Chỉ sau năm vòng bầu cử, trong ngày thứ hai của Mật nghị Hồng y (conclave), 115 vị Hồng y – trong đó có Hồng y Jean-Baptiste Pham Minh Man (tiếng Việt là Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn), sinh năm 1934, là tổng giám mục Tổng Giáo phận TP Hồ Chí Minh của Việt Nam –
đã lựa chọn xong Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Thiên Chúa giáo, kế vị Giáo hoàng Benedictus XVI Joseph Aloisius Ratzinger, người Đức (tiếng Việt được dịch là Biển Đức XVI) từ nhiệm vào ngày 28/2/2013 vừa qua.
Cuộc bầu cử Giáo hoàng được cả thế giới theo dõi, và những ai được sống những giây phút đi vào lịch sử này đều cảm thấy được trải qua một thời gian “rất đặc biệt” trong đời họ. Một số giáo dân Việt Nam cũng có mặt trên quảng trường Saint Pierre tại Roma để tham dự lễ đăng quang của vị Giáo hoàng mới.
Thời đại hiện nay, trong hiện tượng toàn cầu hóa, đặt ra nhiều vấn đề cho lòng tin tôn giáo cũng như khả năng can thiệp, giải quyết của những tổ chức tôn giáo vào các vấn đề cơ bản trên bình diện chính trị, xã hội và văn hóa. Không ai có thể chối bỏ được ảnh hưởng của tôn giáo trên mọi bình diện, nhất là về chính trị, tôn giáo là động cơ phát sinh ra những cuộc “thánh chiến”, những sự kiện thay đổi với tầm mức quy mô, quan trọng.
Thiên Chúa giáo với con số khoảng 1,2 tỉ tín đồ trên thế giới là một thế lực rất lớn, vì nhiều lý do, mà trong đó có lý do nền tảng là phần lớn tín đồ Thiên Chúa giáo trên nhiều nước đều thuộc thành phần có học vấn, có tài sản, có liên hệ rộng rãi, đồng thời tại nhiều quốc gia đạo Thiên Chúa đã trở thành đạo dòng, bén rễ sâu đậm và rộng rãi từ nhiều đời người cho đến nay.
Vị Giáo hoàng mới, Hồng y Jorge Mario Bergoglio đến từ Argentina, 76 tuổi, chọn tên hiệu là Franciscus, tiếng La tinh (tiếng Việt là Phanxicô, tiếng Anh: Francis, tiếng Pháp: François, tiếng Đức: Franziskus), đã làm lễ đăng quang vào ngày 19/ 3/2013 tại Vatican, kế thừa tất cả những khó khăn của Giáo hoàng tiền nhiệm đã từ chức cùng những kỳ vọng của toàn thể giáo dân, một trọng trách không nhỏ và khó khăn. Con đường nào ở giữa truyền thống đạo đức và cái mới của xã hội loài người phức tạp?

Giáo hoàng Franciscus - Jorge Mario Bergoglio
Thí dụ như nước Pháp vừa trải qua một cuộc thảo luận sôi nổi trong mọi tầng lớp dân chúng về chủ đề cho phép người đồng tính luyến ái được kết hôn chính thức như vợ chồng (qua khẩu hiệu của chính quyền Hollande/Ayrault: “Mariage pour tous” - kết hôn cho tất cả). Đạo luật mới này chỉ là bước đầu tiên để đưa đến sự thay đổi hàng loạt các đạo luật khác có lợi cho người đồng tính luyến ái, nhưng đồng thời cũng có tác dụng sâu xa đến toàn cảnh xã hội và những quan niệm về đạo đức đang hiện hữu, đó là những thay đổi về thuế vụ, thừa kế, chuyển nhượng tài sản, nhận con nuôi, thuê phụ nữ mang thai đẻ con, mua bán tinh trùng, thay đổi luật lệ về hộ tịch (tên họ), thay đổi khái niệm “cha, mẹ” trong luật dân sự... Hơn 800.000 người đã biểu tình tràn đầy đường phố tại Paris vào ngày 13/1/2013 để chống đối luật lệ này, nhưng coi như là thất bại, vì một tháng sau đó Quốc hội Pháp với đa số phiếu của đảng Xã hội Pháp và cánh cực tả đã bầu thông đạo luật này vào ngày 12/2/2013 với 329 phiếu thuận và 229 phiếu chống của các dân biểu Quốc hội. Đạo luật “Kết hôn đồng tính luyến ái ” sẽ được Thượng viện Pháp biểu quyết vào ngày 2/4 sắp tới. Do đó, thành phần chống đối tích cực và đa số thầm lặng chuyển kỳ vọng vào ảnh hưởng của tôn giáo trong vấn đề “đồng tính luyến ái ”, một nhức nhối của xã hội đương đại. Báo chí Âu châu liệt kê một danh sách những vấn đề nổi nhất và lớn nhất đang chờ đợi được vị Tân Giáo hoàng giải quyết.
Thí dụ như vấn đề Vatileaks (hồ sơ mật của Vatican bị sao chép và bị đưa ra công chúng bởi những người hầu cận cựu Giáo hoàng), vấn đề ngân hàng của giáo hội IOR - Istituto per le Opere di Religione (tham nhũng và liên kết với Mafia), vấn đề cải tổ guồng máy hành chánh của Vatican (bè phái, thông tin ứ đọng, nhiều vấn đề thời sự không được giải quyết kịp thời), vấn đề nhiều tín đồ vì bất mãn đã rời bỏ giáo hội, vấn đề đạo đức tình dục (một vấn đề lớn của xã hội với nhiều chủ đề nóng như phá thai, ngừa thai, quan hệ tình dục không chính đáng, bạo dâm với trẻ con, cưỡng ép và xâm phạm tình dục, tình dục chỉ được chấp nhận trong quan hệ vợ chồng giữa hai người khác phái, sử dụng bao cao su, đồng tính luyến ái, cho phép các linh mục Thiên Chúa giáo được kết hôn...), vấn đề tuổi già và tiêu diệt người già (Euthanasie), vấn đề chia rẽ trong giáo hội (hồ sơ về hiệp hội La Fraternité sacerdotale Saint-Pie X, viết tắt là FSSPX, thành lập bởi Giám mục Erzbischof Marcel Lefebvre năm 1970 tại Thụy Sĩ).
Tài sản của Tòa thánh Vatican được tích lũy từ nhiều nguồn thu nhập. Tài sản tổng cộng của Tòa thánh lên đến một con số phỏng chừng là 6 tỉ USD, trong đó có 4 tỉ USD tiền lưu hành trong ngân hàng của Tòa thánh IOR.
Trong tổng số thu nhập có các nguồn lợi nhuận thu từ các cơ sở kinh tế như siêu thị, trạm đổ xăng, nhà thuốc tây, các cửa tiệm hàng hóa, quần áo, các cửa hàng bán quà lưu niệm... trên địa phận của Tòa thánh, các nguồn thu từ tiền tặng gom góp (khoảng 85 triệu euro mỗi năm), lợi nhuận từ tiền bán các đồng tiền Tòa thánh, tem đặc biệt, cho đến nguồn thu nhập từ việc cho thuê 2.400 ngôi nhà thuộc sở hữu của Tòa thánh, khối lượng vàng dự trữ của Tòa thánh ở New York - Mỹ, cộng thêm 850 sở hữu bất động sản trị giá 1,5 tỉ euro và vô số đồ vật nghệ thuật quý báu vô giá.
Hơn thế nữa, tại các quốc gia có đạo Thiên Chúa giáo là đạo dòng thì chính quyền trực thu thuế đóng góp cho Tòa thánh. Thí dụ như tại Đức thuế đóng cho nhà thờ được chính quyền lấy trực tiếp từ lương của công chức và công nhân viên (8% đến 9% trên căn bản thuế thu nhập, trong năm 2011 số tiền đánh thuế trực tiếp lên đến 4.380 triệu euro cho nhà thờ Tin Lành và 4.918 triệu euro cho nhà thờ Thiên Chúa giáo); tại Thụy Sĩ thuế nhà thờ được đánh lên đầu người tùy theo địa điểm hành chánh (Kanton) từ thấp nhất 0,25% ở Luzern cho đến cao nhất 24% ở St. Gallen; tại Ý thuế nhà thờ được trực thu là 8 phần ngàn; ở Tây Ban Nha thuế nhà thờ trực thu là 7%; ở Ba Lan chính quyền cung cấp một ngân quỹ khoảng 21,5 triệu euro cho nhà thờ (năm 2012)... Tại Pháp thì thuế nhà thờ bị bãi bỏ sau cuộc Cách mạng Dân chủ 1789 đến nay, chính quyền Pháp cung cấp một ngân quỹ trợ giúp cho nhà thờ và dân chúng đóng góp nhiều mỗi khi đi lễ, hay có lễ lạt cá nhân như đám cưới, đám tang, rửa tội... phỏng chừng nhà thờ tại Pháp có một nguồn thu nhập khoảng 700 triệu euro (không có số liệu chính xác).
Ngân quỹ sinh hoạt của Tòa thánh theo công bố năm 2008 là khoảng 356,8 triệu USD (chi tiêu) và 355,5 triệu USD (thu nhập).
Qua quá trình hoạt động của Hồng y Jorge Mario Bergoglio, người ta ghi nhận rằng, ông có nhiều quan điểm tiến bộ và cởi mở trên bình diện kinh tế và xã hội, mang danh vị “Hồng y của người nghèo”, nhưng ông bảo vệ truyền thống đạo đức của Thiên Chúa giáo, thí dụ như chống lại việc phá thai, chống việc “giải quyết” người già (Euthanasie), chống việc dùng bao cao su, chống việc cho phép các linh mục, nữ tu được kết hôn, chống việc kết hôn đồng tính luyến ái, chống toàn cầu hóa.
Ông đã tuyên bố : “Giống như hình ảnh của chế độ cộng sản, thất bại bởi những mâu thuẫn của chính chế độ, chính sách toàn cầu hóa cũng sẽ bị sụp đổ bởi những mâu thuẫn của chính nó... chúng ta không nên chán nản mà chấp nhận một cách thụ động sự đàn áp, khống chế của kinh tế. Trách nhiệm không chỉ là giảm thiểu các ngân quỹ quốc gia để đáp ứng thỏa mãn yêu cầu của thị trường tài chính” (trích Le Point, 14/3/2013).
Lời phát biểu của ông vào năm 2007 trong một dịp gặp gỡ của các Giám mục châu Mỹ La tinh nói rõ quan điểm của ông về sự kiện toàn cầu hóa: “Sự phân phối vật chất một cách bất công đã tạo nên một hoàn cảnh nhiều tội lỗi xã hội mà tiếng kêu thét vang lên đến tận Trời, và không cho các tín hữu được có khả năng có một đời sống đầy đủ ”.
Về chỗ đứng của Giáo hội Thiên Chúa giáo, ông đã phát biểu: “Khi chúng ta đi ra đường, chúng ta có thể bị tai nạn. Nhưng nếu giáo hội không mở cửa, không đi ra ngoài, chỉ lo riêng cho thân mình, thì giáo hội trở thành già nua. Nếu tôi được lựa chọn giữa một giáo hội mà khi ra đường thì bị gặp phải thương tích và một giáo hội bịnh hoạn, vì giáo hội ấy chỉ lo riêng cho bản thân mình, thì tôi không có một chút do dự nghi ngại nào cả: tôi sẽ chọn khả năng thứ nhất” (trích Der Spiegel, 13/3/2013).
Hồng y Jorge Mario Bergoglio sinh ngày 17/12/1936 tại Buenos Aires - Argentina trong một gia đình gồm có 5 người con. Cha ông, Mario Jose Bergoglio, là một nhân viên hỏa xa người gốc Ý (vùng Turin); mẹ ông, một phụ nữ người Ý tên là Regina Maria Sivori. Ông bà kết hôn vào tháng 12 năm 1935, nhập cư tại Argentina, nên Hồng y Jorge Mario Bergoglio có hai quốc tịch, Ý và Argentina, biết ít nhất các thứ tiếng Tây Ban Nha, Ý, La tinh, Đức. Khi còn trẻ vì bị viêm phổi nặng, một phần lá phổi bên phải của ông bị cắt bỏ.
Trước khi nhập học đạo Thiên Chúa trong dòng tu Jesuite (Dòng Tên) vào năm 1957 (21 tuổi) học về Thần học và Triết học, ông đã theo học một ngành kỹ thuật và tốt nghiệp về ngành Hóa học. Năm 1969 ông được thụ phong linh mục. Năm 1992 ông thụ phong Giám mục địa phận Buenos Aires. Năm 2001 được tấn phong Hồng y. Từ 2005 đến 2011, ông là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Argentina. Năm 2013 ông được Mật nghị Hồng y bầu làm Giáo hoàng giáo hội Thiên Chúa giáo.
Hồng y Jorge Mario Bergoglio có tiếng là một người bình dị, khiêm tốn, ít nói, thích sử dụng phương tiện chuyên chở công cộng hơn là xe hơi công vụ. Ông thích đá banh (là hội viên của hội ái hữu bóng đá Club Atlético San Lorenzo de Almagro từ ngày 12/3/2008), thích các tác giả Hölderlin, Borges và Dostoievski, thích xem phim Ý, nhạc kịch cổ điển (opera), nấu ăn, bơi lội.
Tuy nhiên, ngay sau khi kết quả bầu cử Giáo hoàng được công bố, những tiếng nói chỉ trích đã nổi lên, nhằm vào giai đoạn độc tài quân phiệt ở Argentina từ 1973 – 1979, lên án ông đã tiếp tay với chế độ độc tài, không cứu vớt và che chở những linh mục cũng thuộc dòng tu Jesuite như ông, để cho họ bị bắt giữ, bị tra tấn. Tòa thánh đã nhanh chóng lên tiếng phản biện.
Tuy có gốc Ý nhưng Hồng y Jorge Mario Bergoglio là Giáo hoàng đầu tiên của châu Mỹ La tinh, cũng là Giáo hoàng đầu tiên của Dòng Tên. Một giai đoạn lịch sử mới của tòa thánh Vatican và của giáo hội Thiên Chúa giáo dưới quyền của vị tân Giáo hoàng đang bắt đầu.
Roma,tháng 3/2013
--------------------
(*) Tiếng La tinh, có nghĩa là “Chúng ta đã có Đức Giáo hoàng Francis”.