Quá trình đô thị hóa hiện nay đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm. Sự thay đổi quá nhanh làm cho con người không kịp thích ứng cũng là chuyện thường tình. Chuyện “dân quê thành dân phố” là một chuyện cần bàn cũng không phải là chuyện khó hiểu và xúc phạm ai. Làng lên phố, xã lên phường không chỉ là chuyện ra một cái quyết định, thay một con dấu! Đó là chuyện thay đổi từ bộ mặt bên ngoài đến chiều sâu bên trong. Đó là vấn đề xây dựng một cuộc sống mới phù hợp với sự chuyển đổi xã hội sâu sắc.
SỰ THAY ĐỔI KHÔNG GIAN SỐNG
Không gian sống của người dân trong làng không giống không gian sống của người dân ở phố. Không lạ gì nhiều ông bà già ra chơi với con cái cứ phải kêu lên về cảnh “tù giam lỏng”! Đô thị đất chật người đông, tấc đất tấc vàng, người ta phải tổ chức không gian sống phù hợp. Thiết kế nhà cửa sao cho tận dụng được diện tích đất đai để các hoạt động sống được tiến hành thuận lợi nhất, từ hoạt động sinh học đến hoạt động nghề nghiệp, từ hoạt động giao lưu đến hoạt động tinh thần. Trong nội bộ gia đình đã vậy, trong phạm vi cộng đồng cũng vậy.
Đất chật người đông, nhiều thói quen cũ không ảnh hưởng đến ai ở làng quê bây giờ phải xem xét lại, phải ứng xử khác trước cho phù hợp với môi trường mới. Cái nhu cầu giữ vệ sinh chung chẳng hạn, nó cũng xuất phát từ cái không gian sống chật hẹp ấy chứ không thuần túy từ đặc điểm người đô thị “dân trí” cao hơn.
Không gian sống chung ở nơi công cộng, ở đường sá, ở công viên… đòi hỏi mọi người tôn trọng những quy định chung, không thể tùy tiện xả các chất thải bừa bãi… Rồi yêu cầu tôn trọng trật tự, yên tĩnh nữa. Ngay cả việc hát ru con đâu có thể làm thoải mái như ở làng quê, trong gian nhà rộng rãi, cách biệt nhà khác!
Những yêu cầu kiềm chế các hành vi không phù hợp ấy đâu phải dễ dàng nhận ra ngay và có thể giảng bằng một vài bài lên lớp hay tuyên truyền qua đài phường! Phải có thời gian trải nghiệm, phải có các thiết chế và các biện pháp xử lý không chỉ bằng… giáo dục! (Các trải nghiệm do bị “chế tài” nghiêm khắc, có lẽ có ý nghĩa hơn là những cuộc vận động!).
Đó là nói về sự thay đổi mong đợi ở người “dân quê” khi họ trở thành dân phố. Nhưng với cộng đồng, với xã hội và những người có trách nhiệm thì cần đưa ra yêu cầu nhìn xa, thấy trước. Những chuyện xây dựng qui hoạch chung, với các thiết kế nhà cửa theo các quy chuẩn… là những thứ không đón trước thì sẽ phải chạy theo chữa cháy. Mà thực tiễn cho thấy khâu “vẽ ra” không khó bằng khâu thực hiện, nhất là khâu giám sát chính đội ngũ công chức “công quyền” nắm quyền thực hiện quy hoạch với sự khinh nhờn kỷ cương, lạm quyền, lộng quyền kiếm chác trong “công vụ” của họ. Người dân không dễ “qua mặt” các vị ấy.

Cũng phải nói về sự cải tạo cần có với các khu vực làng cũ cho phù hợp với đời sống đô thị. Nhiều người mang nặng tâm lý “hoài cổ” và cả “tự tôn dân tộc” quá mức nữa. Họ đòi hỏi lưu giữ những kiến trúc gọi là “cổ” như các mẫu nhà “đông ấm hè mát, thoáng rộng…”, những cái cổng làng…
THAY ĐỔI TRONG NỘI BỘ XÃ HỘI
Quan sát các vùng miền đang đô thị hóa, ai cũng có thể thấy những thay đổi rất rõ rệt về cơ cấu dân cư. Rất nhiều người từ các vùng miền nội đô và các tỉnh khác đến mua nhà đất, nhập cư. Cấu trúc dân cư cũ chủ yếu dựa trên quan hệ huyết thống không còn lưu giữ như trước. Các quan hệ thứ cấp mới phát sinh.
Quan hệ bạn bè theo lứa tuổi, theo đoàn thể, nghề nghiệp, sở thích… phát sinh, phát triển. Các mối quan hệ mới này đòi hỏi cách ứng xử khác trước. Những vị thế mới, những giá trị, những quyền uy mới đã phá vỡ những cung cách ứng xử truyền thống. Cái tôn ti và cái “duy tình” được đề cao coi là chuẩn mực ứng xử cũ đã không còn giá trị lớn như thời là làng quê cũ. Người ta “duy lý” hơn.
Cùng với sự bớt bị ràng buộc bằng tôn ti họ hàng cũ, đời sống đã có nhiều dịch vụ cần thiết, sự nhờ vả bất đắc dĩ ở làng xã cũ đã bớt đi, cách sống lệ thuộc, hàm ơn trước kia đã dần không còn chi phối ngay cả các người vốn là dân làng cũ. Những ràng buộc về kinh tế ở một thời dân làng gắn với quyền lợi ruộng công, ruộng đất tập thể hóa và cả những “giá trị tinh thần” đáng tự hào của làng cũ cùng với hệ quả là vai trò chi phối của các vị đàn anh, các vị cán bộ HTX uy quyền to lớn trong làng cũng đã dần được cởi bỏ.
Quyền tự do cá nhân trong một xã hội dân sự dần được nhận thức, trở thành đòi hỏi bức thiết của những người dân đô thị vừa hôm qua là “dân quê” thường vẫn rất dễ cam chịu. Những đổi thay xã hội đó tác động sâu sắc đên đời sống văn hóa. Những giá trị, những chuẩn mực mới hình thành và củng cố rất nhanh trong điều kiện đời sống đã thay đổi (và cả nhờ sự “lan tỏa” của văn hóa đô thị ở những người nhập cư từ vùng đô thị cũ). Không lạ gì những ứng xử theo kiểu “truyền thống” dần bật đi. Đó không phải là sự “mất gốc” như những người hoài cổ lên án!
VAI TRÒ VÀ TÁC ĐỘNG CỦA XÃ HỘI
Những đổi thay từ chiều sâu cấu trúc xã hội tất sẽ dẫn đến những đổi thay trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Nhưng không thể không nói đến tác động của các cơ chế điều khiển và kiểm soát của xã hội. Có thể nhiều người nghĩ rằng những ứng xử của người “dân quê” khác người “đô thị” là do trình độ dân trí của họ.
Thật ra cái gọi là “trình độ dân trí” ấy là một kết quả chứ không phải nguyên nhân của các cách ứng xử mà người ta tôn trọng. Nếu không có những tác động tích cực của con người, không khai thác các “kích thích” của hoàn cảnh đổi thay để xác lập các thiết chế mới thì khó đẩy nhanh quá trình biến đổi cái “văn hóa” cũ của người dân làng xã khi họ đã vào sống, đã trở thành dân đô thị.
Khi nói về sự điều khiển và kiểm soát xã hội, ngay cả một số nhà xã hội học cũng thường chỉ nhấn mạnh các mệnh lệnh, các biện pháp cách ly những người vi phạm các chuẩn mực, các giá trị của cộng đồng.Thật ra, đó chỉ là mặt bị động, có thể gọi là tiêu cực. Tác động của nó thường không cao, ít thấm sâu, chưa kể trong nhiều trường hợp các mệnh lệnh (bằng ngôn ngữ) lại “không phù hợp” với thực tiễn hành động!
Về các biện pháp kiểm soát của xã hội với các chế tài và các lực lượng thi hành cũng ít tác động vì sự cưỡng bức thường dễ tạo phản ứng, nhất là khi thi hành không nghiêm, không công bằng, có động cơ xấu. Phải quan tâm nhiều hơn đến hoạt động kiểm soát xã hội tích cực. Đó là việc xây dựng các chuẩn mực, các hệ giá trị phù hợp và quan trọng là phải tạo ra được niềm tin giống nhau trong cộng đồng với các chuẩn mực, các giá trị đó.
Muốn người “dân làng” cũ tiếp nhận thực hiện các hành vi, có các lề thói đô thị, xã hội mà đại diện của nó là nhà nước và các tổ chức cộng đồng cần phải nghiên cứu thực tế, xây dựng những chuẩn mực, những hệ giá trị phù hợp đồng thời phải tạo được cách hiểu “giống nhau” trong toàn cộng đồng. Không thể có lối sống đô thị khi còn “nhầm lẫn” về các giá trị, coi là truyền thống dân tộc những thứ đã không còn sức sống trong điều kiện xã hội mới.
Càng vô duyên khi áp dụng những biện pháp trái với yêu cầu xây dựng văn hóa mới bằng các cuộc vận động gọi là “phong trào” nào đó. Cũng sẽ không có tác dụng “kiểm soát xã hội” khi chính các lực lượng ưu tú của xã hội cũng không tin, không làm theo những chuẩn mực họ đưa ra.
Sự thay đổi nhiều mặt trong xã hội đô thị đòi hỏi nhiều thay đổi trong mọi hoạt động, trước hết là hoạt động của các tổ chức quan phương. Chỉ nói đến chứ thật ra có thể dễ thay đổi là hoạt động của các cơ quan công quyền cũng đã thấy có nhiều điều còn bất cập. Là những người ăn lương của dân để “phục vụ” hoặc nói đúng tinh thần xã hội học là “làm dịch vụ công” cho dân, họ phải phục tùng các qui định của nhà nước.
Sự ít thay đổi tác phong của các vị “chức sắc” làng xã ở các đô thị lâu nay đã bị kêu ca nhiều. Họ tùy tiện đẻ ra các thủ tục thuận lợi cho họ và làm khó cho dân - đối tượng phục vụ của họ. Họ rất tùy tiện về giờ giấc phục vụ khi mà đời sống thời công nghiệp đòi hỏi người dân tính toán giờ giấc chặt chẽ, và cái tinh thần quí trọng thời gian đó lại là thứ để họ lợi dụng, nhũng nhiễu bằng những “biện pháp” làm mất thời gian, gây khó dễ.
Cũng nên nói thêm về các hình thức tổ chức dân cư trong cộng đồng. Dường như ta vẫn chưa xuất phát tình hình thực tế - trong đó có thực tế là “nhiệm vụ chính trị” hiện nay không còn như thời bảo vệ Tổ quốc và không nghiên cứu các nhu cầu giao lưu, nhu cầu “tập hợp” của con người đô thị nên vẫn chưa đổi mới chi nhiều hoạt động các ngành, giới. Không lạ gì khi người ta kêu nhiều về các hoạt động hình thức ít hiệu quả của các tổ chức quan phương ấy.
Dĩ nhiên vấn đề thay đổi lối sống của bộ phận dân cư vừa từ các vùng nông thôn chuyển thành đô thị cũng chỉ là vấn đề nhỏ nằm trong nhiều vấn đề cơ bản của xã hội chúng ta hiện nay. Những điều nêu ra còn sơ lược trên đây chỉ có thể tiến hành có hiệu quả khi có những biến đổi cơ bản của toàn xã hội, từ nhận thức tới hành động. Nhân vấn đề được Tạp chí Hồn Việt trong bài Dân quê lên phố số 33 (T3/2010) nêu ra, xin góp vài lời. Mong rằng sẽ được cùng quan tâm.
Bài liên quan: