Nhân mùa thi, nhắc lại chuyện độc nhất vô nhị trong lịch sử khoa cử Việt Nam
Xưa, lúc nước nhà không có biến loạn, cứ 3 năm nhà nước tổ chức thi Hương một lần. Cuộc thi chia làm 4 kỳ, gọi là Tứ trường. Theo lệ định năm Vĩnh Trị thứ 3 đời vua Lê Hy Tông, vào các năm Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu (thi Hội thì tổ chức vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi). Trường Nhất diễn ra vào ngày mùng 8 tháng 8 (âm lịch), trường Nhì ngày 18-8, trường Ba ngày 24-8 và trường Bốn ngày 28-8. Ai đậu kỳ trước mới được dự tiếp kỳ sau. Người chỉ đỗ Nhứt trường, Nhị trường chưa nên danh phận. Ít lắm cũng phải đỗ Tam trường mới được công nhận là Tú tài; đỗ Tứ trường thì thành ông Cống, tức Hương cống, hay Cống sinh, học vị Cử nhân. Nếu đỗ đầu thì gọi Hương nguyên hay Giải nguyên, cũng gọi Thủ khoa (nay hai tiếng Thủ khoa được dùng với nghĩa rộng hơn).
Tất cả những người trúng khoa, bất luận ưu hạng, bình hạng hay thứ hạng trong cùng một khoa thi đều được yết tên chung danh sách trong Kim bảng (tức bảng vàng - giấy yết tên có trang trí hoa văn màu vàng); và vì kỳ thi Hương được tổ chức vào mùa thu nên cũng gọi là Thu bảng.
Lệ xưa là vậy, nhưng đặc biệt có một trường hợp duy nhất dành riêng cho cụ Phan Bội Châu, một mình cụ một bảng, trong khi đó, tất cả những người thi đỗ cùng khoa với cụ thì được yết tên trên một Kim bảng khác!
