Giải mã thành kiến về hai từ “cải lương”

Trên thế giới, dân mê bóng đá đã ca ngợi Pélé là vua sân cỏ. Ở Việt Nam, dân mê cải lương đã tấn phong cho Út Trà Ôn là vua vọng cổ, Út Bạch Lan là nữ hoàng sầu mộng, Văn Hường là vua vọng cổ hài, Minh Chí là vua xàng xê, Bạch Tuyết là cải lương chi bảo, Kim Cương là kỳ nữ, Kim Lan là hoa hậu cải lương, Thanh Nga là nữ hoàng sân khấu, quái kiệt Ba Vân… Tuy vậy, người Việt Nam vẫn có thành kiến cải lương là giả tạo, là phóng đại sự thật. Ai nói năng kiểu cách không giống với đời thường, chuyện tình nào rắc rối, éo le…, tất cả đều được cho là “cải lương!”.

NÓI TO, DIỄN XUẤT CƯỜNG ĐIỆU

Hồi xưa, chưa có micro, chưa có máy tăng âm, máy phóng thanh, bóng đèn dùng trên sân khấu chỉ là dàn đèn với bóng 100 Watts, khán giả ngồi ở xa, hay từ hàng ghế thứ 10 trở đi, nếu diễn viên hát nhỏ, điệu bộ làm như trong cuộc sống thường thì khán giả không nghe, không thấy diễn xuất ra sao. Hồi đó, các nghệ sĩ phải tập ca, tập nói thật lớn, luyện giọng bằng cách đút đầu vô lu mà gào, thét, hoặc ra đồng trống, hoặc ngồi trên mui ghe hát, gào to để tập cách truyền tiếng hát của mình đi thật xa. Như vậy khi vô hát trong rạp thì khán giả bất cứ ngồi ở hàng ghế nào, cũng có thể nghe rõ tiếng hát lời ca.


“Vua” vọng cổ Út Trà Ôn trong tuồng cải lương Tuyệt tình ca.
Ảnh: Huỳnh Công Minh.

Ví như, nếu hát kêu: “Trời ơi!” như kiểu nói chuyện bình thường thì không bộc lộ được sự khổ đau mà khán giả cũng không nghe, không đồng cảm được. Vậy nên phải gào thật to và kéo dài tiếng “Trời ơi!”, và như vậy mới có trớn mà bắt vô ca vọng cổ. Ngoài đời thường, nếu có ai bỗng nhiên gào to và kéo dài giọng gào thét đó kiểu như hát cải lương, người ta sẽ cho rằng kẻ đó khùng.

Về động tác diễn xuất, phim ảnh có cận ảnh phóng thật lớn, một giọt nước mắt long lanh, mọi khán giả đều có thể thấy rõ. Một ví dụ khác: Charlot thấy người ta ăn gà quay, thèm nuốt nước bọt thì chỉ cần quay hình Charlot nhìn sững phía trước, hình con gà quay còn bốc khói, rồi trở lại cận ảnh Charlot nuốt nước bọt thì mọi người đều hiểu là Charlot thèm ăn gà quay. Nhưng trên sân khấu cải lương, cũng một tình huống giống như vậy mà không thể diễn xuất theo kiểu đó.

Trong tuồng Gió ngược chiều, Tám Vân thủ vai Duy Bạt (Ruy Blas) đứng trước mâm gà quay và rượu chát, Duy Bạt - Tám Vân bưng đĩa gà quay lên, cầm đùi gà, đưa lên mũi hít, ngửi nhiều lần khoan khoái, nuốt nước bọt, để gà xuống, cầm dao và nĩa khua vào nhau như sắp dùng dao nĩa để cắt gà ra từng miếng, nhưng rồi anh ta quăng dao nĩa, dùng hai tay chụp con gà quay, cắn xé, nhai ngấu nghiến một cách ngon lành.

Động tác phóng đại lên, kéo dài ra để khán giả xa gần đều thấy rõ, đồng cảm với Duy Bạt cái cảm giác thèm ăn gà quay trong lúc đói. Cách thức diễn xuất như vậy thay cho lối lấy hình “cận ảnh” của nghệ thuật cinéma.

Về y phục cũng phải có màu sắc rực rỡ, kiểu cách đẹp hơn y phục của cuộc sống thường để thu hút sự chú ý của khán giả. Các vai đào mùi, kép mùi thường ăn mặc đúng thời trang, có khi đi trước mẫu thời trang đang thịnh hành. Các kép, đào đóng vai hề, vai ác, vai lẳng, vai độc thường dùng phục trang tạo ấn tượng đáng ghét để tăng hiệu quả diễn xuất. Do đó, khi người ta có thành kiến ăn mặc giống cải lương, điều đó có nghĩa là ăn mặc không giống trong cuộc sống bình thường, khi thì lố lăng quá, khi thì quá sang, quá kiểu cách.

VĂN CHƯƠNG BÓNG BẨY, TRỮ TÌNH

Về ngôn ngữ cũng phải thấy đặc trưng của ngôn ngữ cải lương.

Ngôn ngữ phim ảnh, cinéma là hình ảnh, góc cạnh ảnh, phân cảnh; lời thoại của phim vừa phải, vì hình ảnh của phim đã diễn đạt nội dung tâm lý nhân vật, hoàn cảnh của câu chuyện phim…

Ngôn ngữ thoại kịch là theo nghệ thuật “tả thực”, nói như trong cuộc sống thường ngày, tuy lời lẽ được chọn lọc hơn, súc tích hơn, văn chương hơn nhưng người nghe không có cảm giác là không thật.

Ngôn ngữ hát bội là theo nghệ thuật “tượng trưng, tả ý”, vì cốt chuyện thường dựa vào truyện Trung Hoa, chuyện xưa nên có sử dụng nhiều điển tích Trung Hoa, dùng lối văn xưa như biền ngẫu, thơ thất ngôn, thơ lục bát, nhiều câu chữ Nho.

Trở lại ngôn ngữ cải lương, phải thấy đây là loại hình nghệ thuật “tự sự” kể chuyện, kể lể tâm tình, do đó bài ca và lời thoại dài dòng, có tính chất trữ tình. Trong cải lương, đầy tớ nói chuyện với chủ hay người quan quyền, có thể nói rất “văn chương” móc ngoéo, không hề giống ở ngoài đời. Xin đọc một đoạn: Đầy tớ Đông Hĩ khuyên ông chủ theo nghiệp kiếm cung (tuồng Đợi anh mùa lá rụng của Hà Triều - Hoa Phượng):

“Điền Trung: - Ta sợ vợ ta sẽ lạnh lẽo cô đơn, với đứa con khờ không cha chăm sóc.

Đông Hĩ: - Chỉ một thời gian thôi, con và vợ của cậu có tôi bảo bọc. Đừng viện những lý lẽ không đâu. Kiếm sĩ không có quyền mềm yếu. Đừng để phút chia ly cản trở bước ngang tàng. Chàng và nàng sống trong đôi mắt rực lửa yêu đương, tha thiết nồng nàn. Để rồi chết trẻ hay chết già trong mưa tuyết. Mộ yêu đương ngàn đời quạnh quẽ. Cây không mọc, cỏ dại không xanh. Cây sợ rụng trái hiên ngang, cỏ sợ úa màu oai dũng sao cậu? Cậu đi đi! Hãy đi mà tạo lập công danh”.

Chỉ có trong vở tuồng cải lương, đầy tớ mới nói văn hoa kiểu cách như vậy, khán giả chấp nhận vì biết đó là loại hình nghệ thuật tự sự, trữ tình, đặc trưng của nghệ thuật cải lương.

Thêm một ví dụ khác: Tướng cướp Hạc Linh sau khi giết vua, cướp ngôi, lên ngai vàng trước quần thần. Tướng cướp xưa vốn là một kẻ dốt, nghèo, ở chòi lá ngoài hoàng thành, vậy mà ăn nói văn chương quá thể:

“Hạc Linh (bật cười to): - Ha! Ha! Còn đâu nữa những chiều vàng trên sa mạc. Con ngựa gầy, thất thểu, lỏng cương đi. Tay rời gươm, dũng sĩ hạ đôi mi. Mơ máu chảy, chân trời ta cúi mặt. Còn đâu nữa, những bầy sao rét mướt. Đứng rung rinh thoi thóp giữa rừng sương. Sa mạc buồn tênh, thở gió đại dương. Lửa phiêu lưu lập loè trên bãi lạnh, Và giờ đây, những cột đá vươn mình kiêu hãnh, làm chứng nhân cho mấy cuộc tang thương. Từ một tên dân thường, ta lên địa vị một Quân Vương, trong khoảnh khắc rủi may kỳ thú!. Bá quan đâu….

Bá quan (giật mình): - Hoàng Thượng vạn tuế, vạn, vạn tuế!…”

Ngoài hình tượng nhân vật, văn chương khẩu khí phóng đại còn lối diễn xuất: đang nói bỗng ca, bị đâm ôm bụng máu, còn ca mấy câu vọng cổ rồi mới chịu chết. Cốt chuyện tuồng phải lâm ly, bi đát, kẻ ác phải ác hết sức cho khán giả ghét, kẻ hiền phải thật là hiền, đáng thương, đáng ngưỡng mộ, nhiều khi tô đậm hình tượng nhân vật mà phạm vào cái lỗi giả tạo như tuồng Tuyệt tình ca có đoạn: vợ chồng ở với nhau đã có con, xa nhau vài chục năm, mới gặp lại chưa nhận ra nhau, mà phải ca dài dài, lôi bộ quần áo kỷ niệm ra mới nhận ra chồng vợ.

Khán giả thích xem cải lương, tất nhiên là chấp nhận loại hình nghệ thuật “tự sự, trữ tình”, giống như người thích thể thao phân biệt loại “đánh bóng bàn” khác với đánh banh tennis, khác với chơi hockey, khác với đá bóng, khác với chơi khúc côn cầu. Cũng đồng thời sử dụng trái banh trong cuộc chơi, nhưng luật lệ chơi khác nhau, hình thức cũng khác nhau.


Nghệ sĩ Năm Châu và nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa
trong vở “Tuyết băng và bạo lực”.
Ảnh: Huỳnh Công Minh

Tóm lại, sân khấu cải lương là một loại hình nghệ thuật kỳ diệu, có nhiều hình thức thể hiện độc đáo. Có thể nói cuộc sống phong phú bao nhiêu thì sân khấu cải lương cũng đa dạng bấy nhiêu. Ở cải lương, có đủ cả ca, nhạc, múa, kịch, hội họa, có tính cách điệu, ước lệ, tượng trưng, tả thực, tả ý, tả tình, nói chung tính tổng hợp toàn thiện, phong phú và hấp dẫn.

Hy vọng người Việt Nam mình ngày càng giảm bớt thành kiến đối với cải lương và tìm thấy nơi cải lương một loại hình sân khấu độc đáo của Việt Nam, đáng được ủng hộ, đáng lấy làm hãnh diện như người Trung Quốc coi trọng kinh kịch, hí khúc, như người Pháp đề cao Opéra.


Bài liên quan:

Soạn giả NGUYỄN PHƯƠNG (Canada)