Từ 21 đến 23/11/2009, “Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới” lần thứ nhất được tổ chức trọng thể tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Lần đầu tiên, gần 900 đại biểu đại diện cho các cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở hơn 50 quốc gia trên thế giới có dịp tề tựu trong buổi gặp gỡ mang chủ đề “Vì một cộng đồng đoàn kết vững mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước”. Với không ít người, đó là cuộc hành hương về nguồn, một chuyến trở về ngập tràn cảm xúc…
Có thể dùng hình ảnh những mạch máu li ti trong cơ thể cùng dồn về mạch chủ, đưa dòng máu chảy trở lại con tim, hay hình ảnh của những lạch sông, con suối len lỏi băng qua núi rừng đến với dòng sông lớn để nói về dòng người đổ về sân bay quốc tế Nội Bài sáng ngày 20/11 hôm ấy. Một ngày trước khi hội nghị chính thức khai mạc, Ban tổ chức (Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) đã có bộ phận đón tiếp đại biểu ngay tại sân bay. Hàng trăm người từ nhiều nơi trong nước và nước ngoài dồn dập đáp xuống Nội Bài, khiến sân bay mỗi lúc một thêm nhộn nhịp. Người về từ Pháp, Canada, Thái Lan, Ukraine, Nga, Mỹ… gặp nhau tay bắt mặt mừng.

Đại biểu kiều bào chụp hình kỷ niệm
với các em sinh viên – tình nguyện viên Hà Nội
trước Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Ảnh: Nguyễn Quốc.
Chớm đông, trời Hà Nội trở lạnh bất thường, nhiệt độ xuống tới 11-120C. Đường từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố không đông người lắm. Người đi xe máy mặc áo đơn áo kép, chùm khăn đội mũ. Thanh niên nam nữ mặc vét hay choàng áo khoác, chân đi giày. Người lớn tuổi hơn thì mặc áo bông, mang tất (vớ), đi dép.
Những cánh đồng lúa hai bên đường đã thu hoạch xong từ tháng trước, gốc rạ chẳng còn, nay để khô, chẳng mấy chốc sẽ nứt chân chim. Chỉ có vài ruộng su hào, bắp cải là còn xanh màu lá. Nhìn bề ngoài, làng quê (nói vậy cho thỏa lòng hoài niệm, vì nay đã là thành phố cả rồi) yên bình chuẩn bị đón đông. Người đi xa trở về tưởng như trong gió còn vương hương cốm mới, mùi khói đốt rạ hay lá khô cháy. Lại tự hỏi đến chừng nào cây lá khúc mới lại mọc khắp cánh đồng để trẻ con co ro đi hái về cho mẹ giã bột làm bánh (xôi bánh khúc)…
Khách sạn Thắng Lợi giống một khu nghỉ mát hơn là một khách sạn. Các khu nhà ít tầng được xây dựng trên một diện tích rộng lớn, mặt chính nhìn ra đường Nghi Tàm, mặt kia hướng về phía hồ, vị trí thật lý tưởng. Trong khuôn viên khách sạn có một cây hoàng lan đại thụ, những đóa hoa vàng thơm nức một thời ký ức tuổi thơ tôi. Từ ban-công căn phòng tôi ở có thể thỏa thích ngắm nhìn Hồ Tây mênh mông. Nước hồ lăn tăn trong cơn gió se lạnh. Trời không nắng, không gian xam xám tựa như khi trời chiều.
Đường về khách sạn đi ngang chợ hoa lớn của thành phố. Hôm đó là Ngày nhà giáo Việt Nam (20-11) nên Hà Nội đặc biệt nhiều hoa. Trước khi rẽ vào khách sạn, ngay đầu đường Nghi Tàm, có một dãy xe đạp bày bán hoa trên xe. Giữa tiết lạnh đầu đông, cảnh tượng nên thơ ấy dễ làm người đi xa trở về nao lòng nhớ về những gánh hàng hoa xa xưa…
2
Thu xếp xong chỗ ở, chúng tôi lấy taxi rủ nhau ra phố đi ăn. Đối với khách ở nơi xa đến, có thể coi các tài xế taxi như là những “sứ giả” đầu tiên của Thủ đô mà họ được tiếp xúc. Những ngày lưu lại Hà Nội, các tài xế taxi không chỉ giúp chúng tôi đi lại mà đôi khi “kiêm” luôn cả vai trò hướng dẫn viên du lịch.
Cậu lái xe nhanh nhảu: “Cháu đưa các chú, các bác tới nhà hàng Sen gần đây, món gì cũng có, lại đã bày sẵn hết rồi (ăn buffet), không phải đợi lâu đâu”. Đó là một khu nhà hàng rộng lớn, có thể chứa rất nhiều thực khách cùng một lúc. Ngoài những món ăn quốc tế thông dụng, khách Việt kiều có thể ăn ốc luộc, bún riêu, bún chả, bánh cuốn, bánh tôm… tùy thích. Tiếc là chúng tôi không thể ngồi lâu để nếm đủ mọi món.
Lại gọi taxi: “Cho tôi đi mua mấy lạng trà sen, sau đó cho tôi xuống Hàng Gai, Hàng Đào” - “Sao “bác” lại đến Mai Hắc Đế, muốn mua trà ướp sen chính hiệu phải đến tiệm X. ở số Y. phố Hàng Muối ấy!” – anh lái xe khuyên tôi. Một số cửa tiệm ở khu phố cổ Hà Nội bây giờ có bán loại trà san tuyết Hà Giang ướp nhụy sen thiên nhiên, theo đúng cách của ông bà ngày xưa. Đó là thứ trà sen thượng hạng, làm rất công phu. Khách muốn mua nhiều phải dặn trước, bởi không phải lúc nào cũng có sẵn. Tất nhiên, mỗi tiệm đều có “bí quyết gia truyền”, nên tuy cùng là trà ướp sen nhưng hương vị không hoàn toàn giống nhau.
Tới Hàng Quạt để nhờ làm con dấu, tôi được trò chuyện với ông chủ tiệm, một nghệ nhân. Ông kể, nhà ông có truyền thống làm khuôn bánh, khuôn oản… bằng gỗ, nay thêm nghề khắc dấu. Gian hàng của ông rất nhỏ, chỉ trải lọt chiếc chiếu, nhưng được rất nhiều du khách nước ngoài biết đến, nhất là người Nhật. Tôi đặt khắc một con dấu tên tôi viết bằng tiếng Trung theo kiểu chữ Triện, con dấu làm bằng sừng, và một số con dấu gỗ khác có hình rặng tre, chú bé chăn trâu, thôn nữ quảy gánh… Tối hôm đó “hàng” được giao đúng hẹn tại khách sạn.
Phố Hàng Đào bây giờ là phố của những tiệm buôn bán sỉ quần áo. Còn đâu dáng dấp con phố nổi tiếng nhất khu 36 phố phường xưa với những gian hàng tơ lụa kỳ ảo và những cô chủ giỏi giang xinh đẹp. Quần áo bày bán ở đây hầu hết đều xuất xứ từ Trung Quốc. Hàng thủ công tơ tằm chuyển sang phố Hàng Gai cả rồi. Một số khác thì nằm trên đường Hàng Trống, cùng với các tiệm bán đồ mỹ nghệ. Tôi ghé một cửa hàng bán khăn, áo thêu tay. Gia đình này đã có ba đời làm nghề thêu.
Khách không chỉ được ngắm nghía thỏa thích mà còn được nghe ông chủ nói chuyện về nghề thêu, cũng thú vị lắm. Ngay góc Hàng Gai rẽ sang Hàng Trống có một chị bán chuối, mấy lần đi ngang tôi đều thấy có một “ông” Tây mượn đôi quang gánh của chị đặt lên vai chụp ảnh, trông thật tức cười và dễ thương…
3
Suốt ba ngày diễn ra hội nghị, sau khi dùng bữa sáng ở khách sạn, ngày nào các đại biểu cũng được đoàn xe ca đưa đến Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Ô tô cảnh sát hụ còi, chớp đèn đi trước dẫn đường cho đoàn xe. Phía trên cổng vào trung tâm căng một tấm băng-rôn chào mừng kiều bào về dự hội nghị. Một chiếc trống đồng Ngọc Lũ (mô hình) thật lớn đứng sừng sững giữa đại sảnh rộng lớn của trung tâm. Bà con thi nhau chụp ảnh với trống đồng để làm kỷ niệm.
Sau lễ khai mạc, các đại biểu chia thành bốn nhóm để làm việc: Nhóm doanh nhân, nhóm trí thức - khoa học kỹ thuật, nhóm văn hóa - văn nghệ và nhóm hoạt động cộng đồng. Tất cả các phòng họp đều có một, hai Thứ trưởng của các Bộ liên quan tham gia đoàn chủ tịch chủ trì hội nghị. Giờ giải lao giữa buổi có trà, cà phê, bánh, trái cây. Các đại biểu cùng dùng cơm trưa tại nhà ăn của trung tâm, buổi cơm tối tại khách sạn.
Chiều ngày làm việc thứ hai, các đại biểu được đi tham quan Bảo tàng dân tộc học, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Trường Đại học Bách Khoa… Tại hai viện bảo tàng, khách được Bộ Văn hóa chiêu đãi cơm tối và xem ca nhạc dân tộc. Làn quan họ thân thương và màn mời trầu cau tưởng như chẳng bao giờ còn gặp lại đã làm không ít người thổn thức. Đại nhạc hội “Việt Nam quê hương tôi” đêm 23/11 với sự tham gia của các diễn viên trong nước và hải ngoại chắc chắn sẽ là một trong những kỷ niệm khó phai với bà con khi trở về nước.
Cũng trong những ngày họp mặt ở Thủ đô, đại biểu kiều bào còn được các em sinh viên – tình nguyện viên thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao giúp đỡ rất nhiệt tình. Các em là hình ảnh của thế hệ thanh niên Việt Nam mới, năng động, giỏi giang, chủ động hội nhập với thế giới.
Bà con đều nhận thấy nỗ lực to lớn của Nhà nước, mà cụ thể là của Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, trong việc tổ chức “Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới” lần thứ nhất này.
Được trở về giữa vòng tay dang rộng của dân tộc là niềm hạnh phúc vô bờ của những người con xa xứ. Như Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tâm tình với bà con trong lễ khai mạc hội nghị: “Bà con là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam, chúng ta là con một nhà, chúng ta là con Lạc, cháu Hồng, cùng một bọc sinh ra”. Với bà con kiều bào ở khắp năm châu, Hà Nội những ngày này thật ấm…