Hai lần diện kiến Luật sư - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường

Tôi là Tô Ngọc Bảo, 79 tuổi quê gốc xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Tôi đọc hai bài viết của GS Nguyễn Văn Hoàn và GS-NGND Trần Thanh Đạm về LS.TS Nguyễn Mạnh Tường, một trí thức lớn yêu nước nhân 100 năm ngày sinh của ông.

Như hàng triệu người Việt Nam khác, tôi rất cảm kích; xin được “nối điêu” mấy dòng ký ức; vì tôi có may mắn được kiến diện một con người tôi từng ngưỡng vọng và kính trọng: LS.TS Nguyễn Mạnh Tường.

Lần thứ nhất. Năm 1947 (tôi không còn nhớ ngày tháng) khi cả nước đang trong giai đoạn quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp, về đêm, tại làng Trực Nội (nay là xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình diễn ra phiên tòa đại hình xét xử bị can là kẻ giết người, cướp của, người bị hại là ông Tô Văn Thép (người cùng họ của tôi, tôi gọi là chú họ). Bị can (hơn nửa thế kỷ, tôi không con nhớ tên) là gia đình con một, mồ côi cha; mẹ nuông chiều ăn chơi đua đòi.


Luật sư Nguyễn Mạnh Tường thời trẻ.

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường bào chữa cho bị cáo. Tôi nhớ luật sư viện dẫn phân tích từ hoàn cảnh gia đình (mồ côi cha, mẹ nuông chiều, nhà trường và xã hội thiếu sự chăm sóc giáo dục tuổi trẻ…, y lại lần đầu can tội do hoàn cảnh đưa đẩy, ít tính chủ động trong thủ ác).

Lúc ấy, tôi tuy chưa tới tuổi 17 nhưng cũng đã đủ để lĩnh hội được sự bào chữa của luật sư Nguyễn Mạnh Tường là có tính thuyết phục cao. Kết cục là bị cáo từ chỗ bị bên công tố đề nghị mức án tử hình… xuống còn 20 năm tù giam.

Theo dõi phiên toà từ đầu tới khi kết thúc, cũng như nhiều người dự khán phiên tòa hôm đó, tôi rất ngưỡng mộ luật sư Nguyễn Mạnh Tường.

Năm 1957. Đúng 10 năm sau, khi tôi đang theo học trung cấp sư phạm Trung ương ở Hà Nội, diễn ra sự kiện “Nhân văn giai phẩm” trong một lần được nghe nhà văn Nguyễn Khải tới nói chuyện về cuộc đấu tranh chống “Nhân văn giai phẩm”. Qua buổi nói chuyện, tôi được biết tham gia và có dính líu cũng có một số nhà văn, nghệ sĩ, trí thức có tên tuổi, trong đó có luật sư Nguyễn Mạnh Tường…

Tôi xúc động khi nghe tin “thần tượng” của mình bị hạ bệ!

Lần thứ hai…, chìm lắng trong một thời gian rất dài, mãi tới năm 1990, cũng vào tiết thu như bây giờ, trong buổi sinh hoạt CLB hưu trí tại số 2, phố Hoa Lư, quận Hai Bà Trưng – Hà Nội, tôi lại có may mắn được diện kiến luật sư Nguyễn Mạnh Tường. Bấy giờ, ông đã già, đi lại cử động chậm chạp; nhưng khi bước vào buổi nói chuyện ông tỏ ra rất minh mẫn và sôi nổi như năm nào (1947) khi ông bào chữa trước phiên tòa đại hình ở Trực Nội – Thái Bình. Hàng mấy trăm con người dự thính buổi nói chuyện hôm đó im phăng phắc hào hứng lắng nghe…

Ông kể về chuyến sang Pháp của ông, nơi tuổi trẻ ông theo học và thành danh. Ông mô tả khi ông tới và trở về thì bạn bè, đồng nghiệp, các học trò của ông nồng nhiệt chào đón, tiễn đưa ông ra sao. Có ý kiến đề xuất thành lập quỹ tài trợ cho ông ra sao, ông gạt đi, nói là không cần thiết! Ông cũng nhắc lại đoạn đời học hành, công việc như trong bài viết của GS Nguyễn Văn Hoàn trên Hồn Việt số 29 (11/2009).

Ông nói đại ý: tôi đem tài năng phụng sự cách mạng, hiến cho cách mạng hai tòa nhà, từ chối vinh hoa phú quý; đồng cam cộng khổ đi theo Cụ Hồ! Tôi từng cắp cặp đi theo chị Nguyễn Thị Chiên (anh hùng lực lượng vũ trang) tại hội nghị Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới Budapest (Hungary). Ông nói, năm 1957, ông bị xử trí là vì ông đã nói thẳng nói thật, nhưng nói không đúng lúc. Những điều ông nói bây giờ (năm 1990) vẫn đúng, không có điều gì phải ân hận cả.

Hơn một tiếng đồng hồ, cả phòng họp im lặng chăm chú theo dõi, bỗng vỡ òa đứng dậy vỗ tay khi luật sư Tường kết thúc buổi nói chuyện. Khi ông ra về mọi người đi theo tiễn chân lưu luyến. Nhìn dáng vẻ cụ già trí thức danh tiếng một thời lên chiếc xe đạp tập tàng ra về trong tôi ngậm ngùi day dứt. Trộm nghĩ: chính sách và những ứng xử của mình (“mình” có nội hàm là nhân dân, là cách mạng, là tổ chức, là con người chèo lái vận mệnh đất nước) với trí thức với hiền tài có lúc, có khi còn bất cập.

Xúc động khi đọc những bài viết trên Hồn Việt (11/2009) chiêu tuyết cho luật sư Nguyễn Mạnh Tường, tôi viết mấy dòng hồi ức này như để thắp một nén nhang tưởng niệm một nhà trí thức lớn yêu nước, trước sau son sắt thủy chung với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Có lẽ, Hà Nội nên dành một tên đường cho người trí thức yêu nước ấy.

Sau nữa, để được trải lòng với Hồn Việt, người bạn tâm giao gần gũi lúc tuổi già. Mong được cung cấp thêm một vài chi tiết và cuộc đời sôi nổi, thăng trầm của một con người đáng ngưỡng mộ với quý báo.

(Nguyên giáo viên Ngữ văn THSP Hà Nam Ninh)


Bài liên quan:

TÔ NGỌC BẢO