Dân chủ, công bằng

Mục tiêu phấn đấu để nhanh chóng đưa nước ta trở thành “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” là khát vọng lớn lao của cả dân tộc, sau khi tốn bao xương máu của nhiều thế hệ mới giành được độc lập tự do, làm chủ lấy vận mệnh, cuộc sống của mình. Nhưng chặng đường mới để đạt được mục tiêu cao cả đó thật không đơn giản, dễ dàng. Xin chỉ bàn về bốn chữ “công bằng - dân chủ”. Hai khái niệm này gắn bó rất mật thiết với nhau, là tiền đề và hậu quả của nhau.

Muốn có xã hội công bằng, trước hết phải thực thi dân chủ thật sự, rộng rãi từ trong Đảng đến nhân dân. Bác Hồ nhắc nhở: “Làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm” (*). Đâu phải cứ nói dân chủ là có dân chủ ngay. Làm sao có dân chủ thật sự, theo đúng nghĩa của nó khi chính người dân chưa có hiểu biết đầy đủ về dân chủ, về quyền làm chủ của mình như thế nào? Dùng quyền dân chủ ra sao cho hiệu quả nhất, dám nói, dám làm với trách nhiệm, quyền hạn của mình, không sợ ai, không sợ bất cứ điều gì, ngoài những điều quy định của luật pháp. Trong khi đó, không ít người có chức, có quyền, miệng vẫn nói “cán bộ là đầy tớ của dân” nhưng trong hành xử thì ngược lại, tự cho mình là ông chủ, bà chủ, coi dân như rác.

Dân chủ phải gắn liền với công khai, minh bạch. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nói việc nước, việc dân mà giấu giếm, bưng bít thông tin với dân là tước quyền làm chủ của dân ngay từ bước khởi đầu. Có thể nói, nơi nào sợ công khai những điều dân cần biết, nơi đó không thể có dân chủ. Cán bộ nào sợ công khai như cú sợ ánh sáng mặt trời, cán bộ ấy không thể là cán bộ trong sạch, được dân tin cậy.

Dân chủ lại đi đôi với công bằng. Ai cũng biết, công bằng trước hết là mọi người đều được bình đẳng trong xã hội, trước pháp luật, không ai được đặc quyền, đặc lợi, đứng trên pháp luật. Nhưng trong phân phối, hưởng thụ, công bằng không có nghĩa là cào bằng, là bình quân chủ nghĩa. Ai có trách nhiệm, có cống hiến lớn hơn cần được hưởng sự đãi ngộ cao hơn của xã hội. Đó là lẽ công bằng không ai có thể phủ nhận. Sự công bằng này cũng phải được công khai, bằng thể chế, pháp luật, ai cũng có quyền được biết.

Ở một địa phương miền núi, thấy một quan chức mới làm ít năm đã giàu lên nhanh chóng, có nhiều đất đai, xây nhà lầu, dân hỏi: “Ô, cán bộ có bí quyết gì mà làm giàu nhanh thế, bày cho mình làm theo với!”. Tất nhiên, cán bộ này làm sao có thể công khai trả lời dân được. Công khai, dân chủ để đảm bảo công bằng. Thật ra, tham nhũng cũng như căn bệnh ung thư. Những tế bào đang phát triển bình thường bỗng trở nên phát triển đột biến, lấn át sự phát triển của các tế bào khác, thành u ác. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, còn có hy vọng được cứu chữa. Để chậm, có nhiều di căn thì nguy cơ tử vong là khó tránh.

Vậy là chỉ bốn chữ “dân chủ, công bằng”, muốn triển khai thực hiện thật sự có hiệu quả, không thể dừng lại ở những khẩu hiệu, tuyên ngôn mà cần có hàng loạt chế độ, chính sách, biện pháp thật cụ thể, đồng bộ tạo sự chuyển biến mang tính cách mạng, mạnh mẽ, từ cả hai phía; người dân và bộ máy lãnh đạo, từ nhận thức đến pháp luật, không ngừng hoàn thiện.

“Làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền làm chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”. Lời nhắc nhở của Bác Hồ vẫn giữ nguyên tính thời sự nóng hổi, là một trong những nhiệm vụ lớn cần triển khai, thực hiện mạnh mẽ, đặc biệt là trong cuộc vận động học tập, làm theo đạo đức Hồ Chí Minh đang chuyển từ nhận thức sang hành động cụ thể hiện nay.


(*)

Hồ Chí Minh toàn tập - T 12 - Tr.223, Nxb Chính trị Quốc gia- 2.

NGUYỄN GIA NÙNG