“Dặm trường gian truân” của Hồ Duy Lệ*

Cuốn sách của Hồ Duy Lệ Dặm trường gian truân (NXB Hội Nhà Văn, 3-2015), tác giả gọi nó là ký sự cũng đúng, mà gọi là sử cũng đúng - sử của một giai đoạn lịch sử bi tráng của một huyện ở Quảng Nam. “Văn sử bất phân”. Tư Mã Thiên viết sử mà văn chương mấy người viết hay, bi phẫn, chân thật sâu sắc người và việc được như ông?

Thực ra Hồ Duy Lệ không có ý “làm văn” ở đây. Viết về sự hy sinh, sự khốc liệt, tử sinh, đau khổ, chịu đựng muôn vàn tàn bạo…, lương tâm nào nỡ “làm văn”. Chỉ cốt sao ghi lại cho hết, cho chi tiết, đừng quên ai, đừng quên sự việc nào… để ghi dấu một chặng đường lịch sử gian truân, đẫm máu và nước mắt và cuối cùng thắng lợi.

Cuộc đấu tranh đó ở địa phương nào trên khắp đất nước ta, Bắc Trung Nam đều có. Ta vẫn nghe nhiều - và cũng có chứng kiến đôi phần - cái mà ta gọi là cuộc chiến tranh nhân dân. Nhưng nhiều người trong chúng ta mới biết chung chung, còn trừu tượng lắm và cũng có rất nhiều người bàng quan, đứng ngoài cuộc, thắng lợi rồi thì an hưởng, nhớ đến hôm qua làm gì cho nặng nề… Thế nhưng, lương tâm chúng ta không yên nếu chúng ta quên cái “dặm trường gian truân” đầy máu, nước mắt, hy sinh ấy…

Cuốn sách của Hồ Duy Lệ là một bức tranh chân thực, tỉ mỉ, cụ thể về người và việc ở một vùng đất Quảng Nam trong 20 năm khốc liệt ấy. Nhân dân yêu nước, cách mạng được rèn giũa qua truyền thống kháng chiến chống Pháp, đã đối mặt với sự bạo tàn khủng khiếp. Đây là một bi kịch lịch sử mà không ai có thể tưởng tượng. Đó là một bài học lịch sử: mất chính quyền, bọn phản động ác ôn đã trả thù ghê rợn. Làm sao vượt qua thử thách ấy? Chỉ có một nhân dân tốt đến mức tuyệt vời, yêu nước bẩm sinh, giản dị như thở khí trời, thì mới vượt qua nổi. Cũng đừng quên, trong cái nhân dân ấy, cũng có hàng ngàn người phản cách mạng, theo địch, chiêu hồi…

Hồ Duy Lệ chọn viết một ký sự, một ghi chép lịch sử về quê mình. Ở đây, anh đã lớn, đã chứng kiến, đã tham gia hoạt động cách mạng, học đại học và tù tội… Tất cả vốn sống ấy cho thấy dòng nhiệt huyết để làm một việc tốn nhiều tâm huyết, công sức…

Đây là một cuốn sách quý, nên đọc và suy ngẫm. Đồng thời nó gợi ý cho công việc viết văn: nếu ở vùng nào cũng có các nhà văn chuyên cần ghi chép, sưu khảo như Hồ Duy Lệ, ta sẽ có hàng trăm tác phẩm gốc; từ đó đẻ ra phim, ra các thể loại khác, làm giàu cho vốn tinh thần của chúng ta.

 

_____

* Nhà văn, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm: Cát xanh (1994), Những người sót lại, Chuyện kể ngày nào, Mạ tôi, Mười Chấp và một thời kỳ, Khu vườn kỷ niệm, Không có gì trôi đi mất (2012). Tù nhân của lao Thừa Phủ Huế từ 1965-1968, Tổng biên tập báo Quảng Nam, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng.

MAI QUỐC LIÊN