Ít có tập thơ kỳ dị như Cung oán ngâm khúc. Dầu kính mến cổ nhân đến đâu cũng không thể không nhìn nhận điều đó. Người cung nữ của Ôn Như Hầu thật trơ trẽn hết chỗ nói. Ta sẵn lòng tin rằng nàng có tài có sắc: khó tính làm gì với những người trong truyện? Khốn nỗi chính nàng lại tự ca tụng tài sắc của nàng. Làm sao một người con gái lại có thể tự khoe mình và mở miệng ra nói, dẫu nói một mình :
Tài sắc đã vang lừng trong nước, Bướm ong càng xao xác ngoài hiên. Tai nghe nhưng mắt chưa nhìn, Bệnh Tề Tuyên(1) đã nổi lên đùng đùng. |
Đám con trai mang bệnh Tề Tuyên bị bêu riếu đã đành, cả đến cây cỏ nàng cũng không tha:
Bóng gương lấp ló trong mành Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa. |
Giá nàng chỉ hiểu hai chữ mây mưa một cách tờ mờ thì câu này cũng còn tha thứ cho được. Tiếc thay nàng lại là người học hành thông thái.
Cái dụng ý của tác giả muốn nàng hơn hết thảy những thiếu nữ trong lịch sử và trong tiểu thuyết đã làm hại nàng không biết mấy. Ôn Như Hầu đã cho nàng tài ấy, sắc ấy lại còn muốn nàng cũng có trí tuệ tuyệt vời. Nàng nhìn rõ đời chỉ là một tuồng ảo hóa, nàng chán nản, nàng muốn đi tu Phật, tu Tiên. Nhưng ngày nọ ta bỗng thấy nàng ở nơi cung cấm. Điều ấy ta đâu có trách nàng. Nhưng vào cung được vua yêu, cái vẻ tiểu nhân đắc chí của nàng dễ ghét:
Đóa lê ngon mắt cửu trùng. |
Sự thực có thể như thế lắm. Nhưng giá nàng đừng nói ra và cũng đừng biết đến thì có lẽ hơn. Nàng thấy những cung nữ cùng một lứa với nàng rắc lá dâu để giữ xe dê, nàng mỉa mai:
Phải duyên hương lửa cùng nhàu Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào. |
Nào nàng có ngờ rồi đây sẽ đến lượt nàng bị bỏ quên. Đến lúc đó tình cảnh nàng dầu đáng thương cũng khó gợi được lòng thương. Huống chi nàng lại còn thốt ra những lời than thở hoặc ti tiện:
Vốn đã biết cái thân câu trõ, Cá no mồi cũng khó dữ lên. |
Hoặc sỗ sàng:
Tình rầu rĩ làm khuây nhĩ mục Chốn phòng không như giục mây mưa. |
Hoặc ngoa ngoắt, âm ỉ như thói thường hàng tôm, hàng cá:
Giết nhau chẳng cái lưu cầu, Giết nhau bằng cái u sầu độc hưa! Tay nguyệt lão chẳng xe thì chớ, Xe thế này có dở dang không? |
Hoặc hung hăng như Trương Phi lên sân khấu:
Đang tay muốn dứt tơ hồng, Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra! |
Đàn bà đâu mà lại ăn nói như thế? Chắc hẳn Ôn Như Hầu đã quên rằng đây là một thiếu phụ. Đáng lẽ phải tự mình hóa thân làm cung nữ thì tác giả đã bắt cung nữ phải hóa thân làm Ôn Như Hầu.
Tôi nhớ lại lần nọ đi xem một ngôi chùa ở vùng Hải Dương, một ngôi chùa dựng lên đời Cảnh Hưng (đồng thời với Ôn Như Hầu). Chưa bao giờ tôi thấy một ngôi chùa cổ có quy mô đồ sộ như thế. Sườn chùa cao ngất ngưởng. Những cây cột có lẽ đến hai người ôm mới phỉ. Song khách nhìn chùa không thấy lòng kính phục. Người ta cảm thấy một sự hò hét hùng hổ để che đậy cái trống rỗng bên trong. Vô duyên và khoác lác. Khó chịu nhất là hai con rồng đá gần cửa tam quan, hai con rồng to xù xì mà hình thù mới kỳ quặc làm sao! Chỗ nào cũng cái ngơ nghết, cái dụng ý làm to, nói tóm lại là cái lố lăng Cung oán ngâm khúc.

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh. Ảnh tư liệu: Dương Tất Từ
Ông Đinh Xuân Hội khen Cung oán ngâm khúc “văn từ thanh nhã”(2). Ông Ngô Tất Tố lại còn cặn kẽ hơn. Ông viết: “Bởi ông (Ôn Như Hầu) là bậc tài hoa lại sinh vào một nhà dòng dõi quý phái, đã quen nền nếp phong lưu, cho nên văn chương có vẻ lịch sự, đài các. Đọc bài Cung oán ngâm khúc, người ta có thể thấy thái độ phong nhã của ông(3). Sự thực thì Ôn Như Hầu dầu sinh nơi quyền quý, vẫn là một người nhà quê, dầu có ngâm vịnh văn thơ vẫn là một ông võ tướng. Gấm vóc lụa là cùng phong hoa tuyết nguyệt đã không giấu được cái vẻ cục mịch của con người lại còn khiến càng điệu càng thêm cục mịch.
Nhưng không thanh nhã, không đài các không phải là không có gì, Ôn Như Hầu có cái cục mịch thì cũng có cái chất phác, cái đằm thắm của dân quê, cái cốt cách tráng kiện, hào hùng của người tướng võ. Trong Cung oán ngâm khúc có những câu hết sức thô bỉ thì cũng có những câu quý vô cùng. Khi người thiếu nữ mới vào cung, khi nàng được vua yêu, thi nhân cực tả nỗi vui sướng của nàng với những lời thơ đắm đuối:
Cái đêm hôm ấy đêm gì, Bóng dương lồng bóng đồ my chập chùng Chùm thược dược mơ mòng thụy vũ, Đóa hải đường thức ngủ xuân tiêu, Cành xuân hoa chúm chím chào Gió đông thôi đã cợt đào ghẹo mai! |
Cả đoạn mười mấy câu tiếp theo đó đều ngây ngất một niềm vui lả lơi mà say sưa, một niềm vui tràn ngập tất cả các giác quan, một niềm vui cơ hồ đến đau đớn:
Càng đàn càng địch càng mê, Càng gay gắt điệu, càng tê tái lòng. |
Có chỗ vô tình Ôn Như Hầu đã tìm được những âm thanh đọc lên nghe ấm cúng lạ:
Mây mưa mấy giọt chung tình Đình trầm hương khóa một cành mẫu đơn. |
Tôi sực nghĩ đến mấy câu thơ Nguyễn Nhược Pháp:
Đêm hôm ấy em mừng, Mùi trà hương bay lừng Em nằm nghe tiếng mõ Rồi chim kêu trong rừng. |
Trí thông minh, tài khéo léo không sao có thể tìm ra được những lời như thế. Tất phải có một mối cảm thành thực.
Đọc Cung oán ngâm khúc đến đoạn này tôi nghe mà tiếc. Niềm vui kia sao ít thấy trong thơ Tàu và thơ ta. Hàn Xương Lê nói: “Vui vẻ khó hay, lo buồn dễ đẹp”. Có lẽ thế thật. Nhưng vì sao thế? Há không phải vì lòng ta vốn vui ít buồn nhiều? Dầu sao Ôn Như Hầu mất năm 1798, chỉ mười mấy năm sau là Đoạn trường tân thanh ra đời mà Nguyễn Du đã không còn có thể cảm được niềm vui say sưa ấy nữa. Đoạn trường tân thanh buồn, có khi buồn cả trong những đoạn vui. Còn gì vui bằng hôm Kiều nhân cha mẹ đi vắng, băng nẻo vườn khuya sang tự tình với Kim Trọng. Thế mà vừa gặp nhau nàng đã nói:
Bây giờ rõ mặt đôi ta Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao! |
Câu này vốn phỏng theo một câu trong Tây sương để tả vui(4). Nhưng lời thơ Nguyễn Du mới buồn làm sao, không rõ những gì đã đến trong đời sống Việt Nam mà lòng người bỗng có sự biến thiên nhường ấy.
Nghĩ thế ta càng lưu luyến những vần thơ vui của Ôn Như Hầu như lưu luyến chút di tích của một thời nồng thắm.
Nhất là những vần thơ vui kia lại chẳng có bao nhiêu. Phần lớn trong Cung oán ngâm khúc vẫn là những lời ta thán của một người mệnh bạc. Những lời ta thán nhiều khi khó chịu. Bởi vì nhiều khi đương chờ đợi người cung nữ ta lại gặp phải Ôn Như Hầu. Tuy đã mượn lời cung nữ để tả tâm sự mình, Ôn Như Hầu vẫn không thể quên mình được, Ôn Như Hầu không như Nguyễn Du. Nguyễn Du đã đóng vai người nào thì cử chỉ nói năng y như người ấy.
Song cũng có những chỗ ý thơ, lời thơ hay quá khiến ta quên sự sơ suất ấy của người thơ. Chẳng hạn như nhiều đoạn tả nỗi tức tối của người xấu số, Ôn Như Hầu buồn ít tức nhiều. Hãy xem như câu:
Hoa này bướm nỡ thờ ơ, Để gầy bông thắm để xơ nhị vàng. |
Một người khác cùng ý đó có thể không dùng chữ gầy mà dùng chữ phai. Bông thắm phai, ngày trước thắm, bây giờ phai. Chữ dùng tưởng vẫn đúng lắm chứ. Nhưng dáng điệu câu thơ sẽ trở thành non yếu. Nó cơ hồ mất hết vẻ tức tối nó sẽ buồn. Phàm người ta có bản lĩnh vững vàng, có tinh thần dũng cảm mới biết tức. Nếu không đứng trước những cảnh bất như ý ở đời người ta chỉ buồn. Tức ấy là tỏ rằng dầu phải bó tay vì đuối sức, lòng người ta nhất định cưỡng lại không nghe. Tay yếu nhưng lòng vẫn đủ sức quật cường. Buồn thì không thế. Buồn là buông xuôi, tay buông xuôi mà lòng cũng buông xuôi. Ôn Như Hầu cũng có lúc buồn nhưng thường thì câu thơ có gì rắn chắc, nó không chịu buông xuôi. Thi nhân dùng cả những chữ, những lối nói rất ít thấy trong thơ văn miễn là có giọng uất tức:
Khoảnh làm chi bấy chúa xuân ? Chơi hoa cho rữa nhị dần lại thôi! |
Nhưng trong hai câu thơ này cũng như trong hai câu dẫn ra trên kia còn thấp thoáng bóng người cung nữ cho nên lời thơ vẫn chưa được như ý. Phải tìm đến những câu trong ấy chỉ có một mình Ôn Như Hầu. Đó mới thực là những câu hởi lòng hởi dạ bởi vì người viết truyện đã hoàn toàn biến ra thi nhân không còn vướng víu gì nữa. Như câu:
Chống tay ngồi ngẫm sự đời Muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm. |
Hay như những câu trong đoạn nói chung về cảnh đời một tuồng ảo hóa. Đoạn này khá dài, xưa nay vẫn được mọi người thích. Trong các sách hợp tuyển, nó nằm trơ trọi như một khối uất phẫn. Đây không còn là lời than thở của một người đàn bà đau buồn vì lang quân phụ bạc. Đây là nỗi tức tối của một đấng trượng phu phải bó tay trước cuộc đời vô nghĩa. Trong văn chương ta, không ai cảm thấy cái bi đát của cuộc đời, hơn nữa cái tàn nhẫn của cuộc đời như Ôn Như Hầu, cho nên không ở đâu có cái giọng đau xót, căm hờn như trong Cung oán.
Cuộc thành bại hầu cằn mái tóc |
Nội một chữ cằn, bao nhiêu căm hờn, bao nhiêu đau xót. Đây đó ta vẫn lượm được những tư tưởng Phật nhưng không có cái vẻ thoát trần của nhà Phật. Trần Danh Án, một nhà nho đương thời có tặng Ôn Như Hầu hai câu ngũ ngôn:
(Ở trong cảnh mà quên cảnh; giống nhà Phật nhưng không phải nhà Phật).
Trần Danh Án nói đúng tâm tình của bạn. Ôn Như Hầu đã cầm được niềm vui say sưa chỉ có trong trần gian, người cũng nếm đủ nỗi đời cay cực. Quả người còn nặng lòng trần, còn chìm đắm trong khổ ải. Đối với Ôn Như Hầu chỉ là một nơi chồng chất những nỗi đau vô cùng. Ta cũng không thể tự an ủi với cái tinh tướng rằng những nỗi đau khổ kia là cần hoặc để mà luyện tâm trí ta hoặc để Thượng đế làm nên những gì ta không hiểu(5). Thượng đế của Ôn Như Hầu chỉ làm khổ người ta, chỉ hành hạ người ta, chỉ đay nghiến người ta để mà chơi. Đó là một đứa trẻ tàn ác mà tinh nghịch:
Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán Chết đuối người trên cạn mà chơi! |
Nó búng một cái quay để đâu trên kia thế là dưới này bọn chúng ta xô đẩy nhau vào nước lửa. Bao nhiêu thương tâm chỉ có mục đích chiều lòng một đứa trẻ khó ưa. Cuộc đời do đó không chỉ có những đau thương; thêm vào vị đau thương còn có vị chua chát. Vừa bi kịch vừa hài kịch vậy. Bi kịch với ta mà hài kịch với trẻ Tạo.
Nhân sinh quan này chẳng riêng gì Ôn Như Hầu. Nhưng có lẽ không ở đâu nó có vị đắng cay, hằn học như ở Ôn Như Hầu. Nó đã biến theo bẩm tính con người, Ôn Như Hầu xuất thân chốn quyền môn, từ nhỏ đã hấp thụ cái văn chương chữ Hán.
Nhưng hoàn cảnh ấy, không khí ấy không làm tiêu ma được cái bẩm tính tuy thô mà rất vững, cái bẩm tính nồng nàn, tha thiết của thi nhân.
(Trích Giáo Dục tạp chí số 5, tháng 1/1944, phần Tạp loại tr.51-55)
(1) | Bệnh Tề Tuyên: bệnh đa dâm (Chú thích của H.V). |
(2) | Cung oán ngâm khúc dẫn giải, Tân Dân xuất bản, in lần thứ 4, trang 97. |
(3) | Thi văn bình chú, Tân Dân xuất bản, in lần thứ nhất, cuốn thứ nhất, tr.104. |
(4) | Câu: 我審視明日,難道是昨夜夢中來. Trong quyển Truyện Thúy Kiều do hai ông Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo có chữa câu: 與我寔是明日,安知不是夢中來. Tôi đã tra trong hai bản Tây sương mà không tìm thấy câu này, hoặc giả hai ông đã nhớ mang máng Tây sương mà dịch lại lời Nguyễn Du. Dầu sao, chính câu trong Tây sương không buồn, câu 2 ông dẫn ra đã có giọng buồn, và câu của Nguyễn Du buồn vô cùng. |
(5) | Xem bài: A Villequier của Victor Hugo. |