Đại Lý - kinh đô của hai triều đại
Từ Thạch Lâm chạy xe hết 486km trên đường cao tốc 56, còn gọi là đường cao tốc Sở Đại, từ xa đập vào mắt tôi là bảng lớn có hai chữ 下关 (Hạ Quan). Hướng dẫn viên người Bạch Đoàn Ngọc Định từng tốt nghiệp Đại học dân tộc Vân Nam cho biết xe bắt đầu vào thủ phủ của châu tự trị Bạch tộc Đại Lý. Hạ Quan bây giờ thuộc khu đô thị mới của thành phố Đại Lý nhà cao, đường rộng, xưa có tên là Thái Hòa, kinh đô trong gần hai thế kỷ của 13 đời vua vương quốc Nam Chiếu của người Bạch, cũng là nơi từng ghi dấu trong năm 751 và 754, quân nhà Đường dưới triều Đường Huyền Tông đã hai lần đại bại trước quân Nam Chiếu. Cô Ngọc Định tự hào đưa chúng tôi đến thăm khu di chỉ khá lớn của cố đô Thái Hòa và từ trên xe, cô còn chỉ cho thấy dấu tích mồ mả của tướng lĩnh và vạn binh quân Đường của chiến trận xưa cách Hạ Quan khoảng 2km.

|
Phim trường Thiên Long Bát Bộ ở Đại Lý |
Từ năm 937, một thủ lĩnh tộc Bạch là Đoàn Tư Bình sáng lập vương quốc mới mang tên Đại Lý, cũng đóng đô tại đây. Lãnh thổ quốc gia này bao gồm vùng đất ngày nay là Vân Nam, Quý Châu, Tây Nam Tứ Xuyên, Bắc Miến Điện, Bắc Lào… Phật giáo Mật Tông là quốc giáo của nước này. Vua thường trị vì một thời gian rồi thoái vị đi tu. Hôm đi thăm Tam tháp và chùa Sùng Thánh tôi thấy trên Phật đài có mười bức tượng đồng lớn cao đến 3m nạm vàng thờ các vị tăng xuất thân vương giả này. Họ Đoàn nắm quyền trong 316 năm với 22 đời vua, dài đúng bằng thời gian tại vị của nhà Tống và lâu hơn nhà Đường cũng như Nguyên, Minh, Thanh về sau.
Xe chạy theo bờ Tây của hồ Nhĩ Hải. Hồ hình vành tai, trải dài 45km theo hướng Nam-Bắc, rộng 6-9km, diện tích 250km2, chỗ sâu nhất tới 20m. Nước hồ đổ vào sông Lan Thương (Mê Kông). Xe dừng trên đường lên Thượng Quan, nơi có cổ thành Đại Lý tọa lạc theo độ dốc của chân dãy Thương Sơn. Đi qua cổng Nam thành Đại Lý, tôi lọt vào những dãy phố xưa cũ nay là những cửa hàng bán đồ lưu niệm. Một con suối chảy từ Thương Sơn chạy dọc theo con phố chính rồi đổ vào Nhĩ Hải. Nhà cửa bên ngoài tường thành tất cả sơn vôi một màu trắng, lợp ngói xám. Nhà trệt hoặc có thêm một lầu thấp. Mặt ngoài nhiều ngôi nhà có một bích họa lớn màu đen trên nền trắng theo kiểu tranh thủy mặc. Tôi nhớ đến một thị trấn cũng vùng sơn cước nhưng ở dưới trời Âu, chân dãy núi Alps cực Nam nước Đức mà tôi có dịp dừng chân hai năm trước – Garmisch-Partenkitchen – nhà nào cũng có bích họa lớn nhiều màu sắc trên tường phía ngoài nhà. Thêm một nét giao thoa về văn hóa phương Đông với phương Tây.
Với dãy núi Thương Sơn dài 50km có gần hai chục đỉnh cao trên 3.500m che chắn phía Tây và một biển hồ Nhĩ Hải dài tương đương vỗ sóng phía Đông, “Đại Lý đẹp như một Geneva phương Đông” như Marco Polo (1254-1324), nhà thám hiểm người Ý, đã viết trong nhật ký hành trình khi ông từng qua đây vào thế kỷ XIII.
Từ Đại Lý chạy xe tiếp qua nhiều đoạn đèo ngoằn ngoèo, lên độ cao hơn 400m nữa tôi đến đô thị cổ thứ hai: Lệ Giang.
Lệ Giang – cổ trấn sinh thái
Trước chuyến đi, tôi những tưởng khi đến Lệ Giang sẽ lại được biết thêm một giai thoại đầy nước mắt của đôi trai tài gái sắc gặp chuyện tình duyên ngang trái. Nhưng không phải vậy. Lệ Giang không phải là Lệ 淚 (nước mắt) mà là Lệ 丽 (?ẹp). Dù vậy, cلc dân tộc Na Xi (纳西族 – Nạp Tây tộc), Bạch (白?族) và Tạng (藏族), ba sắc dân chính của vùng đất này, những chủ nhân ông bản địa từ cả ngàn năm nay vẫn có truyền thuyết lãng mạn về những đôi lứa khi cuộc tình gặp trắc trở nắm tay nhau gieo mình xuống vực thẳm trên núi tuyết Ngọc Long, một thắng cảnh tuyệt vời của Lệ Giang.

|
Đường phố Lệ Giang |
Trong khu phố cổ, hầu hết quán xá san sát đều gắn bảng hiệu chữ Hán. Các bảng thực đơn đặt ngoài cửa có thêm tiếng Anh. Cũng có cửa hàng treo bảng lớn viết chữ Đông Ba, một hệ thống chữ viết ra đời từ khoảng 800 năm trước trong nền văn hóa Đông Ba của người Na Xi. Theo Joseph Rock (1884-1962) - nhà thám hiểm địa lý học, thực vật học và ngôn ngữ học người Mỹ gốc Áo, từng sống và làm việc ở vùng này suốt 27 năm từ 1922 đến 1949 – chữ Đông Ba là văn tự tượng hình duy nhất trên thế giới còn tồn tại và sử dụng đến nay. Một vài tiệm ăn có chủ nhân là người ngoại quốc. Ngay gần cổng Đông Ba có bảng hiệu Le Petit Paris với các món ăn Pháp và Trung Hoa của một cặp vợ Hoa chồng Pháp. Gần đấy còn có quán Ý, quán Czech… Đang mùa du lịch và vào đúng tầm bữa trưa, quán nào cũng tấp nập du khách. Trong khu phố cổ, suốt dọc bốn đường phố chính, dọc các con kênh và nhánh sông Ngọc Hà, những hẻm dốc nhỏ và trên quảng trường Tứ Phương ở trung tâm, tôi không thấy giăng ngang dọc dây điện các loại.
Người Na Xi có truyền thống sống gần gũi, hòa nhập với thiên nhiên. Họ tôn trọng và bảo vệ nguồn nước, rừng cây, dã thú… Ở Ngọc Thủy Trại, đất Tổ của họ, gần Ngọc Long Tuyết Sơn, tôi được thấy một tuyên ngôn về quan niệm và phương châm sống như thế khắc trên bia đá. Không chỉ là ý tưởng, chính trong quá trình hình thành đô thị Lệ Giang từ hơn 800 năm trước đến nay, người dân Na Xi bản địa đã tạo dựng nên một điển hình thống nhất đầy nghệ thuật giữa thiên nhiên với kinh tế, xã hội, dung hòa hệ thống sông ngòi, ao hồ trong một địa hình đồi dốc thoai thoải với một trung tâm thương mại và ngành nghề thủ công, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc. Cổ trấn này quả xứng danh là Di sản văn hóa thế giới được UNESCO tôn vinh năm 1997.
***
Nhờ những phiến đá lát có từ 800 năm trước mà đường phố thành cổ Lệ Giang nắng không bụi, mưa không lầy. Một cổng phía Nam rất đồ sộ của thành Đại Lý được giữ gìn mang dấu ấn rêu phong lâu đời, không đắp thêm vật liệu hoặc sơn vôi màu mới. Khi ngành điện ảnh làm phim cổ trang với bối cảnh lịch sử một vương triều thế kỷ XI, XII ở ngay vùng đất này, người ta không lợi dụng chính công trình xưa mà dựng gần đấy (cách khoảng 5km) một cổng thành to lớn với một khu phố có lầu son gác tía giống y cổ thành để quay phim. Phim trường này nay trở thành một điểm đón hàng ngàn du khách mỗi ngày với âm thanh rộn ràng và cảnh diễn hoành tráng theo những tiểu thuyết hấp dẫn của Kim Dung.