LTS: Giáo sư Đinh Gia Khánh (1924-2003) là Giáo sư Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, GS-Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ủy viên Hội đồng Khoa học Trung tâm Nghiên cứu Quốc học. Là một nhà nghiên cứu lớn, một Giáo sư mẫu mực, ông đã giành tất cả tâm huyết cho việc nghiên cứu văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân gian và văn học cổ Việt Nam. Chúng tôi xin giới thiệu độc giả bài viết của TS Đinh Thị Minh Hằng, trưởng nữ của ông.
Giáo sư Đinh Gia Khánh sinh ngày 25/12/1924 tại Thái Bình, quê gốc tại Lạc Khoái, Gia Viễn, Ninh Bình. Ông là nhà nghiên cứu văn hóa văn học. Trước Cách mạng tháng 8, ông trau dồi học vấn tại Hà Nội.
Sau Cách mạng tháng 8, từ năm 1945 đến năm 1956 ông dạy học ở các trường: Chu Văn An, Hàn Thuyên, Trường sư phạm ở khu học xá Trung Quốc.
Từ năm 1956, ông dạy học tại trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội. Năm 1982 ông được cử làm tổng thư ký Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, và còn được cử làm Ủy viên Ủy ban tư vấn về viện nghiên cứu các nền văn hóa Đông Nam Á (advisory Committee for the Study of South East Acian Cultures UNESCO).
Từ năm 1983, ông được cử làm viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian, tổng biên tập Tạp chí Văn Hóa Dân Gian. Năm 1984, ông được cử làm Ủy viên Ủy ban Trung ương liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Sau đó, ông là Ủy viên Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Trước khi nghỉ hưu (năm 1999), ông là chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gian Việt Nam. Ngày 7/5/2003 ông từ trần tại Hà Nội.
Giáo sư Đinh Gia Khánh đã viết hàng trăm bài nghiên cứu và báo cáo khoa học trên các báo, tạp chí và các kỷ yếu khoa học công bố trong và ngoài nước.
Ông đã làm chủ biên hoặc đồng soạn giả các công trình biên khảo Thiên Nam ngữ lục năm 1958, Quân trung từ mệnh tập năm 1960, Lĩnh nam chích quái, năm 1960, Lâm tuyền kỳ ngộ năm 1963, Việt điện u linh năm 1971. Ông đã tham gia biên soạn Từ điển Việt Hán năm 1960, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỷ X-XVIII năm 1963.
Giáo sư Đinh Gia Khánh đã viết các công trình: Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám năm 1968, Văn học dân gian Việt Nam năm 1972, hai tập (chủ biên). Văn học cổ Việt Nam năm 1974 (chủ biên), Điển cố văn học năm 1977 (chủ biên), Văn học Việt Nam thế kỷ X - nửa đầu thế kỷ XVIII hai tập – năm 1978-1979 (chủ biên). Lịch sử văn học Việt Nam năm 1980. Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 1983 (chủ biên). Truyện hay nước Việt năm 1988, Phong vị Việt Nam năm 1989, Địa chí văn hóa dân gian Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, năm 1991 (chủ biên), Thần thoại Trung Quốc năm 1991, Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam… năm 1993, Các vùng văn hóa Việt Nam (đồng chủ biên) năm 1995. Văn hóa dân gian Việt Nam với sự phát triển của xã hội Việt Nam năm 1996.
Giáo sư Đinh Gia Khánh còn là chủ tịch Hội đồng biên tập bộ Tổng tập Văn học Việt Nam gồm 42 tập (1980-2000).
Với những cống hiến xuất sắc cho nền văn hóa, văn học của dân tộc, Giáo sư Đinh Gia Khánh đã được nhận những phần thưởng cao quý:
+ Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng nhì – 1958
+ Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất – 1985
+ Huân chương lao động hạng nhất – 1996
+ Bộ khoa học công nghệ môi trường tặng bằng khen đề tài cấp Nhà nước “Văn hóa dân gian Việt Nam với sự phát triển của xã hội Việt Nam” đã đạt được kết quả xuất sắc trong giai đoạn 5 năm 1991-1995.
+ Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I – 1996
+ Huy chương vì sự nghiệp khoa học và công nghệ - 2003

GS Đinh Gia Khánh.
Giáo sư Đinh Gia Khánh là nhà giáo dục, nhà khoa học nổi tiếng (1). Với một quan điểm khoa học vững vàng, Giáo sư Đinh Gia Khánh đã có nhiều công trình bề thế, xuất sắc trong nhiều lĩnh vực như: Văn học trung đại Việt Nam, văn hóa – văn học dân gian, văn hóa.
Với hơn 30 năm giảng dạy văn học trung đại Việt Nam ở trường Đại học tổng hợp Hà Nội, Giáo sư Đinh Gia Khánh đã có những công trình nghiên cứu, biên soạn mang tính học thuật nghiêm túc như: Hợp tuyển thơ Việt Nam thế kỷ X đến thế kỷ XVIII, Văn học cổ Việt Nam năm 1974 (chủ biên), Văn học Việt Nam thế kỷ thứ X – nửa đầu thế kỷ XVIII (hai tập) – năm 1978-1979 (chủ biên), Lịch sử văn học Việt Nam năm 1980, Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 1983 (chủ biên).
Giáo sư Đinh Gia Khánh là chuyên gia hàng đầu về văn học trung đại. Nghiên cứu về văn học trung đại, Giáo sư Đinh Gia Khánh luôn tôn trọng tính khách quan của hệ thống các vấn đề, tránh rơi vào cách nhìn phi lịch sử, đơn giản, một chiều, không biện chứng. Ông cho rằng: “Với quan điểm duy vật lịch sử, chúng ta đặt hiện tượng vào hoàn cảnh lịch sử của nó mà phân tích và đánh giá. Chúng ta không sa vào lối phân tích phi lịch sử, nghĩa là lấy những tiêu chuẩn chính trị và xã hội ngày nay mà đánh giá con người và sự việc ngày xưa”(2) và đề cao các phương pháp hiện đại và tính hiện đại của việc nghiên cứu di sản văn học dân tộc là điều mà ông tâm đắc.
“Một trong những nguyên tắc chúng ta đề ra đối với việc nghiên cứu khoa học là tính hiện đại. Đối với việc nghiên cứu di sản văn học quá khứ của dân tộc, tính hiện đại trước hết dựa vào phương pháp duy vật lịch sử, tức là phương pháp mới nhất đối với khoa học xã hội”(3). Cũng chính nhờ phương pháp hiện đại và tính hiện đại trong việc nghiên cứu di sản văn học dân tộc, mà những tác giả, tác phẩm văn học trung đại vốn cách xa chúng ta nhiều thế kỷ qua trang viết của giáo sư Đinh Gia Khánh trở nên gần gũi với cuộc đời hôm nay.
Nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam, Giáo sư Đinh Gia Khánh đã tiếp cận giai đoạn văn học này từ nhiều phương diện, từ vấn đề thể loại, tác gia, tác phẩm, ngôn ngữ đến các vấn đề lớn mang tính thời đại chi phối đến toàn bộ thời kỳ văn học. Trong khi mô tả và phân tích bối cảnh lịch sử xã hội, ông rất quan tâm đến yếu tố văn hóa trong tiến trình văn học dân tộc cũng như chú trọng nghiên cứu những đặc điểm văn hóa của từng thời kỳ.
Với văn học thời Lý Trần, ngoài việc xác định đặc điểm chung của thời kỳ văn học này, chịu ảnh hưởng của quan niệm tam giáo đồng nguyên, ông còn nêu rõ những sắc thái riêng của từng thời kỳ. Cụ thể như ở thời Lý, văn học chịu ảnh hưởng của Phật giáo rất lớn, mang tính chủ đạo. Sang thời Trần thì văn học chịu ảnh hưởng của Nho giáo nhiều hơn, tuy nhiên Phật giáo vẫn còn có những vai trò nhất định: “Nhìn chung không khí học thuật đời Trần khác đời Lê sau này. Khi đó, Nho giáo chưa chiếm ưu thế tuyệt đối. Nó còn phải dành giật ảnh hưởng với Phật giáo. Ngược lại, Phật giáo tuy đã mất địa vị mà nó chiếm giữ hồi đâu đời Lý, những vẫn còn khá nhiều thế lực”(4).
Nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam, giáo sư Đinh Gia Khánh luôn gắn lịch sử văn học với lịch sử văn hóa, lịch sử phát triển của dân tộc. Ông đã đưa ra nhận định mang ý nghĩa đúc kết và có tính khái quát cao: “Và chính nền văn hóa, tức là thượng tầng kiến trúc, lại có tác động lớn lao đối với sự thống nhất đất nước, sự hình thành dân tộc. Văn học là một bộ phận quan trọng trong văn hóa tinh thần của xã hội đã tham gia không ít vào quá trình tác động ấy. Sự hình thành dân tộc là cả một quá trình, sự hình thành văn học dân tộc cũng là cả một quá trình. Hai quá trình ấy tiến hành song song, ảnh hưởng qua lại với nhau xen kẽ, đan lồng vào nhau và tìm hiểu lịch sử văn học của nước Đại Việt xét về một mặt nào đó chính lại là tìm hiểu vế đề rất phức tạp và rất phong phú ấy”(5).
Giáo sư Đinh Gia Khánh cũng khái quát những vấn đề cơ bản như mối quan hệ giữa văn học và đời sống, mối liên hệ với văn học viết với văn học dân gian và những giá trị truyền thống như nội dung yêu nước, trào lưu nhân văn chủ nghĩa, tinh thần dân chủ, tinh thần tự hào dân tộc… Ông cũng chú ý đến những đỉnh cao, tôn vinh những đóng góp và sáng tạo của những tài năng văn học.
Có thể nói, trên đường nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam, Giáo sư Đinh Gia Khánh thường đề cập đến những vấn đề học thuật vừa có tình chuyên sâu vừa có tính phổ quát và đưa ra những luận điểm có tính đúc kết, tổng kết, khái quát.
Giáo sư Đinh Gia Khánh là “người mở đường vào kho tàng văn hóa dân gian”(6). Ông có nhiều công trình chuyên sâu về lĩnh vực này. Từ năm 1960 đến năm 1980, ông đi sâu vào lĩnh vực khảo sát văn học dân gian và các đối tượng cụ thể. Từ năm 1980 trở đi, ông lại thiên về nghiên cứu văn hóa dân gian và nghiêng về tổng hợp, khái quát, nâng cao.
Cuốn Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyền cổ tích qua truyện Tấm Cám (1968), đã đặt ra nhiều vấn đề ở các cấp độ lý luận mang tính lý thuyết cho phương pháp nghiên cứu thể loại trong văn học dân gian. Đây là một trong những công trình đầu tiên mang tính kiểu mẫu trong việc đi sâu khảo sát một truyện cổ tích cụ thể, góp phần lý giải bản chất tương đồng về một loại hình kiểu truyện Tấm Cám, không chỉ ở Việt Nam mà còn có tính phổ biến trên toàn thế giới.
Trong sự nghiệp nghiên cứu văn học dân gian của giáo sư Đinh Gia Khánh phải kể đến công trình Văn học dân gian Việt Nam (năm 1972) do ông làm chủ biên và đồng soạn giả cùng giáo sư Chu Xuân Diên. Công trình đã đạt được những giá trị khoa học rất quan trọng. Công trình đã lý giải sâu sắc và toàn diện đặc trưng của văn học dân gian, khái quát tình hình sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian từ khởi đầu thời phong kiến đến năm 1945, nghiên cứu văn học dân gian người Việt theo tiến trình lịch sử, sơ lược lịch sử văn học dân gian từ trước thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX, phác thảo các thể loại tự sự dân gian… Công trình đã thể hiện tính hệ thống ở các vấn đề, các chương mục và cả tính hệ thống trong việc phân tích lý giải từng vấn đề.
Giáo sư Đinh Gia Khánh còn là người đặt nền móng cho khoa học nghiên cứu văn hóa dân gian. Công trình Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian (1989) của giáo sư Đinh Gia Khánh đã đề ra phương pháp luận cho ngành nghiên cứu văn hóa dân gian. Vai trò kiến tạo nổi bật của ông được thể hiện trong việc xác định tính Tổng thể nguyên hợp của văn học dân gian nói riêng và văn hóa dân gian nói chung, cũng như coi văn học dân gian là một thành tố đồng đẳng với các nghệ thuật tạo hình dân gian, biểu diễn dân gian và xác định mối liên hệ chặt chẽ giữa văn học dân gian và văn hóa dân gian qua môi trường diễn xướng, hình thức lưu truyền, khả năng tiếp nhận. Ông là người đầu tiên đưa ra khái niệm tính nguyên hợp và đưa vào thực tiễn nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam. Ông nêu lên 3 giới thuyết chủ yếu về tính nguyên hợp của văn hóa văn nghệ dân gian là:
- Mối quan hệ rất chặt chẽ giữa nghệ thuật và thực tiễn.
- Mối quan hệ giữa các thành tựu khác nhau của những thời đại khác nhau và của những địa phương khác nhau.
- Mối quan hệ giữa các thành tố của Folklore.
Tính nguyên hợp của văn hóa, văn nghệ dân gian được Giáo sư Đinh Gia Khánh đề cập đến có tính chất hoàn chỉnh và toàn diện, thể hiện trong hệ thống các vấn đề, trong việc phân tích, lý giải từng vấn đề một cách thỏa đáng.
Năm 1993, công trình Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á của giáo sư Đinh Gia Khánh được coi như một trong những công trình đầu tiền đặt vấn đề nghiên cứu văn hóa dân gian từ góc độ văn hóa vùng, văn hóa khu vực và xác định những nét tương đồng, những nét khác biệt và đặc thù của văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh vùng văn hóa Đông Nam Á. Công trình đã đề cập và giải quyết các vấn đề từ góc độ như nhóm ngôn ngữ và sắc tộc, đất liền và đa đảo, sự ảnh hưởng của hai nền văn hóa lớn là Trung Hoa và Ấn Độ đối với nền văn hóa Đông Nam Á, sự tiếp nhận và phát triển, tương đồng và đặc thù…
Nền văn hóa Đông Nam Á xuất phát từ cơ sở của nền văn minh lúa nước nên sự gần gũi về văn hóa đã tạo điều kiện cho những nét tương đồng về tôn giáo, thần thoại, huyền thoại, tín ngưỡng, lễ nghi, lễ thức, diễn xướng, đã in đậm vào các tác phẩm văn học nghệ thuật của nhiều dân tộc trong khu vực. Tuy nhiên, những nét đặc thù của mỗi dân tộc do sự sáng tạo của nhân dân đã khẳng định bản sắc của từng dân tộc. Vấn đề trọng tâm bao trùm toàn bộ nội dung công trình là việc lý giải bản chất văn hóa dân gian Việt Nam bắt rễ vào cơ tầng văn hóa Đông Nam Á và sự tương đồng của các hiện tượng văn hóa dân gian được nhìn nhận trong sự tương đồng của quá trình tiếp biến văn hóa.
Công trình Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á là một công trình được đánh giá rất cao. Công trình đã đi đầu trong việc đặt văn hóa dân gian Việt Nam vào quỹ đạo và tiến trình phát triển chung của khu vực, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu giao lưu và hội nhập văn hóa giữa các nước Đông Nam Á.
Giáo sư Đinh Gia Khánh còn là tác giả cuốn Văn học dân gian Việt Nam với sự phát triển của xã hội Việt Nam (1996). Công trình đề cập đến các vấn đề văn hóa, văn minh và sự phát triển của xã hội. Công trình được Bộ khoa học và công nghệ môi trường tặng bằng khen là công trình cấp Nhà nước đạt kết quả xuất sắc trong giai đoạn 5 năm 1991-1995.
Những đóng góp của giáo sư Đinh Gia Khánh còn được thể hiện trong việc đề xướng và tổ chức công tác điền dã điều tra cơ bản văn hóa dân gian thực địa, trong việc phối hợp với các địa phương biên soạn địa chí văn học dân gian có tính chất hệ thống trong toàn quốc như: Địa chí Vĩnh Phú Văn hóa dân gian vùng đất tổ (1986), Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh (1995)…
Giáo sư Đinh Gia Khánh còn là chủ biên cuốn Địa chí văn hóa dân gian Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội (1991) và nhiều công trình khác.
Từ lĩnh vực nghiên cứu văn học trung đại, văn hóa – văn học dân gian, giáo sư Đinh Gia Khánh mở rộng sang lĩnh vực văn hóa. Giáo sư Đinh Gia Khánh có nói: “Văn hóa Việt Nam là văn hóa ngôn từ bởi: “Tính nghệ thuật của ngôn từ Việt Nam”, với hai đặc điểm quan trọng: “Thứ nhất đó là một ngôn ngữ đơn lập, trong đó mỗi âm thường tạo nên một từ. Thứ hai đó là một ngôn ngữ có thanh điệu, trong đó mỗi âm thường có 6 thanh”(7). Nghệ thuật ngôn từ, ngôn ngữ văn học: “Trước tiên là thành tựu của các nghệ nhân dân gian với sự hỗ trợ của đông đảo nhân dân trong các sinh hoạt văn hóa dân gian đa dạng và phong phú, trong việc lưu truyền các tác phẩm hay từ đời này sang đời khác… là thành tựu của dòng văn học viết, của các tác giả văn thơ Nôm trong những thế kỷ trước đây, cũng như của các tác giả văn thơ quốc ngữ trong một thế kỷ qua”(8).
Chính vì vậy, trong nền văn hóa Việt Nam, văn học bao gồm văn học dân gian và văn học viết có vai trò quan trọng và có những quan hệ đặc biệt đa dạng với văn hóa. Văn học có nhiều thể loại đã in những dấu ấn riêng, đặc sắc và góp phần sáng tạo nên nền văn hóa dân tộc. Văn học Việt Nam đã làm tấm gương lớn phản ánh nền văn hóa Việt Nam.

Ảnh: Bùi Tuấn.
Giáo sư Đinh Gia Khánh đã đưa ra những nhận xét có tính đúc kết rằng: “Văn học góp phần tạo nên những giá trị văn hóa hàng đầu của dân tộc”(9). Cho nên “Chúng ta là như thế này đây mà không phải là như thế nào khác chính là vì đã có truyện Lạc Long Quân – Âu Cơ đẻ ra một bọc trăm trứng nở ra trăm con, truyện Sơn Tinh chiến thắng Thủy Tinh, truyện Thánh Gióng đuổi giặc Ân, truyện Thạch Sanh bắn đại bàng, truyện cô Tấm sống lại từ cõi chết, thì chính là đã có Hát Xoan, Hát Văn, Hát Lý, Hát Quan họ, Hát phường vải…, thì chình là vì đã có chèo Trương Viên, tuồng Sơn hậu, thì chính là vì đã có thơ của Lý Thường Kiệt, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Chu An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, thì chính là vì đã có Hịch Tướng Sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Hịch Tây Sơn của Nguyễn Huệ, thì chính là vì đã có sự phát triển vượt bậc của văn học dân tộc một trăm năm qua…”(10).
Với tư cách nhà văn hóa, giáo sư Đinh Gia Khánh đã nghiên cứu, khảo sát, liên hệ so sánh từ văn hóa của một cộng đồng làng xã, đến văn hóa của một vùng đất, một dân tộc và rộng hơn là văn hóa vùng của nhiều dân tộc. Giữa thế kỷ XX, các học giả đã có đủ cơ sở để khẳng định có một vùng văn hóa Đông Nam Á phân biệt với các vùng văn hóa khác ở châu Á.
Với câu hỏi đặt ra, văn hóa Việt Nam thuộc vùng văn hóa Đông Nam Á hay thuộc vùng văn hóa Đông Á. Giáo sư Đinh Gia Khánh đã cho rằng, vì văn hóa Việt Nam bắt rễ sâu sắc vào cơ tầng văn hóa Đông Nam Á nguyên thủy cho nên Việt Nam có thể được coi như thuộc vùng văn hóa Đông Nam Á và mặt khác, vì nền văn hóa Việt Nam chứa đựng nhiều nội dung tiếp thu từ việc đồng hóa những thành tựu của Trung Quốc cho nên Việt Nam có thể được coi như thuộc vùng văn hóa Đông Á, cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên.
Vậy là Việt Nam vừa thuộc vùng văn hóa Đông Nam Á vừa thuộc vùng văn hóa Đông Á. Cho nên “nhận định cho rằng Việt Nam thuộc vùng văn hóa Đông Nam Á không loại khử nhận định cho rằng Việt Nam thuộc vùng văn hóa Đông Á”(11). Và nếu coi Việt Nam chỉ đơn thuần thuộc một trong hai vùng văn hóa đó thì dễ sa vào cái nhìn phiến diện, thiên lệch.
Trong những công trình nghiên cứu văn hóa, văn học của giáo sư Đinh Gia Khánh, những vấn đề văn hóa thường được đề cập đến theo hướng nghiên cứu liên ngành có tính hiện đại, cập nhật và ứng dụng những tri thức mới.
Một đóng góp đáng trân trọng của giáo sư Đinh Gia Khánh là tổ chức biên soạn bộ Tổng tập văn học Việt Nam (Bộ phận văn học viết từ thế kỷ X đến 1945) gồm 42 tập. Ông là người có sáng kiến, có ý tưởng khởi xướng ra bộ sách văn học đồ sộ này, bộ sách lớn nhất trong lịch sử biên soạn và xuất bản từ xưa đến nay. Giữ trọng trách chủ tịch hội đồng biên tập, giáo sư Đinh Gia Khánh đã quy tụ được một tập thể hàng trăm nhà khoa học, dịch giả, nhà nghiên cứu cùng biên soạn, tuyển chọn, thâu tóm mười thế kỷ văn học với hàng chục ngàn trang viết, hàng mấy trăm tác giả vào ba mươi sáu tập sách. Đây là bộ sách có tính khoa học cao và công phu được tiến hành trong 20 năm, khởi viết từ năm 1978 và kết thúc vào năm 1998 (12).
Bài Tổng luận của giáo sư Đinh Gia Khánh 158 trang (13) thực chất là một công trình khoa học giàu tri thức tổng hợp. Giáo sư Đinh Gia Khánh đã làm nổi bật lên trên dòng chảy của lịch sử dân tộc với hàng ngàn năm kiên cường chống giặc ngoại xâm là dòng chảy của văn học với nguồn mạch lớn của dòng văn chương yêu nước, giàu giá trị nhân bản và dòng văn chương cách mạng, với sự phản ánh cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ tổ quốc, sự phản ánh văn hóa và bản sắc dân tộc, việc xây dựng phẩm giá con người, sự đóng góp vào việc xây dựng ngôn ngữ dân tộc, sự đóng góp vào việc xây dựng nền văn học dân tộc như vấn đề thể loại…
Bài Tổng luận đã thể hiện được phong cách nghiên cứu của giáo sư Đinh Gia Khánh với sự chuyên tâm trong phương thức, phương hướng đi tổng kết, khái quát và rút ra những quy luật vận động, những tác động của thời thế đối với văn chương. “Một phương hướng như thế đòi hỏi sự kiên trì, vốn kiến văn sâu rộng, năng lực tư duy tổng hợp cao mà đương nhiên không phải một nhà nghiên cứu tên tuổi nào cũng có thể đạt tới”(14).
Trong di sản quý báu của giáo sư Đinh Gia Khánh còn phải kể đến hàng trăm bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học ở trong và ngoài nước, hàng trăm bài viết cho Đài tiếng nói Việt Nam về các chủ đề: Văn hóa và dân tộc, văn hóa và tri thức trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước… hàng chục cuốn sách viết riêng và viết chung khác.
Cống hiến của giáo sư Đinh Gia Khánh còn phải kể đến công lao ông chỉ đạo tập hợp, hướng dẫn trong mấy chục năm một đội ngũ những người nghiên cứu, giảng dạy văn học viết, văn học dân gian, văn hóa dân gian. Ông là người thầy của nhiều thế hệ các nhà khoa học kế tiếp nhau và nhiều người đã trưởng thành là những chuyên gia có tên tuổi như: Bùi Duy Tân, Chu Xuân Diên, Nguyễn Lộc, Tô Ngọc Thanh, Nguyễn Xuân Kính… Học trò của ông tôn trọng và tự hào về người thầy của mình.
Một đóng góp nữa của giáo sư Đinh Gia Khánh là công xây dựng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian và Tạp chí Văn Hóa Dân Gian từ ngày đầu mới thành lập đầy khó khăn và thiếu thốn. Với uy tín khoa học và khả năng quy tụ sức mạnh từ đội ngũ của mình, giáo sư Đinh Gia Khánh đã cùng các đồng nghiệp tích cực xây dựng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian và Tạp chí Văn Hóa Dân Gian đạt được những thành tựu đáng kể, có những đóng góp quan trọng đối với ngành văn hóa dân gian học Việt Nam, một tổ chức xã hội mà ông là một trong những người sáng lập nên.
Giáo sư Đinh Gia Khánh là người “Khổ học”, ông là tấm gương tiêu biểu cho sự cần cù lao động, thái độ cẩn trọng, sự tự ý thức về tính chính xác và nghiêm túc trong khoa học. Ông luôn viết và nói những điều gì ông biết và phải biết đến nơi đến chốn. Tư cách nhà khoa học của giáo sư Đinh Gia Khánh còn thể hiện ở ý thức không thỏa mãn với vốn tri thức đã có mà luôn gắng học hỏi, trăn trở, vươn tới cập nhật với tri thức mới, hiện đại.
Cuối đời, giáo sư Đinh Gia Khánh có ý định viết công trình “Nền văn minh Việt Nam”, nhưng tiếc rằng ông chưa thực hiện được ý nguyện này.
Giáo sư Đinh Gia Khánh là một trí thức lớn, một nhà giáo lão thành, một nhà khoa học đầu ngành, một người thầy của nhiều thế hệ. Với tất cả những đóng góp quý báu cho nền văn hóa dân tộc, giáo sư Đinh Gia Khánh xứng đáng là một nhà văn hóa có nhiều đóng góp to lớn, góp phần vào việc nhận thức nền văn hóa Việt Nam và con người Việt Nam. Tên tuổi và sự nghiệp của giáo sư Đinh Gia Khánh sẽ sống mãi trong sự nghiệp khoa học, sự nghiệp giáo dục của đất nước.
(1) | Nguyễn Xuân Kính: Tạp chí Văn Hóa Dân Gian, số 1/1996, tr.93. |
(2), (3) | Đinh Gia Khánh: Từ tầm cao lịch sử nhìn lại di sản văn hóa quá khứ. Tạp chí Văn Học, số 5, 1976, tr.41. |
(4) | Đinh Gia Khánh: Văn học Việt Nam (Thế kỷ X – nửa đầu thế kỷ XVIII), NXB Giáo dục, H.1997, tr.86. |
(5) | Đinh Gia Khánh: Văn học Việt Nam (Thế kỷ X – nửa đầu thế kỷ XVIII), NXB Giáo dục, H.1997, tr.24. |
(6) | Ngô Đức Thịnh – Báo Hà Nội Mới số 12.300 ra ngày 10/5/2003. |
(7), (8), (9),(10) | Đinh Gia Khánh: Tạp chí Văn Học, số 6/1998, tr.13, 14, 16. |
(11) | Đinh Gia Khánh: Nước Việt Nam thuộc vùng văn hóa Đông Nam Á hay là thuộc vùng văn hóa Đông Á. Tham luận khoa học tại Hội thảo Quốc tế về Việt Nam – Hà Nội 1998. |
(12) | Tái bản lần thứ II vào năm 2000 với 42 tập sách. |
(13) | Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học Xã hội, H.2000, bài Tổng luận về bộ Tổng tập Văn học Việt Nam (từ tr.43-201). |
(14) | Nguyễn Hữu Sơn: Giáo sư Đinh Gia Khánh và định hướng nghiên cứu văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn Học, số 11/2002. |