Việt Nam sắp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010). Trong 1.000 năm đó, thì 970 năm Thăng Long - Hà Nội chỉ bằng 1/3 Thăng Long - Hà Nội ngày nay (dưới 1.000Km² / trên 3.000Km²). Có nghĩa là 30 năm vừa qua, Thăng Long - Hà Nội mở rộng gấp hai lần của 970 năm trước đó.
Không những Hà Nội mà nhiều địa phương ở ba miền Trung Nam Bắc cũng đang rục rịch chạy để tiến nhanh, tiến mạnh lên Thành phố trực thuộc Trung ương hay ít ra cũng là Thành phố loại 1 trực thuộc Tỉnh
Một khối lượng khổng lồ dân quê, dân núi, dân biển trở thành dân thành phố. Chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam. Người dân quê ở trong xóm làng của họ, bỗng dưng được công nhận là dân thành phố. Người dân thành phố mới này khác với người dân quê lâu nay lên thành phố kiếm việc làm. Người dân quê lên phố kiếm việc làm không có quyền lợi gì cả. Họ chỉ là những người đi làm thuê. Kiếm được tí tiền rồi cuối ngày, cuối tuần, cuối tháng, cuối năm lại về quê
Còn dân quê mới được lên làm dân thành phố họ có rất nhiều quyền lợi: Họ làm dân thành phố ngay trên ruộng vườn của họ, đời sống dân phố có điện, đường sá, trường học, trạm y tế… đầy đủ, ruộng vườn của họ có giá hơn. Đặc biệt và quan trọng nhất là họ có quyền đi bỏ phiếu chọn những người đại diện cho họ quyết định đường lối chính sách của thành phố phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thế kỷ XXI

Ảnh minh họa: telephic.
Nếu một địa phương được gọi là thành phố mà người dân của nó vẫn mang cái tập quán, tư duy dân quê, dân núi, dân biển thâm căn cố đế, không quan tâm đến giờ giấc, khạc nhổ, to tiếng ở chỗ đông người, vứt rác ra môi trường, sông, rạch, ném thức ăn xương xẩu xuống sàn nhà… thì địa phương ấy có xứng đáng là thành phố thời hội nhập và phát triển không?
Nhiều nơi do trình độ thấp kém, việc xây dựng đô thị bừa bãi, tùy tiện phá nát hết ruộng vườn, dân không tìm được việc làm theo sở thích… thử hỏi mọi thiết chế của đô thị mới có giữ được không?
Bản thân người dân quê chưa được giáo dục về sinh hoạt - đời sống đô thị như trách nhiệm liên đới của dân phố (vệ sinh chung, chống cháy nổ, gìn giữ sự yên tĩnh chung…); chưa được giáo dục về nếp sống đô thị (xem tivi cho đúng cách, gọi điện thoại, chào hỏi nhau, đi xe bus, xếp hàng khi tham gia các dịch vụ có đông người, tham gia giao thông trên đường phố…), thì họ có thể làm dân thành phố được không?
Vì thế, theo tôi, nhà nước phải phát động ngay một cuộc vận động giáo dục toàn dân (đặc biệt là sinh viên học sinh) học tập kiến thức đời sống đô thị, tập quán văn minh đô thị, luật lệ đô thị (như luật giao thông), đạo đức đô thị, văn minh văn hóa đô thị… Các cơ quan chức năng, phải đẩy mạnh các môn đô thị học, quản lý đô thị, qui hoạch đô thị thời hội nhập… Các nhà xã hội học phải nghĩ tới mô hình đời sống đô thị mang phong cách văn minh văn hóa Việt Nam
Cuộc vận động này phải được ngành giáo dục, các loại hình báo chí, phim ảnh, sân khấu tham gia. Không chỉ cấp thời mà phải xem như một nội dung giáo dục thường xuyên. Không những giáo dục dân mới được vào thành phố mà giáo dục ngay cho cả dân đô thị hiện nay - kể cả một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý đô thị
Qua thực tế cho thấy nhiều dân thành phố (kể cả thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) còn khá nhiều người chưa hiểu đầy đủ chỗ khác nhau của người dân nông thôn và dân đô thị hiện đại ở chỗ nào. Quyết định đưa nhiều địa phương lên thành phố mà những nơi ấy cán bộ địa phương và dân chúng chưa có đủ kiến thức đô thị thì sẽ không tránh được hậu quả phá hoại vùng nông thôn quý giá của các tỉnh trước đây. Lúc ấy có bao nhiêu tiền tỉ cũng không thể phục hồi lại được
Báo Hồn Việt mong nhận được bài của các thức giả quan tâm đến người dân tương lai của các thành phố ở nước ta