Trái ngược với sự ồn ào, náo nhiệt của các chương trình ca nhạc thị trường, giao hưởng – hợp xướng đã từ lâu dường như không giành được sự quan tâm của khán giả và chìm vào một bầu không khí khá là ảm đạm.
Số phận đáng buồn của giao hưởng – hợp xướng tại Việt Nam
Cơ chế thị trường mở cửa kéo theo là sự giao lưu văn hoá trên khắp thế giới. Trong hơn 20 năm gần đây, rất nhiều trào lưu âm nhạc ồ ạt tràn vào Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới với đủ các thể loại pop, rock, dance, hiphop, nhạc Trung, nhạc Hàn…, đã thu hút đông đảo quần chúng. Còn giao hưởng – hợp xướng, dòng nhạc được coi là hàn lâm thì đang bị chìm vào quên lãng với những buổi diễn thưa thớt khán giả.
Trên thế giới, giao hưởng – hợp xướng, mặc dù là dòng nhạc kén người nghe và dành cho tầng lớp trí thức, nhưng ở Việt Nam, ngay cả giới trí thức cũng có vẻ thờ ơ với dòng nhạc này.
Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, tháng nào cũng có các chương trình diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội nhưng hầu như chỉ là những chương trình nhỏ, biểu diễn các trích đoạn cổ điển, và một thực tế là đa phần các buổi diễn, số lượng người nghe không thể lấp đầy số ghế ngồi trong nhà hát.

Buổi hòa nhạc tại Nhà hát lớn Thành phố Hồ Chí Minh.
Cần nhấn mạnh thêm một điều, đa phần số vé đưa tới tay khán giả đều là vé mời chứ không phải là vé được định giá theo nhu cầu của thị trường. Thỉnh thoảng trên phương tiện thông tin đại chúng mới nhắc đến những sự kiện giao hưởng – hợp xướng. Những sự kiện này là những vở opera hiếm hoi như vở Cây sáo thần, Trường học tình yêu, Thằng hề... hoặc những buổi hoà nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo, sự xuất hiện của các tài năng âm nhạc lớn của nước ngoài.
Tại các buổi diễn như vậy, cả nhà hát kín người, thế nhưng hầu hết khán giả lại là khách ngoại quốc hoặc các bạn sinh viên nhạc viện, giới báo chí, nghiên cứu, phê bình…
Lý giải thế nào về thực trạng này? Nhiều ý kiến cho rằng vì nhạc giao hưởng – hợp xướng khó hiểu, mà muốn hiểu được cái hay của nó, người nghe phải được giáo dục về lĩnh vực này từ ghế nhà trường như các nước phương Tây.
Một số ý kiến khác lại cho rằng, vì các nghệ sĩ giao hưởng – hợp xướng Việt Nam chơi chưa hay, chưa đủ thuyết phục người nghe… Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra, nhưng có lẽ, trước hết là bởi nhạc giao hưởng – hợp xướng chưa được quan tâm đúng mức.
Nghệ sĩ… biết lấy gì để sống với nghề…
Hiện nay, ở nước ta có một số dàn nhạc chơi nhạc giao hưởng – hợp xướng, gồm có Nhà hát giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Thành phố Hồ Chí Minh, Nhạc viện Hà Nội, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Những dàn nhạc này thường biểu diễn tại hai tụ điểm lớn là Nhà hát lớn Hà Nội và Nhà hát lớn Thành phố Hồ Chí Minh.
Những nghệ sĩ chơi trong những dàn nhạc này buộc phải trải qua quá trình tuyển chọn và đào tạo gắt gao vì rõ ràng nhạc giao hưởng - hợp xướng không phải loại nhạc dễ chơi. Để theo đuổi dòng nhạc này, các nghệ sĩ cần có sự hi sinh rất lớn. Bên cạnh tài năng sẵn có, mỗi nghệ sĩ phải trải qua quá trình đào tạo khắc nghiệt trong suốt những năm trung cấp và đại học. Vậy mà, khi ra làm nghề, khoản thù lao thật không xứng đáng với công sức họ bỏ ra.
Một nghệ sĩ chơi trong dàn nhạc có mức lương cứng hàng tháng từ một triệu rưỡi tới hai triệu đồng, một đêm diễn tại Nhà hát lớn họ được trả trung bình là 150.000 đồng, tối đa là 500.000 đồng đối với solist. Tiền tập còn thảm thương hơn, họ chỉ được 12.000 đồng cho một buổi tập và 50.000 đồng cho buổi tổng duyệt.
Như vậy, một nghệ sĩ chơi nhạc giao hưởng - hợp xướng thu nhập chỉ khoảng hai triệu đến ba triệu đồng một tháng. Với mức thu nhập như vậy, họ không thể nuôi sống được bản thân chứ đừng mong nuôi sống được gia đình.

NSND Tạ Bôn và giàn nhạc giao hưởng Việt Nam trong đêm 7/5 tại Hà Nội.
Bởi vậy, những nghệ sĩ này phải tìm cách kiếm thêm thu nhập từ những công việc khác. Anh T.A, nghệ sĩ chơi violon trong Nhà hát Giao hưởng Việt Nam tâm sự: “Thu nhập như vậy thì biết lấy gì mà sống. Tôi cũng như một số anh em trong đoàn, cần phải làm thêm công việc khác. Hàng tối, tôi vẫn chơi đàn cho một số quán cà phê có hoà tấu với tiền công là 200.000 đồng, cũng bằng một buổi diễn ở Nhà hát lớn”.
Còn anh Đ.H.Q lại có một số phận đáng buồn hơn. Anh từng là diễn viên trong Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam trước khi thi đỗ vào Nhạc viện Hà Nội. Khi thi vào Nhạc viện Hà Nội, anh đỗ thủ khoa nên không phải học qua trung cấp mà học luôn lên đại học.
Ấy vậy mà, anh cũng không trụ nổi với khoản tiền lương, tiền diễn ít ỏi. Anh kể lại: “Hát opera hay hợp xướng rất khó, không dễ như hát nhạc trẻ, cần sức khoẻ, cần kỹ thuật và không được hát nhép mà phải hát trực tiếp. Mỗi lần diễn xong, tôi gần như lạc giọng. Vậy mà thu nhập hàng tháng còn không đủ ăn thì lấy sức đâu ra mà sống với nghề…”. Hiện tại, anh Q đã xin nghỉ việc ở nhà hát, từ bỏ giấc mơ âm nhạc và chuyển sang nghề thiết kế (designer) để có một khoản thu nhập cao hơn.
Với tình trạng như vậy, thật khó yêu cầu nghệ sĩ phải chơi hết mình trong đêm diễn. Anh Lê Tiến, kiến trúc sư, một khán giả thường xuyên của Nhà hát lớn Hà Nội phàn nàn: “Tôi đi nghe nhạc để lấy không khí, chứ nói thật, các dàn nhạc ở Việt Nam, chỉ mong họ đánh đúng là tốt lắm rồi”.
Trong buổi biểu diễn kỷ niệm ngày sinh thiên tài âm nhạc Mozart, nghệ sĩ M.C, một solist gạo cội trong làng giao hưởng - hợp xướng hát thiếu hẳn một đoạn trong Aria “De Figaro”, một Aria nổi tiếng và quen thuộc với tất cả những người yêu nhạc cổ điển. Với những sai lầm như vậy, đúng là giao hưởng - hợp xướng sẽ rất khó khăn trong việc chiếm được sự tôn trọng và yêu mến của các khán giả Việt Nam.
Giao hưởng - hợp xướng, có còn hi vọng?
Nếu nói rằng khán giả Việt Nam không ai quan tâm tới giao hưởng - hợp xướng thì thật là không đúng. Thực ra, có một bộ phận trí thức rất quan tâm tới dòng nhạc này, thậm chí là những bạn trẻ. Họ thành lập một trang web về Nhạc cổ điển để giới thiệu những bản nhạc hay nhất thế giới cùng với tiểu sử của các nhạc sĩ thiên tài.
Bên cạnh đó, nhóm bạn này thường xuyên tổ chức gặp nhau tại Nhà hát lớn Hà Nội và Nhà hát lớn Thành phố Hồ Chí Minh để theo dõi và ủng hộ các đêm diễn. Nick cobeo, một trong những người sáng lập website nói: “Hiện nay, mặc dù các buổi diễn giao hưởng - hợp xướng ở Việt Nam chưa thực hay, nhưng chúng tôi vẫn chờ đợi một đêm diễn thực sự từ các Nhà hát”.

Vở nhạc kịch Cây sáo thần
Để đáp ứng mong mỏi của khán giả, rõ ràng, nhà nước cần có sự quan tâm xứng đáng hơn với dòng nhạc giao hưởng - hợp xướng. Mặc dù đã được nhiều quỹ nước ngoài như quỹ Thụy Điển, quỹ Ford, Toyota, Henessy hỗ trợ, thế nhưng, dường như vẫn chưa đủ để xây dựng một nền tảng giao hưởng - hợp xướng xứng tầm quốc gia.
Trên thế giới, nhạc giao hưởng - hợp xướng chính là đại diện cho quốc gia. Trách nhiệm của dàn nhạc giao hưởng - hợp xướng không chỉ là chơi lại những bản nhạc cổ điển mà còn phải trình diễn những vở diễn mới, hiện đại, tầm cỡ lớn có tính chất chỉ đường dẫn lối cho nền âm nhạc đương đại. Và để có những vở diễn như vậy, chắc chắn các Nhà hát giao hưởng - hợp xướng tại Việt Nam cần có một sự đầu tư đúng đắn cả về tài chính và nhân sự trong tương lai.