Chuyện xưa, chuyện nay…
 |
Cảnh phim Nhà có 5 nàng tiên |
Từ những năm 90 của thế kỷ XX, bên cạnh những bộ phim tình cảm sướt mướt mang âm hưởng Quỳnh Dao, phim hài đã bắt đầu được chú ý khai thác, nhất là khi lần đầu tiên bộ phim hài chiếu tết Tám Tàng về làng doanh thu lên đến tiền tỉ. Đó là một quả bom làm choáng váng các nhà sản xuất phim thời bấy giờ, vì đó chỉ là một bộ phim hài nhảm nhí từng bị báo chí phê phán. Nhưng cũng bắt đầu từ đây, tâm lý làm phim chiếu Tết của các nhà sản xuất tư nhân đã chuyển hướng hẳn: Tết không ai muốn nhìn thấy nước mắt, càng không được đánh nhau, chết chóc, bi thương, đó là chuyện cấm kỵ. Khán giả xem phim tết là chỉ để cười vui vẻ, dù cười cù lét, nhảm nhí cũng được. Cứ cười cho thỏa thích, khi đứng dậy rời khỏi rạp chẳng cần đọng lại cái gì cho bận lòng… Tâm lý dễ dãi ấy đã trải dài suốt mấy chục năm nay, dường như không thay đổi…
Nhưng nếu như ngày xưa phim hài xuất hiện vào dịp Tết vẫn xen lẫn với phim tình cảm, phim võ thuật thì hiện nay phim hài chiếm lĩnh màn ảnh cuối năm ngay từ tháng 11 và con số doanh thu ngày càng cao ngất ngưởng. Từ 2008 khi Nụ hôn Thần chết của đạo diễn Quang Dũng đạt doanh thu cao nhất là 16 tỉ đồng thì đến năm 2013-Tết Quý Tỵ, Nhà có 5 nàng tiên với sự góp mặt của cây hài Hoài Linh đã cán mức 60 tỉ. Đó là con số mà chính những phim bom tấn của Mỹ cũng chào thua. Năm 2009, Avatar - bộ phim 3D thế hệ mới đầu tiên, trở thành một hiện tượng điện ảnh của năm, chiếu ở Việt Nam suốt trong 8 tuần, thu về 39 tỉ, riêng bộ phim bom tấn nổi tiếng thế giới như: Kungfu Panda (2011) cũng chỉ ở mức 56 tỉ. Đó là lý do mùa Tết năm Giáp Ngọ phim hài đổ bộ rầm rộ trên mạng lưới rạp chiếu đến nhức mắt như thế. Các nhà sản xuất phim tư nhân đã có một sự khẳng định rõ ràng. Bởi rất khó có sự lặp lại kỳ tích như Nụ hôn Thần chết, vừa làm mưa làm gió trên các rạp chiếu, vừa nhận Giải Bông sen bạc ở Liên hoan phim Việt Nam.
Sự khắc nghiệt ở phòng vé…
Mấy năm qua, một số nhà sản xuất phim tư nhân từng muốn khẳng định đẳng cấp của mình bằng những bộ phim nghệ thuật dù chấp nhận thua lỗ. Những bộ phim từng đoạt giải Cánh diều vàng hay Bông sen vàng từ tiền túi của tư nhân như Mùa len trâu, Áo lụa Hà Đông, Huyền thoại bất tử, Giọt mưa rơi bao lâu đều thất bại về doanh thu dù rất được mạng lưới truyền thông hết lời ca ngợi. Đó là chưa kể những thử nghiệm để tạo thêm nhiều hương vị mới cho điện ảnh Việt Nam như Lửa Phật, Đường đua, Lấy chồng người ta… cũng đều không thu hồi được vốn. Ngay cả bộ phim võ thuật Thiên mệnh anh hùng của đạo diễn Việt kiều Victor Vũ từng đoạt Bông sen bạc Liên hoan phim 18 và 5 giải Cánh diều vàng 2012 cũng chỉ đứng lại ở con số 16 tỉ trong mùa Tết 2012, chào thua bộ phim hài cực nhảm Hello cô Ba chiếm dẫn đầu với 20 tỉ. Thiên mệnh anh hùng do nhiều đơn vị sản xuất đầu tư với con số lên đến 25 tỉ, như vậy muốn lấy được vốn phim phải cán mức 50 tỉ vì tỷ lệ phân chia giữa rạp và nhà sản xuất là 50/50…
Sự khắc nghiệt ở phòng vé đã khiến các nhà sản xuất phim tư nhân cuối cùng phải chùn bước. Đúng, họ có thể làm được phim nghệ thuật bằng tâm huyết, bằng cái máu nghề và khát vọng khẳng định chỗ đứng của mình trong làng điện ảnh, nhưng phòng vé là nơi định đoạt số phận từng bộ phim, và cũng là nới bóp chết hầu hết những phim nghệ thuật được đầu tư lớn. Chính vì vậy, hầu hết các phim tư nhân được sản xuất trong thời gian qua đa số là phim hài và được xếp vào hàng “thảm họa” như Hello cô Ba, Nàng men chàng bóng, Công chúa teen và ngũ hổ tướng, Gia sư nữ quái, Biết chết liền, Yêu anh, em dám không, Ranh giới trắng đen, Đại náo học đường. Có thể nói năm 2013 là năm các phim hài “đại náo” phòng vé. Không đợi đến Tết, các phim hài Việt đã chen chân cùng phim nước ngoài trên mạng lưới rạp chiếu. Từ tháng 10 đã xuất hiện Tiền chùa, Âm mưu giày gót nhọn; tháng 11 có Tía ơi, Đại náo học đường và trong tháng 12 đã ra mắt Tèo em với cây hài đang được giới trẻ mến mộ là Thái Hòa. Đạo diễn Việt kiều Charlie Nguyễn là người chịu ảnh hưởng doanh thu phòng vé rõ nhất, ngay từ khi mới về nước, Dòng máu anh hùng là bộ phim đầy tâm huyết và ấn tượng với một câu chuyện về lòng yêu nước lồng trong những pha võ thuật đầy ấn tượng với những pha hành động, thể hiện đẳng cấp thế giới đã mang về ngay cho anh Giải Bông sen bạc Liên hoan phim 15 và Giải thưởng lớn của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Los Angeles châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng doanh thu phòng vé của Dòng máu anh hùng đã làm cho Hãng phim Chánh Phương rơi vào cảnh nợ nần do con số đầu tư quá lớn (1,5 triệu USD). Từ đó, Charlie Nguyễn đã hoàn toàn chuyển hướng, những bộ phim tiếp theo của anh hầu hết là phim hài và đoạt doanh thu ngất ngưởng ở phòng vé. Từ Để Mai tính, Long ruồi đến Cưới ngay kẻo lỡ đều tận dụng chất hài của Thái Hòa với những pha giả gái, đồng tính và ngày càng đi vào những kiểu hài khá thô tục. Charlie cũng đã tự mình muốn thoát ra chiều hướng đơn điệu này bằng Bụi đời Chợ Lớn với những cảnh quay khá công phu và kỹ xảo, nhưng tiếc thay kỹ thuật của tay nghề đạo diễn lại đi cùng một nội dung tẻ nhạt và đầy bạo lực, nên phim đã bị cấm chiếu. Năm nay, Charlie lại tiếp tục ra mắt bộ phim hài Tèo em vào tháng 12 cận Tết và cũng tiếp tục với con bài chủ Thái Hòa với hy vọng sẽ lập lại ngôi vị ở phòng vé. Và có lẽ đó chính là con đường bắt buộc phải đi của Charlie Nguyễn, có lẽ đó cũng là bi kịch chung của một số đạo diễn có tâm huyết với nền điện ảnh nước nhà. Với Victor Vũ, một đạo diễn đang đứng hàng sao của phim Việt, cả hai phim Thiên mệnh anh hùng và Bí mật thảm đỏ đều nhận được cơn mưa giải thưởng ở các Liên hoan phim và Cánh diều vàng, nhưng con số doanh thu chỉ dừng lại ở chỗ hòa vốn hay lỗ nặng. Chỉ riêng bộ phim hài Cô dâu đại náo của anh mới chiếm giữ được phòng vé với con số 34 tỉ ở Tết 2011, và bây giờ anh tiếp tục với Cô dâu đại chiến 2 kéo theo một dàn “chân dài” với hy vọng sẽ cạnh tranh được với Hoài Linh của Trần Minh Ngọc, kẻ đã cán mức kỷ lục doanh thu 60 tỉ của Tết Quý Tỵ qua...
“Là một nhà sản xuất, khi biết số tiền đầu tư cho phim Những người viết huyền thoại, tôi thật sự khâm phục những người làm phim và đạo diễn. Là một người xem, tôi thật sự xúc động khi phim làm tôi nhớ lại cả một thời tuổi thơ bom đạn, nhớ lại hình ảnh những người lính thật đẹp và kiên cường trong chiến tranh như những người bạn của ba tôi. Là một nhà phát hành, tôi nghĩ nếu cố gắng và được sự giúp đỡ của báo chí, của các cụm rạp chiếu, cùng những chiến dịch phát hành với giá cả hợp lý, nhiều người sẽ có cơ hội đến rạp xem một bộ phim cảm động về chiến tranh. Tôi nghĩ khán giả có nhu cầu, vấn đề là chúng ta hãy tạo điều kiện để nhiều người có cơ hội đến rạp và để nhiều người biết đến bộ phim đáng được xem này”.
NGÔ THỊ BÍCH HIỀN
Giám đốc Công ty BHD tại TP.Hồ Chí Minh
(Trích báo Tuổi Trẻ ngày 9-12-2013)
Điện ảnh Việt Nam đi về đâu?
Liên hoan phim Việt Nam 18 vừa qua, có đến 23 phim tranh giải, nhưng chỉ 1/5 trong số đó là phim nhà nước. Đây là những phim được sản xuất và duyệt trong thời gian 2 năm, kể từ sau Liên hoan phim Việt Nam 17 (12-2011) đến tháng 9-2013. Đây cũng chính là khoảng thời gian ngành điện ảnh gần như không có tiền làm phim đặt hàng, tài trợ bởi sau vụ thất thoát 44 tỉ ở Cục Điện ảnh năm 2011. Điều này cũng lý giải lý do vì sao suốt 3 năm qua, điện ảnh Việt Nam thiếu vắng những bộ phim tử tế. Hai phim đặt hàng có quy mô gần đây về đề tài chiến tranh là Mùi cỏ cháy và Những người viết huyền thoại được sản xuất năm 2011 và 2012. Hai phim làm từ kinh phí nhà nước là Đam mê (Hãng phim truyện I) và Cát nóng (Hãng phim Giải Phóng) thì đều có chất lượng kém, không trụ được vài tuần ngoài rạp.
Trong khi các hãng phim nhà nước ngoắc ngoải vì không có tiền thì điện ảnh tư nhân ngày càng phình to với vô số phim hài xếp hàng chờ ra rạp. Dù chưa đến Tết, phim Đại náo học đường phát hành vào tháng 11 là tháng cuối học kỳ 1 ở các trường phổ thông và đã dẫn đầu phòng vé, đánh bạt các phim nước ngoài một cách ngoạn mục. Đó là tín hiệu vui hay buồn?

|  |
Cảnh phim Mùi cỏ cháy | Cảnh phim Những người viết huyền thoại |
Hai phim chiến tranh như Mùi cỏ cháy (đạo diễn Nguyễn Hữu Mùi) và Những người viết huyền thoại (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) là hai phim được đầu tư lớn và có chất lượng cao vừa đoạt giải Bông sen vàng, Bông sen bạc thì dường như chỉ được báo chí nhắc đến trong các Liên hoan phim. Mùi cỏ cháy đã ra rạp nhân lễ kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2012 với doanh thu vài triệu đồng và chỉ được chiếu ở một rạp duy nhất của nhà nước ở quận 5, chìm lặng giữa các phim bom tấn của nước ngoài. Riêng phim Những người viết huyền thoại vừa đoạt giải Bông sen vàng ở Liên hoan phim 18 được sự ca ngợi hết lời của giới truyền thông thì vẫn chưa dám ra rạp vào tháng 12-2013. Nên ngày lễ Quân đội nhân dân Việt Nam đành phải chiếu lại các phim cũ là Năm ngày của một vị tướng và Vũ điệu đam mê!! Có thể nói Những người viết huyền thoại của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng là bộ phim chiến tranh bom tấn của Việt Nam hiện nay, một bộ phim xứng đáng nhất trong các Giải vàng Liên hoan phim 18 vừa qua nhưng khâu phát hành cực kỳ khó khăn. May mắn là hãng tư nhân BHD đã nhận phát hành và được ra mắt ở tất cả các cụm rạp hiện đại của BHD, Megastar, Galaxy. Với kinh phí 10 tỉ đồng đầu tư sản xuất, nhưng chỉ có 10 triệu đầu tư cho phát hành, mạng lưới phim quốc doanh hiện nay vẫn cứ tiếp tục mang hình đầu voi đuôi chuột như thế không biết đến bao giờ. Và chắc chắn nếu không có bàn tay của tư nhân nhúng vào thì Những người viết huyền thoại sẽ chịu chung số phận như Mùi cỏ cháy…
Chiến lược phát triển điện ảnh 2015 - tầm nhìn 2030
Đó là tên của một hội nghị trực tuyến góp ý Dự thảo “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được tổ chức ngày 28-11-2013, tại hai điểm cầu Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Trong nội dung “Phê duyệt chiến lược phát triển điện ảnh 2015 - tầm nhìn 2030” thì dự kiến năm 2015 Việt Nam sẽ sản xuất 25-30 phim truyện/năm (trong đó có 30% phim đặt hàng từ ngân sách nhà nước) và tới 2020 sẽ sản xuất 40-45 phim truyện/năm (25% là phim Nhà nước đặt hàng). Và một tầm nhìn cao hơn nữa là Điện ảnh Việt Nam sẽ tiến lên dẫn đầu khu vực…
Bây giờ đã sang năm 2014, với tình hình nhiễu loạn trong sản xuất phim hiện tại, mục tiêu này phải chăng chỉ là một giấc mơ hoa?! Một nền điện ảnh mà ở hệ thống rạp chiếu, phim nước ngoài chiếm 90%, phim trong nước lên rạp hầu hết từ túi tiền tư nhân với đủ loại phim hài cơ học lấy nhanh đồng vốn. Các hãng phim nhà nước đang sống hấp hối với 50% lương cho các cán bộ - công nhân viên suốt 10 năm nay. Đạo diễn hầu hết đi làm thuê cho các hãng phim truyền hình. Hệ thống phát hành xuất nhập khẩu phim đều nằm trong tay tư nhân, nếu không muốn nói phần lớn do nước ngoài khuynh đảo. Hãng phim nhà nước muốn định hướng để nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của công chúng thì định hướng bằng cách nào khi không tự nuôi sống nổi mình? Và hệ thống chiếu bóng của Nhà nước từ lâu đã ngưng trệ do rạp chiếu cũ kỹ xuống cấp trầm trọng.
Giấc mơ hoa này thực ra có thể thực hiện nếu có sự quyết tâm chấn chỉnh của Nhà nước. Sự chấn chỉnh này phải là một cuộc đại cách mạng thực sự, chứ không phải kiểu “Chấn hưng nền điện ảnh” của thập niên 90, bỏ vài trăm tỉ đồng mua một đống máy móc rồi cho trùm mền. Điện ảnh Việt Nam muốn lớn mạnh thật sự thì phải bắt đầu từ gốc. Và yếu tố gốc rễ ấy là con người. Hãy đào tạo người tài như Hàn Quốc đã đào tạo. Và hãy mạnh dạn bỏ tiền đầu tư cho những đạo diễn thực sự tài năng mà không phân biệt tư nhân hay nhà nước. Chúng ta đã có sẵn những đạo diễn học hành bài bản từ Mỹ trở về, hãy biết tận dụng họ, đừng để vì sự khắc nghiệt của đồng doanh thu mà biến họ thành những cỗ máy kiếm tiền với những bộ phim hài nhảm đang làm mưa làm gió trên thị trường phim ảnh hiện nay…