Trong dòng đề tựa tiểu thuyết Ván bài lật ngửa (tên bản thảo Giữa biển giáo rừng gươm), nhà văn Trần Bạch Đằng, nguyên Bí thư Thành ủy, Phó ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam, đã trân trọng viết: “Tưởng nhớ anh Chín T. và những người đã chiến đấu hy sinh thầm lặng”. Anh Chín T. chính là Đại tá Phạm Ngọc Thảo, một nhà tình báo có nhiều ảnh hưởng chính trị và cũng là một thành viên chủ chốt trong hai cuộc đảo chính bất thành ở Việt Nam Cộng hòa vào những năm 1964-1965. Trong tiểu thuyết của mình, nhà văn Trần Bạch Đằng đã sử dụng hình tượng của Đại tá Phạm Ngọc Thảo để xây dựng nhân vật Nguyễn Thành Luân.
Năm 1982, tiểu thuyết này được dựng thành phim do Lê Hoàng Hoa làm đạo diễn. Nguyễn Chánh Tín được Trần Bạch Đằng chọn vào vai Nguyễn Thành Luân, bởi “diễn xuất của Chánh Tín chân thật, tự nhiên và có một nét gì đó khác người”. Sự lựa chọn hoàn toàn chính xác đã đem lại thành công lớn cho bộ phim. Đã 30 năm rồi, nhưng nhắc đến vai diễn tình báo Nguyễn Thành Luân, Nguyễn Chánh Tín vẫn còn xúc động.

"Đại tá Nguyễn Thành Luân" Chánh Tín
* P.V: Gần đây nhiều đài truyền hình chiếu lại bộ phim Ván bài lật ngửa và có khá nhiều người xem lại. Khán giả đều khen và cho đó là bộ phim kinh điển. Bộ phim thành công là nhờ hội tụ “tam tuyệt”: kịch bản - đạo diễn - diễn viên. Biên kịch Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng) tầm cỡ, hiểu biết sâu sắc Sài Gòn thời 1954 trở đi. Đạo diễn kỳ tài Khôi Nguyên (Lê Hoàng Hoa) - được đào tạo bài bản ở Hoa Kỳ và đã làm nhiều phim chiến tranh. Và anh - Nguyễn Chánh Tín đã vào vai xuất thần như là “trời trao” cho anh vai diễn ấy! Bây giờ người viết kịch bản - nhà văn Trần Bạch Đằng và đạo diễn Lê Hoàng Hoa đều đã đi xa. Là người từng làm việc với nhà văn Trần Bạch Đằng và đạo diễn Lê Hoàng Hoa, anh có cảm nhận gì về họ?
- NSƯT Nguyễn Chánh Tín: Chú Trần Bạch Đằng là một người từng hoạt động bí mật nên rất giỏi tâm lý, lại là bạn thân của Phạm Ngọc Thảo, nên khi vào vai, tôi tiếp xúc thường xuyên với chú Trần Bạch Đằng để hiểu được tinh thần của Phạm Ngọc Thảo. Thật ra khi nhập vai, tôi cũng có ý kiến: “Nếu các chú đòi hỏi con đóng hệt y như Phạm Ngọc Thảo thì con thua. Vì hình dáng, tính cách của con đâu có giống Phạm Ngọc Thảo…”. Chú Trần Bạch Đằng thuộc hàng cha chú với tôi nên chú thường xưng thân mật “mày, tao”, chú bảo: “Tao chỉ cần mày đóng được cái tinh thần của Phạm Ngọc Thảo. Nếu tao biểu mày đóng đúng như Phạm Ngọc Thảo thì tao đã để tên nhân vật là Phạm Ngọc Thảo rồi, chứ đặt tên Nguyễn Thành Luân làm gì!”. Được chú Trần Bạch Đằng “bật đèn xanh” nên tôi đã thành lập một nhân vật riêng trong đầu. Có người thắc mắc, sao mà Chánh Tín đóng giống ông Tây… rất tiểu tư sản. Chánh Tín nghĩ, nếu mình không hình thành một nhân vật như Mỹ thì làm sao thâm nhập vào hàng ngũ ngụy được. Phải làm sao như Mỹ nhưng không phải Mỹ.
Về khía cạnh cá nhân mà nói, anh Hoa rất cứng nhưng cũng rất quý Chánh Tín. Lê Hoàng Hoa có công rất lớn trong bộ phim Ván bài lật ngửa. Chánh Tín, Thúy An, Thanh Lan là những diễn viên chuyên nghiệp thì chỉ cần nói 1 là hiểu 10, nhưng những vai quan trọng như Ngô Đình Nhu, Giám mục Ngô Đình Thục… toàn là những người mới tinh mà họ đóng tốt như vậy thì phải nói Lê Hoàng Hoa là đạo diễn “phù thủy” và đại tài. Cái hay của Lê Hoàng Hoa là anh đã biến kịch bản của Trần Bạch Đằng trở nên hấp dẫn và lôi cuốn. Thực ra, anh Hoa chỉ được học quay phim bên Mỹ chứ không phải học đạo diễn, nhưng anh đã có “vốn” do từng làm phim ở Sài Gòn trước 1975. Và qua Ván bài lật ngửa anh đã dốc hết sức mình nên mới có được sản phẩm để đời như vậy.
* Trong phim, khán giả nhận thấy Thùy Dung và Robert Nguyễn Thành Luân thể hiện rõ nét tình đồng chí, đồng đội nhưng tình yêu, tình vợ chồng thì hơi mờ nhạt. Đó có phải là sự chỉ đạo của đạo diễn?
- Nói chung đều do ý đồ của đạo diễn. Ở ngoài thì Thùy Dung và Robert Nguyễn Thành Luân đóng như vợ chồng, nhưng ở trong nhà thì là đồng đội. Khi Nguyễn Thành Luân bị bắn lúc gần hết phim mới là nụ hôn thật sự, do tình đồng chí lâu ngày biến thành tình yêu, còn trước đó chỉ là “giả” để che mắt địch.
* Nguyên bản Nguyễn Thành Luân là Phạm Ngọc Thảo - một nhà tình báo lỗi lạc, một người yêu nước nồng nàn, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, xứng đáng với lòng biết ơn của hậu thế. Khi vào vai diễn đó anh đã tìm hiểu, đã biết về Phạm Ngọc Thảo thế nào?
- Nếu ông Phạm Ngọc Thảo không giỏi thì ông không thể nằm trong hàng ngũ địch lâu như vậy mà địch không hay! Hồi đó, tôi có đi thăm mộ ông ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (nay là công viên Lê Văn Tám - P.V). Đó chỉ là nấm mồ xanh cỏ, không có tên, làm tôi thương xót đến rơi nước mắt. Về sau Phạm Ngọc Thảo được di táng về nghĩa trang TP.HCM, trên đồi Lạc Cảnh (Thủ Đức).
* Có trở ngại gì trong việc nhập vai? Kiến thức của anh về xã hội cũ Sài Gòn với các tướng tá, với những bữa tiệc, với các cuộc hành quân... giúp gì cho anh trong diễn xuất?

- Thực ra, trước khi Chánh Tín vào vai Nguyễn Thành Luân thì đã có người đóng rồi, nhưng chưa đạt. Lúc đó, tôi đang trong tù, do vượt biên, nhưng chú Trần Bạch Đằng đã chọn Chánh Tín và có nói: “Nếu Chánh Tín đóng được Nguyễn Thành Luân thì sẽ xóa án tù”. Với tình yêu nghệ thuật và sự quyết tâm, tôi tin mình sẽ làm được. Quả thật, tôi đã vào vai rất tự nhiên. Đúng là ngay cả trong những bữa tiệc, nếu anh không biết cầm nĩa, cầm ly, cầm điếu thuốc, cách thức uống từng loại rượu thuần thục… như một sĩ quan cấp cao Sài Gòn thì sẽ bị phát hiện ngay.
* Và tất nhiên là anh đã đón nhận tình cảm của khán giả dành cho vai diễn Nguyễn Thành Luân vô cùng nồng nhiệt?
- Lúc đó, đi tới đâu cũng có hàng trăm, hàng ngàn người vây quanh. Mỗi lần đi lưu diễn, Chánh Tín không thể ngủ được ở nhà dân hay ở khách sạn mà chỉ ở được nhà khách nhà nước, vì có bảo vệ. Đến quán ăn nào là quán ăn đó bể hết. Lúc đó, tôi vừa là diễn viên vừa là ca sĩ. Một lần đi hát ở Vinh, phải đi phà nổi qua sông nhưng do mưa quá, đường qua phà kẹt gần 10 cây số, đoàn của tôi ở trên xe hai ngày không có nước tắm. Cuối cùng tôi phải đi lần lượt từng xe để xin bác tài nhường đường cho đi. Cũng vì họ quá ái mộ Nguyễn Thành Luân nên đồng loạt các xe dạt qua bên đường để cho đoàn đi. Lúc xe lên được phà, cả đoàn đã cảm kích chắp tay cảm ơn tấm lòng của đồng bào.
* Vào độ tuổi này anh mong ước một vai diễn như thế nào?
- (Lắc đầu!) Việt Nam mình chưa biết tận dụng tên tuổi của người có danh, có tài mà chỉ lăng xê theo kiểu ăn xổi cho nghệ sĩ trẻ. Hiện nay, tôi vẫn đóng phim truyền hình, nhưng toàn là những vai không ra sao (cười). Nếu muốn có một vai diễn cho mình thì có lẽ mình tự viết kịch bản, tự hãng phim mình làm thôi!
* Hiện nay trong vai trò nhà sản xuất, đứng đầu một hãng phim, anh có khó khăn gì không? Anh có suy tư gì về nền điện ảnh hiện nay?
