Trong khi đề xuất chủ trương tăng học phí, cổ phần hóa giáo dục… ngành giáo dục giải thích rằng đây là xu hướng xã hội hóa, ý nói toàn xã hội cùng đóng góp xây dựng nền giáo dục. Xem ra sự giải thích này có phần nhầm lẫn.
Một, toàn xã hội đã và đang đóng góp cho nền giáo dục rồi, thông qua nghĩa vụ thuế. Sử dụng tiền thuế để chi cho giáo dục bao nhiêu là quyền của Quốc hội, sau đó Chính phủ chỉ đạo thực hiện, và Bộ Giáo dục và đào tạo thừa hành. Mọi điều chỉnh về kinh phí giáo dục phải do Quốc hội quyết định, thay vì Bộ Giáo dục và đào tạo đòi hỏi sự đóng góp trực tiếp của người dân. Vả lại, theo nhiều số liệu đã được công bố trên báo chí, kinh phí Quốc hội phê chuẩn chi cho giáo dục không nhỏ. Nếu biết quản lý sử dụng thì ngành giáo dục không thiếu tiền. Lý do giáo dục thiếu tiền không phải là lý do chính đáng trong bối cảnh giáo dục hiện nay.
Hai, khi nói đến xã hội hóa thì phải nói đến cả nghĩa vụ lẫn quyền lợi. Về mặt quyền lợi, việc tăng học phí, cổ phần hóa đại học… chắc chắn chỉ làm khổ người nghèo và làm lợi cho người giàu. Đại đa số dân ta còn nghèo, người giàu rất ít. Vậy cổ phần hóa đại học là trao tài sản quốc dân và lợi ích của giáo dục vào trong tay một thiểu số giàu có. Điều đó có phù hợp với một nhà nước xã hội chủ nghĩa như nước ta không?
Bản thân tôi, nếu tôi có nhiều tiền, tôi sẽ mua những cổ phần lớn nhất, và tôi sẽ leo lên những địa vị lãnh đạo đại học, bất chấp tôi có tài chữ nghĩa hay không. Điều này thật là chướng đối với truyền thống khoa bảng, truyền thống trọng tài, trọng đức, trọng đạo trong nền văn hóa giáo dục của cả Đông lẫn Tây từ xưa đến nay. Vậy thực chất của việc tăng học phí, cổ phần hóa đại học… không phải là xã hội hóa mà là thương mại hóa nền giáo dục.
Phải chăng sự trì trệ của nền kinh tế bao cấp trước đây đã làm cho một số người tưởng rằng thương mại hóa và tư nhân hóa là chiếc gậy thần “cải tử hoàn sinh” đối với mọi cơ chế hoạt động xã hội và sản xuất?
Rất may rằng ý tưởng thương mại hóa và tư nhân hóa mới chỉ là một dự kiến nên vẫn còn kịp để lường trước hậu quả của nó. Hậu quả này có thể dự báo từ kinh nghiệm giáo dục Australia.
2. Sự trả giá cho nền văn hóa thương mại kinh doanh
Trong 10 năm qua tại Australia, trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng về chất lượng giáo dục, các nhà khoa học và giáo dục có uy tín nhất đã lên tiếng khẩn thiết trên báo chí, đòi xem xét lại chủ trương phát triển giáo dục của nhà nước dựa trên “nền văn hóa thương mại và kinh doanh” (business and commercial culture) - một phương cách điều hành kinh tế và xã hội sai lầm trong nhiều năm xuất phát từ tư tưởng chạy theo lợi nhuận ngắn hạn trước mắt mà bỏ quên và coi thường các biện pháp cơ bản, lâu dài, mà xưa nay vốn đóng vai trò động lực để phát triển là giáo dục và khoa học kỹ thuật.
Thảm hoạ của nền văn hóa thương mại và kinh doanh là chủ nghĩa lý tài thực dụng - một dạng nọc độc đối với tinh thần lãng mạn và say mê khoa học. Hậu quả tất yếu của nó là làm thui chột năng lực sáng tạo, dẫn tới sự thua kém của Australia trong nền kinh tế cạnh tranh toàn cầu hiện nay.
Trong khi phân tích nguyên nhân vì sao số lượng học sinh kém ngày càng nhiều, Richard Teese, giáo sư Đại học Melbourne, nói: “Không phải các em bất tài . Cũng không phải chúng ta thiếu những nhà giáo dục xuất sắc và tận tâm. Đơn giản vì nền giáo dục phổ cập đã bị bỏ rơi vì tính thực dụng của các nhà chính trị thuộc cả hai đảng (Liên đảng tự do - quốc gia và Đảng lao động đối lập). Trong khi họ sẵn sàng chi những khoản tiền kếch sù vì mục đích câu phiếu trước mỗi kỳ bầu cử nhưng họ chẳng hề có được một chính sách căn bản và lâu dài để phát triển giáo dục, khoa học kỹ thuật. Australia đã bị tụt hậu vì vẫn dựa vào nền kinh tế thô sơ dựa trên trao đổi trong khi thế giới đang chuyển sang một nền kinh tế tri thức chuyên môn cao”.
Giáo sư Mc Gillivray, chủ tịch hội đồng các chủ nhiệm khoa học các trường đại học, phàn nàn: “Tôi có cảm tưởng rằng tại các trường học của chúng ta dường như đang tồn tại một thứ văn hóa lạ lùng: một sự sợ hãi hai môn toán và khoa học (lý, hóa, sinh vật). Hầu như thiếu vắng hẳn một hình thức động viên để tìm ra những gương mẫu mực xuất sắc trong hai môn học này. Không ai thèm khen hay để ý đến một em giỏi toán hay khoa học cả. Ngược lại nếu một em nào đó chơi piano hay violon khá tốt, chơi tennis hoặc cricket tốt thì cả trường ai cũng biết”.

“Nền văn hóa thương mại và kinh doanh” này đã làm biến đổi không chỉ chất lượng giáo dục, mà cả những quan niệm về giá trị, về phương cách tồn tại, về quan điểm sống trong lớp trẻ tạo nên những bất quân bình trong sự phát triển lành mạnh của xã hội.
Ngày 16/1/2001, Iann Chubb, Hiệu trưởng Đại học quốc gia Australia, một đại học uy tín nhất Australia, báo động: “Có một điều hết sức nguy hiểm đối với xã hội chúng ta hiện nay là cứ chạy theo những nguồn lợi tức thời và ngắn hạn. Càng nguy hiểm hơn nữa, nền văn hóa thương nghiệp thiển cận đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới trẻ hôm nay. Các em lao vào các ngành học theo thị hiếu thời đại trong khi vô ý thức về tương lai 10 năm tới. Hễ nghe nói ngành nghề nào dễ kiếm tiền là chen nhau thi vào đó”.
Giáo sư đặc biệt nhấn mạnh đến ngành nghề của toán và khoa học: “Trong khi các quốc gia khác tại phương Tây đang tập trung vào các trung tâm nghiên cứu về toán và khoa học tại các trường đại học để tạo ra một lực đẩy cho một nền kinh tế điện tử mới mẻ của thế kỷ 21 thì tại Australia, từ chính phủ đến dân chúng và cả các em học sinh lại lãng quên hai trụ cột chính yếu này. Tôi thấy rất cần phải nhắc lại rằng trong bất cứ giai đoạn nào của lịch sử phát triển văn minh nhân loại, toán và khoa học vẫn là những căn bản không thể nào thiếu được”.
Tình trạng thanh niên sinh viên tại Australia né tránh các ngành khoa học đã được John White, bí thư về chính sách khoa học tại Viện Hàn lâm Canberra, xác nhận: “Sinh viên có khuynh hướng không chọn những ngành học cơ bản như lý, hóa, sinh, nhưng chính phủ chưa có chính sách để thay đổi tình hình”. Theo báo cáo của hội đồng giáo dục 1993-1997 thì chỉ có dưới 40% học sinh lớp 12 chọn môn khoa học trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.
Nhiều trường đại học không có đủ số sinh viên theo ngành khoa học đến nỗi có nguy cơ phải đóng cửa các lớp thuộc ngành đó, như Đại học Deakin, Đại học công nghệ Victoria, Đại học RMIT, Đại học La Trobe. Tại sai vậy? Có 2 nguyên nhân chính. Một: Lương của một chuyên viên nghiên cứu khoa học tại Australia nói chung thấp, chỉ bằng 1/3 hoặc 1/4 so với Mỹ hoặc châu Âu, thấp hơn nhiều so với thu nhập của luật sư, bác sĩ, nha sĩ. Hai: Xã hội không trọng vọng các chuyên viên khoa học như các ngành khác.
Chủ tịch Hội đồng khoa học kỹ thuật Australia, Tos Gascoigne than phiền: “Trong khi cả nước kỷ niệm sinh nhật lần thứ 99 cho cầu thủ criket Don Bratman vô cùng trọng thể thì lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của nhà khoa học lừng danh Howard Florey, cha đẻ péniciline, người từng đoạt giải thưởng Nobel y học, thì diễn ra lặng lẽ tại Canberra trong nội bộ giới học thuật”.
Trong khi đó theo lời John Mckenzie, chủ nhiệm khoa học tại Đại học Melbourne: “Tại Mỹ, bác sĩ y khoa không được vị nể hơn một chuyên gia di truyền học. Tại Đức điểm tuyển vào khoa sinh hóa còn cao hơn điểm tuyển vào y khoa. Tại Pháp, sinh viên Đại học kỹ thuật Paris còn được vị nể hơn sinh viên y”. Sự không trọng dụng tài năng khoa học kỹ thuật dẫn đến hai hậu quả làm thiệt hại nền kinh tế Australia.
- Một: Sự mất cân đối giữa cung và cầu trong đội ngũ chuyên viên kỹ thuật. Theo thăm dò của Morgan & Banks, một hãng chuyên thăm dò dư luận vùng châu Á - Thái Bình Dương, thì 55,2% giới chủ kinh doanh nói họ sẵn sàng tiếp nhận sinh viên mới ra trường nếu họ có đủ năng lực chuyên môn, 45,1% nói kỹ năng công nghệ thông tin là ưu thế mạnh nhất để kiếm được việc làm. Nhưng tiếc thay, 79,2% sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm thích hợp, hoặc vì không có chuyên môn khoa học kỹ thuật, hoặc có nhưng không đủ năng lực.
- Hai: Nạn chảy máu chất xám ngày càng trở nên trầm trọng. Đại đa số sinh viên giỏi sau khi tốt nghiệp đều tìm đường sang Mỹ hoặc các nước châu Âu khác, nơi họ tìm thấy sự trọng vọng cao hơn ở Australia. Những nhà khoa học tài ba ở lại thì hoặc làm cho các công ty đầu tư ngoại quốc, hoặc bán phát minh cho người nước ngoài.
Trường hợp điển hình được báo chí nhắc tới nhiều nhất là phát minh công nghệ nối mạng không dây dẫn của hai nhà bác học David Skellem và Neil Weste, giáo sư Đại học Macquarie. Hai ông đã thành lập công ty Radiata để triển khai công nghệ mới đó. Nhưng không được nhà nước và bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào tại Australia hỗ trợ đầu tư, cuối cùng hai ông đã phải bán phát minh cho một tổ hợp lớn của Mỹ là CSIO với giá 500 triệu đô để sau đó mọi lợi nhuận rơi vào tay người Mỹ.

Một bài báo đã viết: “Hạnh phúc lớn nhất của nhà phát minh không phải là tiền bạc, mà là được chứng kiến sự ứng dụng phát minh của mình trong thực tế đem lại hạnh phúc cho nhân loại”. Cựu thủ hiến tiểu bang Victoria, Jeff Kennett, đã không ngớt lời hối tiếc việc để tuột khỏi tay cơ hội làm giàu cho Australia bằng phát minh này. Tuy nhiên các nhà khoa học nhận thức rõ ràng rằng chính “nền văn hóa thương mại và kinh doanh” đã tước bỏ của Australia những cơ hội đó.
Năm 2001, đại tỷ phú Bill Gates đến thăm Australia. Các nhà lãnh đạo xứ sở Kangaroo ra sức chiều chuộng mời mọc Gates đầu tư tại đây, nhưng Bill Gates lắc đầu từ chối với lý do Australia không có một cơ sở hạ tầng công nghệ kỹ thuật cao. Đó là cái giá phải trả đối với chủ nghĩa thực dụng và tầm nhìn ngắn hạn.
Dường như các nhà lãnh đạo Australia đã bắt đầu tỉnh ngộ, nhận ra chỗ yếu kém của mình. Bằng chứng là vị cựu thủ tướng John Howard, người bị chỉ trích là không có chính sách đúng đắn về giáo dục và khoa học kỹ thuật, trong diễn văn về kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 đã tuyên bố: “Chúng ta không thể trở thành một đất nước thông minh có nền kinh tế phát triển dựa trên khoa học kỹ thuật nếu chính tại đất nước này không đào tạo được những nhà khoa học lừng lẫy tài ba, và nếu chính tại đất nước này các tài năng khoa học luôn luôn bị quên lãng… Đây là một thách thức lớn cho chúng ta. Hãy đoàn kết để biến ước mơ của chúng ta thành hiện thực: Australia phải là một đất nước thông minh”.
Nhưng có vẻ như mọi việc đã muộn đối với ông Howard. Công chúng Australia đã thể hiện thái độ của mình qua lá phiếu ngày 24/11/2007 vừa qua. Liên đảng tự do - quốc gia của ông Howard đã thất cử. Đảng lao động, sau ngót 12 năm ở tư thế đối lập đã lên cầm quyền, với nhiều chủ trương thay đổi, trong đó giáo dục buộc phải được xem xét lại để tạo ra một bước phát triển mới.
3. Kết
Một lần nữa, xin nhắc lại rằng nền văn hóa thương mại và kinh doanh sẽ làm cho nền giáo dục và học thuật hàn lâm bị ngộ độc. Một khi nền giáo dục và học thuật ngộ độc thì không thể có một hạ tầng cơ sở của một nền kinh tế trí thức.
Mỹ là quốc gia giàu có nhất, và có thể là lý tài thực dụng nhất, nhưng họ quá khôn ngoan khi biết trân trọng giữ gìn không khí học thuật hàn lâm trong lành tại các viện đại học. Đối với người Mỹ, trường đại học là tài sản quốc gia, niềm tự hào của đất nước, uy tín của nước Mỹ trên trường quốc tế, vương quốc bất khả xâm phạm trước mọi biểu hiện của tư duy thương nghiệp thiển cận. Tại sao vậy? Đơn giãn vì đối với họ, các viện đại học là thánh địa của niềm đam mê lao động sáng tạo - cội nguồn của sự phát triển và tiến hóa?
Sydney
Ngày 15 tháng 12 năm 2007
Bài liên quan: