Trong buổi Tổng kết cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (2008-2010), vở kịch Điều ước thiêng liêng đã nhận được Bằng khen của UBND TP.HCM và nữ diễn viên Mỹ Uyên là một trong những cá nhân tiêu biểu được báo cáo điển hình.
Gặp Mỹ Uyên sau đêm diễn phục vụ cho lớp tập huấn cán bộ lãnh đạo các Hội Văn học - Nghệ thuật và Ban Tuyên giáo các tỉnh thành phía Nam (Hội đồng Lý luận phê bình trung ương tổ chức), ánh mắt cô vẫn còn đọng nét bồi hồi…
* Đêm qua, cô Sen khóc rất nhiều, Mỹ Uyên đã vào nhân vật rất chân thành và thuyết phục, điều đó cho thấy Uyên có mối đồng cảm thật sự với nhân vật, và phải có tấm lòng yêu kính Bác Hồ lắm mới diễn hay như vậy?
- MỸ UYÊN: Thực ra, với Bác Hồ thì dân Việt Nam mình ai mà không yêu kính hả chị? Một người cả đời chỉ lo cho dân cho nước như Bác, không một chút tơ hào cho cá nhân mình, tấm gương ấy chắc cán bộ mình còn phải học nhiều à chị…
Sen là cô gái sống trong vùng tạm chiếm, luôn bị đe dọa và theo dõi gắt gao của lính cộng hòa, nhưng trái tim cô lúc nào cũng hướng tới cách mạng và Bác Hồ, cô là điển hình của người dân miền Nam trước giải phóng. Em tuy lớn lên trong hòa bình, nhưng em đọc nhiều sách nói về tình yêu của nhân dân vùng tạm chiếm với Bác Hồ và nhất là khi em xem lại những bộ phim tài liệu về đám tang của Bác ở Hà Nội, thấy dân mình khóc quá trời làm em cũng khóc theo.
Tất cả những điều đó đã gieo vào lòng em tình cảm rất thật, em khóc Bác bằng tấm lòng của cô Sen, giống như dân mình đã từng khóc Bác trong ngày Bác qua đời…
* Hình như đây là kịch bản của một tác giả còn khá mới. Cơ duyên nào Uyên tiếp xúc với tác giả và nhận vai diễn?
- Đây là kịch bản dành cho thiếu nhi, tác giả Nguyên An cũng còn khá trẻ, trước đó cũng có vài kịch bản thiếu nhi được dựng. Kịch bản này là để hưởng ứng cuộc vận động học tập tấm gương Bác Hồ đã được duyệt và được Thành ủy TP.HCM cấp ngân sách dàn dựng. Hội Sân khấu TP.HCM đề nghị anh Thanh Hoàng và em thực hiện, Chánh Trực nhận dựng vở, em chỉ nhận vai cùng với các cháu Mạnh Quỳnh, Trung Hiếu và Minh Châu…
Khi đọc kịch bản em thấy thích và thấy ngay nhân vật Sen là của em, nhiều câu thoại trong đó khi đọc, em thấy gai người mình rợn lên, đó là cảm xúc rất lạ mà em không gặp ở những kịch bản bình thường khác. Có lẽ vì em hình dung đến những đoạn phim mình đã xem trong ngày Bác mất. Dân mình yêu kính Bác như tình cảm của người con đối với cha.
Vở kịch này nhiều diễn viên đóng lắm, khi người này bận thì người khác thay, chỉ riêng vai cô Sen là không thay, vì bằng mọi giá em vẫn muốn diễn. Không phải em làm vì để được quyền lợi gì, nhưng tính em là vậy, em đã nhận làm cái gì thì phải làm hết mình.
* Nghe nói đây là vở diễn để phục vụ là chính, như vậy mỗi lần diễn cả đoàn phải đi xa chứ không phải ở loanh quanh thành phố. Làm cách nào Uyên cân bằng được thời gian khi em vừa xuất hiện thường xuyên trong nhiều phim truyền hình vừa đảm nhận những vai chính trên sân khấu 5B Võ Văn Tần, vừa đi diễn phục vụ xa?
- Năm rồi tụi em đi diễn 10 suất, mỗi suất diễn tụi em chỉ được chi 5 triệu đồng, mà ánh sáng, âm thanh đã hết 4 triệu, còn lại chi cho đủ thứ chi phí, nên thù lao diễn viên chỉ tượng trưng thôi, tụi em đi với tinh thần phục vụ là chính. Eo hẹp quá, nên ở cuộc gặp Thành ủy và Văn nghệ sĩ em có kêu, vì thế năm nay tụi em mới có thêm ngân sách để tiếp tục phục vụ bà con.
Thực sự, chuyện đi diễn xa phục vụ như thế này, sân khấu 5B đã làm nhiều năm nay rồi từ chiến dịch 162 năm 2004. Gọi 162 vì từ năm 2004, sân khấu 5B đã được Thành ủy cấp 162 triệu đồng để đoàn có kinh phí đi diễn phục vụ ở các trại cai nghiện. Từ đó đến nay, tụi em cứ có vở diễn mới là đi, rất nhiều trại xa như Đắc Nông, Đắc Min, Bù Đăng, Bù Đốp…, hầu hết diễn viên sân khấu 5B đều đi: em, Thanh Hoàng, Việt Anh, Trung Dũng, Cao Minh Đạt…
Sau này có các em trẻ thì các em tiếp tục công việc của lớp đàn anh. Nhưng riêng với vai Sen thì không có ai thay em, vì em đi vừa là vai trò diễn viên, vừa là vai trò Phó giám đốc để cùng giao lưu với địa phương. Tất nhiên khi em đi công tác thì phải né phim, ví như tối qua em đi diễn phục vụ thì em phải dời cảnh quay lại, rồi sau đó mình phải chấp nhận quay dồn, nhiều khi đến 4-5 giờ sáng. GS Kiều Thu Hoạch 460/55 Thụy Khuê - Bưởi - Tây Hồ - Hà Nội 137531164
* Các em thiếu nhi diễn trong vở Điều ước thiêng liêng có phải do sân khấu 5B đào tạo, sắp tới 5B có định tự đào tạo diễn viên riêng cho mình?
- Các em đều từ đoàn kịch Tuổi Ngọc do anh Lê Cường đào tạo. Mạnh Quỳnh (vai Thắng), Trung Hiếu (vai Khôi) đều là học sinh giỏi của quận Gò Vấp, còn Minh Châu (vai Diệu) là học sinh trường Quốc tế. Hôm đoàn đưa vở về diễn ở trường Gò Vấp, các em học sinh coi mê lắm và ngưỡng mộ anh Thắng vô cùng, vì anh vừa diễn kịch giỏi vừa là học sinh giỏi của trường. Sắp tới, sân khấu 5B cũng dự định mở lớp đào tạo diễn viên như một trường chính quy, em sẽ mời thầy dạy đủ các môn như hóa trang, múa, nhạc…

Mỹ Uyên trong vở Điều ước thiêng liêng của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ.
* Em là diễn viên đầu tiên ở 5B dám bỏ tiền ra đầu tư vở diễn theo phương thức xã hội hóa, điều đó chứng tỏ dù đắt sô bên phim truyền hình, nhưng Mỹ Uyên vẫn mê sàn diễn, dù sân khấu thu nhập không bao nhiêu…
- Đi phim truyền hình tất nhiên là thu nhập cao mấy chục lần sàn diễn, nhưng đi phim chỉ là để kiếm sống, còn sân khấu mới là nghề. Lúc em bặm gan bỏ tiền dựng vở Cõi tình là lúc sân khấu 5B chưa theo kịp thị trường, khán giả ngày càng đìu hiu, buồn lắm chị ạ. Chị còn nhớ, khi 5B ra đời, mấy anh chị lớp Thành Lộc, Ái Như, Thành Hội, Hữu Châu, Hồng Vân… đã làm nên một dấu ấn khó quên cho 5B, nhưng dần dần các anh chị tách ra làm riêng, tạo thêm những sàn diễn khác rất ăn khách, còn 5B thì lao đao trước cơn lốc của thị trường.
Em nghĩ mình phải làm cái gì đó, phải mới hơn, nghĩa là vở của 5B vẫn phải giữ tính tư tưởng, nhưng nó phải có tiếng cười, mình phải chìu khán giả một chút, vì sau một ngày làm việc mệt nhọc, người ta vẫn thích cười hơn là khóc chị ạ. Và từ đó đến nay em dựng trên 10 vở nữa, thắng 80%, và 5B đã dần dần lấy lại khán giả của mình. Lạ là cũng có những vở rất hay, nhưng em không lấy được vốn, em cũng không hiểu tại sao?
* Với vai trò nhà sản xuất, Mỹ Uyên có mạnh dạn giao vở, giao vai cho lớp trẻ không? Làm thế nào em có đủ niềm tin khi giao tiền đầu tư của mình cho một dàn đạo diễn, diễn viên trẻ mới ra trường?
- Phải tin thôi chị ạ, nhưng tin cũng phải có căn cứ, chứ không thể mông lung. Người thực sự có tài đều có tố chất riêng dễ nhận ra. Vở 270gr do đạo diễn trẻ Lý Khắc Lynh dàn dựng là vở do em đầu tư, rất đông khán giả. Mà nếu không tin thì làm sao sân khấu 5B có dàn diễn viên như Quý Bình, Hoàng Anh, Diễm Châu, Lê Phương…, những gương mặt đang rất đắt sô ở phim truyền hình hiện nay.
* Và em sẽ rất mệt nếu dàn dựng vở mới, vì bây giờ hầu hết diễn viên phim truyền hình đều lấy từ các sân khấu? Các em trẻ chạy sô chóng mặt làm sao có thì giờ tập vở?
- Không đâu chị. Thực sự diễn viên tụi em đều rất muốn làm nghề, xong vai diễn cho phim là chạy về với sân khấu ngay. Phim truyền hình quay như vậy thì không có diễn viên nào đầu tư cho vai diễn mình nổi. Muốn dừng lại để bàn với đạo diễn sửa một câu thoại cũng khó vì sẽ mất thời gian, mà thời gian ở đây là tiền bạc đúng nghĩa luôn. Nhà sản xuất lúc nào cũng hối thúc làm cho thật nhanh, nên không còn ai có tâm trạng nào trau chuốt thêm cho vai diễn của mình.
Bây giờ có đạo diễn còn quay 1 tập phim/ngày mà. Nghĩa là ở một bối cảnh, bao nhiêu tập cứ dồn hết vô đó quay cho kỳ hết rồi mới sang bối cảnh khác. Vì vậy mà sai rắcco tùm lum. Tụi em coi sân khấu là chỗ để làm nghề, mình có thời gian để sáng tạo, để vai mình phải ngày càng hay hơn. Mỗi đêm diễn, nhìn xuống khán giả thấy người ta khóc cười cùng mình là hạnh phúc lắm rồi…

Mỹ Uyên
* Hạnh phúc với Mỹ Uyên chỉ là sân khấu thôi sao? Em không nghĩ ngoài hạnh phúc ấy mình cũng cần có một mái gia đình hạnh phúc giống như mọi người sao?
- Từ năm 8 tuổi em đã chứng kiến cảnh bội tình của ba em, ông bỏ ba mẹ con em ra đi mãi mãi theo người đàn bà khác trong tiếng kêu “Ba, ba” thảng thốt của em. Em nhớ hoài ánh mắt của ông lúc ấy. Đó là vết thương không bao giờ lành trong trái tim non dại của em. Em thực tình không tin có hạnh phúc thật sự trong hôn nhân.
Em đã chứng kiến rất nhiều mái gia đình mà “Bề ngoài cười nụ, bề trong khóc thầm” lắm chị à. Mà tính em lại rất cầu toàn, em không yêu ai được lâu, cứ phát hiện cái xấu của người ta là em không yêu được nữa. Nói rất thật lòng, em thấy em đang sống vui và hạnh phúc, vì em hoàn toàn tự do, hoàn toàn làm theo ý thích của mình, hễ muốn gì là cứ làm, nên hư mình tự chịu trách nhiệm…
* Nghĩa là em không cần một bờ vai mạnh mẽ để em nương tựa như tâm lý của phần đông phụ nữ khác ?
- (Cười to) Trời đất! Sao phải dựa bờ vai nào hả chị? Em chỉ thấy là ai cần bờ vai của em thì em cho dựa nè…
* Cảm ơn Mỹ Uyên, có khi sau bài báo này sẽ có rất nhiều người muốn được tựa vào vai em lắm đấy…