“Nếu không phải vì nghệ thuật, anh có rải tiền đầy đường tôi cũng giẫm lên mà đi. Còn vì nghệ thuật, tôi có thể nhặt từng đồng xu để sống” - Nguyễn Sáng
Nguyễn Sáng và những giai thoại…
Bởi tài năng Nguyễn Sáng quá lớn nên lắm giai thoại về ông. Có người gặp Nguyễn Sáng đang uống rượu, hỏi: “Sao lại uống rượu một mình thế này?”. Nguyễn Sáng đáp: “Sư tử chỉ đi một mình”. Lại hỏi: “Sao không uống gần nhà cho tiện lại mò ra tận đây?”. Đáp: “Phượng hoàng không ăn gần tổ”. Hay có lần Hào Hải hỏi Nguyễn Sáng: “Trong các họa sĩ Việt Nam, anh thích ai nhất?”, Nguyễn Sáng không cần suy nghĩ, trả lời ngay: “Họa sĩ Việt Nam, tôi yêu nhất là Nguyễn Sáng, nhì Liên (Dương Bích Liên)”. Nguyễn Sáng là một con người thẳng thắn và bản lĩnh. Và, chẳng hiểu vì sao cuộc sống cô đơn dường như dành riêng cho người họa sĩ tài hoa bậc nhất này.

Giặc đốt làng tôi
Trong nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có ghi: “Ngày 11/3/1960, một câu chuyện dở khóc, dở cười về tranh của Nguyễn Sáng. Bức tranh sơn mài của Sáng về Hồ Gươm vẫn treo trên tường Câu lạc bộ Quốc tế. Anh phụ trách cho là đề tài lạc hậu nên bỏ xuống. Bức tranh không khung, vứt bỏ xó. Thế rồi gọi bán. Đạo diễn điện ảnh Phạm Văn Khoa đi qua hỏi giá bán là 100 đồng. Mừng quá, anh chạy về nhà bán xe, bán các thứ lên mua. Trong khi ấy, các đoàn ngoại giao, chuyên gia nước ngoài nhao nhao hỏi mua. Một anh Rumani trả giá 700 đồng. Anh phụ trách Câu lạc bộ thấy thế, đoán bức tranh có giá, bèn không bán nữa! Phạm Văn Khoa đành phải về năn nỉ xin chuộc lại chiếc xe đạp”.
Từ núi rừng Việt Bắc trở về, họa sĩ Nguyễn Sáng và nhạc sĩ Văn Cao thường xuyên có mặt ở tòa soạn báo Văn Nghệ. Về sau, họ hay gặp và chia sẻ với nhau ở vài quán rượu nhỏ, đặc biệt ở quán “Thủy Hử”.
Thực ra, “Thủy Hử” là cái lều ba bề trống trải, ngoài lợp lá, trong mái tôn, nền đất, góc che vách liếp đều trét đất. Bàn ghế xiêu vẹo, bẩn thỉu. Trên vách dán đầy những tranh ảnh màu lấy từ các họa báo Liên Xô, Trung Quốc đã cũ nát, nhòe nhoẹt. Những hôm trời mưa, có chỗ bị dột ngay giữa bàn rượu. Chủ quán, cụ Cả Vạch nhom nhem với cái lưng còng bên mấy món ăn nguội. Họa sĩ Nguyễn Sáng và nhạc sĩ Văn Cao thì lọt thỏm giữa những tiếng nói khàn khàn, òm òm… Họ nhất trí xếp ghế “Tống Giang” cho nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
Bước đường nghệ thuật
Nguyễn Sáng đã từng tắm mình trong không khí lặng lẽ mà sôi động của những đêm hội quân chuẩn bị cho Chiến dịch Biên Giới trong tình yêu thương gắn bó của dân như: Tình quân dân, Giặc đốt làng tôi chẳng đã từng chứng kiến những kỳ vọng của dân tộc đối với cách mạng?! Chẳng đã từng hưởng cái không khí vui vẻ thoải mái giữa bộ đội và dân công ở giữa đỉnh đèo vùng Thượng Lào một ngày thu nắng đẹp Nghỉ trưa, hay đã từng thèm một ánh đèn nhà dân ấm cúng vào một buổi chiều mưa táp, chân giẫm bùn, quần áo sũng nước Trú mưa đó sao?! Có sống hết mình với những thực tế ấy, trăn trở suy tư về cái thực tế ấy, nghệ thuật của Nguyễn Sáng mới có sức thuyết phục mạnh mẽ, tạo nên những tác phẩm sống trong lòng người.
Thành công lớn về đề tài cách mạng, chứng tỏ tình yêu nước chân thành, lòng nhân đạo cao cả qua lao động và sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ, như: Giặc đốt làng tôi, Kết nạp Đảng ở Điện Biên, Nghỉ trưa, Công hội đỏ, Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ, Thành đồng tổ quốc… Về mặt này, thực lòng chưa ai dám đưa ra so sánh. Và vớiVườn chuối, Thiếu nữ và hoa sen cùng những tranh chân dung… giản lược, chính xác, dù một lần xem qua, thực khó quên.

Kết nạp đảng viên ở Điện Biên
Những khám phá tìm tòi táo bạo và cẩn trọng trên chất liệu sơn mài cổ truyền với một bút pháp độc đáo làm kinh ngạc, gây thán phục những nhà nghệ thuật học nước ngoài và bao nhà chơi tranh sành sỏi ở Tây Âu. Như tác phẩm Chọi trâu, Hổ, Mèo, Không gian… giản dị, sâu sắc, tỏ rõ bản lĩnh trong cấu tạo giữa hiện đại và dân tộc, mới mẻ và nhuần nhị. Cả đời sáng tác, danh họa Nguyễn Sáng chỉ một lần triển lãm cá nhân tại Hà Nội do Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam tổ chức.
Nguyễn Sáng tiếp thu khá đầy đủ tri thức nghệ thuật cổ điển và ấn tượng châu Âu lẫn khả năng mô tả hàn lâm. Những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Sáng cho thấy một phong cách riêng mạnh mẽ nhưng giản dị và biểu cảm. Với ông, đồng nghiệp không thể quên sự “lược tả và cách điệu cao” rất độc đáo. Ông là người đã có những thành công lớn về đề tài kháng chiến và cách mạng. Nguyễn Sáng khẳng định hướng đi của mình: “Tôi không đi vào nghệ thuật hàn lâm phong kiến. Tôi chỉ đi vào nghệ thuật dân tộc, dân gian, hiện đại. Tôi sống rất hiện đại, chính xác. Tôi thích tổng quát, tổng thể, chứ không đi vào chi tiết vụn vặt”. Ông tự tin trong nghệ thuật, tự tin trong đời sống. Di sản nghệ thuật lớn lao còn đó là chứng cớ đáng tin cậy nhất và lòng tự tin của ông.

Cô gái và hoa sen
Tranh của ông không nhiều, không ồn ào, ông sống lặng lẽ, gần như cả đời cô đơn, cả đời nghèo. Trong nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có ghi: “Nghĩ thương cho Sáng không có thuốc (màu nước, thuốc nước), không có màu để vẽ, trong khi đó có nhiều họa sĩ có thuốc mà không vẽ, chỉ để thỉnh thoảng mở ra ngắm. Và thảm hơn, để đem bán…”. Ở đoạn khác, Nguyễn Huy Tưởng viết: “Sáng là họa sĩ có tài, có lẽ thuộc vào số những tài hoa bậc nhất của hội họa Việt Nam. Vậy mà không có dịp thi thố tài năng. Tài năng ấy không lẽ cứ để cho mai một đi (10/6/1961)”.
Tiểu sử - bậc thang cuộc đời

Chân dung Nguyễn Sáng
Tục ngữ có câu: “Giàu về làng, sang về nước”. Tiếc rằng, làng Điều Hòa quê ông, rất ít người biết họa sĩ Nguyễn Sáng, một nhân vật “đồ sộ” của giới hội họa Việt Nam.
Nguyễn Sáng sinh ngày 01/8/1923. Lớn lên theo học trường Mỹ thuật Gia Định, tốt nghiệp hệ trung cấp, ông cùng Diệp Minh Châu, Nguyễn Siên ra Hà Nội thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Cả ba đều trúng hạng cao. Thủ khoa Diệp Minh Châu, nhì Nguyễn Sáng, ba Nguyễn Siên ở khóa học 1941-1945. Cách mạng bùng nổ, họa sĩ Diệp Minh Châu và họa sĩ Nguyễn Siên nhanh chân đáp tàu hỏa về Nam. Họa sĩ Nguyễn Siên sau đó trở thành Giáo sư trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, tên tuổi của ông gắn liền với nghệ thuật sơn mài truyền thống trên đất Sài Gòn – Gia Định. Riêng Nguyễn Sáng còn ở lại Hà Nội. Cùng với bạn bè, đồng nghiệp, Nguyễn Sáng lao vào các hoạt động, như: vẽ tem thư bưu chính, vẽ tranh cổ động, vẽ giấy bạc cho Chính phủ lâm thời và tham gia triển lãm chào mừng Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam mới…
Nguyễn Sáng chính là tác giả của bộ tem "Chân dung Hồ Chủ tịch" - một bộ tem đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Tháng 12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông lên chiến khu Việt Bắc để tham gia kháng chiến.
Đoạn kết
Nguyễn Sáng tự xưng mình sống rất hiện đại. Ông ngang bướng, lắm “góc cạnh” nhưng là người rất nhiều tình cảm… Nguyễn Sáng không được bình Huân chương kháng chiến. Những năm sau, trong lúc Hà Nội bị báo động liên miên, Nguyễn Sáng lo: “Rồi giải phóng miền Nam, tao về thăm quê, bà con họ hàng hỏi chú đi làm Việt Minh, Việt Cộng bao nhiêu năm thế mà trên ngực không có cái mề đay nào? Mày bảo tao trả lời sao? Tao buồn lắm!”.
Cuộc sống lặng lẽ, gần như cả đời cô đơn, cả đời nghèo túng và cuối đời ra đi thầm lặng, nhưng cái còn lại là “tài sản” hội họa sáng chói nhất, quý giá nhất của lịch sử tạo hình Việt Nam.
Ở vào tuổi lục tuần, bỗng dưng ông thèm có mẹ. Ông muốn được òa khóc, được hờn giận, được nũng nịu, được vỗ về như còn bé thơ. Ông ra Bắc sống xa quê hương, người mẹ chỉ còn hình bóng trong lòng ông. Ông thèm một tình cảm gia đình.
Gần 40 năm đằng đẵng mới trở về quê hương, nhưng họa sĩ Nguyễn Sáng hưởng niềm hạnh phúc không trọn vẹn. Buồn tủi với nỗi đau số phận, như một định mệnh nghiệt ngã đời mình. Vì nơi đây, ông đưa người vợ trẻ về nơi an nghỉ cuối cùng. Hơn 50 tuổi ông mới lấy vợ, tưởng cùng nhau nương tựa suốt cuộc đời, nào ngờ thần chết đã cướp đi người vợ còn quá trẻ bởi một căn bệnh hiểm nghèo.
Sau đó, ông trở lại Hà Nội với cảnh và người biết bao quen thuộc. Có lần ông nhận ra: “Mình Bắc Bộ hơn Nam Bộ ra Bắc!”. Về Sài Gòn, Nguyễn Sáng nhớ Hà Nội da diết, nhưng ra Hà Nội lại nhòe nước mắt nhìn về Nam, nhớ Sài Gòn.
Năm 1987, họa sĩ Nguyễn Sáng lại quay về cố hương, trông chờ ở người em tập kết cùng trở về là nguồn an ủi, ngờ đâu, người em ấy lại vội vã ra đi với cơn đau tim đột ngột. Ông dường như bất lực trước số phận, nhưng vẫn cố vẽ tranh. Ly rượu đơn lẻ và nghệ thuật tạo hình vẫn chung tình với danh họa Nguyễn Sáng đến phút cuối cùng. Bức tranh dang dở còn ở đâu đây…

Kiều
Trong lễ tang cố họa sĩ Nguyễn Sáng, Trịnh Công Sơn viết: “Tôi chưa bao giờ đến viếng một đám tang nào lặng lẽ cô đơn đến thế. Đêm tối càng làm cho cái thân xác nằm yên trong những tấm gỗ hòm trơ trọi hơn thêm. Tội cho anh Sáng quá. Tranh của anh thì hào hoa mà đời rượu của anh thì tồi tàn tội nghiệp quá thể”.
Ngày tiễn danh họa Nguyễn Sáng về nơi an nghỉ cuối cùng, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu đọc điếu văn, giàn giụa nước mắt kể lại một chuyện đùa của Nguyễn Sáng: “Khi liệm tôi, các ông trổ hai lỗ tròn ở hai vách áo quan để hai bàn tay tôi thò qua đó cho thiên hạ biết rằng khi vào đời Nguyễn Sáng chỉ có hai bàn tay không và khi ra đi cũng vậy”.
Danh họa Nguyễn Sáng chiếm một vị trí, một ảnh hưởng rất lớn với bạn bè, đồng nghiệp và cả thế hệ mai sau. Đánh giá cao tài năng và sự cống hiến của ông, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Độc Lập cao quý cho danh họa Nguyễn Sáng. Nhưng khi Văn bằng và Huân chương được gửi vào Chi nhánh Mỹ thuật phía Nam, thì họa sĩ Bình Đẳng, chánh văn phòng cơ quan cho biết: “Định để khi có món tiền kha khá làm một bữa mời tất cả bạn bè của danh họa Nguyễn Sáng đến vui cùng ông. Lần lữa mãi, khi Văn bằng và Huân chương được trao là lúc… lễ tang của ông…!”
Huân chương cao quý này không chỉ là phần thưởng tinh thần cho danh họa Nguyễn Sáng mà còn là của chung cho những người ngưỡng mộ tài năng của nền Mỹ thuật Việt Nam.