Dấu ấn bệnh phong trong văn hóa

Trong nhiều ngôn ngữ, dân gian thường gắn bệnh phong, tức bệnh hủi, với cái gì xấu xa nhất, kinh tởm, phải tránh xa. Tiếng Việt, tính từ hủi dùng để nói cái gì quá bẩn hay để chỉ một người đáng khinh, bần tiện, cần tránh xa, không ai muốn dây vào. Tiếng Pháp cổ ladre có nghĩa là: bệnh phong, người keo kiệt, người ít tình người (vô cảm - da người phong vô cảm, không biết nóng lạnh). Còn từ lèpre chỉ bệnh phong, những vệt ố, mốc, bẩn, bị xước trên mặt bằng (như tường…), hay tật xấu, tai họa lan rộng dần dần. Tiếng Anh, từ leper chỉ bệnh phong và người hoặc việc mà ai cũng muốn tránh xa…

Tại sao những người bị các bệnh khác thì được thương xót, gần gũi, chăm sóc, còn người bị phong thì lại bị khinh miệt, xa lánh, ghê sợ? Có lẽ tại các bệnh khác không có biểu hiện đáng sợ như: lở loét, máu mủ, mất mũi, bàn tay bàn chân mất dần từng đốt, mù lòa. Ngoài ra, nhiều người mê tín còn cho bệnh nhân bị phong là do trời hay Chúa trừng phạt; hoặc nghĩ là phong rất dễ lây. Các cụ ta xếp bệnh phong vào loại “tứ chứng nan y” (bốn bệnh khó chữa)(*): phong (hủi), lao (ho), cổ (bệnh bành), lại (một số bệnh ngoài da kéo dài) - (theo bác sĩ Bùi Minh Đức)… Một nỗi ám ảnh qua hàng nghìn năm là bệnh không có thuốc chữa. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, vấn đề trị phong mới được giải quyết.

Trong cuốn Lịch sử y học, hai bác sĩ C. Charter và A. Cénae đã phác họa quá trình phát triển của bệnh phong trên thế giới. Bệnh phong là một loại bệnh truyền nhiễm chỉ có ở loài người, do vi khuẩn Hansen gây ra, viêm mãn tính da niêm mạc và thần kinh ngoại cảm. Bệnh phong xuất hiện từ thời Thượng cổ ở Ai Cập, Ấn Độ và Trung Quốc. Ở châu Âu, dịch phong hoành hành vào thời Thập tự chinh (thế kỷ XI-XIII) Trung cổ. Do tưởng là bệnh phong rất dễ lây và người phong do Chúa trời trừng phạt tội lỗi, nên người bệnh bị đối đãi vô nhân đạo. Người bị nghi có bệnh bị đưa đi khám bởi một đại diện của giám mục hay một hội đồng gồm một số bệnh nhân kỳ cựu, rồi sau mới có cả y sĩ. Có nơi, khi đã bị coi là có bệnh thì bệnh nhân phải dự một lễ “tống khứ khỏi thế tục”, y như lễ tang. Họ phải theo những quy tắc người phong: mặc quần áo riêng, đánh mõ hay rung chuông để khi đi đến đâu mọi người đều biết mà tránh - có nơi cấm người bệnh phong kết hôn hoặc bắt phải ly dị. Người phong phải sống trong nhà chung cho người phong, hoặc ở một căn lều bên đường, đi ăn xin mà sinh sống. Bắt đầu từ thế kỷ XVI, bệnh phong lùi dần và hầu như hết hẳn ở châu Âu trừ vài điểm nhỏ - lý do tại sao hiện nay chưa rõ lắm.

Ở châu Phi, bệnh phong xuất hiện từ thế kỷ thứ II trước công nguyên, và lan xuống Nam Phi.

Ở châu Mỹ, người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha (lính tráng và lái buôn) đã “du nhập” bệnh phong vào Trung và Nam Mỹ.

Ở Trung Quốc, bệnh phong có khá sớm, và đến thế kỷ thứ IV-V, lan xuống Hoa Nam và Việt Nam, sau đó sang Nhật Bản và các đảo Thái Bình Dương.

pic

Bác sĩ Trần Hữu Ngoạn, nguyên giám độc bệnh viện Phong Da liễu Quy Hòa

Để chống lại bệnh phong, trước đây thường cách ly là chính, các biện pháp tôn giáo, mê tín và các bài thuốc dân gian vô hiệu. Ở châu Âu, từ thời Trung cổ đã có nhiều dòng Ki Tô và phong trào nhân đạo xuất hiện, đến nay vẫn còn ảnh hưởng. Những phương pháp khoa học hữu hiệu chỉ bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX, sau khi bác sĩ Gerhard Henrik Armauer Hansen, người Na Uy, tìm ra vi khuẩn bệnh phong. Chất lepromine hiệu nghiệm, nhưng do lờn thuốc, nên từ 1941 được thay thế bằng dapsone. Hiện nay, bệnh phong coi như bị triệt, chỉ còn một số ổ ở các nước nghèo châu Á, Phi, Mỹ La tinh.

Bệnh phong có ảnh hưởng đến văn hóa ứng xử ở các cộng đồng dân tộc, đồng thời gây cảm hứng sáng tạo cho văn nghệ. Bệnh phong đã mang đến cho Thi đàn đất Việt một tiếng thơ kỳ lạ, huyền ảo, thần bí của Hàn Mặc Tử (1912-1940). Một nhà thơ Công giáo quằn quại trong đau khổ, luôn đối diện với cái chết, tình yêu và ánh trăng để:

Như con nai cái héo mòn

Hướng theo dòng nước chảy.

Hồn tôi cũng thẫn thờ

Hướng về Chúa, Chúa ơi!

Trong văn học Pháp, tác phẩm có liên quan đến bệnh phong nổi tiếng nhất có lẽ là vở kịch Thiên thần báo cho Đức Mẹ Marie (1912). Tác giả là nhà thơ Công giáo P. Claudel, theo khuynh hướng tượng trưng. Vở kịch vinh danh Chúa qua đức tin và sự hy sinh cao cả của một cô gái trong trắng ngược với cô em gái độc ác. Chuyện xảy ra ở nông thôn vào thời Trung cổ. Cô gái hiền hậu Violaine đã đính hôn với anh thợ cày Jacques. Chàng kiến trúc sư Pierre vốn thầm yêu Violaine phải dứt tình vì bị phong. Chàng đến vĩnh biệt Violaine, cô thương hại tặng chàng một cái hôn vĩnh biệt. Cô em là Mara nhìn thấy, tố cáo chị với Jacques vì cô cũng yêu Jacques. Violaine cho anh xem vết loét do lây phong mà không thanh minh là mình hôn vĩnh biệt chỉ vì thương hại. Cô đi ở ẩn trong rừng và bị mù, Jacques và Mara lấy nhau, sinh được con gái bị chết yểu. Mara ôm con vào rừng tìm chị. Violaine ôm cháu vào lòng thì đứa bé sống lại, mở mắt ra thì mắt xanh như mắt Violaine. Mara vẫn ghen với chị vì chồng chỉ nghĩ đến chị. Cô làm đổ một xe cát xuống người chị để giết chị. Vừa lúc ấy, Pierre khỏi bệnh phong trở về và kịp bới Violaine ra khỏi cát. Khi hấp hối, cô mới kể cho Jacques sự thật và an ủi Pierre. Bố cô vừa hành hương về giải thích cho mọi người về ý Chúa, trong khi chuông nhà thờ vang lên, như nhắc lại ý nghĩa của tích Thiên thần báo cho Đức Mẹ Marie: Violaine xin mọi người tha tội cho cô em, khiến cô này giác ngộ và sám hối.

Nói đến trị bệnh phong ở Việt Nam, không thể không nhắc đến một chiến sĩ chống phong ít ai biết đến, một bác sĩ cống hiến tuổi thanh niên và cả cuộc đời cho sự nghiệp cao cả ấy. Bác sĩ Trần Hữu Ngoạn vào tuổi 20, nghệ sĩ đàn vĩ cầm ở Hà Nội, đã bỏ lại cô vợ trẻ và cuộc sống tài hoa ở Hà thành để dấn thân vào một nơi hiu hắt bên bờ biển Quy Nhơn. Trong hàng chục năm, ông xây dựng hoàn thành trại phong Quy Hòa kèm theo một khu du lịch hấp dẫn với một sàn nhảy hình vĩ cầm để nhắc nhở niềm đam mê của mình. Một đời vì người bệnh, một sự nghiệp âm thầm và “lớn”. Nhưng cái lớn hơn của bác sĩ Ngoạn là tình người: Làm sao trả lại nhân phẩm cho người bệnh phong? Vì từ xa xưa, bị phong là “chết khỏi cuộc đời trong khi còn sống”: bị cách ly, ai cũng ghê tởm, kể cả người thân. Bác sĩ Ngoạn, bằng lý luận khoa học và thực tế, cố gắng chứng minh là bệnh phong có thể chữa được và rất khó lây, đừng “hắt hủi” bệnh nhân. Ông đã làm một việc tuyệt vời, với sự hiện diện ngỡ ngàng của các bạn đồng nghiệp: tự tiêm hàng tỉ trực khuẩn phong Hansen vào cơ thể mình để chứng minh mấy điều trên. Ông đã biến trại phong của ông thành một xóm bình thường, nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân rất gần gũi, khách đến thăm thoải mái, một cộng đồng thân thương. Tiếc thay, từ chục năm nay, bác sĩ Ngoạn về hưu định tổng kết kinh nghiệm về “phong” của mình thì bị ác bệnh nằm liệt. Quả là trời không có mắt!l

 

______

(*) Có nhiều cách hiểu khác nhau về 4 từ này. Theo Đông y, “tứ chứng nan y” gồm: phong 瘋 (bệnh đầu phong; điên); lao 癆 (bệnh lao); cổ 臌 (bệnh trướng); lại 癩 (bệnh hủi). Nhưng cũng nhiều nơi gọi hủi là phong (chú thích của H.V)

Hữu Ngọc