Di… đáng sợ!

Xem xong bộ phim Bi, đừng sợ và hiểu ra đạo diễn Phan Đăng Di đã khuyên Bi đừng sợ cái gì, tôi bỗng thấy lo vì sợ rằng, những cậu bé ở độ tuổi Bi sẽ nghe theo Di để bắt đầu làm quen với những “khám phá” của anh. Sau khi đọc bài Bi, đừng sợ… nhưng khán giả quá sợ! của tác giả Ngô Ngọc Ngũ Long trên tạp chí Hồn Việt số 45 (tháng 4/2011) tôi thấy phần nào đỡ lo vì đó là một bài phản biện khá đầy đủ và sắc sảo giúp các bậc cha mẹ có cơ sở để suy nghĩ xem có nên khuyên “Bi của nhà mình” theo cách như anh Di không.

Tôi không phải nhà lý luận hay phê bình điện ảnh nên chỉ viết theo cảm nhận-đúng hơn là theo nỗi lo của bậc cha mẹ sau khi xem bộ phim này.

Nếu anh Di cho rằng, đời sống của những nhân vật trong phim là “rất đỗi bình thường” và những hành vi của họ là “bình dị nhất” thì đó là “cảm xúc thẩm mỹ” và “thang giá trị” riêng của anh. Nếu anh chỉ giữ riêng cho mình thì sẽ không ai có quyền bình phẩm, nhưng vì anh đưa chúng lên phim nên đã làm cho khán giả cảm thấy lo ngại khi nghĩ về những đứa con nhỏ dại của mình nếu chúng lỡ xem phim này.

Thực ra những gì anh Di đưa lên phim (các nhân vật chính: một cô giáo nhưng không thấy dạy học mà chỉ đi tìm tình dục, một cô con dâu kích thích tình dục ông bố chồng già, một người đàn ông chỉ thấy cảnh ngồi quán bia…) đều có thể có trong đời thường- thậm chí có những chuyện tồi tệ hơn. Cho nên cái gọi là “khám phá” phải chăng chỉ là “gán” cho những hành vi không đẹp ấy cái tên là “bình dị”?

Thế nhưng bản chất và giá trị thẩm mỹ của một sự vật lại không tùy thuộc vào cái tên do một người đặt ra, còn khán giả thì nhận biết những giá trị tốt đẹp hay xấu xa từ quan sát hành vi của nhân vật chứ không theo “ghi chú” của tác giả- điều đó cũng giống như có ai nói: “Hổ là loài vật hiền lành” thì không phải vì thế mà người ta tin ngay và dám cho trẻ con chơi đùa với hổ.

Hàn Quốc là một cường quốc điện ảnh, họ có những bộ phim truyền hình rất dài như Ngây thơ tuổi 19, Mối tình đầu… nhưng không hề có một pha sex nào, ngay cả những nụ hôn môi cũng không cận cảnh, thế nhưng khán giả vẫn bị cuốn hút bởi sự tinh tế và những hình tượng nghệ thuật mang nhiều giá trị nhân văn cao đẹp của loài người và của dân tộc họ. Trong khi đó, Việt Nam luôn nói đến việc bảo vệ và xây dựng một nền văn hóa “đậm đà bản sắc dân tộc” nhưng phim của Di lại khai thác những cảnh sex rất trần trụi. Vì thế, bộ phim giống như sự ghép nối những đoạn quay lén của mấy tay paparazzi hơn là một tác phẩm điện ảnh có cấu trúc lô-gích và có tư tưởng nhân văn.

Vì Di khuyên Bi đừng sợ nên cần làm rõ hơn khái niệm này. “Sợ” là thuộc tính sinh học (bẩm sinh), là phản xạ tự nhiên để sinh tồn của động vật nói chung khi có sự đe dọa. Đối với loài người, nỗi sợ cũng là bản năng nhưng có thêm yếu tố ý thức và văn hóa.


Cậu bé Bi trong phim Bi, đừng sợ!

Các triết gia đã lý giải: người dũng cảm không phải là người không sợ trước nguy cơ mà là người dám chống lại hoặc né tránh nó. Những người dũng cảm và khôn ngoan sẽ dám và biết cách chống lại kẻ thù xâm lược, nhưng cũng biết sợ để tránh né thú dữ, biết sợ ma túy, HIV… Vì thế mà khi tuyên truyền phòng chống tệ nạn ma túy thường đi kèm với những bức ảnh rất khủng khiếp của người bị nhiễm HIV là để người xem biết sợ mà tránh xa…; ngược lại, nếu trương khẩu hiệu “đừng sợ HIV” thì điều gì sẽ xảy ra chắc ai cũng đoán được.

Do đó nếu anh Di khuyên Bi “đừng sợ” những hành vi “quái dị” của những nhân vật trong phim thì phải chăng là bảo chúng làm quen và chấp nhận chứ không bảo chúng phải tránh xa.

Nếu anh Di muốn thẩm định giá trị thẩm mỹ và nhân văn của bộ phim thì có một cách rất đơn giản là: hãy hỏi những bậc cha mẹ xem có bao nhiêu người đồng ý với anh và chấp nhận cho những đứa con nhỏ bé ngây thơ của mình nhìn thấy những gì mà anh gọi là “bình dị nhất”?

Tác giả nói rằng, bộ phim “không đưa ra thông điệp”gì nhưng có lẽ đó chỉ là một cách tránh né trách nhiệm đạo đức và thẩm mỹ vì người xem dễ dàng nhận ra “thông điệp” của anh ở ngay tên của bộ phim: anh bảo “Bi, đừng sợ”… tức là bảo nó hãy làm quen chứ không tránh xa những phần tầm thường và quái dị của con người-nhưng đâu phải mọi người đều như thế? Sao anh không cho chúng nhìn thấy phần tốt đẹp còn rất nhiều trong con người và trong cuộc sống? Nếu cho chúng thấy quá sớm những điều tồi tệ thì dễ làm chúng bị “ngộ độc văn hóa” vì sức “đề kháng văn hóa” của chúng còn rất non yếu. Đó là lý do để có thể nói: “Di… đáng sợ!” đối với tâm hồn trong trắng và mỏng manh của trẻ thơ.


Bài liên quan:
NGUYỄN HỮU