Phật giáo truyền vào nước ta ngay từ đầu Công nguyên. Ở ta hiện nay có khoảng 3 triệu tín đồ quy y tam bảo, khoảng 10 triệu tín đồ không quy y nhưng đến chùa tham gia Phật sự. Số người chịu ảnh hưởng có đến vài chục triệu. Hiện ta có 12.500 chùa với 24.000 tăng ni.
Ngày rằm, mồng một hoặc Tết, nhân dân ta thường có thói quen đi lễ chùa để được thư giãn tinh thần và cầu mong Phật phù hộ độ trì cho được khỏe mạnh bằng an, tránh được mọi tai họa. Ca dao ta có câu: “Nghiêng vai ngửa vái Phật trời, đương cơn hoạn nạn độ người trầm luân”.
Dưới đây xin giải đáp một số câu hỏi liên quan đến Phật giáo.
“Nam vô A di đà Phật” có ý nghĩa gì?
Các tăng ni khi gặp ai cũng đều chắp tay, nói “A di đà Phật”. Trên tường các chùa đều viết 6 chữ thật to: “Nam vô A di đà Phật”. Các thiện nam tín nữ sùng bái Bồ Tát cũng hay nói: “Nam mô (vô) A di đà Phật”. Còn có hiện tượng mới xuất hiện gần đây: Mỗi khi kinh ngạc trước điều gì, sự kiện gì, người ta cũng thường hay nói “A di đà Phật, tạ thiên tạ địa”!v.v…
Vậy ý nghĩa của câu đó là gì?
Trước tiên, đây vốn không phải là tiếng Trung Quốc mà là người Trung Quốc dịch âm từ tiếng Ấn Độ cổ. Chữ “Nam” 南 cũng đọc là “Na” viết là 那; chữ “Vô” 無(无), Hán ngữ cổ đọc là “Mô”(*). “Nam vô” có nghĩa là “hết sức tôn kính”, “quy thuận theo Phật”. “A di đà” có nghĩa là “Vô lượng thọ” tức “sống lâu”. A di đà Phật nghĩa là Phật vô lượng thọ (Phật sống lâu). Trong chùa, tượng của ngài và tượng của Phật đứng ở hai bên tượng Phật Như Lai. Theo kinh nhà Phật, Phật A di đà trước khi tu thành Phật vốn là một quốc vương, tên của ngài dịch ra là “Pháp tạng”. Ngài và các vương tử xuất gia tu đạo, khi thành chính quả được phong danh hiệu “A di đà”. Ngài làm Phật ở Tây phương cực lạc, chuyên làm nhiệm vụ đưa các tín đồ đến đó. Có thuyết nói con ngài cũng tu đạo trở thành Bồ Tát được phong danh hiệu là “Quan Thế Âm”. Qua đấy ta thấy A di đà Phật (Phật A di đà) chính là cha đẻ của Quan Âm Bồ Tát vậy.
Theo “Kinh A di đà” thuộc dòng Tịnh Thổ của Phật giáo, người nào thành tâm tụng niệm “A di đà Phật” thì sẽ được siêu thoát sang Tây phương cực lạc. Các tín đồ thuộc dòng Tịnh Thổ ra sức tuyên truyền lý thuyết đó. Do phương pháp này đơn giản dễ làm, chỉ cần miệng lẩm nhẩm đọc 4 chữ đó là được, do đấy được mọi tín đồ nhà Phật noi theo. Thế là “Nam vô (mô) A di đà Phật” trở thành câu nói quen thuộc của mọi người.
Tục “phóng sinh” của Phật giáo có ý nghĩa gì?
“Phóng sinh” tức là thả động vật sống về với thiên nhiên. Phật giáo coi đó là hành vi lương thiện tích công tích đức. Phật giáo kêu gọi từ bi, không sát sinh, thường xuyên làm chuyện phóng sinh, suốt đời sẽ được Phật pháp bảo vệ. Và Phật giáo còn nói phóng sinh sẽ được báo đáp tốt lành (thiện giả thiện báo). Lý thuyết này chưa biết có tin được hay không, nhưng đối với việc bảo vệ môi trường hiện nay là rất tốt, chúng ta không nên sát sinh các động vật hoang dã.
3. Tại sao sư sãi lại cạo trọc đầu và cạo râu?
Về vấn đề này, có giả thuyết cho rằng: Theo thuật ngữ Phật giáo, cạo trọc đầu và cạo râu gọi là “thế độ”. “Thế độ” có hai ý nghĩa:
a) Một là biểu thị “Sáu căn” thanh tịnh. Kinh Phật kể rằng Thích Ca Mâu ni khi xuất gia, dùng kiếm sắc tự gọt hết cả tóc râu, thề nguyện cắt hết mọi ưu phiền, trở ngại. Cắt hết ưu phiền tức là “6 căn thanh tịnh”. Sáu căn là 6 cơ quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Do thông qua cảm giác mà có 6 nhận thức, nên gọi là 6 căn. Phật giáo cho rằng “6 nhận thức” như là bụi trần che lấp bản tính thuần chính của con người, làm cho con người mê lạc. Do đó muốn đi theo Phật đạo, cần phải làm cho 6 căn thanh tịnh, có nghĩa là đối với vạn vật, nhìn nhưng không phân biệt xấu tốt, nghe nhưng không biết nhã tục, ngửi nhưng không phân biệt thối thơm, nếm mà không rõ ngọt đắng, sờ mà không biết rắn mềm, có thế mới đạt đến cảnh giới vô tư vô dục. Có như vậy, mới trừ bỏ ưu phiền để đi vào Phật đạo.
b) Đây là dấu hiệu để Phật giáo phân biệt với các giáo phái khác.
4. Vì sao tăng ni lại gõ mõ, đếm tràng hạt?
Tương truyền có người hỏi một trưởng lão Ấn Độ rằng, tại sao trong chùa lại treo con cá gỗ. Trưởng lão đáp: dùng để triệu tập chúng tăng. Người kia hỏi lại, tại sao lại đục thành con cá? Trưởng lão đáp: cá ngày đêm không bao giờ nhắm mắt, chúng tăng noi gương con cá, ngày đêm không ngủ, chuyên tâm vào Phật đạo, thì sẽ tu thành Phật. Nhưng con cá ở dưới nước, ít khi nhìn thấy, do đó đẽo cái mõ hình cá để mọi người hằng ngày nhìn thấy, dùng dùi gõ vào mình cá, mục đích là để đôn đốc tăng ni. Câu chuyện đó nói rõ tác dụng và ý nghĩa của chiếc mõ gỗ hình cá.
Mõ gỗ hình cá là một trong những khí pháp của Phật giáo, thông thường có hai loại. Loại hình tròn, trong rỗng, bên ngoài có khắc hình vẩy cá, khi tụng kinh niệm Phật gõ nhịp nhàng điều tiết âm tiết. Loại dài hình con cá trong rỗng thường treo ở cửa chùa, hằng ngày sáng, trưa gõ báo giờ ăn hoặc dùng để triệu tập chúng tăng.
Tràng hạt cũng là một trong những khí pháp không thể thiếu được của tăng ni. Tràng hạt thường làm bằng quả cây, gỗ thơm, mã não, đá quý… Phật giáo cho rằng nó có thể giúp tránh được tà ma, quỷ dữ.
Số hạt của tràng hạt có 9 loại, nhưng thông dụng nhất là loại 108 hạt và 54 hạt. Trong chuỗi tràng hạt có một viên to nhất gọi là viên mẹ, còn lại là những viên con. Khi đếm tràng hạt thường bắt đầu đếm từ viên mẹ trước, vừa đếm vừa tụng kinh. Phật giáo cho rằng người nào vừa đếm vừa tụng kinh được 200.000 vòng (vòng tràng hạt 108 viên), thân tâm không rối loạn thì sẽ được lên thượng giới, còn tụng niệm 1.000.000 vòng sẽ được lên cõi Niết bàn. Chính vì tin như thế, nên tín đồ nhà Phật không ngại gian khổ, kiên tâm tụng kinh niệm Phật. Tụng niệm 1.000.000 vòng mà lòng vẫn trong sáng, không suy nghĩ lung tung là điều không dễ dàng gì.
5. Vì sao khi vái Phật lại thắp hương?
Phật giáo cho rằng, thắp hương có thể làm cho mối liên hệ giữa người và Phật được liên thông, và tạo ra hiệu quả “cảm ứng giữa người và Phật”.
Cảm ứng giữa người và Phật có trình tự như sau:
- Mời thần linh. Vào chùa, dâng hương lên Phật và Bồ Tát, sau đó quỳ vái để tỏ niềm cung kính.
- Thắp hương để xin Phật và Bồ Tát hiển linh và bảo vệ. Nhờ khói hương, tâm nguyện và công đức của người dâng hương sẽ bay tới Phật Bồ Tát và làm cho các vị hiển linh.
____
(*) Theo Thiều Chửu - Từ điển Hán - Việt, NXB Văn Hóa Thông Tin, 2002, tr.333: 無 (vô) một âm là “mô”. “Nam mô” 南無, nguyên tiếng Phạn là Namanab, nghĩa là quy y, là cung kính đỉnh lễ.