Cây giống, con giống cho vùng cao

Ở phiên chợ huyện cao nguyên Đồng Văn bữa nào, tôi ăn thắng cố, uống rượu với các chàng trai người Mông, uống say, rồi theo các chàng ra cổng chợ hát ghẹo gái. Lâu lắm rồi, chợ vùng cao vắng tiếng khèn, vì còn ít người biết thổi khèn, nhưng hát giao duyên gẹo gái thì vẫn còn, vẫn vui.

Ở màn hát vãn trò chia tay, đưa tiễn người đi, người về, tôi được một chàng trai dịch cho nghe câu hát của cô gái nọ, nghe thấy đắng trong lòng:

Anh đi rồi,
Em với cha mẹ ở lại
Bắp ngô ngày càng nhỏ
Hạt đậu ngày càng nhỏ
Bông lúa nhiều hạt lép
Lấy gì nuôi nhau.

Hỏi ra mới biết, đó là câu hát các cô gái mới đặt lời. Phía sau câu hát se lòng là một thực tế của nhiều mùa nay trên các huyện vùng cao Hà Giang, ấy là giống lúa, giống ngô, giống đậu trồng đi trồng lại nhiều năm rồi, nay đã thoái hóa, hạt nhỏ lại, nhiều bông lép. Không chỉ giống cây trồng mà con nuôi, như lợn, gà, bò, dê… cũng thoái hóa dần. Lợn Đồng Văn, Mèo Vạc, Thanh Thủy ngày xưa xuất chuồng vừa to vừa nạc, hai người khiêng lặc lè, bây giờ, con lợn đem xuống chợ cắp ở nách, như cắp cái phích đựng nước…

Cây giống, con giống ở nhiều vùng như phía tây Quảng Nam, Quảng Ngãi, trên Đắc Nông,… cũng vậy, thoái hóa dần, ảnh hưởng đến năng suất, đến đời sống bà con lao động nông nghiệp.


Chuẩn bị cây giống xuất cho bà con.

Ở huyện Mèo Vạc, tôi hỏi chuyện ông Dùng, cán bộ huyện ủy, rằng thay đổi cây giống, con giống cho bà con có khó không? Ông Dùng nói vừa dễ, vừa khó. Dễ vì muốn có cây giống, con giống tốt thì về Trại giống của Trung Ương là mua được ngay, bao nhiêu cũng có. Càng mua nhiều, càng được hoan nghênh. Khó là vì mấy chục năm nay bà con quen trồng, quen nuôi giống cũ, nay đem cây giống, con giống mới về, nghĩa là thay đổi thói quen canh tác đã thấm sâu cả một đời người, nên muốn thay đổi, phải có người hướng dẫn để làm theo.

Bà con dân tộc thiểu số có thói quen không tin vào lời nói, chỉ tin vào những gì mắt thấy, tay sờ. Cán bộ ta thích nói ở hội nghị, việc gì cũng muốn giải quyết ở hội nghị. Còn bà con việc đưa giống mới vào sản xuất không chỉ giảng giải ở vài ngày hội nghị là xong, mà phải mang giống xuống dân bản, ăn ở với họ, vừa làm vừa hướng dẫn nuôi trồng cả một mùa, bà con thấy được kết quả, bà con noi theo. Chúng ta thừa giống nhưng thiếu người hướng dẫn nuôi trồng cụ thể, nên bao nhiêu năm nay bà con không thay được giống mới.

Đó cũng chỉ là một ý kiến đáng lưu ý. Nhưng việc để bà con nhiều năm nay chưa thay đổi được giống mới, bao năm có làm mà thiếu ăn triền miên có lẽ không chỉ thiếu mấy anh chị cán bộ kỹ thuật không về sống ba cùng với bà con, mà thiếu cả tấm lòng lo toan cho bà con của các cấp chính quyền. Tôi hát mấy câu hát trên cho ông cán bộ huyện nghe, họ im lặng, rồi bảo, họ đã nghe câu hát này quen rồi…

HÀ LÊ HÀ