Làng tôi là một làng cổ, xung quanh có lũy tre bao bọc vương vấn khói chiều. Từ xưa có bốn cái giếng đất để lấy nước sinh hoạt quanh năm. Đó là giếng Cả, giếng Ngòi, giếng Chùa và giếng Nội…
Làng tôi là một làng cổ, xung quanh có lũy tre bao bọc vương vấn khói chiều. Từ xưa có bốn cái giếng đất để lấy nước sinh hoạt quanh năm. Đó là giếng Cả, giếng Ngòi, giếng Chùa và giếng Nội. Mỗi giếng có một vẻ riêng: giếng ngòi là bụng rồng, giếng Chùa là rốn rồng nên quanh năm đầy nước, giếng Nội là đuôi rồng nên nước ít và đục. Chỉ có giếng Cả ngay giáp cổng làng đã ghi dấu ấn trong tôi biết bao kỷ niệm từ tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành.
Giếng tròn rộng đến 7-8m, sâu độ 10m, được đào trên khu đất sỏi ong, xung quanh có bờ bao bọc. Bờ giếng thẳng đứng lỗ chỗ sỏi ong nên không bị lở. Cả làng chẳng ai quên được câu nói: nước giếng Cả vừa trong vừa mát.
Thật vậy, nước giếng quanh năm trong vắt, mát dịu. Trên mặt nước là những đám bèo tai chuột (bèo ong), nhờ bèo hút hết tạp chất (một biện pháp khoa học thời cổ) nên nước giếng luôn trong sạch. Trên mặt bờ, nào cỏ gianh, dương xỉ và những cây duối nhỏ mọc ngả xuống mặt giếng soi bóng cùng làn nước trong veo. Cạnh giếng còn có mấy cây gạo già, xuân về hoa nở đỏ ối.

Nghe các cụ truyền lại rằng: giếng Cả là họng rồng được đào từ thời nhà Lý ngay từ khi thành lập làng. Trên bờ giếng, phía trong có một miếu nhỏ thờ thần giếng, lâu đời đã rêu phong, duy có bốn chữ Thiên Tư Gia Thụy (nhờ trời mọi sự đều tốt lành) đắp bằng mảnh sứ vẫn rõ ràng. Tìm hiểu mới biết bốn chữ đó là niên hiệu thứ hai (1186-1202) của vua Lý Cao Tông (1176-1210).
Ban ngày cả làng còn mải đi làm, sẩm tối trăng lên mới lũ lượt đi gánh nước. Thời xưa hầu hết đều gánh nước bằng nồi đất và quang vặn. Các cô con dâu ngày xưa phải đi gánh nước sợ vô ý chạm vào bậc giếng vỡ nồi, cô nào cũng sợ về đến nhà nồi nước bị vơi nên mặt mỗi nồi nước để một miếng lá chuối xé ra làm ba, bốn kẽ giữ cho nước khỏi sóng ra ngoài.
Những chuyện xung quanh giếng làng thì có nhiều, nào chuyện trai gái gánh nước đêm trăng, chuyện rồng quẫy làm nước giếng đục báo điềm trong làng có việc xảy ra… Có một chuyện mọi người vẫn còn nhớ mãi: Thời xưa đám học trò thường qua giếng Nội đến Bưởi Xuyên học cụ khóa Hân, tinh nghịch trêu đùa các cô gái đã hẹn.
Anh về đến giếng thì dừng
Khó khăn em đợi, xin đừng quên em.
Sớm đó mấy cô đang gánh nước chăm bón ruộng khoai bên đường, đám học trò đi qua đọc vế đối để thử thách:
Hoa trong bụi rậm chưa nhú nhụy đã muốn tỏa hương.
Ý nói: các cô còn bé, chưa có vẻ con gái đã đòi ve vãn.
Mị Lan, con gái cụ đồ trong xóm, vừa múc nước ở giếng Nội lên, suy nghĩ và đọc luôn vế đối lại:
Ngọc ở giếng khơi chẳng đăng khoa đòi phô vẻ quý.
Ý nói: học trò là quý nhưng chưa đỗ đạt thì đừng khoe khoang. Rồi cô chỉ tủm tỉm cười. Cả bọn học trò tức lắm nhưng chưa tìm được cách trả miếng, đành khất để đi học kẻo muộn giờ.

Giếng đá ong xóm Miễu, làng Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây.
Trải qua bao biến cố thăng trầm, giếng cổ vẫn còn đó. Những cái giếng có hàng trăm năm tuổi đáng ghi vào lịch sử, đã gắn bó bao đời với người dân một làng quê. Ngày nay giếng khoan đã nhiều. Trước đây giếng cổ nước ngọt nuôi sống con người, bây giờ đầy hoa sen thơm tô thắm cho một làng quê trù phú, thanh bình, khiến ta nhớ tới bài “Hoa sen trong giếng ngọc” (Ngọc tỉnh liên phú) của Mạc Đĩnh Chi, Trạng nguyên đời Trần. Đến nay miếu cổ đã mất, hoa gạo cũng chẳng còn, chỉ còn lại những kỷ niệm để lại trong lòng nơi quê hương yêu dấu.