Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức, nhà văn hóa lớn, con người của nền văn hóa tương lai nhân loại(1) cũng là một nhà thơ lớn. So với các nhà thơ phương Đông quá khứ và cùng thời, thơ Hồ Chí Minh có một vị trí đặc biệt: Đó là thơ của một con người vĩ đại về nhiều phương diện. Nhưng con người vĩ đại ấy không thích ngôn chí (tỏ chí) trong thơ, mà thích làm một con người bình thường của nhân loại mênh mông và lẩn tránh sự vĩ đại. Đó là thơ của tình yêu và khát vọng tự do, thơ của đức tin và hy vọng, thơ của tình người muôn vẻ, thơ của “nước mắt” và nỗi đau, thơ của “uy-mua”(2) và cay đắng, thơ của một con người như một con người, bình dị, từng trải, với những sự vật nhỏ bé, tầm thường.
Tiếp tục truyền thống thơ cổ điển phương Đông về cảm hứng, thi pháp…, Hồ Chí Minh đã đổi mới thơ trên nhiều phương diện. Từ đề tài, nhân vật, thể tài, ngữ ngôn, giọng điệu, vần luật…, Hồ Chí Minh đều sử dụng một cách chủ động phóng khoáng, cốt để đạt được ý mình và biến “thơ Đường” thành “thơ Hồ”. Đúng hơn, một phong cách mới đã đến và làm phong phú cho thơ Đường luật vĩ đại của Trung Hoa và Việt Nam.
Vĩ đại trong những cống hiến lịch sử cho dân tộc và thời đại mình, Hồ Chí Minh cũng là người mở ra một kỷ nguyên văn hóa mới của Việt Nam và nhân loại. Nhận định Hồ Chí Minh là con người của nền văn hóa tương lai – nền văn hóa của sự tích hợp văn hóa Đông - Tây trên nền tảng một chủ nghĩa nhân văn mới, là một nhận định đúng, soi tỏ khía cạnh nhà văn hóa lớn của Hồ Chí Minh. Trong những cái góp phần làm nên nhà văn hóa lớn, thơ ca, cái tinh hoa của văn hóa, quả đã góp phần vô giá.

"Quế Lâm vô quế diệc vô lâm" - thơ Hồ Chí Minh
Làm thơ ta vốn không ham (Lão phu nguyên bất ái ngâm thi 老夫原不愛吟詩): Đó là một lời tự bạch chân thành, và Hồ Chí Minh đã nói như vậy nhiều lần. Khi thì nói vì “việc quân đang bận nên chưa làm thơ được” (Quân vụ nhưng mang vị tố thi 軍務仍忙未做詩), khi thì nói là vì “việc chống Mỹ cứu nước hoàn toàn chiếm lĩnh tâm tư” (Khả thị kháng Mỹ cứu quốc sự/ Hoàn toàn chiếm lĩnh ngã tâm tư 可是抗美救國事/ 完全佔領我心思) nên chưa “phụng họa” lại thơ tặng của một nhà cách mạng nước ngoài… Không muốn làm nhà thơ mà Hồ Chí Minh đã trở thành một nhà thơ hay và lớn, chính vì sự vô tư đó đối với thơ. Làm thơ có bao giờ là một cái nghề – làm thơ là một cái nghiệp. Thơ là một số phận, một cảnh ngộ, một cảm hứng vụt hiện, chợt đến, thơ là một sự thôi thúc từ bên trong bắt buộc phải viết thành vần điệu. Nhiều khi là viết cho mình, mình tâm sự, giãi bày với chính mình, tự mình khuyến khích mình (“tự miễn”), chứ không phải để giáo dục ai, nó như một thứ “nhật ký” và thơ Nhật ký trong tù là viết với cái ý ấy.
Chính vì thế mà nó chân thực và chân thành. Và cũng thật trong sáng: viết không mong hay mà tự hay, không định lớn mà tự lớn.
Nhật ký trong tù đã được nhiều nhà văn trong nước và thế giới phẩm bình. Có nhiều lời bình tóm được cái thần thái của thơ Hồ, như lời của G. Boudarel, một người Pháp, nói: “một cốt cách cổ điển trong một sáng tạo hiện đại” hay lời của Quách Mạt Nhược (Trung Quốc) nói rằng trong tập thơ ấy có những bài giá đem đặt vào giữa thơ Đường, thơ Tống cũng không thẹn, hoặc lời bình của Harrison Salisbury (Hoa Kỳ): “một cá tính chan hòa cả sự cương nghị với sự rung cảm”. Đánh giá của Quách Mạt Nhược là lời đánh giá của một người vốn ý thức rằng thơ Đường, Tống thuộc đỉnh cao nhất của thơ nhân loại.
Chúng ta, người Việt Nam, đọc thơ Hồ Chí Minh, chúng ta thấy Bác sao gần gũi với mình, với con người thường, mà vẫn lớn. Rồi thì thấy sao Bác có thể quên mình, yêu người, yêu đồng loại, nhân loại với một tình thương mênh mông đến như vậy?
Ở trong tù, Bác sống cảnh khổ của người tù và không tách rời nhân loại. Có thể nói có một nhân loại đau khổ, bi thống diễu hành trong Nhật ký trong tù. Tiếng khóc của đứa bé theo mẹ vào nhà pha trong ngục Tân Dương; một người tù cờ bạc “thống khổ cơ hàn” đêm qua còn ngủ cạnh Bác, sáng nay đã chết rồi; nước mắt của người vợ đi thăm chồng đứng ngoài song cửa sắt nhà tù…, Bác quan tâm và chia sẻ với tất cả. Hơn nữa, Bác hòa mình bình đẳng trong cái nhân loại ấy: “Đầy mình đỏ tía như hoa gấm/ Sột soạt chân tay tựa gảy đàn/ Mặc gấm, bạn tù đều khách quý/ Gảy đàn trong ngục thảy tri âm” (Mãn thân hồng lục như xuyên cẩm/ Thành nhật lao tao tự cổ cầm/ Xuyên cẩm, tù trung đô quý khách/ Cổ cầm, nạn hữu tận tri âm 滿身紅綠如穿錦 / 成日撈搔似鼓琴 / 穿錦囚中都貴客 / 鼓琴難友盡知音, bài Lại sang 癩瘡 - Ghẻ lở). Cái nhân loại nhỏ bé và bất hạnh ấy thật đáng thương, đáng khóc, đáng cười; và Bác thật sự thấy nhói đau, thấy xuất hiện trong mình “một vùng đau mới” – như L. Tônxtôi quan niệm – trước “nỗi thống khổ của toàn nhân loại” (Đôxtôiépxki). Bác không là Phật ngự trên bến Giác nhìn chúng sinh, Bác cũng là một trong chúng sinh: tôi nghĩ đến những tình cảm đau đớn bi thiết về kiếp người của Nguyễn Du trong Văn chiêu hồn, nhưng ở đây, ngoài ra, Bác là một chúng sinh - cách mạng.
Ở trong tù, ngoài những nạn nhân, còn có kẻ thống trị, những cai ngục, ban trưởng, lính canh… Bác ghi nhận những nét “người”, chất “người” trong họ, với một niềm vui, tin ở bản chất người, ở con người: “Thế giới nhưng tồn giá chủng nhân” (世界仍存這種人). Trên đời, thì ra vẫn còn những con người có lòng tốt; lòng tốt – cái ánh lửa ấm trong đêm đông tù ngục. Điều đó làm Bác thích thú, hạnh phúc, vì không bao giờ Bác mất lòng tin ở con người, cho dẫu trong tù Bác bị hành hạ, bị đối xử oan khốc…
Và đó mới là cái cảm thức nhân loại đích thực trong thơ Bác. Còn sự hòa quyện với thiên nhiên, xem thiên nhiên như người bạn cố tri, vốn là truyền thống lớn của thơ phương Đông, thơ dân tộc, từ Lý Trần, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… thì Bác vẫn nối tiếp và phát huy, qua tâm hồn của một chiến sĩ đấu tranh cho độc lập, tự do.
Tự do, đó là cảm hứng chính yếu của Nhật ký trong tù. Còn gì giản dị hơn người tù khao khát tự do. Bác nhắc lại cái ý tự nghìn xưa: một ngày trong tù bằng nghìn năm ở ngoài. Nhật ký trong tù có hơn 100 bài thì có đến 12 bài trực tiếp nhắc đến tự do, và có khoảng 10 bài nói về cảm hứng ấy.
Tự do, trong thơ Bác có nhiều hàm nghĩa. Trước hết, nghĩa thông thường, bị tù là mất tự do, và với một người thiết tha đấu tranh cho lý tưởng của mình thì sự mất tự do ấy là một đau khổ. “Trời xanh cố ý cản chim bằng” - “Xót mình giam hãm trong tù ngục, không được xông ra giữa trận tiền”, giữa lúc tình hình đang mau lẹ chuyển sang một bước ngoặt mới. Vì thế mà “hòa lệ thành thơ tả nỗi này”, vì thế mà “đáng khóc mà ta cứ hát tràn” (bản ưng thống khốc khước cuồng ca 本應痛哭卻狂歌).
Nhưng trong cái mất tự do ấy, Bác tìm cho mình một sự tự do nội tâm, một sự tự do tinh thần nhờ vượt cao hơn hoàn cảnh. Do đó Bác vẫn thấy mình là “khách tiên”, “khách tự do” trong tù. Đã có người nhận xét về con người Bác như là một sự thoát xác khỏi vật chất để hiển hiện một sự hiền minh.
Vậy là nhân loại và tự do là hai hằng số trong thơ Bác, đặc biệt là thơ trong Nhật ký trong tù.
Cuộc sống, con người, hoàn cảnh… trong Nhật ký trong tù là một tấn kịch. Đó là một thảm kịch và là một hài kịch. Là một chiến sĩ kiên cường đấu tranh cho độc lập, tự do, Hồ Chí Minh cứng rắn tựa kim cương “không chịu lùi một phân” trong những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất. Song từ cái tinh thần kiên cường đó, Bác Hồ thông cảm với tất cả những số phận, những tai ương mà những con người bé nhỏ phải hứng chịu của hoàn cảnh. Và đi đôi với lòng thương, sự thấu hiểu, là một nụ cười châm biếm luôn luôn hiện diện trong thơ. Có thể nói Hồ Chí Minh không bỏ lỡ một dịp nào trong việc phát hiện những mâu thuẫn, những nghịch lý… trong sự vật và con người – để từ đó viết nên những bài thơ dí dỏm, hóm hỉnh, nực cười… Hơn bất cứ một nhà thơ chữ Hán luật Đường nào khác, Hồ Chí Minh yêu thích châm biếm, hài hước. Đó cũng là một nét Người nổi bật ở Hồ Chí Minh. Sâu sắc về mặt nhìn nhận cuộc sống, tài hoa trong cách nhìn thiên nhiên, xúc động trong những tình cảm đối với con người, hài hước trong khi tiếp cận con người, sự vật… Hồ Chí Minh là một nhà thơ có một phong cách riêng đa dạng.
Thơ Hồ Chí Minh, sau đó sẽ còn biết bao nhiêu bài hay. Những bài thơ nôm na “mấy lời thành thật, nôm na; vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”, những bài thơ có ý vị cổ kính của Đường thi với những là “phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì”(批札春花照硯池), “sơn lâu chung hưởng kinh thu mộng”(山樓鐘響驚秋夢), những là “tiệp báo tần lai lao dịch mã”(捷報頻來勞驛馬)… trong thơ chữ Hán. Và dung dị hóm hỉnh… khi nó chuyển sang giọng “câu cửa miệng” thân mật: “Lục khắp giấy tờ vần chưa thấy/ Bỗng nghe vần thắng vút lên cao” hay: “Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm/ Vẫn vững hai vai việc nước nhà”… Đó cũng là một nét trong việc dân chủ hóa thơ văn của Hồ Chí Minh.
Những bài thơ chữ Hán, Hồ Chí Minh làm ở Trung Quốc, hoặc “xướng họa” với các bạn bè Trung Quốc, có một phong vị riêng. Gần năm chục bài thơ chữ Hán về đề tài này mới sưu tầm được, hé mở cho ta thấy thêm những khía cạnh của con người Hồ Chí Minh trong những quan hệ quốc tế. Và đó cũng vẫn là con người nhân loại. Bác thấu hiểu ngọn nguồn của nền văn hóa Trung Hoa, hiểu và yêu con người, đất nước Trung Hoa. Những bài thơ ấy sẽ là một kỷ niệm đẹp, ghi dấu ấn một thời kỳ lịch sử cao thượng và lãng mạn cách mạng của cả hai dân tộc.
Dù hoa lệ, cổ kính hay tự nhiên, hóm hỉnh…, dù theo đúng giọng thơ tuyệt cú truyền thống hay sáng tạo ra một thi pháp mới tự do phóng khoáng của riêng mình (“thơ Hồ đấy chứ, thơ Đường đâu” – nghe nói có một lần Bác đã trả lời các cụ phụ lão thế), thơ Bác làm trong hoàn cảnh nào, ở đâu, trước sau vẫn là của con người Bác, con người hòa đồng cùng nhân loại mà rất Việt Nam, con người ưu ái và kiên quyết, con người yêu thiên nhiên và yêu cầu có “chất thép” trong thơ, con người tổng hợp trong mình tinh hoa văn hóa Đông Tây và của cả ca dao tục ngữ, truyện cười dân gian Việt Nam…, con người không giữ một cái gì cho riêng mình mà lại có một cái riêng không gì sánh được. Thời gian trôi qua với biết bao biên đổi: “mỗi trang lịch sử mấy trùng biển dâu” như lời của Bác, con người Bác vẫn là một hiện tượng toàn nhân loại và được toàn nhân loại tiếp nhận. Bác là hoa trái của thời đại và của dân tộc, hoa trái của một nền văn minh, một chủ nghĩa nhân văn mới; và hòa đồng vào nhân loại, Bác là vĩnh cửu. Chỉ có lòng yêu thương của mọi người đối với Bác ở bốn phương trời là ngang tầm với sự vĩnh cửu ấy.
_____
(1) Theo Oxip Mandenxtam, 1923, trên tạp chí Ngọn Lửa Nhỏ
(2) Humour (tiếng Pháp): tính châm biếm, hóm hỉnh.