Đầu thu năm nay, trong khuôn viên Vườn Bách Thảo Hà Nội, có một cuộc tọa đàm thơ khá đặc biệt, với chủ đề “Tâm hồn Việt trong thơ haiku Nhật Bản”. Cuộc họp do hội Hữu nghị Việt - Nhật Hà Nội và Câu lạc bộ thơ haiku Hà Nội tổ chức, có sự tham gia của một số chuyên gia haiku từ Nhật sang. Những đề tài trình bày rất hấp dẫn và mở ra một chân trời mới cho thơ Việt Nam: - Thơ haiku ở Việt Nam và phương hướng phát triển; - Tâm hồn việt Nam qua thơ haiku; - Haiku Việt trên con đường tự khẳng định; - Cách gieo vần kiểu lục bát và các kiểu như trong haiku Việt.
Nội dung tọa đàm đa dạng và sâu sắc, chúng tôi, các hội viên CLB thơ haiku Hà Nội, tuy mới thành lập được 5 năm, đã rất say mê và bỏ ra nhiều tâm lực tìm hiểu và áp dụng thể thơ này.
Việc du nhập một thể thơ nước ngoài vào nền văn chương dân tộc thể hiện một khía cạnh của hiện tượng tiếp biến văn hóa nói chung. Điều này đã được thể nghiệm ba lần trong lịch sử văn học nước ta. Lần thứ nhất, trong giai đoạn ảnh hưởng Trung Quốc (thời Bắc thuộc và thời phong kiến độc lập, cho đến cuối thế kỷ 19), ta đã tiếp biến các thể thơ Đường, lại tạo ra các thể thơ riêng của ta như song thất lục bát (kết hợp thơ Đường với thơ bản địa lục bát). Lần thứ hai, trong giai đoạn Pháp thuộc, tiếp biến thơ Pháp (nhất là về nội dung thơ lãng mạn nói lên cái tôi, - hay thể thơ 12 âm tiết alexandrin). Từ Đổi mới đến nay, trong không khí toàn cầu hóa, các nhà thơ du nhập ồ ạt đủ các thể loại thơ nước ngoài, hiện đại và hậu hiện đại.
Haiku mới xuất hiện trên thi đàn Việt Nam độ hơn chục năm nay. Nó chưa cắm rễ sâu như ở nhiều nước trên thế giới. Có điều lạ là haiku phát triển khắp thế giới không do Nhật Bản tuyên truyền mà do các nước tự tìm đến, đặc biệt các nước phương Tây. Hiện có một Hội haiku thế giới, xuất bản tạp chí thơ haiku các nước và hoạt động haiku quốc tế. Số 10 năm 2014 đăng thơ của 188 nhà thơ viết bằng 30 thứ tiếng của 40 nước. Nhật có hàng chục tạp chí thơ haiku, báo hằng ngày cũng đăng thơ haiku.
Thơ haiku là thể thơ ngắn nhất thế giới, chỉ 3 dòng gồm 17 âm tiết (5 + 7 + 5). Thường ở Nhật, haiku là một câu viết một dòng chia làm 3 khổ, có chỗ ngắt để người đọc dễ hiểu. Ba dòng của haiku kết hợp ba yếu tố: thời tiết mùa trong năm gắn với một cảm giác của giác quan (tiếng động thiên nhiên, hương thơm, cảnh vật…) gây nên một cảm xúc (thể hiện một tâm trạng).
Ông tổ của haiku là Basho (1644-1694) tức Ba Tiêu thiền sư. Ông lang thang suốt cuộc đời, với một tâm hồn cô độc trên trần thế, đắm mình trong cảnh đẹp hoang dã, thực hiện lý tưởng WAKI SABI (*) – nhập vào thảo mộc hay khoáng vật để tiêu tan bản ngã. Ông có rất nhiều bạn bè và hàng nghìn đệ tử thơ.
Basho có công canh tân thơ haiku, biến một thể thơ tầm thường, bông đùa thành thơ trữ tình tuyệt mỹ, trở thành tập quán văn hóa Nhật. Xin dẫn một bài haiku của Basho và vài bài haiku Việt:
Cỏ mùa hạ reo
Chiến binh thuở trước
dấu tích mộng vàng
Basho
Sương khuya hồ Tây
Sâm cầm vút cánh
trăng lay
Đinh Nhật Hạnh
Rừng cây đầy lá xanh
Không chiếc vàng nào hết
Rừng cây đã chết
Nguyễn Duy Quý
Chim trong lồng đang hót
Chim bên ngoài líu lo
Tiếng hót nào gọi gió?
Trần Bá Giao
Hương ngâu
Chảy vàng
Tháng Bảy
Phùng Gia Viễn
Du nhập haiku vào thơ Việt Nam, tuy mới ở bước đầu thể nghiệm, nhưng theo CLB haiku Hà Nội nhận định, thì đến nay “haiku tiếng Việt đã ca hát với tinh thần tự do” nghĩa là cải biên tự do (không cần theo thời tiết, mùa, quanh quẩn với thiên nhiên (theo kỷ yếu Tọa đàm thơ haiku Việt – Nhật lần thứ nhất). Tôi hiểu bước đầu thể nghiệm haiku có thể đi các hướng, nhưng tuy là người ngoại đạo, tôi chỉ e không khéo Việt hóa haiku lại hóa ra làm thơ tự do 3 dòng dễ dãi.
Ông Banya Natsuishi, Chủ tịch Hội Haiku thế giới, mở đầu cuộc tọa đàm, đã đọc một bản tham luận rất sâu sắc về tính chất haiku. Ông kể về việc năm 1902, nhà Nhật Bản học người Anh B.H. Chamberlain dịch bài thơ của Basho (ở trên) thành thơ Anh 2 dòng. Nhà Đông phương học người Pháp Maitra không tán thành, dịch sang thơ Pháp 3 dòng. Như vậy là đúng, 2 dòng thì mất chiều sâu. Thơ haiku phải có đủ 3 dòng.
Ông Natsuishi mong ước một điều: “Tôi mong rằng thơ haiku Việt thể hiện được nhạc tính của tiếng Việt”.
Ông cho là về tứ, haiku Việt nên khai thác sâu sắc hơn. Và ông so sánh haiku của Lý Viễn Giao với bài của Basho ở trên, dáng dấp giống nhau:
Trăng lạnh
nghĩa trang
đồng đội xếp hàng.
Ông bình luận: “Đọc câu thơ này lên thì thấy tiếng Việt hiệu quả nhất là âm hưởng”. Ông cho là bài này chưa phải là haiku, chỉ là thơ hai dòng: “trăng và nghĩa địa” – “đồng đội xếp hàng” – “có gợi niềm xúc động, nhưng chỉ là một tầng phẳng”. Thơ của Basho có cả sự di chuyển thời gian, một cách kỳ tài. Tiếng “cỏ mùa hạ” tốt um là một hiện thực tượng trưng đến ước vọng của “chiến binh” dẫn đến thế giới quá khứ của cuộc chiến và những quá khứ ấy biến mất như “một giấc mộng” để rồi lại quay về với hiện tại là “dấu tích”. Cấu trúc thơ có 3 dòng nhưng cũng thấy có bề dày như thế”.
--------------------
(*) WAKI SABI: một giáo sư Nhật cho tôi biết là không có tiếng nước ngoài nào tương đương. Ông cho tôi một loạt tiếng Anh nằm trong khái niệm WAKI SABI: Loneliness (cô đơn, hiu quạnh), Silence (yên tĩnh), Calm (lặng lẽ), Ordinary (bình dị). Có lẽ khái niệm WAKI SABI phản ánh quan niệm thoát tục của phương Đông, tinh thần đặt trên vật chất tầm thường. Tôi nghĩ là Việt hóa haiku Nhật thì nên giữ đặc điểm ấy và một số đặc điểm khác của thể thơ ấy: 3 dòng, vô đề, tránh dùng tính từ, cần có yếu tố thiên nhiên.