Gặp gỡ Orhan Pamuk, nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ đoạt giải Nobel 2006

Orhan Pamuk sinh ngày 7-6-1952 tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Năm 1982, sau khi rời ngành hội họa, ông cho xuất bản tiểu thuyết đầu tay Cevdet Bey và các con trai. Năm 1983 ông viết Ngôi nhà lặng lẽ; năm 1985, Lâu đài trắng; từ 1985 đến1988 ông được trường đại học Columbia ở New York mời sang Mỹ giảng dạy môn văn; năm 1990 ông viết Quyển sách đen (1995); năm 1994, Cuộc đời mới; năm 1995 nước Pháp tặng ông Giải thưởng France Culture; năm 1998 ông viết Tên tôi là Đỏ (2001); năm 2000, Istanbul, kỷ niệm của một thành phố; năm 2002, Tuyết; năm 2004 báo New York Times tặng ông giải thưởng quyển sách nước ngoài hay nhất; năm 2005 ông công khai nhìn nhận trên một tờ báo Thụy Sĩ rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã gây ra vụ tàn sát người Kurdes và người Arménie trong vùng Anatolie; tháng 10-2005, ông bị điều tra về tội thóa mạ và vu khống dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ; tháng 11-2005 nhờ cộng đồng quốc tế can thiệp nên những cáo buộc nói trên đối với ông được dỡ bỏ; năm 2006 ông được giải Nobel Văn học.

Phóng viên Allan Kaval của tạp chí Văn Học (Pháp) đã gặp nhà văn Orhan Pamuk ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và đã có cuộc trao đổi sau:

* PV Allan Kaval: Mới đây các hiệu sách ở Paris đã bày bán quyển Cevdet Bey và các con trai, tác phẩm đầu tay ông viết năm 1982 mà mãi đến bây giờ khi ông nổi tiếng rồi mới được nhà xuất bản Gallimard cho dịch sang tiếng Pháp. Trong quyển truyện 768 trang này, người đọc gặp lại một số những đề tài mà họ đã gặp trong những quyển ông viết vào khoảng thời gian sau 1982 như Tuyết, Tên tôi là Đỏ, Quyển sách đen, Ngôi nhà lặng lẽ. Tuy nhiên về cách dựng truyện và về lời văn thì lại khác rất nhiều so với bốn tác phẩm tôi vừa kể. Ông có nghĩ là điều này có thể gây bất ngờ cho những độc giả từ trước đến nay vẫn quen đọc ông không?

- Nhà văn Orhan Pamuk: Thật ra rất có thể là họ sẽ bị bất ngờ vì những tác phẩm xuất bản sau 1982 của tôi mà ông vừa kể, nhất là Quyển sách đen đã cho họ cái cảm tưởng tôi là một tác giả rất mới, rất táo bạo. Với Cevdet Bey và các con trai thì lại khác, có lối viết và phong cách cổ điển, kể một câu chuyện thẳng tuột một mạch, không ngoắt ngoéo quanh co về một gia đình thị dân ở thành phố Istanbul trong khoảng từ những thập niên cuối cùng của đế chế Ottoman đến những năm 1970. Khi đọc nó, mọi người sẽ nhận ra rằng trước khi chuyển sang lối viết mới (lối viết những quyển Ngôi nhà lặng lẽ, Quyển sách đen, Tên tôi là Đỏ v.v…), khiến giới phê bình xếp tôi vào hạng những cây bút hậu hiện đại thì tôi đã bắt đầu nghề văn bằng cách đi theo dấu chân của những Balzac, những Dickens, những Thomas Mann đúng theo truyền thống hiện thực của nghệ thuật tiểu thuyết. Trường hợp đó ngược lại những nhà văn trẻ bây giờ. Hiện nay, khi bước vào nghề văn, người ta thường bắt đầu bằng những toan tính khai phá chứ không khép mình đi theo những mô hình có sẵn. Và sau đó, khi đã có tuổi, có kinh nghiệm hơn một tí thì người ta mới vỡ lẽ ra, biết là không đúng đường, và quay trở lại với những gì mà người ta xem thường và chối bỏ trước kia. Con đường đi của tôi khác với những nhà văn trẻ đồng thời. Lúc ở độ tuổi thanh niên tôi không hề giao tiếp với các tạp chí chuyên về văn học, không hề sôi nổi “dấn thân” hoặc cuồng nhiệt tham gia một phong trào, một trường phái nào cả. Ngay từ năm lên bảy, tôi đã có ý định trở thành họa sĩ, nhưng đùng một cái, lúc 23 tuổi, sau khi trải qua một thời kỳ gặp bất cứ quyển sách nào cũng vồ luôn lấy và đọc ngấu đọc nghiến, tôi quyết định chọn nghề văn, ngồi luôn vào bàn và viết Cevdet Bey và các con trai, ì ạch viết như một người thợ đang làm công việc thủ công. Theo một hướng nào đấy, nếu bây giờ những độc giả quen thuộc của tôi mà có dịp đọc một tác phẩm mà tôi đã viết từ hơn 30 năm trước thì có lẽ họ sẽ hiểu rõ về tôi, về công việc viết của tôi hơn. Riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ thì có rất nhiều độc giả cho biết là họ thích quyển Cevdet Bey hơn tất cả những quyển khác mà tôi đã viết sau năm 1982 và có người còn trách tôi không viết những quyển đúng đắn như Cevdet Bey mà lại đi phung phí thời gian thử nghiệm những xu hướng nghệ thuật mà họ cho là tối tăm, khó hiểu.

* A.K: Tuy nhiên, giống như nhiều tác phẩm khác của ông, Cevdet Bey có những sự việc và những chi tiết có tính cách tự truyện.

- O.P: Đúng thế. Khi bắt đầu viết Cevdet Bey tôi đã cố hình dung lại cái thế giới riêng tư của chính tôi, của chính gia đình tôi, cái thế giới tiêu biểu của giới trí thức Thổ Nhĩ Kỳ với lối sống bắt chước, đôi khi một cách vụng về, lối sống của giới tư sản Âu châu, với những giấc mơ tiến bộ, với những vận rủi xảy đến bất thình lình. Khi kể lại cái thế giới mà tôi đã lớn lên, khi truy lại nguồn gốc và lịch sử của nó, tôi nhận thấy là tôi đã đề cập đến những vấn đề rộng lớn hơn nhiều. Tất cả những gì mà tôi quan tâm đến trong cuộc đời cầm bút của tôi đều đã hiện diện sẵn trong đó, ngay từ giờ phút tôi mở mắt chào đời. Đó là cả một khối lượng chất liệu phong phú để tôi đem dùng vào công việc viết văn. Câu chuyện về cuộc đời của ông tôi chẳng hạn. Ông đã trở nên giàu có khi trúng thầu xây dựng đoạn đường xe hỏa chạy qua miền Anatolie. Đó cũng là câu chuyện kể về sự canh tân của một quốc gia non trẻ, về ý chí tạo lập một đất nước vững bền và khôi phục lại uy quyền của một chính thể bị suy yếu về mặt tinh thần kể từ sau sự sụp đổ của đế chế Ottoman trong thế chiến thứ nhất. Ngay trong đầu óc nhân vật chính của Cevdet Bey đã có sẵn một sự mơ mộng hoang tưởng muốn thay đổi cái thực tại đôi khi khó kiểm soát của một xã hội bị trói buộc bởi nhiều truyền thống bằng cách dùng sức mạnh áp đặt một sự tiến bộ theo tiêu chuẩn Âu châu mà chính người áp đặt cũng biết là bấp bênh và tạm bợ. Giữa cái chúng ta muốn là và cái chúng ta đang là lúc nào cũng có một khoảng cách khó có thể rút ngắn. Tôi là sản phẩm của một giai tầng xã hội đã được hình thành từ những lý tưởng và những ảo tưởng ấy. Những gì tôi đã viết, trong một mức độ nào đấy, là phản ánh cái nhìn phê phán của tôi đối với giai tầng xã hội đó. Công việc phê phán ấy đã bắt đầu với quyển Cevdet Bey và sau này vẫn được tôi tiếp tục trong những quyển khác.

* A.K: Đối tượng của cái nhìn phê phán của ông là những sự việc, những đồ vật mà ông thường trưng bày theo cách trưng bày của một người buôn đồ cổ, sưu tập đồ cổ. Điều này nhắc tôi nhớ đến sở thích của ông đối với tính cách thẩm mỹ của những viện bảo tàng, phòng triển lãm những món đồ lạ mắt. Riêng ông cũng đã mở một viện bảo tàng với bảng hiệu “Musée de l’ Innocence” ở Istanbul hồi 2012. Ông giải thích thế nào về việc ông muốn chính các đồ vật vô tri phải nói lên một điều nào đấy?

- O.P: Việc tôi muốn các đồ vật phải nói lên một điều gì là một chuyện không thể tách rời với cái không gian của tôi khi tôi bắt đầu bước vào nghề viết, cái không gian đã được tôi mô tả trong một vài quyển truyện trước đây. Đó là không gian của những khung cảnh đời thường của giai tầng tư sản ở thành phố Istanbul, những nơi mà sự tân tiến hiện đại được phô bày qua cách bài trí mà tự chúng chúng nói lên một cái gì chỉ có trong tưởng tượng. Chúng nói lên một thái độ, một lối sống giả tạo, vụng về, cho thấy những dục tưởng (tạm dịch chữ fantasme) ngây ngô của một lớp người thượng lưu hay bắt chước một cách không chọn lựa, không phân biệt một cái mới và lạ mà họ thấy có trong xã hội phương Tây. Tôi bắt đầu từ những khung cảnh đời thường như thế, khung cảnh mà trong đó tôi đã trưởng thành và cũng từ trong đó tôi đã nhìn ra, quan sát những sự việc chung quanh và gác mọi lý thuyết sang một bên để bắt đầu đề cập đến những vấn đề rộng lớn. Mô tả một lễ hội Hồi giáo với những thực khách khề khà nhắp từng ngụm rượu ngoại hoặc xúm xít quanh những cái bàn chạm trổ theo kiểu Ottoman cổ để ăn những món “buffet” kiểu Pháp là muốn cho người đọc nhận thấy một cách sâu sắc và trực tiếp cái tương phản giữa những cái hiện đại và những truyền thống cũ. Mô tả như thế có thể hiệu quả hơn những đoạn văn bàn luận trừu tượng, dông dài. Những hình ảnh, những đồ vật ấy sẽ có tác dụng như một lăng kính, chiếu ra cho chúng ta thấy một tình hình toàn diện (une situation globale) vượt qua cả sự có mặt bình thường của chúng. Tất cả những chi tiết ấy đều có tính cách tiết lộ một cái gì. Chúng ta phải kinh qua những cái nhỏ nhặt nhất để có thể nhận ra toàn cảnh của sự việc. Chính vì lẽ ấy mà tôi hay đọc những nhật báo cũ để tìm đề tài cho việc sáng tác. Tôi thường ngồi suốt ngày trong các thư viện, nhặt nhạnh trong các chồng báo cũ những mẩu tin về tai nạn giao thông, về lịch chiếu phim của các rạp xi nê, về những tin tức đó đây vụn vặt. Tất cả những cái này là kết tinh của linh hồn một thời đại.

* A.K: Những nhà văn thuộc thế hệ ông thường bị áp lực mời gọi của những xu hướng chính trị cấp tiến. Ông đã làm thế nào để thoát khỏi sự mời gọi ấy và việc này đã ảnh hưởng ra sao đến vai trò nhà văn của ông?

- O.P: Trong bầu không khí của một nước Thổ Nhĩ Kỳ những năm 1970, thời kỳ tôi viết quyển Cevdet Bey, có một ý kiến, một quyết định rõ ràng là một chuyện không dễ. Lúc bấy giờ Thổ Nhĩ Kỳ đang mấp mé trên bờ vực nội chiến. Với tư cách một nhà trí thức, anh phải chọn đứng về một phe nào đó, hoặc cực tả hoặc cực hữu và sẵn sàng hy sinh tính mạng trong những vụ xô xát ngoài đường phố để bảo vệ lý tưởng của anh. Những người thân quen của tôi đều chọn phe mácxít, còn tôi thì không tham gia bất cứ một đảng phái chính trị nào và thường bị phê phán gay gắt về tội đã viết những tiểu thuyết nói về thế giới sâu kín bên trong mỗi gia đình. Riêng những ông đại tư sản thì trách cứ tôi, bảo tôi tại sao không có những tác phẩm bàn về những vấn đề xã hội chung chung theo lối viết của nhà văn Yashar Kemal mô tả đời sống thường nhật của dân chúng, của làng quê, của những nông dân nghèo khổ. Thế hệ tôi là một thế hệ bị ru ngủ bởi những lý tưởng vị tha nên phải đối đầu với chính những mâu thuẫn của mình. Một thế hệ khao khát tiến bộ nhưng lại đối nghịch với chủ trương chuyên chế mà sự hiện đại hóa xứ sở là một hệ quả cần thiết và rõ rệt.

Về phần mình, tôi không bao giờ dám nghĩ rằng, vai trò của nhà văn là phải tham gia vào việc xây dựng đất nước. Cuộc đời viết văn của tôi bắt đầu từ việc tôi không bao giờ tìm cách đưa ra giải pháp để xử lý các vấn đề. Trái lại, tôi chỉ mô tả những gì tôi đã thấy. Tôi không phải là một nhà không tưởng, cũng không phải là một nhà hoạt động đấu tranh. Tôi chỉ là một người cầm bút có chút ít tinh thần hài hước và châm biếm. Tôi biết rất rõ những cái bất lực của văn chương nhưng cũng thấy được những gì mà nó có thể làm và những điểm khác biệt giữa một bài văn có tính cách văn chương thuần túy, với một bài văn có tính cách chính trị. Tôi chỉ vạch ra cho người đọc thấy rõ những gì vượt ra ngoài giới hạn thông thường. Tôi không áp đặt cho người đọc một lối đọc nào, mà chỉ muốn khi đọc tôi, người đọc có dịp suy nghĩ về những cái gì cần được suy nghĩ lại. Qua những sự việc tầm thường xảy ra trong tác phẩm, tôi mong người đọc nhận thức được những xáo trộn lớn lao xảy ra trong xã hội.

MINH MINH dịch Theo tạp chí Văn Học - Pháp)