Đầu tháng 11/2009, Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II cùng chồng là Hoàng thân Henris đến thăm Việt Nam. Trong buổi tiếp Nữ hoàng và Hoàng thân sáng 2/11/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nhắc đến những ngày Hoàng thân Henris ở đường Phan Đình Phùng - Hà Nội. Đó là những năm tháng ấu thơ, Hoàng thân Henris được sống và học tập ở Việt Nam.
Gia đình Bá tước De Monpezar ở BỜ DẠ - Thái Nguyên
Trên vùng đất trung du màu mỡ của Thái Nguyên, nhân dân vẫn nhắc đến đồn điền của một người Pháp mang tên Việt Nam: BỜ DẠ. Những người già vẫn không quên “gia đình ông Tây” hiền hòa, có tâm tốt lành với nông dân. Thực ra BỜ DẠ không phải là một địa danh trên bản đồ Thái Nguyên. BỜ DẠ là tên một đồn điền do một người Pháp làm chủ, đó là nhà quý tộc thuộc dòng họ De Monpezar. Bà con nông dân gọi theo cách của mình, từ hai chữ cuối “Pơ – da” thành BỜ DẠ.
Bá tước Monpezar sinh năm 1868 ở Télence ngoại ô Bordeaux (Pháp) – một vùng nho lớn với dòng rượu vang ngọt ngào. Ông học trung học rồi đại học Paris. Năm 1892, ở tuổi 24, ông và gia đình sang Đông Dương, sống ở Hà Nội và mất ở Hà Nội năm 1929. Gia đình ông chỉ đem trái tim về Pháp còn thân thể ông mãi mãi ở Việt Nam.
Bá tước thích kinh doanh và làm chính trị. Ông tham gia Hội đồng thuộc địa, tiến hành cải cách kinh tế ở Đông Dương, mở các cơ sở kinh doanh công nghiệp, nông nghiệp và đồn điền BỜ DẠ ra đời vào dịp đó. Đầu những năm 1920, ông xuất bản tờ báo La Volonte Indochinoise (Ý chí Đông Dương) và sau chiến tranh đổi thành tờ L’Entente (Hòa hợp) – là một trong những tờ báo lớn của Hà Nội.
Cháu nội ông – Hoàng thái tử Henris đánh giá về tờ báo: “Qua tờ báo này, ông châm biếm, ông tấn công, ông vạch các sai phạm…, ông phơi bày những vi phạm của bộ máy hành chính và chính trị mà chính ông cũng có tên trong đó”. Vào 1930, có một thanh niên Việt Nam cộng tác với tờ báo. Đó là một người dong dỏng cao, mặt trầm tĩnh tên Phạm Văn Đồng (sau này là Thủ tướng Việt Nam). Trong hai năm làm việc ở đây, thanh niên Phạm Văn Đồng hay chơi đùa với cháu nội của Bá tước: chú bé Henris De Monpezar chừng 4 tuổi. Chú bé ấy bây giờ là Công tước Đan Mạch, chồng của Nữ Hoàng Margrethe II.
Hoàng thân Đan Mạch và Hà Nội…
Henris De Laborde De Monpezar sinh ngày 11/6/1934 ở lâu đài Haut Brion, Talen ce, Bordeaux trong ngôi nhà của bà ngoại gần những cánh đồng nho. Vài ngày sau đó, Henris được mẹ bế lên tàu sang Việt Nam. Cả gia đình Henris sống trong một căn nhà ở phố Carno – sau này là phố Cửa Bắc và bây giờ là đường Phan Đình Phùng, Hà Nội.
Chị gái, em gái và Henris được một người vú nuôi Việt Nam tên “chị Hai” chăm sóc. Chị Hai đưa ba đứa bé đi chơi Hồ Tây đầy hoa sen, đi lễ chùa, ăn phở gánh… Chị Hai gắn bó với gia đình Henris như ruột thịt và ba đứa trẻ gắn bó với phong tục, tập quán Việt Nam, nói sõi tiếng Việt nhờ sự dạy dỗ tận tình của chị Hai.

Gia đình Hoàng thân Henris, thăm lại căn nhà cũ tại 80 Phan Đình Phùng - Hà Nội.
Thế nhưng, lúc 5 tuổi, Henris được đưa về Pháp sống ở vườn nho Cayron vùng Sebas. Cậu khóc nức nở và nhất định không chịu rời Việt Nam bởi không thể xa chị Hai, Hồ Tây… và những món ăn thú vị.
Năm 1950, cùng với cậu em là Jason, Henris theo cha trở lại Hà Nội. Trên con tàu Marseillaise bồng bềnh suốt ba tháng trên biển, cậu bé Henris đã xác nhận: không nơi nào đẹp làm cậu bé yêu quý như Việt Nam. Đến Hà Nội, Henris vào học trường Albert Sarraut (đường Nguyễn Cảnh Chân ngày nay) với nhiều bạn học người Việt.
Lần này Henris theo cha mẹ đi nghỉ ở Tam Đảo, thăm Đà Nẵng, Nha Trang, Huế, Tây Ninh, Hải Phòng, Sài Gòn… Ở phía Nam, cậu không quên được khách sạn Continental – nơi dừng chân trước khi ra Hà Nội. Việt Nam để lại trong lòng cậu nhiều kỷ niệm đẹp hơn cả nước Pháp, quê hương mà cậu ít được đi du ngoạn.
Henris học xong hai tú tài khóa 1951 – 1952 thì trở về Pháp học đại học. Anh xác định: Việt Nam là tổ quốc thứ hai, Việt Nam là mối tình đầu của anh.
Henris viết: “Tôi từ biệt Việt Nam với một nỗi nhớ vô hạn… Tôi vẫn giữ hy vọng được quay trở lại Việt Nam”. Vì lòng nhớ nhung đó, trong gia đình anh luôn có những bữa ăn Việt Nam, do các đầu bếp từ Việt Nam sang.
Để thực hiện ước mơ trở lại Việt Nam, Henris thi vào Trường Ngôn ngữ Phương Đông. Anh sống trong tòa nhà “Đông Dương” nay là nhà “Việt Nam” trên đại lộ Jordan - nơi dành cho sinh viên Việt Nam, Lào, Campuchia… Anh chọn học tiếng Việt Nam và Trung Quốc để mong muốn góp phần hữu ích một khi trở lại Việt Nam.
Tháng 9/1958, Henris trở lại Việt Nam. Anh chưa có nghề cụ thể nhưng yêu thích sân khấu và ca nhạc. Henris chơi Piano ở một vài quán rượu (bar). Anh tham gia diễn hài kịch sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội với vở Bác sĩ Knok của Julet Romain, các trích đoạn của Musset…
Anh trở lại Sài Gòn phụ trách chương trình nhạc jazz của Đài phát thanh Sài Gòn với những chương trình được khán giả yêu thích. Henris có dịp đi thăm Phú Quốc, Quy Nhơn, Đà Lạt…
Năm 1962, Henris trở lại Pháp.
Năm 1965, anh tham gia công tác ngoại giao, được cử làm Bí thư thứ ba Đại sứ quán Pháp tại Luân Đôn. Và trong một buổi tiếp khách, Henris gặp công chúa Đan Mạch Margrethe. Họ yêu nhau và kết hôn tại lâu đài Fredenzborg tháng 6/1967. Ít lâu sau công chúa Đan Mạch được kế ngôi và trở thành Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II. Henris trở thành Công tước Đan Mạch, sống cùng vợ trong biệt thự ở Caix thuộc vùng Lot, ngoại ô thị trấn Luzech trên những ngọn đồi trải dài.
Hoàng thân Đan Mạch hạnh phúc cùng hai mối tình…
Henris hạnh phúc cùng hai mối tình của mình, nó gắn bó như là định mệnh của cuộc đời ông: Đó là những năm tháng ở Việt Nam và trở thành Hoàng thân Đan Mạch.
Là một vị Công tước nhưng ông không ngồi hưởng lạc mà tích cực tham gia vào công tác xã hội, từ thiện. Ông tham gia Hội chữ thập đỏ Đan Mạch, làm Chủ tịch Quỹ bảo vệ thiên nhiên và môi trường thế giới (WEF) của Đan Mạch… Ở cương vị Công tước Đan Mạch ông đã có dịp gặp gỡ, trò chuyện với W. Churchill, Charles de Gaulle, Mao Trạch Đông, Ti-tô, Nicolae Ceauşescu, Podgony, Gromyko… Song điều ông nhớ mãi là Việt Nam, nơi ông có thể nói chuyện với người dân bằng tiếng Việt.
Năm 1997, Công tước Henris đã dẫn đầu một đoàn hơn 50 doanh nhân Đan Mạch đến Việt Nam. Ông ủng hộ Việt Nam một số tiền vào quỹ môi trường. Ông gặp lại bạn bè, thăm trường cũ, thăm Hà Nội và giúp bạn học cũ đang gặp khó khăn.
Ông cho biết: “Có thể nói đó là lần tìm về tuổi thơ đầu tiên của tôi và lúc đó tôi cảm thấy “ngỡ ngàng”. Tôi nhận ra nhiều sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ ở đất nước của các bạn… Rõ ràng Việt Nam đang có sức sống mới”.
Tại cuộc hội thảo Việt Nam - Đan Mạch, Hoàng thân Henris đã kể lại những kỷ niệm về Việt Nam và động viên các doanh nhân Đan Mạch đầu tư vào Việt Nam - quê hương thứ hai của ông. Ông nhắc: “Có thể nói 15 năm trước đây không có công ty Đan Mạch nào có mặt ở Việt Nam. Nhưng từ khi Chính phủ Việt Nam tiến hành đổi mới thì quan hệ giữa Việt Nam và phần còn lại của thế giới đã phát triển nhanh chóng…
Nhiều nước đã quyết định tham gia vào quá trình phát triển của Việt Nam bằng nhiều hoạt động trợ giúp và đầu tư, Đan Mạch cũng nằm trong số đó… Chúng tôi muốn nâng quan hệ Đan Mạch - Việt Nam lên ngang tầm với tiềm năng của hai nước”.
Tháng 9/2003, Hoàng thân Henris lại đến Việt Nam với 26 nhà đầu tư Đan Mạch. Phó thủ tướng Việt Nam Vũ Khoan đã tiếp Hoàng thân và cùng các nhà doanh nghiệp Đan Mạch bàn bạc hợp tác đầu tư. Trong dịp này, Công tước Henris đã gợi ý các nhà doanh nghiệp hợp tác trên các lĩnh vực thực phẩm, thủy sản, năng lượng, xi măng, đóng tàu… Công tước Henris từng hiểu biết sâu sắc về Việt Nam đã đề nghị Đan Mạch vốn có kinh tế nông nghiệp tốt, cần giúp Việt Nam nâng cao sản lượng lúa và chế biến.
Đầu tháng 11/2009, Nữ hoàng Margrethe II và Hoàng thân Henris đã đến thăm Việt Nam, ký kết được nhiều hiệp định hợp tác giúp hai nước tăng cường tình hữu nghị giữa Đan Mạch và Việt Nam.
Mối tình đầu Việt Nam của Hoàng thân Henris đã giúp cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Đan Mạch ngày càng phát triển.