GS.TS Mai Quốc Liên: "Vì một mục tiêu - bảo tồn, phát huy vốn cổ của ông cha"

“Khi học Đại học ngành Hán Nôm từ năm 1965 - 1970, với các vị khoa bảng Việt Nam, lớp học phải thiết kế dưới lòng đất để tránh bom Mỹ, tôi không bao giờ nghĩ rằng có ngày mình sẽ được các vị ở Hoa Kỳ trao cho giải thưởng. Cũng không bao giờ ngờ rằng mình sẽ đến Hoa Kỳ, gặp gỡ và nắm bàn tay thân mật từ nay đã trở thành bạn bè của các vị… Thế nhưng tất cả những điều ấy đã xảy ra. Giải thưởng J. Balaban là một sự khích lệ to lớn đối với những người làm công việc nghiên cứu cổ học Việt Nam, nghiên cứu chữ Nôm…”. Giáo sư Mai Quốc Liên đã phát biểu như vậy trong buổi lễ nhận Giải thưởng Balaban tại TPHCM ngày 3.10 vừa qua.

- Thưa, đúng dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm nghiên cứu Quốc học mà ông hiện là giám đốc, ông nhận Giải thưởng Balaban do Hội bảo tồn di sản Nôm trao tặng. Thật là niềm vui nhân đôi!

- Trong bài phát biểu khi nhận giải thưởng, tôi cũng có nói, việc nghiên cứu chữ Nôm là rất khó, khó còn hơn cả chữ Hán, nó phải đi vào tiếng Việt cổ với ngữ âm, từ vựng cổ rất đặc thù, vì vậy việc trao giải thưởng là một sự tri âm. Công việc ở phía trước còn rất nhiều, còn cần phải gấp đôi sự cố gắng. Giải thưởng này tuy trao cho một cá nhân, nhưng nó là công sức của cả tập thể gồm nhiều vị lão thành như cụ Vũ Tuân Sán đã trăm tuổi, cụ Vũ Khiêu, cụ Hữu Ngọc đều gần trăm tuổi, cụ Nguyễn Quảng Tuân gần 90 tuổi… Tập thể  này trong 20 năm qua đã dốc trọn tâm huyết vào lòng yêu tiếng Việt, chữ Nôm, chữ Hán Việt và đã làm nên 125 công trình nghiên cứu văn hóa trên tất cả các bộ môn cổ học. Không có sức của một cá nhân nào có thể làm nên một số lượng công trình, có chất lượng cao như vậy. Bên cạnh  đó, tờ Hồn Việt ra hàng tháng tới nay đã 74 số - nếu không có một tập thể đoàn kết, thấu hiểu nhau và nhất là vì một mục tiêu chung cao quý là bảo tồn và phát huy vốn cổ của ông cha.

- Thưa, được biết, giáo sư  có nhiều năm nghiên cứu Nguyễn Du và Ngô Thì Nhậm, nên trong cuộc trò chuyện lần này, chúng tôi muốn hỏi tới hai nhân vật: Nguyễn Du và Ngô Thì Nhậm. Trước hết về Nguyễn Du: Tháng 11.2013, tại Paris (Pháp), Đại hội đồng UNESCO sẽ  ra quyết định  vinh danh Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới. “Phải nâng ta lên cho gần Nguyễn Du thì mới hiểu được Nguyễn Du”, từng có một lời như là lời khuyên như thế. Theo ý ông, một người Việt bình thường phải nâng mình thế nào mới hiểu nổi Nguyễn Du? 

- Về cơ bản, nói thế cũng đúng thôi. Để hiểu một thiên tài, một nhân vật lớn, phức tạp như Nguyễn Du, cần biết bao nhiêu kiến thức, suy nghĩ cho đủ được. Tính từ ngày ông mất cho tới giờ, đã 200 năm, người ta nghiên cứu, bàn luận nhiều, cũng đã hết đâu, đã dừng lại đâu.

Một người có học thức, theo tôi, để hiểu Nguyễn Du là phải nâng tầm văn hóa của mình lên, phải hiểu văn hóa Trung Hoa cổ, hiểu nền văn hóa Đông Á xưa. Cần hiểu đúng, sâu, đọc mới Đỗ Phủ để hiểu Nguyễn Du. Nguyễn Du tôn Đỗ Phủ là thầy, là nhà thơ của muôn đời, và nói mình “đêm đêm hồn mộng đi vào thơ Đỗ Phủ”.

Một người dân thường cũng có thể thấu hiểu Nguyễn Du, như những bà mẹ mù chữ ngày xưa đó, họ nghe kể Kiều, những câu thơ thấm vào gan ruột họ - “Đau đớn thay phận đàn bà”. Có những bà mẹ có thể hiểu Kiều hơn cả những nhà Kiều học ấy chứ. Họ thấm thía chủ nghĩa nhân đạo, lòng thương người, nhân loại của Nguyễn Du.

- “Truyện Kiều” có nhiều bản dịch, mỗi bản lại có riêng một cách khảo đính, chú thích. Theo ông, cho đến lúc này, bản Kiều  nào ở ta là chuẩn mực nhất?

- Bản của Đào Duy Anh, Nguyễn Quảng Tuân… Nhìn chung, hầu hết những văn bản hiện nay là tốt rồi. Vấn đề là, tại sao lại có những bản Kiều khác nhau độ hơn 1.000 chữ? Bởi truyện Kiều truyền tụng theo con đường dân gian, đã truyền miệng thì tất nhiên sinh ra nhiều dị bản. Đến nay, chúng tôi vẫn đang cố gắng nghiên cứu một cách khoa học để xác định chữ nào là của Nguyễn Du, chữ nào không phải. Căn cứ vào đâu? Vào luật thơ tiểu đối Nguyễn Du hay sử dụng. Ví dụ câu: “Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn”. Mọi bản Kiều đều ghi thế. Nhưng đúng ra, câu ấy thế này: “Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thắm khăn”.

Vì sao là “thắm” chứ không phải “thấm”. Chữ Nôm nó hay lắm, bên cạnh âm thì có cái nghĩa của nó. Chúng tôi lý giải thế này, trong chữ “thắm”, có chữ “xích”, là “đỏ”. Vậy, về  mặt đối từ: “Dầu trong trắng đĩa/lệ tràn thắm khăn”. Còn một lý do nữa là Đỗ Phủ, Nguyễn Du hay dùng hình tượng “khóc rỏ huyết” - “máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao” (Kiều). “Máu theo nước mắt” - khóc đau đớn đến cái độ máu tràn ra, lấy cái khăn thấm vào, nước mắt thắm đỏ khăn. Duy nhất chỉ có một bản Nôm viết  chữ “thắm” này. Nếu dùng chữ “thấm” thì dở lắm… Còn có thể kể ra đây rất nhiều ví dụ thú vị khác nữa.

Sang năm 2015, kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, chúng tôi cố gắng thực hiện bộ Nguyễn Du toàn tập, bổ sung nhiều tư liệu mới, ví dụ như chúng tôi sẽ in lại gia phả, tài liệu của một người Pháp đến quan sát nhà Nguyễn Du, chúng tôi có những sách của học giả như Trần Ngọc Ninh, người dưới chế độ chính quyền Sài Gòn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục; thơ của Nguyễn Đễ - anh Nguyễn Du, của Nguyễn Hành - cháu Nguyễn Du…

- Thưa, khổ thơ từ câu 3.241 tới câu 3.254 trong “Kiều”: “Ngẫm hay muôn sự tại trời/ Trời kia đã bắt làm người có thân…”, có thể nói, rất nhiều người Việt thuộc nằm lòng. Có những người nước ngoài, chẳng hạn như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, khi đến Việt Nam, trong bài phát biểu của mình, cũng trích câu “Sen tàn, cúc lại nở hoa”. Như tôi thấy, triết lý mà Nguyễn Du nói tới trong khổ thơ trên cũng như trong nhiều câu thơ khác, trước Nguyễn  Du, thế nhưng tại sao, khi nhắc tới triết lý tương đương về cuộc đời,  sự thay đổi theo thời gian, người ta lại thường trích dẫn “Kiều”? Chỉ bởi vì đó là “Kiều”, là  Nguyễn Du?  

- Nói kỹ chuyện này, dài dòng lắm. Đơn giản, thì thế này, truyện Kiều là một tiểu thuyết bằng thơ, một tác phẩm đạt tới song trùng nghệ thuật - vừa thơ, vừa truyện, câu thơ nào trong Kiều cũng cô đọng, súc tích, chứa đựng những chân lý cuộc sống ở trong đó, một cách sâu sắc, đến nỗi, hầu như bất cứ một câu nào trong Kiều, người ta cũng thể lảy riêng ra để người ta đọc trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó cuộc sống mà người ta thấy thích hợp. Ví dụ khi Kiều đoàn viên với Kim Trọng, thì “Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa”. Đấy, những người tình cũ thời buổi bây giờ mà gặp nhau, cũng có thể “vịn” vào câu này mà thể hiện cái tình cảm của mình với nhau… 

- Thưa, tôi muốn nói về nỗi băn khoăn sợ bị lãng quên của Nguyễn Du. Trong “Độc Tiểu Thanh ký”, ông viết năm 1804: “Ba trăm năm nữa ta đâu biết/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như”. Tôi cứ nghĩ vui vui một chút, đến 2065 là chẵn 300 năm ngày sinh Nguyễn Du. Có lẽ, ông tiên đoán được, tới lúc đó, xã hội Việt Nam, còn rất ít người biết, đọc Kiều? Hay, xa hơn, đây cũng là tiên tri, càng ngày càng ít người Việt nhớ tới văn hóa truyền thống?

- Con số 300 năm đó là một con số ước lệ. Người ta nói từ cô Tiểu Thanh đến Nguyễn Du là 300 năm, nhưng tôi nghĩ, cũng không chính xác. Mà thôi, từ nãy tới giờ tôi nghe chị hỏi về Nguyễn Du, tất nhiên cũng có đôi câu được, nhưng về Nguyễn Du hỏi như vậy là nói chơi cho vui, chứ theo tôi là không đi vào trọng tâm vấn  đề. Thế thì bây giờ, chị để tôi nói những suy nghĩ của tôi: Năm 2005, tại kỷ niệm 240 năm ngày sinh Nguyễn Du, tôi đã đọc một bài tham luận mang tên “Chín hướng tiếp cận Nguyễn Du, nhìn lại và đi tiếp”, bài này cũng đã được in trong cuốn “Tiểu luận và Phê bình văn học” của tôi rồi (NXB Văn học 2011). Nói ngắn gọn, theo tôi, trong cách đọc  Nguyễn Du, chúng ta cần tiếp tục đi sâu vào chủ nghĩa nhân đạo của ông.

Ông từng viết: “Trước khi chết còn lo chuyện ngàn năm”. Chúng ta cần hiểu, nhìn nhận một cách khoa học hoàn cảnh, gia cảnh của Nguyễn Du - cuộc đời “tang thương dâu bể” của ông, bối cảnh đất nước thời bấy giờ thì mới hiểu được tiếng kêu của ông rất gần với nhân dân, ông nói được cái bi thương của nhân loại, tình thế…

- Thưa, ông nghiên cứu cả Nguyễn Du và Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du (1765 - 1820) kém Ngô Thì Nhậm (25.10.1746 - 1803) 19  tuổi, là cả một thế hệ. Trong niên phổ Nguyễn Du tôi đọc được, có nói năm 1789, Nguyễn Du 25 tuổi, cũng là  năm Quang Trung đại thắng quân Thanh xâm lược.  Sau đó, Quang Trung ra tờ hiểu dụ các quan văn võ triều Lê quy thuận ra giúp Tây Sơn. Tờ chiếu này do Ngô Thì Nhậm thảo. Nhưng Nguyễn Du nhất định không ra. Có khi nào, ông tưởng tượng ra một cuộc trò chuyện có thể có giữa hai con người này trong bối cảnh xã hội lúc đó, và giả dụ, trong bối cảnh hiện nay?

- Như tôi biết, thời đó, Ngô Thì Nhậm và Nguyễn Du chưa bao giờ gặp nhau. Nguyễn Du sau này mới nổi tiếng, còn Ngô Thì Nhậm lúc đó là tiền bối, bậc cha chú rồi, không chơi với Nguyễn Du, cũng chẳng gặp Nguyễn Du làm gì. Nguyễn Du và Ngô Thì Nhậm cực kỳ khác biệt. Ngô Thì Nhậm làm ông quan lớn, theo nhà Tây Sơn, làm những công việc lớn của lịch sử và đất nước, ví dụ giúp Quang Trung đánh Mãn Thanh, rồi bang giao với triều Thanh. Chí của hai người ấy khác nhau.

- Ông có thể cho biết ý kiến của ông về những đóng góp quý báu của Ngô Thì Nhậm về vấn đề con người, giáo dục cái người, trọng dụng nhân tài?

- Nhà thơ Chế Lan Viên, có lần khi nói công về lịch sử, cho rằng Ngô Thì Nhậm lớn hơn Nguyễn Trãi, về văn thì Nguyễn Trãi hơn. Như chúng ta đã biết, Ngô Thì Nhậm có hai công lớn: Giúp Quang Trung rút về Tam Điệp và sau đó, tiến ra Thăng Long đánh tan đạo quân của Tôn Sĩ Nghị; mưu của ông ấy trong chiến tranh cao và đắc dụng. Sau đó, Ngô Thì Nhậm có giữ chức tương đương chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bây giờ. Tài giao thiệp ngoại giao của ông thể hiện trong việc tiếp xúc với vua quan nhà Thanh cũng như trong việc giao dịch bằng thư từ, Ngô Thì Nhậm vừa cương quyết, vừa linh hoạt, vừa nêu cao chủ quyền dân tộc, vừa giữ tình hoà hiếu giữa hai nước.

- Nhìn dưới góc độ ngoại giao, những sách lược đối ngoại của Ngô Thời Nhậm có thể áp dụng gì chăng vào quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện nay?

- Hoàn toàn có thể học hỏi được chứ! Nói gọn lại, đó là sách lược: “Biết cương nhu đúng lúc”. Ngô Nhì Nhậm không chỉ là một nhà chính trị, ngoại giao kiệt xuất, ông có những cống hiến rất lớn cho dân tộc mình trên mọi lĩnh vực  triết học và văn học. Chúng tôi đã dịch bộ Ngô Thì Nhậm toàn tập  5 cuốn (NXB Văn học ấn hành) rồi đó. Nếu là người thích cổ văn, tìm đọc Ngô Thì Nhậm, thấy văn của Ngô Thì Nhậm đúng là văn “đại gia”, ông viết rất hoa lệ, điển nhã, súc tích…

- Xin cảm ơn ông!

GS Mai Quốc Liên từng được tặng hai Giải thưởng Nhà nước về khoa học - công nghệ (cụm công trình Ngô Thì Nhậm) và về Văn học nghệ thuật (Lý luận - Phê bình). Các công trình Giáo sư trực tiếp thực hiện có: “Nguyễn Trãi toàn tập” (tân biên), 3 tập - 2.000 trang, đã in lần thứ hai; “Quốc âm thi tập” (chữ Nôm) đang sửa thêm và in lần thứ 3; “Ngô Thì Nhậm -  tác phẩm (1746-1802)”, gồm 5 tập, 2.500 trang; trong đó giáo sư dịch hàng trăm bài thơ, phú, biểu,… ; “Nguyễn Du toàn tập” (2 tập), 1.000 trang, trong đó Giáo sư phụ trách dịch phần thơ chữ Hán và viết bài nghiên cứu, cùng là chú thích “Văn chiêu hồn”; “Cao Bá Quát toàn tập”, gồm 2 tập, khoảng 2.000 trang; trong đó Giáo sư viết bài nghiên cứu chung, dịch thơ, phiên âm Nôm… Ngoài ra GS Mai Quốc Liên còn chủ biên các công trình như “Hoàng Việt thi tuyển”; Văn bản các bài Tựa, Bạt của các nhà văn cổ điển.

(Theo tạp chí “Hồn Việt”)
Theo Lao động cuối tuần