Giao thừa của Hội bia... năm ấy

Ngày ấy xưa rồi, có lẽ vào năm 1999, cuối thế kỷ trước.

Số là từ thập niên 1980, chiều thứ ba thứ sáu, một vài văn nghệ sĩ gặp nhau uống bia ở một quán nhỏ phố Trần Hưng Đạo - Hà Nội. Rồi “ngưu tầm ngưu”, số “bia sĩ” đông dần, đến trên một chục người, ngồi la liệt quanh mấy cái bàn lùn ở trên vỉa hè trước quán, dưới bóng một cây xoan xum xuê. Thế là hình thành “Hội bia cổ lai hy” tập hợp các mái đầu bạc nhiều, bạc ít.

Là nhân chứng về tác nhân của lịch sử đất nước hiện đại, họ đã nếm cái vui cái buồn của các giai đoạn, từ thời Pháp thuộc, Nhật thuộc đến thời cách mạng, kháng chiến, thống nhất. Họ đến chạm cốc bia với nhau để xả hơi, quên hết ưu phiền trong sự đồng cảm, trao đổi với nhau vô tư về mọi vấn đề từ nghiêm túc đến nhảm nhí, thỉnh thoảng lại cười vang lên.

Giao thừa Tết này, trong “khói trầm cao thấp”, lại thấp thoáng hiện ra trong ký ức tôi những bóng hình thân thương của giao thừa bia năm ấy, cuộc hội tụ đầy đủ nhất.

Trước hết phải kể đến bốn vị sáng lập Hội bia cổ lai hy là Trần Lê Văn, Phan Kế An, Ngô Quân Miện và Vân Long.

pic

Nhà thơ Trần Lê Văn

Nhà thơ Trần Lê Văn được coi là “chủ soái” của Tao Đàn bia vì nhà anh ở giữa phố Hàm Long, anh em đi uống bia đều tạt vào đợi nhau. Tinh thông Hán-Nôm và Pháp văn, anh vừa là nhà thơ vừa là nhà nghiên cứu văn học uyên thâm. Trong số bạn nhà văn của tôi, không ai có cuộc sống bất hạnh như anh. Về nghề nghiệp, hàng chục năm bị treo giò cấm viết do hai bài báo phê phán cán bộ cách mạng suy đốn…, một thời gian phải làm nhân viên phục vụ ở Ty Văn hóa Hà Tây. Gia đình thì nặng gánh, con đông, vợ người Thái hiền hậu nhưng ít đảm đang, lại thêm một con trai hy sinh ở miền Nam, một con trai mất trí, một cháu gái bị liệt từ sơ sinh. Nghèo suốt đời, đến khi gia đình khấm khá hơn thì bệnh, phải cưa một chân mấy năm trước khi chết. Nghèo và vất vả, nhưng vẫn giàu tình bạn, hảo tâm - thơ luôn lạc quan và kêu gọi tình người: “Có ai nghe thấy một tiếng vọng/ Thì thả con thuyền sang với tôi”.

pic

Họa sĩ Phan Kế An

Ai đến cửa nhà họa sĩ Phan Kế An cũng thấy ngay tính cách “tếu” của chủ nhà. Vì cạnh nút bấm chuông điện ở cửa, có một tay phanh xe đạp buộc vào một sợi dây thép lòng thòng từ ban công xuống. Bên cạnh cửa là mấy dòng chữ:

“Chuông điện ít khi kêu,

Tay phanh chuông giật mạnh

Cứ giật mạnh giật hoài

Rồi nó cũng phải kêu”.

Phan Kế An còn giữ lại khá nhiều tính chất chơi “ngông” của thời sinh viên là “cậu ấm con quan thượng”. Thích kể chuyện nhảm nhí, văng tục, có tiền bán tranh lại khao Hội bia một bữa. Có lần được mời lên vẽ chân dung Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, lại có lần bị đánh vì xét lại. Anh “nghiện bè bạn”: mấy năm gần đây, ăn ít uống nhiều, cân có lẽ chưa được 40 ký, tai điếc đặc, vậy mà vẫn nhờ người dìu lên tắc xi đến uống bia với vài bạn còn lại. Tết năm ngoái, anh tặng tôi một bức tranh vẽ hoa hồng: không thể gọi là tĩnh vật được, vì hoa nhảy múa, y như có hồn, khiến tôi nhớ đến bài thơ Hoa thủy tiên của thi sĩ Anh Wordsworth. Một họa sĩ ở tuổi 93 mà con mắt và bàn tay còn “tinh” đến thế quả là hiếm.

pic

 Nhà thơ Ngô Quân Miện

Ở các buổi họp bia, Phan Kế An và Trần Lê Văn nói rất nhiều và rất hăng. Trái lại, Ngô Quân Miện ngồi im ở một góc, lâu lâu mới điểm một nhận xét hóm hỉnh và sâu sắc. Anh thường trách bạn Văn sao lúc nào cũng vội vã, hối hả. Quan niệm sống của anh thể hiện trong bốn câu thơ:

Mây vừa qua, trăng đã thu

Tận cùng xa thẳm của hư vô

Cánh chim vội thế không hay biết

Trái đất sau lưng đã trở mùa.

Nhân sinh quan “phù vân” của phương Đông. Cũng do sức yếu, đau tim, huyết áp thấp, anh sinh hoạt rất điều độ, chỉ để lại một số thơ và truyện thiếu nhi.

pic

 Nhà thơ Vân Long

Anh Vân Long, trái lại, sáng tác rất nhiều, đã cho ra đời chục tập thơ và ba tập chân dung văn nghệ sĩ. Nguyên là nghệ sĩ đàn vĩ cầm của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, anh từng là Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Hà Nội. Thơ anh có khuynh hướng trí tuệ, cảm xúc kết tinh với tư duy để gợi lên một triết lý:

Viết chữ Nhân lên nền trời

Bầy chim trách người trườn mặt đất

Chân trời là điều có thật:

Chân trời trong cánh bay.

Tết này, Vân Long đã ở tuổi trên tám mươi. Cái hội Tao Đàn cổ lai hy năm xưa, anh thuộc loại trẻ và khỏe mạnh, hồ hởi, nên là trụ cột của hội, tổ chức và đôn đốc. Anh rất nhiệt tình, chu đáo với bạn. Tôi đối với anh có một món nợ ân tình khó trả: Anh kéo tôi vào báo Sức Khỏe làm chuyên mục hàng tuần “Sổ tay văn hóa” tới 17 năm nay. Anh thường xuyên nhận bản thảo của tôi viết như gà bới, đánh máy và hiệu đính, đưa in và mang đến cho tôi tiền nhuận bút. Sau hơn chục năm, tôi tập hợp mấy trăm bài đã đăng, gộp lại với một số bài khác, thành cuốn Lãng du trong văn hóa Việt Nam, “best-seller” ở Hội chợ sách TP.Hồ Chí Minh năm 2008.

Sau bốn kiện tướng sáng lập Hội bia kể trên, xin giới thiệu “hội viên thường trực”, bữa nào cũng có mặt, trong đó có cũng “bỉ nhân”! Trước hết, phải kể bậc lão thành là Thanh Châu, sinh năm 1912, mới mất vào tuổi trên 100. Có ai hỏi bí quyết sống lâu thì anh đáp: “Đừng bao giờ nghĩ mình đã già. Quên tuổi! Và chơi với lớp trẻ dễ lạc quan”. Mà lớp già, những năm 1930 anh đã là cây bút truyện ngắn của Tiểu Thuyết Thứ Bảy, còn ai để mà chơi. Truyện ngắn của anh về tình tiết và nhân vật bàng bạc, nhưng gây cảm xúc vì lòng ưu ái, tình người đối với những số kiếp long đong. Sau 1945, anh vào Vệ quốc quân, rồi công tác ở Hội Nhà văn. Từ sau bài báo Mua hàng mậu dịch (1956), anh gác bút. Khi họp Hội bia, anh ít nói, thường thủ thỉ kể lại cho tôi nghe về làng văn trước 1945.

Hoài Việt, về ngoại hình khác hẳn bậc đàn anh Thanh Châu. Anh to lớn, cao, rất điển trai. Thái độ cử chỉ lại rất từ tốn, mô phạm. Là thầy giáo dạy văn, anh là tác giả hàng chục tập thơ và chân dung văn nghệ sĩ. Đầu kháng chiến chống Pháp, anh có học tôi ít lâu tiếng Anh ở trường Nguyễn Khuyến sơ tán vào Yên Mô. Gặp nhau lại ở Hội bia, anh nhất định cứ gọi tôi là thầy và xưng em, mặc dù chỉ kém tôi mấy tuổi - dân xứ Nghệ có truyền thống trọng thầy mà! Anh đến hàng bia mà kiêng bia, chỉ uống nước suối, cốt để hưởng không khí tri âm.

Lê Đình cũng uống bia một cách nhấm nháp. Anh là thư ký tòa soạn tạp chí Việt Nam Hương Sắc đề cao cái thú chơi thiên nhiên, cây - con vật - đá. Anh luôn kêu báo nghèo, kêu gọi nhận nhuận bút thấp.

Giờ xin kể đến loại hội viên thứ ba của Hội bia: hội viên “vô thường”, lúc ẩn lúc hiện. Đầu bảng là vị lão thành Kim Lân, sinh năm 1920. Buổi họp, anh thường ngồi cạnh tôi, có lẽ cùng lứa tuổi dễ hợp chuyện. Anh chuyên viết truyện ngắn từ trước 1945, hồi vừa viết vừa làm thợ thủ công khắc gỗ chìm. Là người đồng ruộng, anh viết rất tinh tế và ưu ái về làng quê, cái buồn của dân cày khốn khổ, cái vui của phong tục xưa nhất là cái thú vui thôn dã mà thanh cao.

Nhà báo kỳ cựu Lê Thấu, nguyên Tổng biên tập báo Sức Khỏe Và Đời Sống, hễ nói là “bốc”, cao giọng say sưa. Có lần họp xong, anh mời cả đoàn sang Bắc Ninh nghe quan họ mặc dù trời mưa to. Chị Hương Nghiêm, vợ anh Lê Thấu, làm thơ thiền có những bài hay.

Lê Sơn, to lớn vạm vỡ, là chuyên viên nghiên cứu ở thư viện, nên luôn có tài liệu mới báo cáo anh em.

Nhà thơ Thanh Hào viết những lời ấm áp về làng quê, lâu lâu lại đạp xe qua cầu sông Hồng đến quán bia chia vui và mời bạn sang ăn khế ngọt ở vườn nhà.

Băng Sơn chuyên viết tùy bút về văn hóa Hà Thành, miêu tả món ngon khiến người đọc thèm rỏ rãi, nhưng bản thân đau dạ dày phải kiêng khem đủ thứ.

Hòa Vang, trẻ nhất Hội bia, cũng ngoài lục tuần, là một trong vài chiến sĩ sống sót của Trung đoàn 59 giữ Quảng Trị. Anh thích bông đùa, hát hay, viết truyện ngắn sâu sắc, như Nhân sứ

Có hai vị “Tây con” là Vũ Cận và An Kiều, đều từng học trường Pháp Albert Sarraut, uống bia thỉnh thoảng thốt ra một tiếng Pháp. Vũ Cận nguyên là Tổng biên tập báo Le Courier du Vietnam; An Kiều là con cụ họa sĩ Nam Sơn, đã từng phụ trách một công ty có mấy chục người Pháp.

Cuối cùng phải kể đến một hội viên “hải ngoại”, nhà báo Cao Tín, định cư ở Mỹ, năm nay có lẽ 106 tuổi. Mỗi lần về nước, thế nào cụ cũng chống ba toong mò đến uống bia với anh em.

***

Vang bóng một thời! Từ những năm 2000, Hội bia cổ lai hy teo dần rồi tan rã vì các vị Ẩm bia (uống bia - có đôi chút Ẩm băng) lần lần rủ nhau đi uống bia ở cõi thương nhớ. Chỉ còn lại dăm người để Tết này thắp nén hương ngậm ngùi nhớ lại giao thừa năm ấy, uống bia với các bạn đều là “người tử tế”.

HỮU NGỌC