Trước Cách mạng Tháng Tám, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện là một trong những trí thức nổi tiếng. Sau nhiều năm học tập Y khoa ở Pháp, ông đã khâm phục nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Về nước, ông tham gia tích cực các tổ chức tiến bộ, thành viên tích cực Hội truyền bá Quốc ngữ.
Khi biết tin ở chiến khu Việt Bắc, cụ Hồ Chí Minh chính là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đang lãnh đạo mặt trận Việt Minh, do đó ông đã liên lạc và đã được mời dự Hội nghị Quốc dân ở Tân Trào, hoạt động rất tích cực.
Trong ngày lễ Tuyên ngôn Độc lập ở Ba Đình 2/9/1945, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời dự đứng trên lễ đài, đại diện cho trí thức Thủ đô, dự lễ ra mắt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trước tinh thần yêu nước của ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tin tưởng. Trong cuộc bầu cử Quốc hội 6/1/1946, được sự giới thiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông được bầu là Ủy viên thường trực Quốc hội khóa đầu tiên.
Trước giờ nổ súng, ông được mời rời khỏi Hà Nội, lên chiến khu cùng Chính phủ, lãnh đạo kháng chiến. Song với trách nhiệm là đại biểu Quốc hội, ông xin ở lại Hà Nội để cùng gia đình tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô.
Nhà ông ở phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội, trước cửa Tòa án, ba bề bốn bên là nhà Pháp kiều. Ông và hai con trai là sinh viên Y khoa là đội viên đội tự vệ khu phố.
Buổi tối trước giờ nổ súng, ông cùng cả nhà đào công sự ngoài vườn để kháng cự.
Ngày 18/12/1946, quân Pháp ngang ngược gửi tối hậu thư buộc Chính phủ ta ngày hôm sau phải gỡ bỏ các ổ đề kháng của tự vệ trên đường phố, hạ vũ khí cho chúng chiếm đóng các cơ sở chính quyền ta.
Được hỏi ý kiến, ông đề nghị Chính phủ bác bỏ yêu sách vô lý đó…

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu ra mắt cử tri Hà Nội ngày 5/1/1946
(bác sĩ Nguyễn Văn Luyện đứng thứ 3 từ phải sang). Ảnh: TL.
7 giờ tối hôm 19/12/1946, súng lớn của ta từ pháo đài Láng và Xuân Tảo, bắn dồn dập vào nơi đóng binh của quân Pháp trong thành để trả lời tối hậu thư của chúng, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. Sau phút choáng váng, chúng tung lực lượng xe cơ giới đánh chiếm các cơ sở của ta. Biết ông là Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội, chúng cho một đơn vị xe thiết giáp và lính mũ đỏ tới bao vây nhà ông, dụ dỗ ông theo chúng. Chúng cho xe tăng húc đổ cổng nhà ông. Chúng gọi loa khuyên ông theo chúng, sẽ được hưởng sung sướng nhiều quyền lợi. Ông trả lời dõng dạc: Tôi là đại biểu của dân cùng với Chính phủ sẽ chiến đấu đến cùng. Đừng dụ dỗ gì nữa.
Loa của Ủy viên chính trị của Pháp lại vang lên gia thêm hẹn. Phố xá im ắng hồi hộp. Vợ con ông chui xuống hầm ở sân sau. Súng liên thanh của chúng bắn xối xả vào nhà ông. Ông và hai con trai của ông bắn trả ràn rạt. Thấy không khuất phục được ông, chúng xông vào phòng khách nhà ông trói hai con trai ông lại bắt phải thuyết phục ông theo chúng. Chúng đưa tờ giấy đánh máy sẵn: “Tôi là đại biểu Quốc hội. Tôi kêu gọi Chính phủ hạ vũ khí đầu hàng quân đội Pháp”. Ông vừa xé nát tờ giấy, vừa quát lớn “Plutot la mort que la honte”. Thà chết, không chịu nhục. Xéo mau!!! Biết không khuất phục được ông. Chúng bắn xối xả, giết chết cả ba bố con ông ngay tại phòng khách vừa lúc giữa đêm 19/12/1946.
Được tin gương chiến đấu hy sinh của ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng thương tiếc, biểu dương tinh thần chiến đấu hy sinh của cả gia đình ông. Báo chí và đài phát thanh kháng chiến của ta biểu dương gương chiến đấu của ông và gia đình ông (**).
(*) | Ghi theo lời kể của Bác sĩ Nguyễn Thị Liên (con gái Bác sỹ Nguyễn Văn Luyện), chứng kiến phút hào khí của gia đình ông đêm 19/12/1946 và cuốn Lược sử ngành Y tế Việt Nam. |
(**) | Ủy viên Ban Thường Trực Quốc Hội, liệt sĩ, anh hùng, cả nhà hy sinh vì nước, không rõ ngoài sự biểu dương trên, BS Nguyễn Văn Luyện còn được tặng thưởng danh hiệu gì, có được đặt tên đường ở Hà Nội không? |