- TS Kirin Lêônôp: Vâng, bây giờ Mạc Tư Khoa thay đổi nhiều: nhiều nhà cao tầng, xe cộ đông đúc… nhưng đường phố thì rất sạch sẽ. Còn về thời tiết, thì so với mấy năm trước có lạnh hơn, nhưng người dân ở đây hầu như lại thích như thế, vì đó là cơ hội cho họ trượt băng. Rất vui!
* Ở Mạc Tư Khoa, anh có hay gặp Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn không? Giáo sư vẫn mạnh khỏe chứ? Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxôp (Lomonosov) có xây dựng rộng thêm không?
- Trung bình mỗi năm tôi gặp ông ấy một lần. Vừa qua, ông có nhận được một giải thưởng. Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxôp có xây thêm vài dãy nhà nữa, tuy nhiên cơ sở chính thì vẫn như trước. Mới đây, trường có xây thêm một thư viện và một trường, nói đúng ra là một ngành của trường Đại học Tổng hợp Lômônôxôp. Ngôi trường này không xây trên đồi như các đại học khác mà đặt ngay tại trung tâm thủ đô, đối diện Quảng trường Đỏ.
* Học viện các nước Á Phi của anh thường giao lưu với những quốc gia nào?
- Chủ yếu là Hà Nội, thủ đô của Việt Nam.
* Thế à! Tôi sẽ rất hân hạnh đón tiếp nếu như Giám đốc của anh qua Việt Nam.
- Vâng, xin cảm ơn.
* Tôi nhận thấy anh là người rất hứng thú với lịch sử cổ Việt Nam. Để nghiên cứu lịch sử, văn học cổ, ngoài việc học tiếng Việt, còn phải học thêm chữ Hán. Tôi cho rằng, cái ưu trội của anh là vừa học tiếng Việt vừa học chữ Hán, và việc học chữ Hán rất có lợi cho việc nghiên cứu Việt Nam, vì trong tiếng Việt đã có tới 90% là từ gốc Hán. Trong khi đó, nhiều nhà nghiên cứu khác thì chỉ học tiếng Việt để nghiên cứu. Vậy anh có thể cho biết quá trình tiếp cận với tiếng Việt và chữ Hán của anh như thế nào không?
- Tôi vào trường Đại học Tổng hợp Nga vào năm 1980, thì khoảng gần 2 tháng sau là tôi đã bắt đầu học tiếng Việt. Năm 1983, tôi được đến Hà Nội theo dạng thực tập sinh, nghiên cứu và bắt đầu học chữ Hán, bởi tôi cũng nghĩ như thầy Liên, rằng muốn nghiên cứu văn học cổ, cổ sử Việt Nam mà chỉ biết tiếng Việt thôi thì chưa đủ mà cần thiết phải biết chữ Hán. Và một năm sau, năm 1984, tôi đã bắt tay vào dịch 3 bộ sử lớn nhất của Việt Nam: Đại Việt Sử ký toàn thư,…
Sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh làm việc ở Nhà Văn hóa Khoa học Liên Xô. Và chính nơi này đã cho tôi cơ hội được tiếp xúc với Thầy - GS Mai Quốc Liên. Tôi muốn nói rằng, Thầy chính là người đã giúp tôi rất nhiều trong việc dịch bộ Đại Việt Sử ký toàn thư. Sau khi dịch xong, tôi về nước bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài liên quan đến Đại Việt sử ký toàn thư như về văn bản học, tu từ học…
Cuối những năm 80, tôi làm công tác giảng dạy ở trường Đại học Tổng hợp Lômônôxôp và ở các nước Á Phi. Trong thời gian này, tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu về những bộ sử của Việt Nam, qua đó tôi học thêm được tiếng Việt và Hán.

GS Mai Quốc Liên và TS Kirin Lêônôp (Học viện các nước Á Phi -
Đại học Tổng hợp Lômônôxôp ở Nga). Ảnh: N.T.Hằng.
* Theo anh thì học tiếng Việt và chữ Hán có thú vị gì? Trong quá trình học, chắc chắn anh cũng phải gặp những khó khăn chứ?
- Việc học nói tiếng Việt, tôi thấy không khó khăn lắm, tuy nhiên về ngữ pháp, ngôn từ thì rất phức tạp. Còn học chữ Hán thì khó khăn hơn nhiều… Về văn học Việt Nam hiện đại, nếu không hiểu, thì tôi hỏi những người đang sống. Còn văn học Việt Nam cổ viết bằng chữ Hán, nếu tôi không dịch được hoặc không hiểu thì tra từ điển.
Tôi rất ít có cơ hội làm việc trực tiếp với các nhà khoa học Việt Nam vì không nghiên cứu về lịch sử hiện đại, nhưng khi tiếp xúc với các nhà khoa học như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên… qua văn bản thì vô cùng hứng thú và đối với tôi những tư liệu này là vô giá.
* Giữa văn học cổ và lịch sử cổ Việt Nam thì anh thấy hứng thú với ngành nào hơn? Lịch sử Việt Nam rất rực rỡ, nhưng việc ghi chép lại không được bài bản, rồi do chiến tranh nên thất lạc nhiều, nhiều tư liệu quý bị mất. Ví dụ như lịch sử Việt Nam thời Trần với ba lần thắng quân Nguyên nhưng Đại Việt sử ký toàn thư lại chỉ dành ít trang để ghi lại sự kiện này. Trong thời hiện đại, chiến tranh chống Pháp và Mỹ đã lùi xa 30 năm nhưng kho tư liệu ấy vẫn chưa được khai thác hết, người nghiên cứu vẫn chưa có điều kiện nghiên cứu trọn vẹn. Tuy nhiên, cũng phải thông cảm cho hoàn cảnh đất nước chúng tôi, sau giải phóng là phải bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước, khắc phục khó khăn… Vấn đề kinh tế vẫn là vấn đề phải lo trước. Văn hóa, văn học đương nhiên là lúc nào cũng quan trọng và rất cần có người tâm huyết.
- Vâng, tôi hiểu… Tôi thì vẫn hứng thú với lịch sử hơn. Tuy nhiên, trong các nền văn học tôi hứng thú với văn học Việt Nam nhất. Và tôi thấy nhà thơ Trần Nguyên Đán và Tô Đông Pha hình như có một mối quan hệ rất gần gũi về thơ và người. Trần Nguyên Đán nhân đọc một bài thơ của Tô Đông Pha, có tình cảm và làm thơ về nhà thơ Trung Quốc.
* Trần Nguyên Đán là một nhân vật lớn của Việt Nam, là chắt của Thái sư Trần Quang Khải và là ông ngoại nhà thơ Nguyễn Trãi. Ông là một quý tộc nhưng lại có tấm lòng rất thương dân. Nhà thơ Nguyễn Trãi sau này cũng ảnh hưởng nhiều ở ông ngoại Trần Nguyên Đán. Nếu như anh có sự so sánh tương đồng giữa Tô Đông Pha và Trần Nguyên Đán thì cũng rất hay.
Tô Đông Pha có những bài thơ rất hay, tư tưởng lớn. Ví dụ như bài Hoài cựu: “Nhân sinh đáo xứ tri hà tự/ Ưng tự phi hồng đạp tuyết nê”. Đời người rồi đây biết sẽ như thế nào, hãy nên xem như chim hồng bay đi để lại dấu vết trên bùn tuyết. Rồi bài Lô Sơn (hay Lư Sơn): “Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều/ Vị đáo bình sinh hận bất tiêu/ Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự/ Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều”, rất sâu sắc. Núi Lư Sơn nổi tiếng đẹp, là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm thơ ca Trung Quốc, đó là nơi mà người ta đã dùng thành ngữ “Lư Sơn diện mục”. Cảnh ở đây quá đẹp nếu như chưa đến được núi Lư Sơn thì “hận bất tiêu”. Cũng giống như tôi, nếu năm 20 tuổi mà không được qua Nga thì hận lắm, vì thế hệ hồi đó đều đi Nga học. 20 tuổi, tôi mơ được đến quê hương của Lê-nin, mơ được đặt chân lên Quảng trường Đỏ…
- Vâng. Bản thân tôi đọc thơ cổ điển Trung Quốc thì thấy rất khó hiểu, vì tên người, địa danh, điển tích, điển cố… người Trung Quốc xưa rất hay đưa vào trong bài thơ. Vì vậy để hiểu thơ Trung Quốc thì phải biết lịch sử Trung Quốc.
* Anh có cảm tưởng gì khi đọc và dịch lịch sử Việt Nam: Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử lược, …?
- Tôi thấy rằng, kho tàng văn học và lịch sử Việt Nam rất lớn và rất có giá trị. Có điều là, cho đến bây giờ, kho tàng này nghiên cứu vẫn chưa đủ và một cái nữa là chưa khai thác hết tiềm năng và giá trị của nó.
Quan điểm riêng biệt của tôi là, chúng ta hoàn toàn không có quyền bán cho các nhà nghiên cứu tài liệu trong kho tàng Hán - Nôm. Các tài liệu ấy phải được lưu giữ cẩn thận để người nghiên cứu luôn luôn có đầy đủ tư liệu để nghiên cứu nhằm đưa ra những phát hiện mới, những sự thật lịch sử… Đừng bao giờ lấy lịch sử phục vụ cho mục đích chính trị. Ví dụ như trong quá trình nghiên cứu lịch sử Việt Nam, tôi thấy mười mấy đời vua Hùng chỉ là truyền thuyết, nhưng bây giờ tôi lại thấy ở Việt Nam, người ta xây dựng rất nhiều đền đài để thờ tự. Theo tôi, đây chính là việc sử dụng lịch sử cho mục đích chính trị.

Bìa quyển sách Đại Việt sử ký toàn thư bằng tiếng Nga.
* Vâng, đó là quan điểm của anh. Giai đoạn vua Hùng vừa là truyền thuyết vừa là sự thật lịch sử, chỉ có điều là sự thật lịch sử ấy có thể có nhiều cách giải thích khác nhau. Anh có biết, những tác phẩm cổ sử nào của Việt Nam đã được dịch sang tiếng Nga? Và sau khi dịch ra, công bố thì độc giả có phản hồi như thế nào, nhất là đối với những độc giả là nhà nghiên cứu?
- Toàn bộ văn học, lịch sử phương Đông được dịch ra tiếng Nga và phổ biến ở nước Nga đều rất lớn và có hệ thống, chứ không chỉ riêng những tác phẩm của Việt Nam. Và sau khi phát hành, các nhà nghiên cứu ở Nga đều mua đọc hết. Tôi không biết độc giả phản hồi cụ thể như thế nào, nhưng sắp tới sẽ tái bản và in thêm tập 2.
* Đó chính là sự phản hồi tốt của độc giả, xứng đáng với nước Nga văn hóa… Đọc Tư trị thông giám, một cuốn biên niên sử quan trọng của Trung Quốc, do Tư Mã Quang - nhà sử học thời Tống chủ biên, thì anh thấy có ý nghĩa gì?
- Đa số thông tin về lịch sử đều xuất xứ từ các bộ sử Trung Quốc và các nhà nghiên cứu thường quan tâm đến Nhị thập tứ sử. Tôi đã từng so sánh văn bản của Đại Việt sử ký toàn thư của Việt Nam với Tư trị thông giám của Trung Quốc, từ đó tôi nhận thấy rằng, có rất nhiều thông tin từ Đại Việt sử ký toàn thư được rút ra từ Tư trị thông giám chứ không phải từ Nhị thập tứ sử.
* Anh có thể cho biết về tình hình nghiên cứu về Việt Nam học ở Nga hiện nay như thế nào? Và bản thân anh đánh giá việc nghiên cứu Việt Nam học đối với người Nga hiện nay?
- Ở đây, tôi muốn nói đến vấn đề xu hướng. Ngày nay, ở Nga, số người nghiên cứu về Việt Nam ít hơn thời trước. Trước đây, ví dụ có khoảng 50 người Nga nghiên cứu về văn học, lịch sử cổ điển và 50 người nghiên cứu về lịch sử Việt Nam hiện đại, nhưng bây giờ không chỉ người nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện đại mà cả người nghiên cứu văn học cổ điển cũng đều ít hơn nhiều, hầu như là không có.
Theo tôi, xu hướng này cũng tốt. Bởi vì trước đây ở bên Nga cũng có những nhà Việt Nam học, nhưng nghiên cứu với mục đích chính trị chứ không phải làm khoa học.
* Tôi muốn nói rằng, tôi đã có dịp đi nhiều nước và thấy trên thế giới này thì Việt Nam là nước yêu quý người Nga nhất. Bởi người Việt Nam đã từng được người Nga giúp đỡ rất nhiều. Đấy cũng là thể hiện lòng biết ơn của người Việt Nam… Người Việt Nam chúng tôi là một dân tộc luôn luôn nhớ ơn và cũng là một dân tộc dễ tha thứ, câu chuyện chiến tranh với các nước khác với những nỗi đau không thể nói hết, thế nhưng chiến tranh đi qua, người Việt Nam cũng nuốt giận mà cho qua, gác lại quá khứ, nhìn về tương lai.
Vừa rồi, nhân dịp Việt Nam mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thì có một người Việt sống ở Mỹ - tên là Hồ Bạch Thảo đã dịch bộ Minh thực lục (NXB Hà Nội - 2010) và phát hành chỉ trong vài tháng đã hết sạch. Điều đáng nói là bộ sử này gồm 3 tập với giá bán gần 1 triệu đồng Việt Nam, một cái giá hơi cao so với mức sống của người Việt Nam, nhưng vẫn bán rất nhanh. Điều đó chứng tỏ, người nghiên cứu hiện nay rất quan tâm đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
- Vâng…
* Trước thềm năm Mới (Tết con Mèo) Việt Nam, anh có lời tâm tình, cảm tưởng gì về con người và đất nước Việt Nam? Nhân đây, anh có lời chúc mừng hay nhắn gửi gì cho bạn bè ở Việt Nam, nhân dân Việt Nam?
- Tôi tuy được sinh ra và lớn lên ở Nga, nhưng tôi có thời gian dài sống ở Việt Nam, nên tôi cũng có thói quen ăn uống, sinh hoạt gần giống như người Việt Nam vậy. Tôi thích ăn cơm Việt Nam và những món ăn Việt Nam. Tôi thích phong cảnh Việt Nam, nhất là phố cổ Hội An, và đặc biệt yêu quý người Việt Nam bởi bản tính thân thiện, vui vẻ, dễ thương, nói thật, nói thẳng, thương người. Tôi mong rằng, dù cho nhịp độ kinh tế có phát triển nhanh đến đâu thì tính cách ấy sẽ không thay đổi.
BÍCH ĐÀO - N.T.HẰNG (lược ghi)