Họa sĩ Cao Thị Được: Hội họa là sự bí ẩn nhưng thật đam mê, hấp dẫn

Hình ảnh cô học trò trong chiếc áo dài trắng, tóc thắt bím, lần đầu tiên rụt rè đến ngôi trường trung học Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) trông rất… chân quê; vậy mà, ngoảnh đi, ngoảnh lại gần 30 năm, họa sĩ Cao Thị Được đã là “hiện tượng đáng nễ phục” trong mắt bạn bè cũ với gia tài hội họa đồ sộ.

Giữa hàng trăm bức họa trong một cuộc triển lãm chung của các họa sĩ ở gallery trường Đại học Mỹ thuật, Hội Mỹ thuật hay Bảo tàng Mỹ thuật v.v.., khách thưởng ngoạn dễ dàng nhận ra thế giới sắc màu tươi, nguyên nổi bật, đường nét gãy khúc, mảng khối to, nhỏ gọn gàng của tranh Cao Thị Được. Những ấn tượng này đối với người xem dường như đã nhận thấy ngay từ cuộc triển lãm chung đề tài Huyền thoại Champa lần đầu tiên của chị ở gallery Lam Sơn vào năm 1995, cùng Mai Anh Dũng, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Hồng Sơn… Họa sĩ Cao Thị Được tạo được nét riêng trong tranh của mình rất sớm; điều đó tiếp tục được phát triển và được đúc kết qua cuộc triển lãm cá nhân lần đầu tiên khá quy mô tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh vào năm 2007. Chị đã khẳng định được một phong cách nghệ thuật độc đáo, với tính chất phối kết màu sắc thật hài hòa, ngọt ngào, vừa mô tả, vừa biểu đạt và cả điểm xuyết trang trí. Những gam màu tím, hồng, xanh dương, xanh lá, vàng đen…, có lúc làm người xem liên tưởng đến sắc màu tranh của các họa sĩ phương Tây: Klim, Gauguin, nhưng tính chất nhẹ nhàng phương Đông cũng như bút pháp mô tả thực tại cuộc sống đời thường vừa hiện thực, vừa cách điệu, tượng trưng và chút lung linh, huyền ảo trong sáng tác Cao Thị Được, bộc lộ sự độc đáo riêng biệt. Tuy chị không quan tâm vẽ theo khuynh hướng nào nhưng cũng có người đã gọi đó là xu hướng sáng tác “tân hiện thực”- theo cách đặt tên đề nghị của cố họa sĩ Trần Thanh Lâm (một cây bút lý luận mỹ thuật viết cho báo Văn Nghệ TPHCM thập niên 90, thế kỷ XX).

Đêm Tháp cổ

Champa là đề tài Cao Thị Được gắn bó gần suốt 20 năm. Những ngôi làng Chăm, dân tộc Chăm, sinh hoạt, phong tục, tạp quán người Chăm, sự uy nghi đầy bí ẩn của những ngọn tháp Chăm… luôn có sức hấp dẫn đối với chị ngay khi còn là sinh viên cho đến lúc ra trường, với vai trò giảng viên hướng dẫn sinh viên trường Đại học Mỹ thuật đi thực tập ở vùng đất Ninh Thuận, Bình Thuận. Xem tranh đề tài dân tộc Chăm, những ấn tượng mạnh mẽ về màu sắc và cả những câu chuyện kể trong tranh của chị thật hay, thật đẹp về lễ hội Katê, Đêm tháp cổ; về Già làng; về những người phụ nữ Chăm từ các buổi tan chợ, từ nghi thức truyền nghề gốm truyền thống trong gia đình… Tuy vậy, sau này, đề tài phong cảnh, phụ nữ, chân dung, khỏa thân và tĩnh vật cũng là mảng tranh được chị phóng bút, rộng mở. Hình tượng người phụ nữ trong tranh chị thật lãng mạn, nồng nàn với các bức Thiếu nữ tắm, Thiếu nữ ngủ, Khỏa thân tím, Khỏa thân vàng, Khỏa thân xanh. Đôi lúc, người xem còn bắt gặp hình ảnh “rất đời thường”, bộc lộ sự cảm thông của họa sĩ về người phụ nữ lao động nghèo thành phố bên chiếc xe bán trái cây, bán hàng rong cá thịt, rau củ, vất vả đẩy đi trong nắng, trong mưa của cuộc Mưu sinh, của Mưa Sài Gòn

Mảng tranh phong cảnh của Cao Thị Được được vẻ theo kiểu ấn tượng vừa mô tả những hình ảnh trước mắt, vừa vẻ theo cảm nhận nhịp điệu cuộc sống ở một vùng đất: Phong cảnh Sapa, Ấn tượng biển Nha Trang, Phong cảnh Phú Quốc, Xóm biển đêm, Phong cảnh Đà Lạt, Madagui… Mặt khác, Cao Thị Được thật tâm huyết khi cố gắng tái hiện cả không gian thực tại và không gian ký ức bằng những cảm xúc, những trải nghiệm của mình về vùng đất quê hương hồn hậu với bản sắc văn hóa phương Nam sâu lắng. Sự hòa quyện những cảm xúc này có thể được tìm thấy qua các bức: Ký ức thời gian, Giấc mơ Đồng Tháp, Phong cảnh miền Tây, Nhà sàn miền Tây, Mùa nước nổi, Đêm Tháp Mười, Đêm phương Nam, Tiếng đờn kìm…

***

Bão 2

Vẽ và sống. Cao Thị Được cho rằng, hội họa đã mang lại cho chị nhiều hạnh phúc, khám phá được nhiều chân trời xa và nhất là được bộc lộ những rung động, những cảm nhận và cả quan niệm, tình cảm của mình trước bao cảnh đời, bao chân dung khác nhau của con người trong cuộc sống. Nhìn lại con đường nghệ thuật với từng thời điểm đánh dấu bước thành công, Cao Thị Được tâm niệm: “Cuộc sống luôn thay đổi. Hội họa là sự bí ẩn nhưng thật đam mê, khiêu khích và hấp dẫn! Và, nghệ sĩ phải luôn dấn thân về phía trước”.

Kim Ửng