Giáo sư Phan Ngọc và Đỗ Phủ

Giáo sư Phan Ngọc là con của Phó bảng Phan Vũ, một nhà Hán học nổi tiếng đất Nghệ An. Cụ từng dịch nhiều tác phẩm chữ Hán của văn học Việt Nam. Lên 8 tuổi, ông học chữ Hán ở cụ thân sinh. Và ông còn thông thạo nhiều ngôn ngữ khác: Pháp, Anh, Nga, Đức…

Với một vốn văn hóa rộng như vậy, GS Phan đi vào ngữ học. Nhưng ông có đóng góp nhiều trên lĩnh vực văn học, văn hóa học… Phải nhận rằng, tác phẩm nào, bài báo nào của ông cũng có những đóng góp mới, những gợi mở mới, và cũng có thể gợi ra những tranh luận, những tìm tòi thú vị trong khoa học xã hội – nhân văn. Đó là những tác phẩm ông viết về Nguyễn Du (Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều), về văn hóa Việt, nhất là tác phẩm về Đỗ Phủ. Ông nói ông đã bỏ ra 20 năm để nghiên cứu và viết tác phẩm này. Đúng như thế. Tên tác phẩm của Đỗ Phủ không dễ đọc. Những nhà chú thích Đỗ như Cừu Triệu Ngao đời Thanh chú thích rất dài dòng (để dâng sách lên vua Thanh); các nhà khác cũng thế, một phần vì thơ Đỗ, một người có học vấn cao nhất thời Đường, “sách đọc vỡ muôn quyển”, nhiều bài không dễ hiểu, nếu không nắm lai lịch, điển tích. Nhưng cái khó là để tường minh những bài thơ ấy, phải biết hoàn cảnh ra đời của nó, phải biết cuộc sống và tâm trạng của Đỗ Phủ, cách hiểu của những người đương thời. Benjin (Nga) đã làm việc này trong một cuốn truyện ký có tên là Đỗ Phủ, nhưng chỉ khoảng 200 trang. Phan Ngọc viết hơn 1.000 trang, trong đó dịch hơn 1.000 bài thơ Đỗ ra tiếng Việt, một việc chưa ai từng làm. Chúng tôi, mấy người, dịch nghĩa thơ Đỗ mà cũng mất cả hàng chục năm chưa xong. Còn việc dịch thơ là phải có hồn thơ, có sự đồng cảm, thấu hiểu, rồi còn nghệ thuật dịch. Các bài thơ dịch của GS Phan nhiều bài còn “nôm na” (ông nói với Đỗ: “con đâu phải nhà phiên dịch lớn” mặc dù ông đã dịch không ít tác gia vĩ đại, như Tư Mã Thiên). Nhưng nó cho ta một cách tiếp cận Đỗ Phủ.

Đặc sắc hơn cả là sự đánh giá toàn diện Đỗ Phủ, đánh giá từng bài thơ. Ở đây thấy rõ không những tài năng và tâm huyết của Phan Ngọc. Ông nhìn thấy ở Đỗ Phủ một ngọn cờ tư tưởng vì nhân dân, một kỷ nguyên thơ chưa từng có trong lịch sử văn học Trung Quốc và nó kéo dài ảnh hưởng đến đời sau. Cách đánh giá của Phan Ngọc là chưa từng có ở đâu, kể cả ở Trung Quốc, Nga… Nhưng ông không muốn viết một cuốn sách khảo cứu có tính chất trường ốc, hàn lâm (để tính thành tích, để trở thành “khoa bảng”). Mà ông noi gương bậc thầy Đỗ Phủ, tất cả tâm huyết, kiến thức đều đem hiến cho người đọc bình thường. Đọc sách ông, ai cũng hiểu được thơ Đỗ, hiểu nhân cách, con người Đỗ Phủ và rút ra được một điều gì đáng giá. Qua đó, thấy được cách làm, tấm lòng, suy nghĩ cao thượng của một nhà trí thức thời ta.

Tôi nghĩ rằng, với những cống hiến trong việc nghiên cứu văn học, ngôn ngữ, văn hóa như vậy… GS Phan Ngọc đáng được tôn vinh nhiều hơn nữa. Những giải thưởng như Giải thưởng Hồ Chí Minh đáng trao cho ông, cho học giả Cao Xuân Hạo – người mà một nhà ngôn ngữ học Pháp đã gọi là một Copernique trong ngữ học, cho GS Trần Thanh Đạm (vừa mới đây đã in Tuyển tập các bài viết về giáo dục – văn học 1.500 trang)… Có lẽ những người này và nhiều người khác rất ngại sự dự giải, đi thi, xét hỏi, bình luận (chắc gì đã chính xác). Nhưng các cơ quan làm giải nên có sự xem xét, giới thiệu… để cho các giải ấy ngay ngắn hơn.

Hồn Việt