Năm 2000, Kim Phượng chạm ngõ điện ảnh với Giải diễn xuất trong cuộc thi Diễn viên Triển vọng do Hội Điện ảnh TP.HCM tổ chức. Cô không được thứ hạng cao vì không đủ chuẩn thân hình người mẫu, nhưng cả Ban giám khảo đều bị thuyết phục bởi cách diễn xuất điện ảnh và nội tâm của cô.
Đó là bước khởi đầu để cô sinh viên năm cuối trường Đại học Kinh tế bước vào thế giới mà cô vô cùng mê đắm… Từ đó đến nay, Phượng đã trải qua nhiều nhân vật đa chiều: lẳng, sex, yếu đuối, mỏng manh…, nhưng bây giờ cô đã phá vỡ cái nhìn quen thuộc của khán giả về cô bằng nhân vật Phượng đê, trùm xã hội đen khét tiếng trong phim Những đứa con biệt động Sài Gòn đang phát sóng trên VTV1.

Diễn viên Kim Phượng
* Nhận vai Phượng đê với hình mẫu là Dung Hà, nhân vật có thật ngoài đời, Kim Phượng có bị áp lực không? Khi Phượng nhận vai, Phượng có thấy ngoại hình của mình hoàn toàn khác với Dung Hà, làm thế nào em tự tin là mình sẽ làm tốt vai diễn?
- Lúc đầu khi nhà sản xuất mời em cũng sợ và không tự tin lắm, em đã từ chối vì em thấy rõ ngoại hình của em không hợp. Với một vai diễn là nhân vật có thật ngoài đời, ngoại hình quyết định 50% thành công, mặt khác, nhân vật vừa là giang hồ khét tiếng vừa là đồng tính, nên phải diễn làm sao cho dân xã hội đen thấy con nhỏ này diễn ra cái thần của một đàn chị thật sự và giới đồng tính chấp nhận được.
Khi em đến gặp chú Long Vân, lúc ấy chú cũng đang hướng đến một diễn viên nổi tiếng khác, hai chú cháu chỉ ngồi nói chuyện quan điểm sống, quan điểm làm nghề thôi, nhưng sau đó chú tuyên bố: “Con này nó sinh ra để đóng Phượng đê”.
Lúc đầu ý của chú là muốn em giữ nguyên hình ảnh một cô gái xinh đẹp, quyến rũ, nhưng lại ô-mô và là một tay anh chị có số má. Ý ấy cũng hay, nhưng vụ án Dung Hà quá nổi tiếng, nên nếu Phượng đê thể hiện theo ý chú thì người xem sẽ thấy xa lạ và khó chấp nhận, nhưng em chưa thể thuyết phục được chú vì chú rất tâm đắc với ý tưởng ấy.
Em quyết định không thuyết phục bằng lời nữa, hôm sau em bó ngực sát, mặc chiếc áo sơ mi rộng, đeo kiếng đen hóa trang giống như Phượng đê trên phim, em ngồi gác chân lên bàn phì phèo thuốc lá và chào chú.
Chú Long Vân chỉ gật đầu rồi hỏi nhỏ người bên cạnh: “Thằng nào vừa chào tao thế?”. Khi biết em là Kim Phượng, chú cười ha hả nói: “Mày hả Phượng, sao khác thế, giỏi thế? Ừ, thì thôi, mày cứ thoải mái làm theo ý mày đi”. Vậy là coi như em được chú cấp “quota” rồi đó.
Em nghiên cứu nhân vật này rất kỹ, em đến các vũ trường, quán bar của các đồng tính nữ để tìm hiểu. Rồi em tạo cái nickname xâm nhập vào các trang web đồng tính để nghe tâm sự và chia sẻ. Em cũng đến quán “Chuồn chuồn đỏ” trong y phục Phượng đê, nhưng khi mở kính đen ra thì người đồng tính họ nhận ra em ngay, nên em phải thú nhận về vai diễn khó của mình, và họ sẵn sàng chia sẻ với em nhiều.

Nhân vật Phượng đê do Kim Phượng thể hiện
Em cũng đến các quán bia ôm và giả vờ đi lộn phòng để nhìn tận mắt những cảnh tượng trong đấy. Khi về nhà lòng em cứ xót xa không chịu được. Người phụ nữ ở những nơi ấy sao mà khổ nhục quá chị ạ…
* Cách làm việc của Kim Phượng dường như không giống với kiểu làm phim bây giờ. Với cường độ làm phim truyền hình hiện nay, làm sao Phượng có thì giờ để đầu tư cho nhân vật công phu dường ấy?
- Không phải chỉ có phim này em mới đầu tư như vậy. Với những phim trước, khi đã nhận vai em đều có đầu tư nghiên cứu kỹ càng nhân vật, nhưng không cực như phim này, vì tâm lý nhân vật đơn giản hơn.
Dù là phim nhiều tập, em vẫn đọc hết kịch bản để nắm được đường dây tâm lý của nhân vật mình, và mỗi phân đoạn em đều phân tích tâm lý nhân vật đúng với từng tình huống, hoàn cảnh.
Ví như ở nhiều cảnh khóc nhưng không phải lúc nào cũng khóc giống nhau, có lúc chỉ cần lưng tròng, có lúc phải khóc òa, lúc nức nghẹn thôi…
Nguyên tắc của em là không chấp nhận sự lặp lại mình, vai diễn cứ na ná nhau…
* Nhưng rất nhiều diễn viên đã nói, do tiến độ quay của phim truyền hình quá nhanh nên họ không có thì giờ để học thoại, cũng không có thì giờ để đọc hết kịch bản. Hầu hết chỉ đọc phần có nhân vật mình xuất hiện, vì kịch bản cả ngàn trang làm sao đọc nỗi? Có người nói nhà sản xuất không in hết kịch bản cho diễn viên vì tốn kém quá…
- Em vẫn đọc hết chị ạ, và nếu mình muốn đọc thì người ta đều đưa cả, còn nếu không có thì em mượn về tự in lấy. Em có đủ thì giờ để đầu tư nhân vật vì em không bao giờ nhận nhiều vai cùng lúc, nguyên tắc của em là xong hết phim này em mới nhận vai mới.
Và tất nhiên là em không bao giờ chờ nhắc thoại cả. Nhiều nhân vật trong kịch bản em thấy tính cách không phù hợp nên bàn lại với đạo diễn để thay đổi, và nếu mình có lý, các anh ấy không hề bảo thủ đâu, ngược lại, họ còn thích nữa, vì chứng tỏ diễn viên có nghiên cứu và đầu tư cho nhân vật, không phải đóng qua quýt cho qua.

Kim Phượng trong phim Những đứa con biệt động Sài Gòn.
* Phượng không hề được đào tạo qua trường lớp, nhưng cách làm việc của Phượng gần giống với các diễn viên được đào tạo nghiêm túc với nghề diễn cửa thế hệ trước. Ví như chị Trà Giang khi vào vai chị Dịu trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, chị phải đi thực tế ở Vĩnh Linh để tiếp xúc với nhân vật mẫu ngoài đời. Do Phượng tự học, hay…?
- Khi đi làm phim chung với thầy Lân Bích và cô Minh Đức em được nghe các chú cô kể nhiều về cách nhập vai của thế hệ trước. Bên cạnh đó, em cũng tự nghiên cứu và học hỏi thêm về nghề diễn từ anh Khoa, ông xã em.
Anh ấy là đạo diễn được đào tạo chính quy ở Mỹ, anh bảo diễn viên mình diễn không tốt vì không chịu học. Còn diễn viên Mỹ họ đầu tư cho nghề kinh khủng, khi có vai họ phải đầu tư cho nhân vật ít nhất nửa năm, và chuyện chạy sô phim của các diễn viên mình là một việc lạ lẫm đối với họ…
* Bây giờ dường như ai cũng có thể trở thành diễn viên và đạo diễn được phải không? Một cô người mẫu với vài ảnh nóng tạo scandal là có thể vào vai và trở thành sao, còn đạo diễn thì dựa vào phòng dựng là chính… Phượng nghĩ sao khi tâm huyết của mình với nghề diễn bị đặt ngang hàng với những bình hoa di động ấy?
- Thực sự em cũng đau lòng lắm, nhưng biết làm sao được. Phim Những đứa con biệt động Sài Gòn được sản xuất từ người có tâm với nghề nên em cũng không bị áp lực nhiều. Chú Long Vân lại là đạo diễn nổi tiếng của thế hệ trước nên rất trân trọng sự sáng tạo của em cho nhân vật.
Trong kịch bản không có cảnh đánh võ của Phượng đê, nhưng em nghĩ đã là dân giang hồ mà là nữ thì phải có ngón nghề gì thì bọn trai mới chịu phục tùng làm đàn em chứ.
Hồi nhỏ ở quê, không có gì chơi em cứ ra tập đá mấy cái tàu dừa, và đá ngày càng cao. Vì vậy, những màn đánh võ mấy anh bên đóng thế vai (cascadeur) chịu những cú đá cao và thẳng của em lắm.
Nhưng thực ra, tất cả những vai diễn từ trước đến giờ của em đều không thuộc sở trường của em, là em cố gắng để tròn vai thôi. Ngay với vai Phượng đê cũng vậy. Em rất muốn có một vai diễn nội tâm, sâu lắng như tiểu phẩm em chọn khi đi thi Diễn viên Triển vọng. Nhưng đến nay em vẫn chưa đạt được ước nguyện.
* Không phải Phượng đã thành lập hãng phim riêng và đang chuẩn bị một phim nhựa cho Tết này sao? Như thế Phượng có thể đạt được ước nguyện của mình khi chính ông xã mình sẽ làm đạo diễn cho chính kịch bản do hai người cùng viết? Phượng có thể hé lộ một chút về bộ phim sắp tới của mình không?
- Em rất sợ câu “Nói trước bước không qua” chị ạ. Nên em chỉ có thể nói Tết này chúng em sẽ ra mắt một phim đề tài thuần chất Việt, có yếu tố hài, nhưng không phải là cái cười cơ học mà phải còn đọng lại trong lòng người xem cái gì đó để suy nghĩ…
* Phượng nghĩ gì về nền điện ảnh của chúng ta hiện tại? Theo em, chúng ta phải làm gì để cho điện ảnh Việt Nam khá hơn?
- Một con én đâu làm được mùa xuân hả chị. Em mong mọi người cùng hợp lực, cùng có ý thức và tâm huyết làm được những bộ phim hay, có giá trị. Em nói bằng tấm lòng của một nghệ sĩ yêu nghề, yêu đất nước mình, mong có sự thay đổi từ cơ chế để phim mình có thể góp mặt được và đứng ngang hàng với các nước khác.
Cái gì cũng bắt đầu từ cái tâm và cái tầm. Cái tâm là trách nhiệm với công việc mình làm, còn cái tầm là sự hiểu biết, là sự rèn luyện, học hỏi không ngừng với nghề. Đó chính là ý thức của mỗi người.
Vì mình đang thiếu trầm trọng những người làm nghề được đào tạo bài bản, đó mới là nền tảng của một nền điện ảnh chuyên nghiệp...
* Cảm ơn Kim Phượng, mong em thực hiện được hoài bão và tâm huyết của mình…