Đến phòng tranh của họa sĩ Đinh Ngọc Đạt (số 13 phố Trần Quý Cáp, TP Hội An, Quảng Nam) vào cuối giờ chiều vẫn thấy người đàn ông đã ngoài tuổi "tri thiên mệnh" đang say sưa phết keo dán những chiếc lông gà lên bức tranh dang dở. Căn gác tối om, nhưng đến khi chủ nhân kéo bức rèm bên hông cửa sổ lên, thì bốn bức tường xung quanh bỗng sáng bừng. Phố cổ Hội An với chùa Cầu, những khóm dừa, con đò, mái ngói cổ kính rêu phong… dần hiện rõ trong những bức tranh bằng một chất liệu lông gà.
Họa sĩ Đạt tâm sự, anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo bên dòng sông Hoài, nên tuổi thơ chưa bao giờ dám mơ có ngày theo nghiệp hội họa, dù từ bé anh đã sớm bộc lộ năng khiếu vẽ. Hôm ấy, khi đang ngồi chơi trước hiên nhà, nhìn thấy bộ lông sặc sỡ của chú gà trống tía ánh lên trong màu nắng tươi nguyên một buổi chiều hè, Đạt cảm thấy vô cùng thích thú. Ý muốn tặng thứ gì đó cho người bạn thân trước khi nhập ngũ chợt lóe lên trong tâm trí.
Và, "thứ gì đó" ấy chính là bức tranh làm bằng lông gà đầu tiên, tái hiện dáng vẻ cổ kính của chùa Cầu bắc qua con sông Hoài hiền hòa mà sau này, mỗi lần nhớ lại anh đều nhắc với nhiều tình cảm. Mười chín tuổi, Đạt vào bộ đội, đảm nhận trọng trách vẽ bản đồ cho đơn vị. Song, anh vẫn "nuôi mộng" về bức tranh lông gà đầu tiên của mình. Vì vậy, khi rời quân ngũ, mơ ước cứ lớn dần trong anh. Cộng với "chất lính" trong những năm quân ngũ đã cho anh sự quyết định mang tính đột phá trong hội họa và thành công…

Họa sĩ Đinh Ngọc Đạt đang sáng tác
Không qua bất cứ một trường lớp đào tạo hội họa nào, nhưng xem tranh của họa sĩ Đạt có thể nhận thấy rất rõ rằng ở chúng toát lên vẻ tự nhiên, sâu lắng, bất kể được thể hiện theo trường phái hiện thực hay trừu tượng. Anh cho biết: "Cấu tạo của chiếc lông gà giống một thân cây, tỏa nhiều nhánh như tóc của mình, nên không phải chiếc lông gà nào cũng dùng làm tranh được. Lông gà được chọn phải có màu sắc, kích cỡ thích hợp với đề tài mình muốn thể hiện trong tranh".
Để có được những chiếc lông gà nhiều màu như: nâu, đen, xám, trắng với nhiều sắc độ khác nhau, anh phải lân la khắp chợ hỏi mua. Lông gà sau khi cắt xong thì phơi khô, cho vào túi nylon để không bị hỏng và giữ được màu sắc ban đầu. Tiếp theo dùng bút chì phác thảo đề tài, rồi dán lông gà lên giấy nền. Đây cũng là khâu khó nhất, bởi đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn cao độ của người họa sĩ. Nếu vẽ tranh bình thường với nhiều chất liệu tạo hình khác nhau, người họa sĩ tự do chọn màu để sáng tạo, thì màu sắc lông gà có phần hạn chế hơn, chủ yếu là gam trầm...
35 năm kiên trì sáng tác, mái tóc của anh Đạt giờ đã lốm đốm sợi bạc. Nhưng niềm đam mê với tranh lông gà chưa bao giờ nguội tắt. Tranh của anh ngày càng được nhiều người biết đến, phần đông là du khách nước ngoài đến tham quan Hội An đều tìm đến đây chiêm ngưỡng với niềm thích thú, thán phục...