Đó là câu chuyện cách đây 35 năm, lúc ông hãy còn là một chàng thanh niên nhiệt huyết, đến Việt Nam với tư cách là đặc phái viên của Nhật báo Hàn Quốc, một trong những tờ báo uy tín lớn của Hàn Quốc. Ông đến Việt Nam, đi theo các cuộc hành quân của quân đội Đại Hàn qua các sư đoàn Mãnh Hổ, Bạch Mã, Rồng Xanh, và đã chứng kiến, đã hiểu đến tận cùng cuộc chiến… Hiện nay, ông là Chủ tịch Trung tâm Nhân quyền và Ngôn luận Hàn Quốc. Tạp chí Hồn Việt đã có cuộc gặp gỡ trong dịp ông trở lại Việt Nam, nhân kỷ niệm 35 năm ngày thống nhất đất nước…
PV: Thưa ông, khi ông sang Việt Nam với tư cách là một nhà báo, ông có nghĩ đây là một cuộc chiến chính nghĩa của nhân dân Hàn Quốc, và nghĩ quân đội Hàn Quốc là những chiến sĩ đang chiến đấu vì tự do và hoà bình thế giới?
Ông Ann Byong Chan: Chưa bao giờ tôi tin vào điều ấy, tôi biết quân đội Hàn Quốc can dự vào Việt Nam chỉ với tư cách là đồng minh của Mỹ. Và cái cảm giác khi tôi đến đất nước bạn là cảm giác đau nhói ở thắt lưng. Bởi vì đất nước Việt Nam lúc ấy cũng giống như đất nước chúng tôi, cũng bị chặt ngang ở sống lưng.
Vì vậy, tôi đến Việt Nam với một sự đồng cảm của nỗi đau bị chia cắt, bởi tôi rất hiểu sự chia cắt này là hoàn toàn không đúng, mà Hàn Quốc lại đi can dự vào chính vết thương của mình. Năm 1973 là năm ký Hiệp định Paris, lúc đó nhân vật làm tôi ấn tượng và ngưỡng mộ nhất chính là bà Nguyễn Thị Bình… Ngay cả khi nói chuyện với các phóng viên phương Tây thời đó, họ cũng nói thẳng với tôi rằng, đây là một cuộc chiến sai lầm, một cuộc chiến phi đạo đức của Mỹ…
- Ông có thể hiện được chính kiến của mình trong những bài báo ông gửi về Toà soạn của ông, như là một cảnh báo cho nhân dân ông hiểu hơn về cuộc chiến mà dân tộc ông đang tham gia?
- Giai đoạn đó đất nước tôi sống dưới chế độ của Park Chung Hee, chế độ độc tài, quân phiệt. Hầu hết những phong trào dân chủ đều bị đàn áp dữ dội, nên những quan điểm cá nhân không thể thể hiện được. Tôi không thể nói lên suy nghĩ của mình, không thể viết “Hà Nội muôn năm”, vì như thế tôi sẽ bị bắt ngay lập tức. Nhưng tôi biết hướng ngòi bút mình theo lẽ phải, không bao giờ ca ngợi cuộc tham chiến của quân đội Hàn Quốc. Tôi đã đi theo nhiều cuộc hành quân của các sư đoàn Mãnh Hổ, Bạch Mã và cuộc rút quân của lữ đoàn Rồng Xanh, nên tôi rất hiểu đây là cuộc chiến sai lầm của chính quyền Hàn Quốc lúc bấy giờ.

Từ trái sang: Nhà báo Ann Byong Chan - Tác giả - GS Wan Soo Pyo
và Nhà báo Ku Su Jeong trong buổi phỏng vấn.
- Nghĩa là ông đã từng tham dự những trận đánh nổi tiếng ở Việt Nam thời bấy giờ?
- Tôi đến Việt Nam từ năm 1971, đến 1973 thì về lại Hàn Quốc. Sau đó, tôi trở lại Việt Nam năm 1975 và chứng kiến cuộc chiến thắng thần tốc của quân đội miền Bắc bên cạnh sự tan rã nhanh chóng của quân đội và chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ. Khi miền Bắc mở chiến dịch mùa xuân ở Đông Hà, tôi đã quyết định tác nghiệp một mình bằng cách bay ra Đà Nẵng và đi đến Đông Hà bằng xe đò.
Khi đến Quảng Trị, tôi ở lại nhà chờ một đêm và đó là đêm kinh hoàng nhất trong cuộc đời tôi, bởi vì tôi đã ở dưới trận mưa bom, và cái chết kề cận trong gang tấc. Sáng ra, khi tiếng bom dứt tôi mới biết mình còn sống và lại tiếp tục đi Đông Hà bằng xe đò cùng với người dân Việt Nam, nhưng xe đã phải dừng nhiều lần và mọi người phải tìm nơi ẩn nấp giữa những lần giao tranh, và sau đó là những xác người nằm ngổn ngang trên đường.
Xe không thể đi được, tôi phải cuốc bộ để đến bằng được Đông Hà. Tôi quá giang được một chiếc xe của quân đội Sài Gòn, nhưng xe chỉ chạy một quãng thì dừng lại ở các ngôi nhà trống mà dân đã đi lánh nạn, và từ đó họ khiêng lên xe bao nhiêu là đồ đạc người dân còn bỏ lại như tủ lạnh, ti vi, máy cassette… Lúc đó tôi đã nghĩ, một quân đội như thế này thì chắc chắn sẽ bại trận thôi…
Có lẽ nhìn thấy thái độ không thiện cảm của tôi, nên họ đã đuổi tôi xuống xe và chạy đi. Sau đó, tôi may mắn đón được chiếc xe Jeep và đến được vĩ tuyến 17. Tôi là phóng viên nước ngoài đầu tiên tới Đông Hà. Tại đây, tôi đã chụp ảnh rất nhiều và lần đầu tiên nhìn thấy khẩu B40 của quân đội miền Bắc.
- Vì sao ông ở lại Việt Nam cho đến phút cuối mà không đi như nhiều người nước ngoài khác? Ông tin rằng, ông sẽ vẫn an toàn nếu quân đội giải phóng vào Sài Gòn?
- Toà soạn ở Hàn Quốc giục tôi rời khỏi Việt Nam hằng ngày vì lo cho tính mạng của tôi, nhưng tôi là nhà báo, còn hàng trăm dân thường Hàn Quốc chưa đi được nên tôi không thể đi. Tất nhiên rất nhiều phóng viên đã ra đi nhưng vẫn còn một số ít phóng viên Nhật, Pháp, Mỹ, Ý ở lại. Tôi rời khỏi Việt Nam bằng tàu vào phút cuối cùng, lúc trưa 30/4, tôi còn nghe giọng ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
Về Hàn Quốc, tôi viết ngay quyển Đêm cuối cùng ở Sài Gòn, tường thuật lại tất cả những gì cá nhân tôi đã thu thập được về cuộc chiến mà tôi cho rằng chính nghĩa thuộc về phía người chiến thắng. Tôi rời khỏi Việt Nam năm 1975, đến 14 năm sau tôi mới quay trở lại Việt Nam và từ đó mỗi năm, cứ đến ngày 30/4 là tôi đều trở lại Việt Nam…

Đêm cuối cùng ở Sài Gòn của Ann Byong Chan,
quyển sách rất nổi tiếng và được tái bản nhiều lần tại HQ.
- Ông trở lại Việt Nam hàng năm vì công việc của nhà báo hay còn có một lý do nào khác?
- Lần đầu tiên tôi phỏng vấn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào năm 1972, tôi rất yêu quý anh Sơn và chúng tôi là bạn thân của nhau. Sau đó, khi được trở lại Việt Nam năm 1989, tôi gặp lại anh ngay và từ đó cứ mỗi 5 năm cho đến ngày anh mất, tôi đều có bài viết về anh. Tôi đã sắp xếp lại loạt bài phỏng vấn anh và nhận thấy rõ những thay đổi dần trong nhận thức của anh trong từng bài viết. Đó là sự thay đổi đi theo chiều hướng phát triển của đất nước bạn. Khi viết về sự đổi mới của Việt Nam, tôi gọi đó là Cuộc chiến với sự nghèo nàn.
Việt Nam đã tiến bộ và phát triển rất nhiều. Mỗi năm khi trở lại Việt Nam, tôi đều nhận ra sự thay đổi rõ rệt ấy trên mặt bằng xã hội nói chung. Nhưng phải nói thật, gần đây tôi cũng nhận ra những mâu thuẫn trong sự phát triển đó, ví như sự cách biệt lớn giữa giàu nghèo, và nạn tham nhũng...
Nhưng tôi cũng cần nói rõ, hàng năm, tôi đến Việt Nam không hẳn với tư cách nhà báo, mà vì Việt Nam là một nơi ấn tượng nhất trong cuộc đời phóng viên của tôi. Tôi mê ánh mặt trời Việt Nam, nhớ cái nóng sục sôi của những ngày tháng 4, vì thế cứ mỗi năm đến ngày 30/4 là máu trong người tôi như sôi lên và tôi không thể không đến Việt Nam để cảm nhận lại cái không khí sôi sục của Việt Nam ngày thống nhất đất nước…
- Xin chân thành cảm ơn tình cảm của ông đã dành cho Việt Nam...