Giáo sư – Nghệ sĩ nhân dân Tạ Bôn: Tôi chưa hề thấy điểm dừng

CÁT VŨ thực hiện

Tối ngày 7/5 vừa qua, tại Nhà hát lớn Hà Nội, GS – NSND Tạ Bôn đã có một chương trình hòa nhạc của riêng mình với tên gọi “Tạ Bôn – Giai điệu thời gian” nhằm kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 50 năm buổi biểu diễn độc tấu đầu tiên của ông. Tạp chí Hồn Việt đã có cuộc gặp gỡ với ông sau cuộc biểu diễn…

- PV: Vì sao chương trình hòa nhạc của ông vừa qua ở Hà Nội lại gộp chung hai kỷ niệm 55 chiến thắng Điện Biên Phủ và 50 năm buổi biểu diễn độc tấu đầu tiên? Buổi biểu diễn đầu tiên ấy diễn ra ở đâu và có gì đáng nhớ?

- GS – NSND TẠ BÔN: Đêm hòa nhạc của tôi được tổ chức đúng vào ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 55 năm trước và trong chương trình, tôi đã độc tấu bản Le concerto de l’adieu của G.Delerue từng được đưa vào phim nói về Điện Biên Phủ. Lúc nhỏ, học nhạc với cụ thân sinh, từ năm 8 đến 12 tuổi, tôi được ông cho đi biểu diễn cho bộ đội ở nhiều nơi nhưng đó là những buổi diễn nhỏ lẻ mang tính phong trào. Khi sang Trung Quốc học trung cấp âm nhạc, tôi nằm trong số ít học sinh được chọn học với chuyên gia Liên Xô. Năm 16 tuổi, lần đầu tiên trong đời, tôi được người ta tổ chức cho một buổi biểu diễn độc tấu rất hoành tráng tại đại lễ đường của Học viện. Để có thể thực hiện được chương trình này, tôi bắt buộc phải chơi được ít nhất hai tác phẩm lớn và phải đủ sức độc tấu trong suốt 80-90 phút. Điều này không phải dễ làm và tôi xem đó là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của mình. Giờ đây, đúng 50 năm sau lần “ra ràng” ấy, nhớ lại, trong tôi vẫn tràn đầy cảm xúc.

- Nhưng lại có thông tin rằng chương trình hòa nhạc của ông vừa qua là nhằm để chia tay công chúng. Lẽ nào ông lại sớm “giã từ vũ khí”?

- Tôi cũng không biết vì sao lại có thông tin như vậy! Tôi chưa hề có ý định ấy và trước mắt cũng chưa thấy có điểm dừng. Tôi vẫn đang rất sung sức, bằng chứng là vào ngày 9/6/2009 này, tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, tôi sẽ có một chương trình độc tấu cùng với pianist Lý Giai Hoa và giọng nữ cao opera người Hàn Quốc Cho Hye Ryong. Tôi nghĩ có lẽ người ta nghĩ rằng, tôi khó có dịp ra biểu diễn tại Hà Nội lần nữa chăng? Thật ra, con người ta ai cũng có giới hạn. Khi nào tôi cảm thấy không còn mang hạnh phúc, niềm vui đến cho khán giả nữa thì mới thôi.

- Qua chương trình hòa nhạc Tạ Bôn – Giai điệu thời gian, công chúng không tiếc lời ca tụng ông là “gừng càng già càng cay”, còn các nghệ sĩ violon trẻ như Bùi Công Duy, Trọng Bình,… thì ngạc nhiên khâm phục, không hiểu một “người cao tuổi” lại gầy gò như “thầy” Tạ Bôn lấy đâu ra sức để có thể chơi liền trong nửa tiếng đồng hồ tổ khúc 4 chương của C. Franck và đứng suốt trên sân khấu suốt 80 phút. Nhờ đâu ông còn giữ được phong độ như vậy?

- Thứ nhất là do lòng yêu nghề. Cho đến bây giờ, tôi vẫn duy trì đều đặn thói quen tập đàn mỗi ngày và hạnh phúc là qua mỗi lần tập thấy mình bước thêm một bước cao hơn trong bậc thang vô tận của nghệ thuật. Thứ hai, tôi may mắn có được một gia đình êm ấm “cả nhà thương nhau”, lo lắng cho nhau và mỗi người đều toàn tâm toàn ý với nghề nghiệp đã chọn. Thứ ba, tôi biết giữ gìn sức khỏe, không hút thuốc, không nhậu nhẹt và chiều nào cũng làm ít séc bóng bàn.


GS - NSND Tạ Bôn và giàn nhạc giao hưởng Việt Nam trong đêm 7/5 tại Hà Nội

- Người ta kể rằng lúc nhỏ, ông vừa kéo đàn vừa khóc vì bị bố đánh, vậy có lúc nào ông nghĩ đến một nghề nào khác?

- Ở vào cái tuổi lên năm chưa ý thức gì bị cha ấn vào tay cây đàn, tôi thường ham chơi bỏ học nên bị ăn đòn. Nhưng đến năm 12 tuổi, khi được sang học ở Trung Quốc, có lẽ phần nào do tự ái dân tộc, tôi bắt đầu thấy say mê và nhờ học tập nổi bật nên được người ta biết tiếng. Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ làm nghề nào khác ngoài chơi đàn.

- Hơn nửa thế kỷ sống với cây đàn, có lúc nào ông có chạnh lòng khi nó không đem lại sự giàu có về vật chất?

- Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn sống rất đạm bạc về vật chất nhưng tâm hồn thanh thản. Ngoài chuyên môn ra, tôi không nghĩ đến chuyện gì khác. Nghề cho cái gì, nhận cái đó, không bon chen, ngay đến chuyện dạy học, tôi cũng chỉ nhận dạy những ai có tâm có tài, không dạy tràn lan để kiếm tiền. Tôi chọn lựa học trò rất kỹ, với mục đích truyền nghề, truyền lửa, truyền tâm. Tôi và gia đình sống đơn giản, không có nhu cầu gì cao nên cố thu vén với đồng lương và mức bồi dưỡng khiêm tốn qua những lần biểu diễn.

- Ở các nhạc viện trong nước hiện nay, việc tuyển sinh môn violon đang gặp khó khăn vì có quá ít người xin học. Theo ông, vì sao có tình trạng này và phải tháo gỡ từ đâu?

- Để đạt tới đỉnh cao thì các nhạc cụ đều khó như nhau, nhưng ở giai đoạn đầu, violon rất khó, học 6 tháng có khi chưa bấm được nốt. Quá khó, quá khổ như vậy nhưng hiện nay, sự đãi ngộ của xã hội hầu như không có. Để trở thành một cử nhân âm nhạc, trước đây là 16 năm, bây giờ rút ngắn lại còn 14 năm, mà có cử nhân rồi ra làm nghề cũng chưa ăn thua gì. Ngày trước, mỗi năm, nhạc viện chỉ có 35 chỉ tiêu mà có đến trên 1.000 người nộp đơn. Thời bao cấp xưa, chế độ bồi dưỡng của một học sinh trường nhạc có thể nuôi cả gia đình. Sự đãi ngộ thời đó cũng không phải là cao nhưng vẫn là khá so với mặt bằng chung của xã hội. Còn hiện nay, cứ so với cầu thủ bóng đá hay doanh nhân thì đời sống của nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ quá tệ.

Nói gì thì nói, có thực mới vực được đạo. Không thấy có đầu ra, hẳn nhiên bế tắc đầu vào. Mặt khác, truyền thống về nhạc cổ điển ở nước mình quá yếu. Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố mỗi tháng diễn hai lần ở Nhà hát Thành phố đều đông khán giả nhưng toàn là khách Tây. Tôi mừng vì hầu hết nghệ sĩ hiện nay còn yêu nghề, họ xem đó là cái nghiệp nên dù khổ cũng không ai muốn bỏ.

Tôi biết có một trường hợp như thế này. Ở nhạc viện Thành phố có một người học violon rất giỏi nhưng sau khi tốt nghiệp, đã bỏ ra 7 năm để đi học bác sĩ và bây giờ là bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng, chỉ mấy năm đã mua được xe hơi. Nhưng vì yêu âm nhạc, khi nào rỗi, anh vẫn xin được về ngồi trong dàn nhạc. Bên cạnh những người đã thành tài bỏ ngang sang nghề khác, nhiều người giỏi khác ra nước ngoài học xong có được chỗ làm ưng ý cũng ngại trở về. Thực ra, tháo gỡ vấn đề này đâu có gì khó, chỉ cần nhìn nhận cho đúng và đãi ngộ cho xứng đáng thì mọi thứ sẽ ổn thôi.

- Con trai Tạ Tôn theo nghề violon của bố Tạ Bôn, con gái Thùy Chi theo nghiệp múa của mẹ Kim Dung, hiếm có gia đình nào “cha truyền con nối” được như vậy, có phải “phụ mẫu song thân” đã bắt con cái theo mình?

- Nguyên tắc của gia đình chúng tôi là xem các con như bạn nên để các con tự chọn nghề, bố mẹ chỉ giúp định hướng. Tôi cho Tạ Tôn học đàn từ lúc 5 tuổi. Cháu rất ngoan nên bố bảo học thì học, không ham chơi như tôi ngày xưa. Tám tuổi cháu vào nhạc viện, rồi sang Úc học đại học. Hiện nay, Tạ Tôn đã tốt nghiệp hai bằng thạc sĩ ở Mỹ: thạc sĩ biểu diễn nghệ thuật tại Nhạc viện San Francisco và thạc sĩ sư phạm âm nhạc tại Đại học tổng hợp Houston. Còn Thùy Chi, tuy chúng tôi không muốn cho con theo nghề múa vì vất vả nhưng cháu lại chọn vì yêu thích. Sau 6 năm theo học Trường trung cấp múa Quảng Đông, 3 năm làm việc ở Đoàn nghệ thuật Trung Hoa Cẩm Tú tại Thâm Quyến, và hai năm về nước làm giáo viên Trường Múa Thành phố Hồ Chí Minh, cháu vừa thi đậu và tháng 9/2009 này sẽ vào học ngành biên đạo múa Trường Đại học Nghệ thuật ở Bắc Kinh. Tuy không bắt ép nhưng sự chọn nghề của các con lại vô tình đặt các thành viên trong gia đình tôi như đang trong một cuộc chạy tiếp sức với đích đến là cái đẹp của nghệ thuật. Mỗi người chúng tôi đều hết lòng với nghề nghiệp của mình. Tôi xem đây chính là món quà của cuộc sống. Không bon chen danh lợi, không tham vọng về sự giàu có vật chất, chúng tôi hạnh phúc vì biết hài lòng với những gì đang có.


GS - NSND Tạ Bôn

- Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện này…

GS – NSND Tạ Bôn học vĩ cầm từ năm lên năm tuổi và người thầy đầu tiên là cha ông, nhạc sĩ Tạ Phước, nhà sư phạm âm nhạc, hiệu trưởng đầu tiên của Trường Âm nhạc, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà Nội. Năm 1954, lúc 12 tuổi, Tạ Bôn được cử đi học trung cấp âm nhạc tại Trung Quốc. Năm 1958, ông là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên dự thi âm nhạc quốc tế tại cuộc thi Enescu lần thứ 1 tại Rumani và được tặng bằng khen danh dự. Sau đó, ông tốt nghiệp đại học và lấy bằng tiến sĩ Nghệ thuật học tại Nhạc viện Tchaikovsky (Nga). Trong cuộc thi Violon Quốc tế năm 1962 tại Liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ 8 tại Helsinkin (Phần Lan), ông đã đoạt huy chương bạc. Ông đã biểu diễn ở nhiều nước thuộc châu Á, châu Âu, Châu Mỹ La-tinh, …

Trong 40 năm giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội và Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, ông đã đào tạo được nhiều thế hệ nghệ sĩ violon tài năng cho đất nước và từng giữ chức Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội (từ 1979 đến 1988). Ông đã được mời làm giám khảo các cuộc thi Quốc tế mang tên Tchaikovsky (Liên Xô) các năm 1978, 1982, 1986; J.S. Bach (Đức) các năm 1980, 1984 và Sarasate (Tây Ban Nha) năm 2007. Ông là trưởng đoàn giao hưởng, chỉ đạo âm nhạc cho Dàn nhạc giao hưởng Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1994 đến 2007. Hiện nay, ông là cố vấn âm nhạc cho Dàn nhạc giao hưởng Thành phố Hồ Chí Minh.