John Balaban sinh năm 1944, người Mỹ gốc Rumani, là nhà thơ, giáo sư Văn chương tại Đại học North Carolina, Mỹ. Ở Việt Nam, người ta biết đến ông là người đã dịch, giới thiệu ca dao Việt Nam và thơ Hồ Xuân Hương với văn học nước ngoài, đồng thời là thành viên sáng lập Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm (會 保 存 遺 産 喃) ở Mỹ (1999). Hơn mười năm qua, ông đã dành nhiều thời gian và sức lực cho việc bảo tồn chữ Nôm, tận tâm đi – về giữa hai nền văn hóa.
Mối lương duyên của GS John Balaban với Ca dao Việt Nam rất thú vị. Ông kể, năm 1967, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam vào giai đoạn khốc liệt nhất, theo tiếng gọi của lương tri, ông bỏ dở công trình nghiên cứu sinh ở Đại học Harvard, tham gia tổ chức thiện nguyện quốc tế có tên International Voluntary Services, sang Việt Nam giúp những trẻ em và những người Việt Nam bị thương vô bệnh viện, chữa khỏi rồi đưa họ về nhà. Có những trường hợp bị thương quá nặng ông phải chuyển sang Mỹ điều trị.
Cứ thế, nỗ lực trong hai năm làm việc, ông đã giúp được khoảng 200 trẻ em và khoảng 500-600 người bị thương vào các bệnh viện ở Cần Thơ, Đà Nẵng, Nhi đồng Sài Gòn… Bản thân ông, trong quá trình làm việc cũng đã từng bị trúng bom của Mỹ, ở cầu Cần Thơ.
Nhưng, ông nói: “Tôi nghĩ rằng, cứu người là tốt, những nỗ lực cá nhân chỉ ít ỏi và trong thời gian hữu hạn như vậy thôi! Làm sao để giữ được một cái gì đó lâu dài hơn!”, mà đến bây giờ ông chia sẻ, đó là văn chương.

GS Jonh Balaban
Ông Tây “phải lòng” câu hát dân ca
Chính trong khói lửa, tiếng nổ của bom đạn, ông đã nghe được câu hát dân ca ngọt ngào, tìm được tình yêu nơi chính đồng quê Việt Nam xinh đẹp, ngay trong bối cảnh rất cụ thể của chiến tranh: “Một lần, trên đường đến nhà anh Sáu Hẹ để làm thủ tục đưa anh sang Mỹ chữa bệnh, lúc qua sông, tôi thấy có một thiếu nữ mặc áo bà ba, đội nón lá vừa chèo thuyền vừa ngân lên một câu hò giữa cảnh sông nước rất nên thơ. Hình ảnh đó đến bây giờ vẫn in đậm trong tôi. Rồi một lần khác, cùng trên chuyến phà qua sông với tôi, có một ông già mù ca vọng cổ rất “mùi”… Niềm say mê dân ca của tôi nảy sinh từ đó”. GS xúc động kể.
Sau hai năm làm tình nguyện, năm 1969, trở về Mỹ, GS John Balaban biết mình đã phải lòng câu hát dân ca, ngày đêm tương tư những làn điệu dân ca được cất lên từ những người nông dân thuần hậu ở đồng quê Việt Nam.
Thế rồi, năm 1971, ông thu xếp công việc, quyết định quay trở lại Việt Nam đi “tìm” ca dao. Không ngại chiến tranh, trải qua gần một năm ròng rã, lặn lội khắp các miền quê từ Huế vào Nam, ông ghi âm được khoảng 500 giờ những câu ca mộc mạc do chính những người dân chất phác ca, ngay trong sinh hoạt đời thường...
Đã 40 năm rồi, những điệu lý, câu hò... truyền cảm, ấm áp ngày ấy vẫn được GS John Balaban giữ gìn đầy đủ và chuyển tải lên trang mạng (http://www.johnbalaban) của mình, với mong muốn giới thiệu cho cả thế giới được nghe.
Giai điệu dân ca Việt Nam êm ả, dễ nhớ, dễ thuộc là vậy, nhưng để hiểu ý tứ ngọn nguồn của từng câu hát theo phương ngữ ở từng vùng miền là điều không phải dễ, ngay cả đối với người Việt Nam.Vì vậy, trong quá trình thu thập ca dao, GS John Balaban cũng gặp phải rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, GS John Balaban quyết không bỏ cuộc, để 32 năm sau (2003), cuốn thơ song ngữ Việt – Anh Ca dao Việt Nam (Vietnamese folk poetry - NXB Copper Canyon Press, Mỹ) đã ra mắt bạn đọc.

Bìa cuốn sách Ca dao Việt Nam
Từ Ca dao Việt Nam đến Hương Mùa Xuân: Thơ Hồ Xuân Hương
GS John bày tỏ: “Trong quá trình tìm hiểu ca dao, tôi được gợi ý nên dịch Hồ Xuân Hương… Đó là gợi ý định mệnh đời tôi. Tìm hiểu thơ Hồ Xuân Hương tôi biết mình đã bắt trúng mạch ngầm thơ Việt Nam. Tôi đã bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu bối cảnh lịch sử thời bà sống và tìm về bản thơ chữ Nôm để “hiểu” bà hơn”.
Xúc cảm trước tài năng và nhân cách của người phụ nữ sống cách đây hơn 200 năm, ông thú nhận: "Giọng điệu Hồ Xuân Hương tinh tế, đậm chất thơ lại trong sáng; có tầm nhìn vượt thời đại... đã nhẹ nhàng đi vào lòng người", khiến ông phải "đắm chìm trong những bài thơ tuyệt vời khi dịch Hồ Xuân Hương"...
Cuối năm 2000, tập thơ Hương Mùa Xuân: Thơ Hồ Xuân Hương (Spring Essence: The poetry of Hồ Xuân Hương - NXB Copper Canyon Press, Mỹ) tổng cộng 50 bài bằng ba thứ chữ Nôm - Việt - Anh, được xuất bản. Tính đến nay tập thơ Hương Mùa Xuân: Thơ Hồ Xuân Hương đã bán được trên 20.000 bản, và như tờ New York Times bình luận thì nó “trở thành một hiện tượng trong đời sống văn học Mỹ”.
***
Vừa qua, trong lần về thăm Việt Nam, GS John Balaban đã có cuộc gặp GS Mai Quốc Liên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học. Có lẽ do sống nhiều năm ở Việt Nam nên ông cũng bị “Việt Nam hóa”, cụ thể là trong cách nói chuyện. Cũng như văn hóa của người Việt Nam, ông quan tâm hỏi thăm sức khỏe, gia đình, quê quán… trong không khí hết sức vui vẻ và cởi mở.
Dưới đây là phần trao đổi về một số vấn đề xung quanh tập thơ Hương Mùa Xuân: Thơ Hồ Xuân Hương của GS John Balaban, xin giới thiệu cùng bạn đọc:
- GS Mai Quốc Liên: Ông John, ông có định tái bản và nâng cao tập thơ Hồ Xuân Hương không?
- GS John Balaban: Tôi thấy cần sửa lại cho được chính xác. Phải làm lại mới đúng đắn được.
- Ngay cả người Việt Nam cũng không tránh khỏi sai sót. Tôi đề nghị thế này, nếu được. Thứ nhất, ông nên bổ sung nhiều bài thơ Hồ Xuân Hương nữa. Thứ hai, ông nên có chú thích ở từng bài, ví dụ ở trong nguyên tác thơ Hồ Xuân Hương thường có nói lái, mình không thể nào dịch được vì không có chữ tương đương trong tiếng Anh thì mình chú thích. Đề nghị của tôi có hơi phiền phức nhưng là cần thiết, tùy ông John suy nghĩ.
- Đúng rồi.

Tranh vẽ Hồ Xuân Hương
- Ví dụ, câu thơ: “Cái kiếp tu hành nặng đá đeo”. Đá đeo nói lái là đéo đa, tất nhiên chúng ta đều biết điều đó nhưng lại không thể dịch được theo đúng nguyên tác. Hoặc là: “Vị gì một chút tẻo tèo teo”. Chút tẻo tèo teo người Việt đều hiểu đó là cái gì. Tẻo tèo teo có nghĩa là có một chút xíu thôi. Về phương diện ngữ âm, âm thanh thì rất hay, đeo – eo, teo – eo, người ta gọi đó là tử vận. Chỉ có một chút xíu thôi mà làm cho ông sư phải quay cái thuyền qua Tây Trúc lại…
Điều này, tôi biết ông John hiểu rõ, thế nhưng có dịch cách mấy cũng không chuyển tải được hết ý nghĩa, vì vậy, nếu mình có chú thích thì người đọc bên Mỹ sẽ dễ hiểu hơn.
Thực ra, thơ Hồ Xuân Hương có mối tương đồng với văn hóa dân gian (folklore). Ví dụ, trong dân gian Việt Nam có chuyện tiếu lâm Đẻ ra sư, chắc ông cũng đọc nhiều cũng biết chuyện này rồi, nhưng tôi xin nói lại: “Có một chị chửa đi cấy. Sơ ý, chị bị con cua cắp phải chính ngay chỗ ấy, chị đau quá la lên. Ngay lúc đó, có ông sư đi qua, thấy chị ấy kêu, thì chạy xuống cứu. Nhưng vì sợ uế tạp, không dám mó tay, liền thò đầu vào cắn con cua ra, chẳng may bị con cua kẹp luôn vào đó. Thằng bé con ở đâu chạy lại, trông thấy thế, reo lên rằng: - A! a! a! Đẻ ra sư!”.
Chuyện đó rất có ý nghĩa về mặt thế giới quan và mỹ học. Tức là đưa những ông sư tu hành khổ hạnh xuống dưới cái hạ tầng phồn thực, đưa xuống cái gọi là bình thường của con người, cái mà Hồ Xuân Hương hay nói là: “Hiền nhân quân tử ai mà chẳng/ Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo”. Những cái tương đồng đó, nếu mình chú cho độc giả Mỹ thấy rõ cái hệ văn hóa dân gian thì rất tốt.
Tôi gợi ý như thế để mở rộng cái biên giới của vấn đề ra. Mục đích là làm như thế nào để cho người đọc thú vị; làm cho người Mỹ, người đọc tiếng Anh thấy được người Việt Nam rất hay cười. Nếu làm được điều đó, thì công lớn thuộc về ông John.
- Vâng. Tôi cảm ơn. Tôi cũng đã nghĩ về khía cạnh đó. Tôi rất mong làm lại cuốn thơ Hồ Xuân Hương để cho nó được tốt hơn. Tôi dự định tiếp tục dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh, giáo sư thấy thế nào?
- Tôi cũng theo dõi vấn đề dịch Truyện Kiều rất kỹ. Đã có nhiều bản dịch Kiều sang tiếng Anh. Cái quan trọng nhất bây giờ là phải có một cách dịch như thế nào để cho người đọc tiếng Anh tiếp nhận được cái hay của Truyện Kiều. Không thể dịch một cách bám sát, một cách quá đáng, một cách nô lệ đối với nguyên tác.
Hơn nữa, nếu chúng ta dịch bám sát quá thì không thể dịch được, rất dễ bị sai ý. Nên dịch như là một áng văn xuôi có nhịp, bớt các điển tích, điển cố… chăng? Dịch như thế nào để trước hết, người đọc phải thích thú, thỏa mãn.
- Vâng. Cảm ơn giáo sư. Dịp tới quay trở lại Việt Nam, tôi sẽ nhờ giáo sư giúp. Xin giáo sư vui lòng cho tôi biết, giáo sư có quan tâm và có ý muốn đưa cuốn từ điển Dictionarum Anamitico Latinum của Taberd(*) lên mạng chữ Nôm của chúng tôi để nhiều người sử dụng được không? Số lượng sách in thì có hạn, nếu chúng ta đưa nội dung lên mạng thì rất tiện ích cho người nghiên cứu, vì ở đâu và lúc nào người ta cũng tra cứu được.
- Tôi rất hoan nghênh. Chúng ta phối hợp với nhau làm việc đó. Chúng tôi làm những công trình khoa học, cốt là để phục vụ mọi người. Ngoài Từ điển Taberd, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học còn có hơn 80 công trình từ khảo cổ cho đến tiền tệ, văn hóa, văn chương… Nhưng chúng tôi chưa có điều kiện đưa các công trình đó lên trang mạng http://honvietquochoc.com.vn được. Sắp tới, chúng tôi sẽ in công trình Những cây đàn dân tộc, gồm hơn 300 cây đàn, công trình Đồ đồng Đông Sơn, Cao Bá Quát toàn tập (t.2), Lý luận văn học Việt Nam cổ, Đỗ Phủ…
- Tôi rất muốn thúc đẩy việc đó trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi nâng cấp và làm cho trang mạng Hồn Việt (http://honvietquochoc.com.vn) tốt hơn, nếu ông đồng ý.
- Ồ, cảm ơn ông. Được thế thì còn gì bằng. Ông cứ ủy thác cho TS Ngô Trung Việt, một chuyên gia Toán – Tin, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm, thì anh ấy khắc sẽ làm tốt.

GS John Balaban trước đền Ngọc Sơn, Hà Nội.
Hiện nay, ngoài việc giảng dạy, GS John Balaban còn dành thời gian dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh. Đồng thời, tích cực tham gia chương trình số hóa chữ Nôm của Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm với mong muốn giúp thế hệ trẻ Việt Nam gần gũi với thứ chữ của cha ông hơn.
Ở tuổi 67, sức khỏe có phần giảm sút, địa lý cách trở… thế nhưng, ông hào hứng bộc bạch “sức khỏe càng giảm thì càng phải làm việc nhiều hơn, nhiều hơn nữa!”… Chúc ông sẽ thực hiện được những kế hoạch như ông đã định ra.
(*) | Dictionarium Anamitico – Latinum (Từ điển tiếng An Nam – Latinh) của Giám mục người Pháp J.L.Taberd (1794-1840), in lần đầu tiên năm 1838 tại Ấn Độ. Năm 2004, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học (với lời Tựa của các GS Mai Quốc Liên, Trần Văn Toàn…) in nguyên lại bản gốc, có phần tra cứu tiếng Việt (Quốc ngữ và Nôm – Latinh), phần tra cứu chữ Nôm xếp theo bộ và số nét (theo Hán tự). |