Cha và em bị giặc giết, nhưng ông và cháu được tha và được dùng vì “có tài”. Ông chế được súng “thần cơ”. Khi giặc Minh đánh vào Đại Việt, ông tâu “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo” (Đại Việt Sử ký toàn thư, t.3, tr.328). Tương truyền ông là kiến trúc sư thành nhà Hồ ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa mà nay UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Hồ Nguyên Trừng chế ra được súng thần cơ, dâng lên vua nhà Minh
Ở Yên Kinh, Hồ Nguyên Trừng làm quan; cuối đời (khoảng 1438) viết “hồi ký” Nam ông mộng lục (ghi lại giấc mộng của ông già phương Nam), gồm 31 thiên. Hiện còn 28 thiên. Dưới đây mời bạn đọc thưởng thức một thiên trong sách ấy.
HỒN VIỆT
Y THIỆN DỤNG TÂM (THẦY THUỐC TỪ TÂM)
“Ông ngoại của tổ tiên tôi là Phạm Công, húy Bân, dòng dõi nhà làm thuốc, được Trần Anh Tông cho giữ chức Thái y. Ông thường vét hết tiền của để tích trữ thuốc tốt và lúa gạo. Người nào côi cút, khổ sở mà bị bệnh tật thì được cụ cho ở tại nhà mình để cung cấp cơm cháo và cứu chữa cho, dù có máu mủ dầm dề cũng không chút ghê tởm. Cứ như vậy, kẻ đến chờ chữa cho khỏi bệnh rồi mới đi, trên giường không lúc nào vắng người.
Bỗng mấy năm liền đói kém, bệnh dịch lan tràn. Cụ bèn dựng nhà cửa cho kẻ khổ nghèo ở, nhờ đó mà số người đói khát, bệnh tật được cứu sống có tới hơn một nghìn, tên tuổi của cụ được đương thời trọng vọng.
Một hôm có người đến gõ cửa khẩn thiết mời cụ rằng: “Trong nhà có người vợ bỗng dưng bị máu ra như xối, mặt mày tái nhợt”. Cụ nghe xong, vội vã đi ngay. Vừa ra khỏi cửa thì gặp người do nhà vua sai tới, nói: “Trong cung có một vị quý nhân đang lên cơn sốt rét, nhà vua cho vời cụ vào xem”. Cụ đáp: “Bệnh ấy không vội. Hiện nay đang có người tính mệnh chỉ còn trong chốt lạt, để tôi đi cứu đã, chốc nữa sẽ vào cung ngay”.
Sứ giả tức giận nói: “Phận làm bề tôi, sao được như vậy? Ông muốn cứu tính mệnh của người kia mà không cứu tính mệnh của ông ư?”. Cụ đáp: “Tôi thật có tội nhưng cũng chẳng biết làm thế nào nữa! Nếu không cứu người ta, thì họ sẽ chết trong chốc lát, còn trông mong vào đâu được. Tính mệnh của bề tôi mọn này trông vào Chúa thượng, may ra khỏi chết, còn các tội khác đều xin cam chịu”.
Thế rồi, cụ đi cứu chữa cho kẻ kia, quả nhiên người ấy qua được. Liền sau đó, cụ đến yết kiến nhà vua. Vua quở trách, cụ bỏ mũ xuống tạ tội và giãi bày thực tâm của mình. Vua mừng rỡ nói: “Ngươi thật là một lương y, đã giỏi tay nghề lại có lòng nhân đức để cứu dân lành, thật xứng đáng với lòng mong mỏi của ta”.
Về sau con cháu cụ có đến hai ba người là người thầy thuốc giỏi, làm quan tới tứ phẩm ngũ phẩm, người đời ai cũng khen là không để mất nghiệp nhà.
(Bản dịch của Nguyễn Đức Vân – Tuấn Nghi, Thơ văn Lý – Trần, t.3, 1978)