đi như vậy là làm một cuộc khởi hành để đến với một cái gì mới mẻ hơn, ổn định hơn. Nhưng, như nhân vật Nick Carraway đã nói với Gatsby trong tác phẩm The Great Gatsby: “Cái quá khứ, mình không làm sao làm cho nó sống lại được”. Cả Scott và Zelda, lúc bấy giờ đều chưa được ba mươi tuổi nhưng những năm hoa mộng nhất của cuộc đời họ đã rời xa họ mất rồi.

Carey Mulligan và LeonardoDi Caprio trong The Great Gatsby (3D) 2013 Mặc dầu vậy ngôi sao hộ mệnh của cả hai vẫn còn đủ sáng, vẫn còn lấp lánh để mỗi lần đặt chân đến Paris họ đều được các giới văn nghệ sĩ ở đó mừng rỡ tiếp đón một cách thân tình. Họ gặp nhà thơ Jean Cocteau, họa sĩ Picasso, nam vũ công ba lê người Pháp gốc Nga Diaghilev, nữ tiểu thuyết gia Gertrude Stein. Ngày nào họ cũng đến La Closerie des Lilas hoặc La Rotonde để ăn điểm tâm và uống rượu. Mùa hè họ đi nghỉ mát và tắm biển ở Côte d’Azur. Những lúc không đi chơi với bạn bè thì Scott viết văn, còn Zelda không có việc gì để làm thì ngồi buồn và ngáp vặt. Có khi Zelda ra bãi biển, bơi lội từ sáng đến chiều. Trong những dịp này Zelda gặp một anh chàng phi công người Pháp rất đẹp trai, Edouard Jozan, và hai người trở thành tình nhân của nhau. Giữa đôi vợ chồng trẻ bắt đầu nổi lên những cơn sóng gió. Đó là những dấu hiệu đầu tiên của một tấn bi kịch kéo dài, lúc thì âm ỉ, lúc thì nổ bùng dữ dội. Để tìm quên, Scott vùi đầu trong tập bản thảo còn dở dang của The Great Gatsby, viết miệt mài suốt đêm không ngủ. Zelda cũng chán ngấy cảnh sống nhờ vào cái bóng che chở của Scott nên đâm ra có những lúc nổi cơn ghen tị và ghen tuông. Một buổi tối, trong một quán ăn ở Saint Paul de Vence, trông thấy Scott mải mê nhìn theo nữ vũ công nổi tiếng lúc bấy giờ là Isadora Duncan đang trình diễn, Zelda tức mình, nhảy qua lan can cầu thang từ trên gác cao xuống đất. Nhưng người mà Zelda ghét nhất, ghét muốn đào đất đổ đi, lại là một gã đàn ông: nhà văn Ernest Hemingway. Khi sang Pháp, gặp được Hemingway ở Paris là Scott cứ quấn quýt lấy không rời. Suốt ngày cùng Hemingway uống hết chai whisky này đến chai whisky khác và bàn chuyện văn chương. Scott nhìn nhận ở Hemingway một cây bút trẻ đầy hứa hẹn, nhưng Zelda thì bĩu môi, cho Hemingway chỉ có cái vẻ “đàn ông” ở bề ngoài chứ thật sự thì “đúng là một tên đồng tính luyến ái râu ria lông ngực” (“une tapette à la poitrine velue”). Không khí giữa Scott và Zelda càng ngày càng khó thở nên sau đấy cả hai rời Pháp trở về Mỹ.
Lần này Scott tìm đến Hollywood, chọn nghề viết kịch bản phim để thử vận may. Năm 1925, tiểu thuyết The Great Gatsby được xuất bản nhưng bán không chạy lắm. Scott thất vọng và cay đắng, uống rượu lu bù từ sáng đến tối và bắt nhân tình với một cô đào đóng phim hạng xoàng tên là Lois Moran. Hollywood không phải là đất dụng võ của Scott. Lần này cũng như bao lần trước, Scott nếm mùi thất bại. Về phần mình thì Zelda đang tìm cách thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào Scott. Lúc bấy giờ Zelda đã 27 tuổi, cô ta có ý định trở thành nữ vũ công múa ba lê, một giấc mơ điên rồ gây ra cho cô ta rất nhiều phiền toái. Hết theo học những lớp dạy múa ở Mỹ đến những lớp dạy múa ở Paris, vì chỉ ít lâu sau cuộc thất bại ở Hollywood Scott đã lại cùng Zelda sang Paris sinh sống. Lúc cả hai đang ở trên đất Pháp thì xảy ra cuộc đại khủng hoảng kinh tế năm 1929. Thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ và đôi giai nhân tài tử Scott và Zelda cũng sụp đổ theo. Zelda bị rối loạn tinh thần, trở nên điên điên dại dại, phải vào nằm trong một bệnh viện tâm thần ở Thụy Sĩ đến một năm rưỡi.
Khi trở về Mỹ, Zelda gầy và già đi trông thấy. Hai vợ chồng vẫn ở trong một tòa biệt thự to tên là Biệt thự La Paix ở bang Maryland, nhưng cảnh gia đình lại xào xáo. Họ không ngớt gây gổ và đối đầu nhau, nhất là từ dạo Zelda nảy ra ý định cũng cầm bút viết văn. Zelda buộc tội chồng đã đánh cắp cốt truyện của mình. Scott thì bảo là những nhân vật trong truyện của Zelda sao lại giống những nhân vật trong truyện Viên kim cương to bằng khách sạn Ritz như hệt. Mỗi ngày sự căng thẳng giữa hai người mỗi tăng chứ không giảm. Nhiều lần Zelda phải vào nằm trong các bệnh viện tâm thần. Scott thì viết ngày viết đêm để có tiền trang trải thuốc men và viện phí nên sức khỏe sa sút dần. Trước sự tuột dốc của cuộc đời mình Scott chán nản quá, say be bét suốt ngày. Bạn bè đều lắc đầu thương hại, Scott thì trách móc Zelda: “Cô ấy đã hại tôi, bắt tôi phải trả một cái giá đắt kinh khủng, cái giá mà thường thường một người đàn ông phải trả cho một người đàn bà, trả bằng sức khỏe bị tiêu hao, bằng sự làm việc hùng hục để kiếm ra tiền, bằng sự hoang phí những món tiền đáng lẽ đã dành dụm được”.
Tuy nhiên đến phút cuối cùng Scott vẫn trung thành và hết lòng với vợ. Cả hai đã gặp nhau để cùng hưởng hạnh phúc thì cả hai sẽ mãi mãi ở bên nhau để chia sẻ những khó khăn và những nỗi đau buồn. Scott luôn viết thư cho Zelda và tuần nào cũng vào bệnh viện thăm hỏi sức khỏe của nàng. Tháng 4-1940, Scott còn đưa Zelda đi du lịch Cuba. Đó là lần gặp gỡ cuối cùng vì sau đấy mỗi người đến ở một nơi riêng. Ngày 21-12-1940, Scott Fitzgerald mất ở Hollywood, hưởng dương 44 tuổi. Tám năm sau, đến lượt Zelda bị chết trong một vụ hỏa hoạn ở bệnh viện tâm thần mà nàng đang nằm điều trị. Trong nghĩa trang Rockville ở bang Maryland, Zelda được nằm bên cạnh Scott Fitzgerald. Trên tấm bia trồng trước mộ của hai người có khắc một câu cuối cùng trích trong tác phẩm The Great Gatsby: “Cuộc đời của chúng ta là như thế, bởi vì chúng ta là những con thuyền phải chống chọi với cơn thủy triều lúc nào cũng lôi cuốn chúng ta trở về quá khứ”.