Mấy năm qua, câu chuyện về giá cả và quản lý nhà nước về giá cả thị trường ở Việt Nam không ngừng “dậy sóng”, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Từ giá thuốc tây, cho đến giá xăng dầu, gần đây là giá sữa – những mặt hàng thiếu yếu đối với đời sống, người tiêu dùng tù mù với cách tính giá của các nhà sản xuất, phân phối, cứ đứng nhìn nó tự do “nhảy múa” rồi mặc nhiên chấp nhận trong ấm ức, trong sự bất lực và vô vọng. Người dân bất lực đã đành, đằng này, về phía Nhà nước với bao công cụ quản lý trong tay cũng không làm được gì hơn.
Bằng chứng rõ nhất là mới đây, về thực tế công tác quản lý giá sữa, Đài Truyền hình Việt Nam đã đưa ra hình ảnh ví von khá thú vị để phản ánh về cách ứng xử giữa Bộ Tài chính và Bộ Y tế tương tự hai người chơi ping-pong (bóng bàn). Nhưng theo tôi, có lẽ hình ảnh đắt nhất là hai cái công văn của hai bộ, bộ này đề nghị với Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ kia phải làm cái này, cái kia và ngược lại, nhưng hoàn toàn không đề cập gì đến việc phải làm thuộc chức năng, nhiệm vụ chính yếu của bộ mình (?!).
Cũng chung quanh công tác quản lý nhà nước, trước đó, còn có biết bao chuyện khôi hài khác như các quy định: thịt gia súc gia cầm chỉ được bán trong vòng tám giờ đồng hồ (của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); xe chính chủ, chứng minh nhân dân ghi cả tên cha, mẹ (của Bộ Công an)... Khôi hài thật! Nhưng với những ai quan tâm đến thời cuộc, đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền, gồm toàn những công bộc của dân, bằng cấp “sang trọng” đầy người, đang đảm trách cái sứ mệnh có ý nghĩa hết sức to lớn là phục vụ nhân dân, lại không khỏi chua chát, xót xa, thất vọng!
Báo Nhân Dân cuối tuần ra ngày 29-9-2013 đã dẫn một số liệu không khỏi giật mình: “Trong 10 năm (2003-2013), các cơ quan kiểm tra văn bản cả nước đã phát hiện hơn 50 nghìn văn bản sai trái, chiếm khoảng 3% trong 1,7 triệu văn bản được tiếp nhận, kiểm tra. Riêng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã phát hiện trên 4,8 nghìn văn bản (18%) sai trái trong số 27 nghìn văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra và xử lý của mình”... Tình trạng “chậm”, “nợ đọng”, “nợ xấu” trong ban hành văn bản dưới luật cũng phổ biến không kém: “Năm 2013 này, các bộ, ngành trung ương còn “nợ” đến 93 văn bản dưới luật. Đơn vị “nợ” lớn nhất là Bộ Công thương, với 100% (10/10 văn bản), trong đó có Luật Điện lực; Bộ Giáo dục và Đào tạo nợ 93% (14/15 văn bản); Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nợ 67% (28/42 văn bản); Bộ Tài chính nợ 63% (12/18 văn bản)”.
Mập mờ, đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý giá một số mặt hàng thiết yếu kéo dài gây ra bao nhiêu hệ lụy xã hội; chất lượng văn bản thấp, “lạm phát” văn bản sai trái, lại “thiểu phát” văn bản hướng dẫn thi hành (dưới luật), luật pháp chậm đi vào cuộc sống dẫn đến bị vô hiệu, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào bộ máy công quyền.
Ngẫm ra, một bức tranh quản lý nhà nước còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết như thế thì tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Và mục tiêu quan trọng ấy chẳng biết đến bao giờ mới trở thành hiện thực, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân? Nhưng cho dù có nguyên nhân nào đi nữa, cũng không thể phủ nhận một thực tế là, bộ máy quản lý nhà nước đương thời của chúng ta đang có gì đó bất ổn cả ở tầm vĩ mô. Thấy bệnh, bắt được bệnh mà không quyết tâm tìm thuốc chữa, hoặc không bốc được thuốc chữa, ắt sẽ dẫn đến nguy cơ bị loại thải – quy luật tất yếu đối với bất kỳ một thực thể nào, ngay cả với chế độ chính trị của một quốc gia.