Gần đây, nhóm Cựu giáo chức trường Quốc học và Đồng Khánh Huế thực hiện một dĩa thơ nhạc đặc biệt: “Hò ru em” với giọng hò của hai nghệ nhân lão thành: Minh Mẫn và Thanh Hương.
Hò ru em, qua thời gian, và dù trải lắm thăng trầm, muôn đời là những câu hò, một hình thái thơ nhạc trong sinh hoạt đời sống hằng ngày. Đó là một mục sinh hoạt ngày thường đúng nghĩa, bởi lẽ chị ru em, mẹ ru con, bà ru cháu, có ai nghĩ là mình đang làm… nghệ thuật đâu.
Hò ru em là một điệu ngân nga lời thơ. Thơ thông thường là ca dao. Cũng có khi trích lời thơ từ các tác phẩm văn học, nhưng người ru chẳng buồn biết đó là tác phẩm văn học, chỉ biết đó là những câu thuộc nằm lòng, được truyền miệng, như trường hợp “lẩy Kiều”.
Tất cả nghệ thuật và kỹ thuật của hò ru em được xây nền trên sự “láy lại”. Nhịp võng đưa, vâng theo chuyển động con lắc, là một nhịp láy lại triền miên. Thêm vào đó là tiếng “à ơi” xen giữa từng phần câu thơ, có thể lặp đi lặp lại, gia giảm tùy người ru, tùy theo nhịp thở, tùy theo tâm tư, có khi tưởng chừng như tiếng ngân nga giãn nở “vô tuyệt kỳ”.

Mẹ và con – tranh của Lê Thị Lựu
Đứa con là hình ảnh thu nhỏ của chính mình và nếu quả như vậy thì đó là khuôn mặt sẽ còn thiên biến vạn hóa của bất khả tri: con ơi, con là một ẩn số (“mai kia mốt nọ…”, “biết đâu rồi chẳng…”). Đó là mầm mống của âu lo tượng hình trong lòng người đang cất tiếng ru.
Hò ru em chung quy là độc thoại của người mẹ thông qua lời truyền khẩu của ông cha để lại. Bên cạnh những lời bâng quơ miêu tả thiên nhiên, thời tiết, làng nước, thì những câu được chọn ru nhiều hơn cả là những câu có “đụng chạm” ít nhiều đến bản thân người ru.
Và những câu thơ này, từ trí nhớ hiện ra, trở thành lời của mình, nâng lên thành lời diễn ngâm và nhóm sắc thái chủ quan một phần nào đó. Ta có thể nhận ra điều này khi nghe cùng một câu ca dao, được hò ru qua nhiều người khác nhau: mỗi câu sẽ kinh qua một kênh giọng riêng, mỗi giọng sẽ tỏ ra một âm sắc riêng và âm sắc này ấp ủ sắc thái của tâm hồn.
Thậm chí, không những giữa người ru này với người ru kia có nét riêng biệt đã đành, lại còn có nét riêng qua từng thời khắc khác nhau từ chính một người hò tới lui một câu hò ấy. Cũng ngần ấy chữ trong câu, vậy mà tùy theo người này, người khác, lối xướng âm này, âm kia khác lạ hẳn đi, chữ nào đó lên bổng xuống trầm, âm nào đó kéo dài hẳn ra, hay là láy lại, hay chỉ lướt qua, bỗng đâu vang trội hẳn lên…
Ru em còn là một dịp giãi bày khúc nôi, hé lộ tâm tình, trút lòng ra cho vơi bớt những gì ấm ức, nặng lòng. Cho nên, trong nhiều trường hợp ru em khoác màu sắc của một viện cớ, mà người ru có thể là người đóng thế cho nhân vật trong câu ca dao và yên ổn sống trong tình huống ngoại phạm chính đáng. Loại độc thoại này, và cũng chính vì là độc thoại, tất nhiên là “độc thoại mẹ”, qua đó người mẹ là trung tâm bất luận đến những vòng tròn âm thanh khuếch tán xung quanh.

Ru em.
Chẳng phải như thế sao: lời ru cuốn hút lời ru, con chưa ngủ mẹ ru, con ngủ rồi mẹ vẫn ru. Sao cho bao nhiêu lời ru gom góp lại làm thành trọn bài tâm sự mới thôi.
Hò ru em là một độc thoại ư? Giả như đó thuần túy là độc thoại thì vòng tròn âm thanh sẽ lẩn quẩn vây bủa người xướng suốt mất thôi! Ai dại gì bện lấy cho mình chiếc dây thòng lọng, ai không dưng tự siết cổ mình? Đó hẳn nhiên là một cuộc đối thoại mẹ con, nhưng qua đó chỉ có mẹ là lên tiếng. Vẫn là đối thoại.
Hò ru em không những gửi gắm riêng cho mỗi đứa bé, mà còn cho người khác (có như vậy dân gian mới thưởng thức hò ru em rộng rãi). Bao nhiêu người khác trong nhà nghe được câu hò, hàng xóm cũng lõm bõm câu được câu mất giữa bao nhiêu thính giả run rủi này, chỉ riêng một người được lời ru nhắm đến: đó là người đàn ông trong gia đình.
Không hẹn mà nên, hò ru em có thể trở thành cuộc đối thoại tay ba, qua đó trước sau vẫn độc một người phát ngôn: người mẹ ru, hai người còn lại đều im lặng.
Trong đối thoại tay ba diệu kỳ và hy hữu này, nhân vật duy nhất khai thác được lời ru – khai thác theo nghĩa tích lũy và sản sinh - không ngờ lại là đứa bé bởi vì chỉ nhờ đứa bé lời ru mới có tương lai. (Chính vì vậy, ta nên cho các con, các cháu nghe nhiều nhiều tiếng hò ru em!).
Sự khai thác được khởi đi từ sự ghi nhận thụ động âm thanh và chữ nghĩa vào luồng vô thức. Và viễn tượng của âm thanh là ngôn ngữ hình thành tuần tự từ chắp nối, lắp ghép từng con chữ sẽ có những chữ rơi rụng như từng mảnh khảm không dính chắc vào não bộ nhưng ngược lại cũng sẽ có những từ, những âm đọng lại sinh sôi, và kết quả sẽ là những lời (lời nói, câu viết, và luôn cả lời ca, câu thơ…) cùng bao nhiêu hình tượng…

Xóm trúc – tranh lụa – họa sĩ Phạm Thị Tâm.
Trước mặt mẹ, con tiếp nhận lời ru bằng vô thức và nếu như tri giác chưa thể tiếp nhận nội dung của lời, thì thính giác vẫn rộng mở đón làn điệu ru hời. Sau lưng mẹ là một người vắng mặt: đó là người cha. Người cha không hiện diện, cha ở ngoài căn buồng, ở sau một vách ngăn, hay ở đâu đó trong nhà, ngoài vườn, có khi còn ở xa hơn. Và trong trường hợp người cha không để lọt tai những lời ru gửi riêng đó, biết đâu chẳng có một người thứ ba tự nguyện làm trung chuyển? Những câu ru như:
Bông lài, bông lý, bông ngâu
Chẳng bằng bông bưởi thơm lâu dịu dàng.
Hay là:
Chàng ràng chi lắm bướm ơi!
Đậu mô thì đậu một nơi cho thành.
Đúng là những câu hò mà nhạc điệu dành hết cho con, những nội dung thì trao gửi cho người bạn đời. Người phụ nữ bao giờ cũng có tâm sự, cần thở than, giãi bày, gửi gắm. Người đàn ông thì suốt đời phạm tội, kể từ cái tội công sức đổ ra nuôi con sút kém nhiều so với vợ mình. Ấy vậy mà một cuộc đối thoại vợ chồng trực tiếp, thẳng mặt, bình đẳng, bao giờ cũng khó thực hiện và hiệu quả vô cùng phi phỏng. Đứa con, trong cán cân tình cảm, trong chủ quan của mẹ dưới mọi khía cạnh của nguyên nhân, đương nhiên đứng chung về phía mẹ. Trong trường hợp này, lời ru có cái dịu dụng là “truyền âm nhập mật”.
Hò ru em sẽ trường thọ muôn đời và không biết chừng cũng cần cho người lớn. Vẫn biết phải cần thêm nhiều phụ gia, nhiều pha phách. Như Trịnh Công Sơn đã từng ru và ru suốt đời mình. Cuộc đời biến đổi bao nhiêu, chiếc nôi vẫn là ngôi trường đầu tiên của con người.